Là Giấy Dó

Tôi đã từng đến làng Dương Ổ trên Hà Bắc để xem làm giấy Dó. Cũng định bụng vẽ bằng chất liệu này nhưng suy đi tính lại thấy tạng mình không hợp với giấy Dó, không có duyên với giấy Dó, không có duyên với ướt khô, khô ướt, loè nhoè. Mỗi chất liệu đều có tính của nó, tạng tính của nó. Mỗi nghệ sỹ đều có tạng tính của mình, tạng chất của mình, tạng chất liệu của mình. Nguyễn Phan Chánh, Trần Đông Lương, Mai Long  là tạng lụa, Bùi Xuân Phái là tạng sơn dầu, Nguyễn Tư Nghiêm là tạng màu bột, Kim Đồng là tạng sơn mài v.v. LTC

Xem triển lãm nghệ thuật “Dó” Việt đương đại lần thứ nhất thì thấy giấy Dó cũng khó tính.
Mấy bức của Lý Sơn, mới so với anh nhưng người xem vẫn thèm cái thời kỳ Vân dại hồi những năm Tám mươi của Sơn. Lần này anh trưng những tranh mới vẽ,  không phải màu nước mà là màu tự chế, màu tự nhiên, tự làm bằng vỏ cây, nước trà, đất cát gì đó. Những màu này không định được hoàn toàn theo chủ quan của hoạ sỹ, nó hợp với, kết hợp với chất Dó của giấy Dó để xanh không xanh, đỏ không đỏ, tất cả đều âm âm, ương ương, tai tái, nhờn nhợt. Tạo cảm giác thú vị về kỹ thuật.

Lương Xuân Đoàn hợp với màu nước, hợp đến mức, giả sử Đoàn mà vẽ sơn dầu trên toan thì chắc là xấu lắm. Thế mà giấy Dó thì quá hợp với màu nước.

Đoàn với Dó là hai người tìm được nhau. Tri âm tri kỷ, cả hai đều “ yếu đuối” mềm mỏng, dịu dàng, điệu đàng, mơ màng.

Nguyễn Quân, đợt này thích cái mỹ cảm tương phản của mực nho trên giấy Dó, đen trong trên màu giấy gạo nếp đùng đục của Dó. Cái màu ngà gạo nếp này cũng là một đặc trưng của giấy Dó. Mấy bức tranh lần này của Nguyễn Quân không thấy tận dụng ưu thế nhoè của giấy Dó.

Phan Cẩm Thượng tham gia triển lãm bằng mấy bức trừu tượng, khác hẳn với những gì anh làm trước đây với giấy Dó như những bộ tranh khắc gỗ rồi in bằng mực đen trên giấy Dó mà mọi người đã biết. Lần này anh không in, không khắc thậm chí không “vẽ” mà nhuộm giấy Dó bằng những mảng phẳng kỷ hà, những hình tam giác, những góc nhọn vài hình thang, vuông.

Đậm nhạt ít chuyển, lù mù, lờ mờ, ẩn hiện những sợi Dó thô xốp của loại giấy Dó cố tình ngâm ủ không kỹ hoặc xeo dối. Cái mù mờ này trở nên huyền ảo có thể là do như vậy chăng? Nó gợi nhớ đến ánh sáng trong chùa, om om hương khói, lù mù, u uẩn.

So với mấy hoạ sỹ nêu trên thì Nguyễn Xuân Tiệp có một điểm khác, Tiệp chỉ vẽ giấy Dó, có đôi lần Tiệp trưng sơn dầu nhưng ngay cả khi vẽ sơn thì trông vẫn như giấy Dó. Tranh giấy Dó của Nguyễn Xuân Tiệp nhiều độ chuyển của màu, nhiều màu nhưng lại là ít màu do quá trình nhoè, tan, chảy. Tiệp rất “mả” với kỹ thuật này. Nếu mỗi chất liệu chọn một người thành công thì Tiệp sẽ cầm cờ trong chất liệu giấy Dó.

Sỹ Bạch là hoạ sỹ, tốt nghiệp trường lớp nghiêm chỉnh, gia đình truyền thống mỹ thuật nhưng anh lại không làm hoạ sỹ chuyên nghiệp, chính vậy mà ở những bức tranh của anh, khoan hãy nói đến xấu đẹp, người xem thấy dễ chịu vì không thấy sự nỗ lực, cố gắng, không bị căng không bị cảm giác quyết liệt, tận cùng, nghiêm trọng như khi xem tranh của Nguyễn Xuân Tiệp.


Tranh Đinh Thị Thắm Poong

Tranh của Nguyễn Văn Cường, Dương Việt Nam và nhất là Phạm Viết Hồng Lam, đẹp nhưng lại không còn là tranh giấy Dó nữa.

Chất liệu nào ngôn ngữ đó, không theo tiêu chí này cũng không sao nhưng chắc hẳn điều đó không phải là mục đích của cuộc triển lãm nghệ thuật “Dó” Việt Nam đương đại. Dẫu gì, đây cũng là một triển lãm thành công vì nó là lần đầu tiên nhưng cũng chính vì là lần đầu nên vài tác giả rất quan trọng khác lại không có mặt trong triển lãm này (Trương Tân, Minh Thành, Đinh Thắm Poong, Lê Quốc Việt). Đó là một điều tiếc nhỏ trong một triển lãm lớn.
 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)