La fille: Hãy viết đi, phụ nữ! Dù tiểu thuyết là giống đực

Có câu hỏi đặt ra thế này “Những người phụ nữ có cần phải viết văn”?

Trong tiểu luận ngắn Cái đầu của Medusa được xuất bản sau khi mất, Sigmund Freud từng lý giải truyền thuyết Hy Lạp về chiếc đầu của Medusa như là sự phản chiếu nỗi lo sợ bị thiến (castration anxiety) của nam giới khi nhận ra rằng phụ nữ không hề có dương vật. Mái tóc được tạo nên từ những con rắn của Medusa khiến kẻ chứng kiến bị hóa đá, và theo Freud, nó tương ứng với trải nghiệm của một cậu bé trai khi lần đầu tiên nhận ra bộ phận sinh dục của người mẹ không hề giống mình. Đến thập niên 70, nhà phê bình theo chủ nghĩa nữ quyền nổi tiếng Hélène Cisoux, người thành lập khoa nghiên cứu về phụ nữ đầu tiên ở các trường đại học châu Âu, đã phát triển thêm về câu chuyện Medusa trong tiểu luận Tiếng cười của Medusa. Theo đó, bà tin rằng cái đầu Medusa là hiện thân của nỗi sợ nơi những người đàn ông, nỗi sợ rằng một ngày nào đó họ có thể bị biến thành phụ nữ, và việc người anh hùng Perseus chặt đầu Medusa tượng trưng cho cách mà chế độ nam trị đã luôn tìm cách bịt miệng những người phụ nữ, tắt tiếng họ, biến họ thành câm. 

Kể về cuộc đời một người phụ nữ mang cái tên đàn ông, Laurence, từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi trở thành người mẹ của một đứa con gái, La fille (Con gái, theo bản dịch của dịch giả J.B do NXB Phụ Nữ ấn hành) của nữ văn sĩ người Pháp Camille Laurens – người từng giành giải Prix Femina và là thành viên của hội đồng chấm giải Goncourt – là một bài thơ truy đến tận cùng về nỗi ám ảnh của việc thiếu đi một cái “vòi” chĩa ra nằm giữa hai chân, về việc phụ nữ chỉ có nghĩa là một người đàn ông khiếm khuyết, về việc ngay từ tên gọi “fille” (con gái) đã khác với “fils” (con trai) ở âm “e” câm. 

Lại là một tiểu thuyết nữ quyền nữa ư? Phụ nữ đấu tranh thế vẫn chưa đủ sao? Họ còn muốn gì nữa? Đó có thể là những băn khoăn mà một số người đặt ra khi đọc giới thiệu về cuốn sách này. Nhưng đúng, vẫn còn phải chiến đấu, khi mà viết văn với những người phụ nữ giống như là rút ra chính thanh kiếm đã đâm lút vào mình để làm vũ khí bảo vệ cho bản thân – bởi toàn bộ các ngôn ngữ phương Tây đều bị thống trị bởi đàn ông, đều được cấu thành từ chủ nghĩa duy dương vật luận (phallocentrism, một từ được triết gia Jacques Derrida đặt ra), và sự bá quyền của ngôn ngữ trọng nam đã ngầm dựng nên cấu trúc xã hội như ta đã quen thuộc suốt bao đời. “Con gái chỉ có một mục trong từ điển [fille], thằng bé thì có tới hai [fils hoặc garçon]. Hiện tượng sẽ lặp lại theo thời gian: khi trưởng thành, con trở thành “một người đàn bà” [femme], và nếu có, là “vợ của…” [cũng là femme]. Đó là từ duy nhất đề cập về con và không bao giờ ngừng nhấn mạnh sự trói buộc, nó luôn gắn kết con với ai đó (như là cha mẹ con, chồng con) trong khi một gã đàn ông được hiện diện trong chính bản thân hắn, sau này ngữ pháp sẽ cắt nghĩa con hiểu…”, trích một đoạn trong cuốn tiểu thuyết tự truyện của Camille Laurens.

Văn chương của Camille Laurens là một tấm vải với bao đường nét thêu thùa lộng lẫy. Bà yêu những câu văn và những trò chơi chữ mở ra mênh mông liên tưởng, yêu thứ văn phong được khảm bằng những chiếc cài áo làm bằng âm nhạc và thơ ca – thế giới trong mắt bà như vẫn còn vương vất lại một chút hậu kỳ cổ tích, dù là thứ cổ tích đã bị nứt vỏ, xây xát, lột trần. 

Đó chỉ là một trong rất nhiều những chi tiết khi Laurens tìm cách vén màn thế giới từ vựng đã được tạo dựng để xếp giống cái và giống đực vào đúng chỗ của chúng: là “giới tính” với gốc từ Latin “secare” nghĩa là cắt, xẻ, chia, như hàm ý phải cắt dương vật để biến đàn ông thành đàn bà; là  “điên loạn” [hystérique] bắt nguồn từ “tử cung” [hustera / úteros]; là tâm thần [lunatic] liên quan tới mặt trăng [luna] mà mặt trăng kết nối một cách bí ẩn với kinh nguyệt của người đàn bà; là “phôi thai” [embryon], “thai nhi” [foetus], “em bé” [bébé] đều mang giống đực – vì có ai không muốn sinh ra một cậu con trai?, và xét cho cùng Kinh thánh nói đàn bà chỉ là phần phụ của đàn ông, có khi tất cả chúng ta đều khởi thủy là con đực, vì tội lỗi mà một số bị xẻo thành con cái… Và nếu bạn tìm kiếm thêm những thông tin bên ngoài, thì số lượng danh từ giống đực trong tiếng Pháp nhiều khoảng gấp đôi số danh từ giống cái trong tiếng Pháp. Hay nói như Camille Laurens: “giống đực áp đảo giống cái”.

Và cũng như cái đầu Medusa được người hùng Petreus dâng tặng lên Athena để đặt trên khiên chắn bảo vệ vị nữ thần này – vị nữ thần của trí tuệ, và nên nhớ, suốt đời trinh bạch – những người phụ nữ trong tiểu thuyết Camille Laurens được truyền thống nam trị dạy để chống lại chính những đồng loại, để  tự căm ghét sự vô giá trị của chính mình, chỉ có tự ghê tởm mới là khiên chắn bảo vệ họ khỏi nguy cơ ô danh và đàng điếm. 

Một chi tiết thật nhỏ trong La fille, nhưng thật giàu ngụ ý, là khi cô bé Laurence tham gia một vở vũ kịch ballet, cô đóng vai con bươm bướm, nhưng rồi trước ánh mắt của bao khán giả, đôi cánh của cô bị móc vào đôi cánh của một người bạn, và rồi chúng húc vào nhau như hai con sơn dương húc nhau bằng cặp sừng uốn lượn, và đó là lần đầu tiên cô biết về “cái nhìn của nam giới”, rằng cô sẽ mãi luôn chỉ tồn tại trong cái nhìn của họ, trong sự phán xét của họ, trong tiếng cười khúc khích và soi mói của họ, nhưng tồi tệ hơn, cô cũng sẽ mãi sống trong sự phán xét đầy tủi hổ của chính cô. Và dù thế nào thì bọn con gái cũng sẽ luôn tự thấy cơ thể chúng hư hỏng – Laurence chán ghét bản thân vì kinh nguyệt đến muộn và bị đối xử như em bé, thế mà bạn thân của cô là Jeannine lại chán ghét bản thân vì hằng tháng đều chảy máu như thể tháng nào cũng ngã xe đạp, cô bé tuyệt thực đến chết chỉ để được tắt kinh. Chúng được dạy rằng bản chất giống cái luôn là một cỗ máy có vấn đề. 

Dù cũng theo đuổi thể loại autofiction (tạm hiểu là hư cấu tự truyện) giống như Annie Ernaux, nhưng nếu như Annie Ernaux thật lạnh lùng, thật gọn ghẽ, tước bỏ khỏi văn chương những gì đại diện cho cái đẹp của văn chương  – như những ẩn dụ, những tượng trưng, thì trái lại, văn chương của Camille Laurens là một tấm vải với bao đường nét thêu thùa lộng lẫy. Bà yêu những câu văn và những trò chơi chữ mở ra mênh mông liên tưởng, yêu thứ văn phong được khảm bằng những chiếc cài áo làm bằng âm nhạc và thơ ca – thế giới trong mắt bà như vẫn còn vương vất lại một chút hậu kỳ cổ tích, dù là thứ cổ tích đã bị nứt vỏ, xây xát, lột trần. 

Điều vô cùng thú vị ở La fille là ngôi kể. Ngôi kể dịch chuyển liên tục – khi là ngôi thứ hai trong giây phút Laurence ngấp nghé nơi lằn ranh giữa tử cung người mẹ và thế giới, khi là ngôi thứ nhất khi Laurence đã bắt đầu tri nhận thế giới và có những ký ức đầu tiên, thế rồi cuốn sách lại đột ngột chuyển sang ngôi thứ ba sau sự cố trên sân khấu khiến Laurence khám phá ra rằng sự hiện hữu của mình bị quyết định bởi cái nhìn người khác, rằng mình không bao giờ có thể chỉ tồn tại như chỉ là mình mà luôn chỉ là một bóng phản chiếu trong gương cần được nhìn thấy để được chứng thực, rằng mình luôn sống ngoài cuộc đời bản thân, đến những chương cuối khi Laurence trở thành một người mẹ, tác phẩm lại trở về ngôi thứ hai như một người phụ nữ đang tự biên thơ cho chính bản thân cô. 

Trong ba ngôi kể, ngôi thứ nhất chiếm thời lượng ngắn nhất, chỉ hai lần – một là thời ấu thơ ngây dại và hai là trải nghiệm đầu đời về tình dục và phá thai – phải chăng một cô gái chỉ có thể là chính họ hai lần trong đời, khi còn quá trong sáng để hiểu được thế giới, và khi bị thôi thúc bởi nỗi tò mò về khoái cảm để rồi bị trừng phạt bằng nỗi đau khôn thấu? Phần còn lại, Laurence không nhìn trực diện bằng ngôi thứ nhất, cô không thể đối diện thẳng thừng và chỉ kể qua một chiếc gương. Cô sợ gì, sợ bị hóa đá ư?

Phải, có lẽ, không chỉ có những người đàn ông nhìn thấy cái đầu Medusa mới bị hóa đá vì nỗi sợ hãi phải làm đàn bà. Mà cả những cô gái cũng sẽ hóa đá khi nhận ra làm đàn bà chính là như thế. Nhưng cách duy nhất để hóa giải được lời nguyền của Medusa, đó là hãy nhìn vào Medusa, nhìn thẳng vào, “Bạn chỉ cần nhìn thẳng vào Medusa. Cô ấy không gây chết người. Cô ấy chỉ đơn giản là xinh đẹp và đang cười”, Cisoux viết trong cuốn tiểu luận của mình (bà cũng xuất hiện thoáng qua trong một đoạn của La fille).

Hay nói cách khác, những người đàn bà hãy viết, hãy viết dù cho ngôn ngữ không đứng về phía giống cái. Hãy kể lại chân thật câu chuyện của mình bất chấp mọi sự khiếm khuyết và thiên vị của từ vựng. Hãy kể truyện dù cho livre (sách) là giống đực, mà roman (tiểu thuyết) cũng là giống đực. □

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)