“La Chimera”: Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận
"La Chimera" là bộ phim về cuộc đào quật quá khứ, để rồi khi đào quật được lên, ta lại không nỡ để quá khứ bị trưng bày trong hiện tại.
Năm 1988, đạo diễn người Hy Lạp Theo Angelopoulos làm bộ phim Landscape in The Mist, trong đó có cảnh chiếc trực thăng trục vớt từ đáy biển một bàn tay bằng đá cẩm thạch khổng lồ – có lẽ là bộ phận của một tượng đài cổ vật Hy Lạp ngàn năm thất lạc giữa đại dương. Trong La Chimera, tác phẩm điện ảnh Italia của Alice Rohrwacher, có một cảnh như chuyện trò với cảnh phim ấy của Angelopoulos: chiếc cần cẩu kéo lên bức tượng cẩm thạch lớn tạc nữ thần Artume trong nền văn minh Etruscan tiền La Mã bên con sư tử của nàng – bức tượng toàn bích, chỉ khuyết đúng chiếc đầu nữ thần.
Ở cả hai cảnh phim, tàn tích mỹ diễm giấu mình của một nền văn minh huy hoàng đã lụi tắt bị bốc lên bởi những công cụ biểu tượng cho nền công nghiệp hiện đại – một bên lộng lẫy mà yếu ớt, mong manh, dễ dàng bị đập vỡ, và vì sống trong bóng tối quá lâu nên lần đầu tiên thấy ánh Mặt trời sau bấy nhiêu năm, chúng hiện lên có vẻ gì xa xôi kỳ bí; một bên đầy sức mạnh, đầy quyền năng, một thứ quyền năng áp đặt, vũ lực, thô bạo, sục sạo vào những nơi tăm tối nhất và quyết không để yên cho những linh hồn đã an giấc ngàn thu.
Ở cả hai bộ phim, đều có ai đó đi tìm một ai đó. Trong bộ phim của Angelopoulos, hai đứa trẻ đi tìm cha, một người cha dường như không có thật – chúng chưa từng gặp ông, chúng bỏ nhà ra đi để tìm ông mà không có manh mối nào ngoài việc ông đang lưu lạc ở Đức. Trong bộ phim của nữ đạo diễn trẻ Alice Rohrwacher, Arthur – một nhà khảo cổ học từng bị tống giam vì tội đồng lõa trộm cổ vật – trên hành trình đi tìm những hầm mộ cổ chứa kho báu, anh đuổi theo bóng hình nàng Beniamina đã mất tích từ lâu, nàng dường như có đấy mà cũng không có đấy, chỉ thoáng lên trong những giấc mơ ngắn ngủi đã khuất xa. Những con người mất tích này – người cha trong Landscape in The Mist hay người tình trong La Chimera – cũng giống như những cổ vật lịch sử đã bị thời gian vùi lấp vào lòng đất, từ chối không cho ta chiêm ngưỡng.
La Chimera là bộ phim về cuộc đào quật quá khứ, để rồi khi đào quật được lên, ta lại không nỡ để quá khứ bị trưng bày trong hiện tại. Bởi vì cái đã ra đi cùng những thời đại cổ xưa rạng rỡ ấy là khả năng biết quy phục trước cái thiêng liêng vĩ đại: những vị thần, những giấc mơ, sự vinh hiển của nghệ thuật, minh triết của cái đẹp, của tình yêu. Thế giới ngày nay đã hết thiêng. Tượng thần không còn để quỳ rạp xuống cúi lạy hay thờ phụng, không còn để dẫn dắt con người ta qua thế giới bên kia, tượng thần trở thành thứ được săn lùng bởi đám trộm mộ, những nhà sưu tập giàu có, những bảo tàng quốc gia. Tượng thần bị đem ra định giá. Con người hiện đại đã tê liệt khả năng biết sùng kính và sợ hãi trước cái đẹp và cái linh thánh.
Giữa những kẻ báng bổ ấy, Arthur được trời phú cho năng lực ngoại cảm giúp anh cảm nhận được vị trí những hầm mộ cổ. Hay nói cách khác, anh có một con mắt thứ ba thấy được cái người thường không thấy được. Duy điều đó đã đủ biến anh thành một kẻ điên. Anh không ngừng đuổi theo quá khứ – những di tích của triều đại cổ xưa và những di tích của tình yêu đã thành dĩ vãng – đó là những sinh vật huyền thoại “chimera” mà ta chỉ có thể thoáng thấy nhưng không thể đoạt lấy. Ta ngỡ rằng trong cái thế giới đã được soi sáng từng ngóc ngách bởi lí trí, khoa học và những phát minh này, còn ai tin vào những quái thú đầu dê, thân sư tử, đuôi rồng như chimera? Đó chẳng phải chỉ là chuyện bịa tạc hư cấu trong sử thi và cổ tích?
Nhưng chimera vẫn còn đó, trong những hóa thân khác. Không còn những sân khấu công cộng cho chimera phô bày vẻ lộng lẫy, chimera biến thành những giấc mơ không thành, những giấc mơ phù hoa về quá khứ đã xa – chúng ẩn nấp trong hầm mộ tối om, sũng nước, đã bị chôn vùi, đã bị quên lãng, từ chối mắt trần, trong cơn mộng mị, trong mong mỏi thầm kín của con người, và vẫn hiện về ám ảnh khôn nguôi khi ta không canh chừng. Cảnh phim đẹp nhất của La Chimera chắc chắn là khi bức tượng hiện ra như thánh hiển linh trong bóng đêm ẩm ướt, con người đốt một cây nến để nhìn thần cho rõ: thần sáng ngời, tinh khiết, không vướng ô trọc và bỗng nhiên cả thước phim bừng lên như một thâm cung huyền hoặc.
Chuyển động trong La Chimera chia thành hai hướng: phương ngang và phương dọc. Khi người bạn của Arthur dùng tay bẻ cổ nữ thần, anh ta đưa tay theo phương ngang. Khi Arthur ném đầu thần xuống biển để không ai còn có thể diện nhan thần, đầu thần rơi xuống nước là rơi theo phương thẳng đứng – một cú rơi thẳng tắp, chìm vào làn nước, va vào thềm cát đại dương, cát bắn tung mù làm đầu thần trở lại trạng thái không hiện diện. Phương ngang cùng chiều với màn hình ngang của điện ảnh, hay nói cách khác, là phương của thực tại. Phương dọc vuông góc, là sự xé bỏ hiện thực để đi vào một chiều không khác, xé rạch thực tại, dù chỉ trong thoáng chốc.
Và trong một giấc mộng của Arthur, khi anh lạc lối trong mê cung hầm mộ, anh đã nhìn thấy một lỗ nhỏ nơi một sợi chỉ đỏ vướng vào, anh kéo sợi chỉ đỏ ấy – hành động kéo diễn ra theo phương thẳng đứng – sợi chỉ tuột ra từ chiếc váy nàng Beniamina đang mặc. Trong La Chimera, Arthur có hai mối tình: nàng Beniamina không còn dấu vết – có người bảo nàng đã mất tích và có người bảo nàng đã chết; và Italia, một phụ nữ đơn thân làm công cho gia đình Beniamina. Mối tình với Italia thuộc về cõi hiện tại, cõi trần ai. Mối tình với Beniamina thuộc về cõi ký ức, cõi siêu hình. Không thể nhìn thấy mối tình ấy bằng mắt trần hay bằng phương cách thông thường, mà phải bằng một sợi chỉ mong manh nhưng đủ để xuyên qua các thế giới và len vào thực tại.
Cảnh phim đó, Beniamina và Arthur bị ngăn cách bởi mặt đất: Arthur dưới một mộ cổ sập đường ra, và Beniamina ở bên kia, trong thiên đường kỷ niệm tràn trề ánh sáng. Sợi chỉ nối liền hai thế giới sáng/tối ấy – một sợi chỉ mong manh đến mức tưởng như có thể đứt lìa bất cứ lúc nào, nhưng đồng thời, hy vọng duy nhất để tương ngộ nằm trong tạo vật mong manh này. Beniamina và Arthur, mỗi người một đầu chỉ đỏ, không thấy nhau, cũng như Arthur và đầu thần – một kẻ ở trên cạn, một người ở dưới nước, nhưng chính trong sự không sở hữu và chiếm đoạt, trong sự không hiện diện ở cùng một khuôn hình, mà ta biết có dấu vết của một điều gì thiêng liêng.
Nàng Beniamina là một cổ vật của tình yêu, và nàng làm ta nghĩ đến hồn ma bóng quế người Chiêm nữ trong những bài thơ Chế Lan Viên viết trong tập Điêu tàn về một Chiêm quốc u sầu đã không còn lại gì ngoài những thành quách trống không:
Mộng tàn rồi! Bóng người Chiêm nữ ấy
Biết tìm đâu, lòng hỡi, dưới trăng ngà!
Trên trời cao giòng Ngân kia lặng chảy
Thấy cùng chăng tha thiết bóng xiêm qua?
Người mộng nữ ấy, cũng như những chiếc bình, những bức tượng đã bị chôn vùi trăm năm ngàn năm, quá đẹp để có thể mãi mãi cất giữ làm của riêng. Nhưng những kẻ mơ mộng thì vẫn cứ là những kẻ mơ mộng. Arthur vẫn sẽ đi tìm Beniamina, kể cả khi điều đó có nghĩa là anh sẽ phải tiếp tục đi vào những hầm mộ cổ, nghĩa là anh có thể một lần nữa bị còng tay, hoặc tồi tệ hơn, bị giam hãm nơi thời gian phong kín, nơi có thể sập xuống và nhốt anh vĩnh viễn trong những huy hoàng đã bị lãng quên. Dẫu sao, hẳn đó là nơi tốt nhất mà anh có thể tưởng tượng cho một kẻ như anh, một kẻ với “Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận / Cả Tương Lai là chuỗi huyệt chưa thành / Và Hiện Tại, biết cùng chăng hỡi bạn / Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh!1”□
————————————————————
1Bộ phim La Chimera, từng được chọn tranh giải Cành Cọ Vàng tại Cannes 2023, đang được trình chiếu tại Liên hoan phim Italia 2024 do Đại sứ quán Italia tại Việt Nam kết hợp Liên hoan phim Châu Á tại Roma tổ chức, diễn ra từ ngày 23-28/9 tại Hà Nội.
Trích bài “Những nấm mồ”, tập Điêu Tàn, Chế Lan Viên
Bài đăng Tia Sáng số 18/2024