La Jetée (1962): Đi tìm bến đỗ thời gian

Khi dùng những bức ảnh tĩnh để kể câu chuyện về chiến tranh hạt nhân và du hành thời gian, phim ngắn La Jetée (1962) đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng sau này, đồng thời chất vấn yếu tính của ngôn ngữ điện ảnh.

Poster phim La Jetée. Nguồn: Criterion Collection

Một sử thi và một chuyện tình

Năm 1962, nước Pháp buộc phải trao trả độc lập cho Algeria, để khép lại nhiều thập kỷ chìm trong Thế chiến I, Thế chiến II và các cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa. Khi lang thang trên đường phố Paris để phỏng vấn dân chúng về bước ngoặt này, đạo diễn Chris Marker nhận ra mình đang đứng trước ngã tư của lịch sử – nơi người Pháp vừa tận hưởng một thời khắc hòa bình hiếm hoi, vừa băn khoăn về những mâu thuẫn giai cấp, tôn giáo và sắc tộc đang sẵn sàng châm ngòi cho một cuộc chiến mới. Trong những ngày nghỉ của đoàn làm phim tài liệu, Marker chụp ảnh thành phố, rồi thử viết cốt truyện nhằm xâu chuỗi các bức ảnh thành một bộ phim.1 La Jetée (tạm dịch: Bến đỗ), bộ phim truyện hầu như chỉ có ảnh chụp của ông, rốt cuộc đã đoạt Giải thưởng Jean Vigo cho hạng mục phim ngắn vào năm 1962, và trở thành một trong những nguồn cảm hứng quan trọng cho dòng phim ảnh, tiểu thuyết cyberpunk xuất hiện sau đó một thập kỷ.

Bộ phim đưa khán giả đến một tương lai giả định, khi Chiến tranh Lạnh đã châm ngòi cho Thế chiến III, và Trái đất bị thiêu đốt bởi những vụ nổ hạt nhân. Để sống sót, cư dân Paris chuyển xuống sống dưới cống ngầm – nơi những người tin rằng mình đã thắng cuộc chiến tranh trở thành cai ngục của những người bại trận. Khi lương thực cạn dần, các cai ngục quyết định nghiên cứu công nghệ du hành thời gian, để gửi sứ giả đến cầu cứu nhân loại trong tương lai. Nhưng khi họ làm thí nghiệm, đa số tù nhân chỉ thiệt mạng hoặc phát điên khi được gửi đến tương lai hay quá khứ.

Các thí nghiệm thất bại cho thấy chỉ có một loại người chịu được sức ép của du hành thời gian: những kẻ không sống trong hiện tại, mà luôn mơ về một thời điểm trong dĩ vãng. Sau khi cử cảnh sát mật do thám những giấc mơ của tù nhân, các cai ngục đã chọn được một nhà du hành thời gian hoàn hảo. Đó là một người đàn ông khắc ghi hình ảnh cuối cùng mà mình thấy trước cuộc chiến: một cô gái lạ mặt đứng trong cảng hàng không, ngay trước khi một quả bom rơi xuống và thiêu cháy sân bay. Chọn hình ảnh này làm một bến đỗ an toàn, họ gửi anh về những ngày trước chiến tranh, để rồi anh làm quen cô gái và hẹn hò – một điều không có trong nhiệm vụ. 


Với thời lượng vỏn vẹn 30 phút, La Jetée kết hợp một phim tài liệu về hiện tại, một sử thi về chiến tranh hạt nhân và một chuyện tình, để cùng lúc khảo sát nhiều kiểu cảm nhận thời gian khác nhau khi nhân loại tuyệt vọng, hy vọng, yêu đương, ghi nhớ và lãng quên, ở cả cấp độ cá nhân lẫn tập thể. 

Từ đây, bộ phim khơi mở cái không khí ngưng đọng của một mối quan hệ yêu đương: những lúc bên nhau mà thời gian không trôi, những tương lai và quá khứ không còn chắc chắn, những ngày chờ đợi khi một người đột nhiên biến mất về tương lai, còn người kia phải làm quen, những con vật không tuổi được sấy khô rồi trưng bày trong bảo tàng mà họ chọn làm chỗ hẹn… Đứng giữa ba con đường: chạy trốn đến tương lai an toàn, bị cầm tù và hành quyết trong hiện tại, hay trở về bến đỗ thời gian – nơi có một người phụ nữ đang đợi và một cuộc chiến sắp đến – nhân vật chính đưa ra lựa chọn, để rồi biết được lý do anh ám ảnh về gương mặt cô.

Làm phim bằng hình ảnh tĩnh

Ngày nay, La Jetée thường được nhớ đến như một trường hợp đặc biệt của ngôn ngữ điện ảnh, trong đó người ta dùng các bức ảnh tĩnh thay vì hình ảnh động để xây dựng một bộ phim. Thử nghiệm táo bạo này vừa mang dấu ấn cá nhân của Chris Marker, vừa xuất phát từ bối cảnh Làn Sóng Mới của điện ảnh Pháp. 


Năm 1951, một nhóm các nhà phê bình ở Paris, nổi bật là André Bazin, đã thành lập tạp chí Cahiers du Cinéma để truyền bá một viễn kiến mới về điện ảnh. Họ tuyên bố rằng điện ảnh đang trở thành một môn nghệ thuật và một phương tiện biểu đạt mới của các nghệ sĩ, ngang hàng với hội hoạ và văn chương. Trên tinh thần đó, họ bác bỏ nhiều quy ước truyền thống của điện ảnh Pháp đương thời – nơi đạo diễn được xem như một công nhân chuyên nghiệp hơn là một người sáng tạo, và hầu hết các bộ phim được săn đón chỉ là bản chuyển thể của các tiểu thuyết nổi danh. Họ vinh danh những đạo diễn dùng phim để biểu đạt cái nhìn của mình về thế giới, để tham gia vào các biến động xã hội hoặc thử nghiệm hiện sinh, hay để làm giàu ngôn ngữ điện ảnh. Từ nửa sau thập niên 1950, được khuyến khích bởi sự ra đời của camera xách tay gọn nhẹ, nhiều cây bút phê bình của Cahiers du Cinéma như François Truffaut, Jean-Luc Godard, Claude Chabrol… bắt dầu tập tành làm phim để hiện thực hóa những chủ trương mà mình đề ra. Cái nhìn và tác phẩm của họ đã tạo nên Làn Sóng Mới của điện ảnh Pháp, và làm điện ảnh thế giới thay đổi vĩnh viễn.


Đạo diễn Andrei Tarkovsky xem điện ảnh như một môn “điêu khắc thời gian”, nơi đạo diễn nhìn ngắm khối thời gian của một đời người, đục bỏ mọi mẩu thừa thãi, chỉ để lại những khoảnh khắc tiết lộ một chân lý của đời sống hoặc hồn cốt của cá nhân. La Jetée, lấy chủ đề chính là thời gian, đã khéo léo nắm bắt những khoảnh khắc này bằng hình ảnh tĩnh.

Sau các cây bút của Cahiers du Cinéma (có tòa soạn đặt ở hữu ngạn sông Seine), Làn Sóng Mới dần thu hút thêm một nhóm tác giả tụ họp ở tả ngạn sông, trong khu phố nghệ sĩ Montparnasse. Nhờ môi trường nghệ thuật này, thay vì tập trung vào điện ảnh như nhóm hữu ngạn, nhóm tả ngạn mà Marker tham gia đã thoải mái hơn trong việc luân chuyển giữa các bộ môn khác nhau, cũng như việc kết hợp ngôn ngữ của văn chương và nghệ thuật tạo hình vào điện ảnh. Bối cảnh tự do này đã cho phép Chris Marker – một cựu sinh viên triết học, cựu lính dù trong Thế chiến II, phóng viên, nhiếp ảnh gia, nhà văn và nhà làm phim tài liệu – tận dụng mọi mảnh ghép trong tiểu sử của mình để xây dựng ngôn ngữ và nội dung của một bộ phim. Theo cách đó, La Jetée đã ra đời một phần từ điều kiện tài chính eo hẹp của Chris Marker – người phải thuê máy quay để làm phim – và phần khác từ những suy ngẫm của ông về bản chất của ngôn ngữ điện ảnh và nhiếp ảnh.

Trong tâm trí đa số khán giả, điện ảnh được đánh đồng với những hình ảnh động xuất phát từ camera. Tuy nhiên, những thước phim đầu tiên được camera ghi lại đã chỉ được dùng làm trò ảo thuật mua vui trong công viên, chứ không tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Điện ảnh chỉ trở thành nghệ thuật sau khi tiếp thu có chọn lọc những ảnh hưởng từ nhiều bộ môn khác: góc máy từ nhiếp ảnh, diễn xuất và bối cảnh từ sân khấu, bố cục từ hội họa, âm thanh và nhịp điệu từ âm nhạc, cốt truyện từ kịch và văn chương… Như thế, điện ảnh đã là một môn nghệ thuật đa phương tiện ngay từ đầu, và cốt lõi của điện ảnh không phải là những hình ảnh chuyển động.

Vậy đâu là yếu tính của điện ảnh? Vì thời lượng phim giới hạn là tấm toan của đạo diễn, trên đó mọi hình ảnh, âm thanh, diễn xuất… được bày ra, dường như thời gian là yếu tố tối quan trọng trong hình thức của một tác phẩm điện ảnh. Khán giả sống trong thời gian thực của một bộ phim, bởi các hình ảnh và âm thanh trong phim mang đến những trải nghiệm giác quan giống với đời thực hơn nhiều so với kịch hay tiểu thuyết. Do đó, đạo diễn Andrei Tarkovsky xem điện ảnh như một môn “điêu khắc thời gian”, nơi đạo diễn nhìn ngắm khối thời gian của một đời người, đục bỏ mọi mẩu thừa thãi, chỉ để lại những khoảnh khắc tiết lộ một chân lý của đời sống hoặc hồn cốt của cá nhân. La Jetée, lấy chủ đề chính là thời gian, đã khéo léo nắm bắt những khoảnh khắc này bằng hình ảnh tĩnh.

Trước hết, có thể thấy bộ phim xoay quanh một hình ảnh tĩnh: gương mặt người phụ nữ trên sân bay, trong cái khoảnh khắc hòa bình cuối cùng trước khi chiến tranh nổ ra. Từ một kỷ niệm thầm kín của cá nhân, “bức ảnh” trong tâm trí này đã bị dùng làm bến đỗ của chuyến du hành thời gian để cứu nhân loại. Khi đạo diễn quyết định làm phim bằng ảnh tĩnh thay vì ảnh động, ông đã biến mọi hình ảnh khác trong phim thành tiếng vọng của hình ảnh trung tâm. Ở đây, bộ phim đạt đến độ nhất quán cao giữa cốt truyện và phương thức biểu đạt.

Dù câu chuyện trên phim chỉ được thể hiện bằng ảnh tĩnh, khán giả đã liên tục theo dõi nó một cách hồi hộp, bởi nó thâu tóm những thời khắc quan trọng nhất trong đời sống của cả tập thể lẫn cá nhân. Với cá nhân, đó là một kỷ niệm gây ám ảnh, một tình yêu, một cuộc phiêu lưu và một án tử hình; với xã hội, đó là chiến tranh, sự tuyệt chủng toàn cầu, và bước nhảy công nghệ mang lại sự cứu rỗi. Cũng như các cốt truyện được cấu trúc bởi phần mở đầu, cao trào và kết thúc, cảm nhận về thời gian của con người được cấu trúc bởi sự sinh sản, cái chết và các xung đột leo thang. Hiểu rõ nguyên lý này, Chris Marker đã dùng nó để duy trì sự chú ý của khán giả; và trí tưởng tượng của những khán giả chăm chú theo dõi đã thổi hồn cho các hình ảnh tĩnh trong phim, giúp chúng có sức mạnh ngang với những hình ảnh động.

Và biết đâu chúng còn mạnh hơn ảnh động? Khi kể một câu chuyện khích động nỗi sợ, sự căng thẳng và hy vọng, những bức ảnh đen trắng bất động với độ tương phản cao có thể làm bùng nổ nhịp tim của khán giả còn nhanh hơn phim màu, vì người xem luôn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, hoặc điều gì đang xảy ra trong bóng tối đen đặc sau lưng nhân vật. Sự thay đổi sắc thái của nhạc nền và giọng kể cũng góp phần xây dựng một nhịp điệu chung cho bộ phim, qua đó gắn kết các bức ảnh tĩnh với nhau. Và sau cùng, cái kết được giấu kín của bộ phim giáng một cú choáng váng lên khán giả, buộc họ phải nhìn lại những cảnh mình đã xem ở một bề sâu triết lý.

Vì chọn phương tiện biểu đạt chính là ảnh tĩnh, và đặt một hình ảnh tĩnh ở vị trí trung tâm, La Jetée không đơn thuần là một bộ phim, mà nằm ở vùng giao thoa giữa điện ảnh và nhiếp ảnh. Nếu điện ảnh chắt lọc tinh chất của một đời sống và cho khán giả trải nghiệm nó trong thời gian thực, thì nhiếp ảnh thường đánh động cảm thức về quá khứ khi ghi lại một khoảnh khắc đã trôi qua. Những kỷ niệm, những sự thật lịch sử, những tư liệu khoa học – đó là những hiện thực đã trôi vào dĩ vãng mà nhiếp ảnh trình bày. Chris Marker, một nhiếp ảnh gia hoạt động liên tục cho đến năm 89 tuổi, chỉ hai năm trước khi ông qua đời, hẳn đã xem La Jetée như một phương tiện để suy ngẫm về những khoảnh khắc của xã hội và cá nhân mà nhiếp ảnh nên lưu giữ.□

• Nguồn tham khảo:

[1] https://www.filmcomment.com/article/marker-direct-an-interview-with-chris-marker

Bài đăng Tia Sáng số 7/2025

Tác giả

(Visited 175 times, 13 visits today)