Làm đẹp là thật khó!
Làm giàu là khó nhất. Nhưng cứ nhìn kiến trúc công sở mắc “bệnh dịch” kiến trúc thực dân, tượng đài ngây ngô “dở Nga dở Tàu”, người mới giàu mắc bệnh “nhà ống”, nhại cổ, tranh tượng gai mắt từ Trung tâm hội nghị Quốc gia, các tòa nhà Chính phủ tới các “phủ đệ” cấp tỉnh huyện... thì biết làm đẹp còn khó hơn.
Xin đừng lo! Ai thoát nghèo thì tâm và hồn cũng sẽ có nhu cầu về cái đẹp và làm đẹp cho cá nhân mình. Họ và mỹ thuật sẽ khám phá lẫn nhau |
Ở nước ta, từ xa xưa tầng lớp giàu sang và trí thức từ sĩ phu, quan lại tới vương hầu, phú gia và cung đình hầu như thiếu hoàn toàn sự “sản xuất và tiêu dùng” mỹ thuật cá nhân. Các tầng lớp này có tri thức thì lo làm văn vần xướng họa với nhau, mà cũng không mấy khi phê bình nghiên cứu nghiêm túc, mà chỉ giỏi chén thù, chén tạc. Có tiền và có hứng hơn thì xướng ca, hý trường cùng trang trí và ngoạn cổ (chủ yếu chơi đồ Tầu, khinh đồ Nam!). Ở các nước Đông Á “đồng văn” tình hình khác hẳn: Tranh, tượng, thư pháp có cả bề dày sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm chuyên nghiệp. Họ có những danh họa cỡ quốc gia và quốc tế. Lâu đài, dinh thự của họ là các tác phẩm kiến trúc, các bức tranh, pho tượng, thư pháp, hoa viên mang tính cá nhân, chuyên nghiệp với các phương án, khuynh hướng thẩm mỹ khác nhau của các thời đại, vùng miền và các cá nhân xuất chúng. Các nhà mỹ thuật đứng ở hàng đầu của trí thức quốc gia, tham gia “thiết kế” nên tâm hồn mỗi cá nhân trung lưu và thượng lưu.
Nước ta dù có “sản xuất, tiêu dùng” mỹ thuật công cộng- tâm linh khá mạnh với di sản cực lớn, đạt tầm quốc tế nhưng mỹ thuật “thế tục” vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khuyết danh. Cho tới đầu TK 20 họa sĩ vẫn là thợ vẽ, không phải trí thức! Chỉ khi lớp thị dân thuộc địa hình thành thì lớp họa sĩ có tên đầu tiên mới xuất hiện.
“Đùng một cái”, với Đổi mới cuộc đô thị hóa bùng phát chóng mặt. Trong 20 năm số nhà kiên cố được xây nhiều hơn cả 4000 năm lịch sử cộng lại. Lần đầu tiên gần 30% dân số là thị dân. Lớp trung lưu-thượng lưu bành trướng nhanh chóng. Bỗng dưng cả nước đứng trước việc thay mấy cái tranh tết cổ truyền, những hoành phi câu đối chẳng mấy ai còn đọc nổi, những tờ lịch và ảnh họa báo thời bao cấp bằng những thứ gì đó to, đẹp, mới mẻ hơn. Hàng triệu m2 nhà với hàng tỷ m2 tường trắng toát đang đòi phải được làm đẹp. Các chủ nhân ông bị đặt trước một nhiệm vụ bất khả thi. Từ các ông quan lớn bé phải lo làm đẹp thành phố, công thự, phòng ốc của nhà nước, các đại gia và CEO phài làm đẹp công ty và biệt thự, căn hộ cao cấp của mình tới trí thức, trung lưu có nhà hai ba phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách cần được làm đẹp. Di sản văn hóa. lối sống, văn hóa ở truyền thống của dân tộc không chuẩn bị gì cho họ cả. Học Tây thì còn gấp gáp quá, không có thời gian. Từ mẫu giáo tới tiến sĩ có ai được học gì về mỹ thuật, về thuật làm đẹp đâu. Năm nay nước ta vượt ngưỡng nghèo. Làm giàu là khó nhất nhưng cứ nhìn kiến trúc công sở mắc “bệnh dịch” kiến trúc thực dân, tượng đài ngây ngô “dở Nga dở Tàu”, người mới giàu mắc bệnh “nhà ống”, nhại cổ, tranh tượng gai mắt từ ở Trung tâm hội nghị Quốc gia, các tòa nhà Chính phủ tới các “phủ đệ” cấp tỉnh huyện thì biết làm đẹp còn khó hơn.
Cũng phải cảm thông với những người có trách nhiệm. Không cảm thông sao được khi chính ta cũng lúng túng lúc chọn tranh, tượng cho nhà mình. Chọn kiểu váy áo, mốt tóc, bộ xa-lông, chậu cảnh thì còn dễ. Hỏi thích bộ phim, vở kịch, bài hát, cuốn sách… nào thì 80% chúng ta còn có thể tự tin trả lời. Nhưng cũng 80% chúng ta sẽ lúng túng khi bị hỏi về tranh, tượng “chả biết đằng nào mà lần”! Mà tiền chi ra lại đâu có ít. Trách nhiệm thẩm mỹ quá lớn với các chủ nhân ông thế nên biện pháp an toàn nhất khi làm đẹp thành phố, tòa nhà, căn hộ, căn phòng là tư vấn, học lỏm, bắt chước, a dua, dung hòa mọi ý kiến của các thành viên. Kết cục sẽ là một thứ thẩm mỹ nhại, nhái, triết chung, thập cẩm và bao trùm là trưởng giả không vì sự hưởng thụ đích thực, cá nhân. Chính cái thẩm mỹ trưởng giả bao trùm xã hội này nuôi dưỡng thứ mỹ thuật công cộng xấu xí, vô trách nhiệm và thứ nghệ thuật thương mại, du lịch hoặc các trò chơi ngông kiểu trọc phú. Ai cũng công nhận nước ta đẹp và chê hoặc “lấy làm tiếc” là người VN chưa biết làm đẹp cho mình, nhà mình, làng mình, tỉnh mình, nước mình.
Nhưng xin đừng lo! Ai thoát nghèo thì tâm và hồn cũng sẽ có nhu cầu về cái đẹp và làm đẹp cho cá nhân mình. Họ và mỹ thuật sẽ khám phá lẫn nhau. Một nhà sưu tầm tranh người Hà Lan sống 30 năm ở Indonesia kể: Ở Indo thế hệ đầu tiên làm cách mạng giành độc lập năm (1945). Thế hệ sau làm giàu, tới thế hệ thứ ba mới bắt đầu mua tranh, làm đẹp. Tôi nói: Ở Việt Nam mới chớm vào thế hệ thứ hai. Cứ đợi. Chả đi đâu mà vội!