Lá thư mùa xuân

“Năm ni ăn tết nơi mô?” Lạ, mỗi lần Tết đến, câu hỏi ấy cứ nhằm tôi mà vang lên, từ Huế cho đến Muenchen, người bên nớ hỏi, người bên ni cũng hỏi. Có lúc người hỏi bâng quơ vì không có chi để hỏi khi gặp mình. Nhưng cứ mỗi lần như thế tôi lại thấy mình khắc khoải giữa từng không.

Câu chuyện đi – về đã tưởng như thường, mà lại chẳng thường, cũng chỉ vì cái thời khắc gọi là “Tết” ấy.

Năm tháng tôi đi tôi về, mặc tôi, nhiều khi như cái bóng thoắt đi chợt đến, có nghiêng ngữa chòng chành thế giới chi mô.

Ấy vậy mà khi ngày tháng nghiêng dần, bồng binh thời gian đầy ắp tròn một năm, nghe đếm tháng mười, mười một, tháng chạp… bỗng nghe câu hỏi gấp như dồn chân. Mà đã tưởng câu hỏi quen thuộc là thế, lặp lại mỗi năm, thì câu trả lời phải thông thạo, trơn tru.

Nghe dễ mà không dễ, thường khi tôi ấm ớ bối rối không tìm ra câu, mà có, thì ngúc ngắc không ra kéo, rằng “chắc là ăn tết bên nớ” rồi ngần ngừ: “Chưa biết nơi! Có lẽ sẽ về ăn Tết bên ni”. Nhiều ánh mắt đã nhìn tôi ái ngại, cái tôi đứng đó cũng chao đảo bấp bênh. Cái tâm trạng không đóng đinh chiếc áo trên tường, vì người mang áo sẽ đi, sẽ về, nhấp nhô cơn sóng trùng khơi.

Vừa nghe chính mình nói “bên nớ”, ngọn gió vô danh đã gợn trong lòng, vẽ ra căn nhà ấm cúng, đã trở nên mái nhà thân thương ấy, đẹp lắm những giờ phút bên nhau nơi trời Tây xa xôi, nhưng hình như Tết là cái chi khác hơn. Hình như nó dính líu đến không gian, đến thiên nhiên cây cỏ, đến bầu trời, đến nắng, đến gió, mà con người không thể làm nên, cái khung hiện sinh ấy khi được chào đời, đã có sẵn, đã truyền đời… Cho nên đã mấy mươi năm ăn Tết ở Muenchen, thật ra không phải “ăn” mà hoá ra “nhớ”. Nhưng về Huế, ăn Tết thì quả có ăn Tết thiệt, ấy thế mà lại thiếu chút chi cái “nhớ Tết Huế” ở nơi Muenchen”, tuồng như cái nhớ đã mắc vào người, khó gỡ… Rứa là Huế- München cứ như tơ vò.

Nhìn như thế thì có phải tôi là người khổ nhất trên đời? Tôi không muốn than van. Con tôi sinh ở Muenchen, lúc bảy tuổi khi ngồi với tôi trên chiếc xích lô đạp từ Bạch Đằng lên Linh Mụ rồi đạp về, hai chiều đều dọc theo bờ sông Hương, bỗng nói với giọng con nít mà làm người lớn sửng sờ: “Làm răng mà sông Hương chảy qua thành phố Muenchen bên mình mạ hè”!!?

Hình như nó nghe rõ tiếng đập của tim tôi, nó nói rõ ý nghĩ của tôi. Lắm lúc tôi biết mình trở về Huế với rất nhiều lý do rõ rệt, như đi kiện mà nhiều người bảo “kiện của khoai” nhưng vẫn không mệt mỏi, chuyện ma chay cho người thân, chuyện chùa chiền, chuyện dạy học, lý do cụ thể lắm. Nhưng thiệt tình, khi lắng lòng mà hỏi, thì nguyên nhân của lần khân, không phải do những chuyện ấy, mà hình như …siêu hình…khó thấy. Chỉ biết đôi khi tưởng Muenchen thắng thế rồi, mà hoá ra thua,… thua cái bóng đang hối hả chạy ra phi trường… Không phải cái thời “nửa chuyến về Tết” ngày xưa ấy, mà ngay cả hôm nay…

Thì mới đó, mấy ngày trước tôi nhất quyết năm ni sẽ ăn Tết ở Muenchen, bộ tịch của tôi chắc nẩm, tỉnh bơ, lạnh lùng, khi rời Huế. Ấy thế mà vừa bước xuống phi trường Nội Bài (Hà Nội) để bay tiếp, tôi nghe mình nói trong điện thoại: “có lẽ… Tết… sẽ về…”

Trong đáy sâu của tiềm thức chữ “sẽ” ấy là “phải”; “sẽ” chỉ là lớp băng mỏng phủ trên mặt nước bên dưới còn xao những thôi thúc vô hình hầu như là tiền định.

“Phải” như một tương phản với mọi tự do chọn lựa đi về của tôi, như một thứ cuốn hút của từ trường trong lòng đất khiến mọi thứ rơi trở về với đất.

“Tết” là một tiếng vọng từ trong lòng đất sinh thành thoát ra, chập chờn như một nhắc nhở quay về của người xa quê. Có lẽ tính vô thường của thời gian, sự đổi thay cũ mới, sự hóa nhập từ đông sang xuân sẽ dễ dàng được chịu đựng, được cảm nhận vẹn toàn, được cảm khái hoan hỉ khi chúng xảy ra chính trong không gian sống của con người” (Thái Kim Lan). Không gian ấy, lòng đất ấy, giọt nắng trên thềm lấp lánh một sớm mai, gió quái một buổi chiều, dòng sông và bóng núi, vẫn còn đây, trong dòng vô thường, trong trăm năm giấc mộng mở mắt của đời người. Tiếng vọng ấy uyên nguyên như tiếng trẻ khóc từ nơi sinh thành, nơi giấc mộng bắt đầu, và cũng chính là thời điểm quay về. Tiếng vọng ấy cũ như trái đất và mới tinh khôi như ngày mồng một Tết. Nếu trăm năm trên cõi đời ngưòi có hai thời điểm quan trọng nhất là sinh và tử, thì ngày ba mươi Tết của năm cũ và mồng một Tết của năm mới là điểm nối tâm linh giữa người sống với người đã khuất, giữa con người với tổ tiên, với xã hội, với vũ trụ nhân sinh. Giây phút thiêng liêng tống cựu nghinh tân nồng ấm khí xuân là khởi đầu của hi vọng, của niềm tin dù biết rằng biến đổi là luật vô thường.

“Trần thế bách niên khai nhãn mộng
Hồng Sơn thiên lý ỷ lan tâm”
                Nguyễn Du

(Trăm năm trên trần thế là giấc mộng mở mắt
Núi Hồng nghìn dặm tựa lan can ngóng về)

Khi nắng chiếu bên thềm dù ta là cái bóng trên trần thế mộng mị phù du, nỗi thương tâm vẫn là rặng núi Hồng Lĩnh chốn quê nhà.

Tết là một thứ cũ kỹ của quê nhà, thứ cũ ấy ai ngờ nó ấp ủ cả hồn quê…mất nó ta mất nhiều hơn ta được muôn ngàn thứ khác.

Bạn tôi hỏi tôi ăn Tết như thế nào ở Huế, tôi viết:

20 Tết tụi em đi mua hoa, nhưng không đi những chợ hoa thành phố mà về vùng quê, vì em muốn mua hoa giấy ở các làng làm hoa giấy.

Muốn qua làng hoa giấy phải đi đò ngang từ bến Bao Vinh qua sông ở ngã Ba Sình. Đò cập bến đến Tiên Nộn. Ở Tiên Nộn có cái chợ nhỏ sát ngay bến đò. Cái chợ nhỏ xíu bằng bàn tay, tụi em vô chợ đi mua tôm cá, đều là tôm cá họ đánh từ sông lên, trả giá um sùm làm huyên náo cả chợ. Sau đó đi bộ hai cây số đến làng Thanh Tiên, mua hoa giấy đem về chưng Tết. Hoa giấy Thanh Tiên do các nhà nông dân làm từ xưa để cúng ông Táo và các trang thờ, cũng như cúng đêm ba mươi.

Những làng ở đây nằm bên ven sông, đất phù sa bồi lên thành những dãy ruộng gọi là biền, người dân dùng đất ấy để trồng hoa màu, quanh năm rau cải phơi phới xanh màu thiên nhiên. Đến mùa Tết thì họ trồng hoa để đem bán các chợ trên phố. Thường khi hết mùa gặt là lúc Tết sắp đến, họ không làm ngoài đồng thì ở nhà làm hoa giấy. Màu sắc của hoa giấy họ lấy từ cảm hứng sắc màu của những loài hoa mọc quanh vùng, các loài hoa vừa “dại” (hoa mọc hoang ở ven sông người Huế gọi là dại) vừa “khôn” (hoa được người ta trồng, chăm bón). Hàng ngày hàng giờ sắc màu ấy thâm nhập vào tâm, in vào trí đến nằm mơ cũng thấy, rồi cảm hứng chuyền đến đôi tay, và cứ thế họ nhuộm màu giấy, cắt, dán, ghép thành các loài hoa cúc, hoa hồng, hoa mai, theo giấc mơ tâm tưởng mà cách điệu, thật là rực rỡ như những lời reo vui cất lên trong không gian đồng nội… Khi làm xong các nhánh hoa, họ cắm vào một cái cùi rồi mang cùi trên xe đạp đem lên chợ bán.

Mấy năm trước em đã mua hoa giấy về chưng Tết đầy nhà, thay vì hoa mai, hoa đào, ai cũng lấy làm lạ, tưởng em khùng đi chưng hoa giấy không giống ai. Nhưng đối với cái nhìn của người ở xa về thì đây thật là một công trình mỹ thuật. Lần ni em mua luôn cả cái cùi hoa gồm hơn trăm cành hoa. Cả gia đình làm hoa giấy đều vui…

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)