Làm mới một câu chuyện quen
Gần đây, dự án phim live action Nàng Bạch Tuyết của Disney đang gây ra nhiều dư luận trái chiều, kể từ khâu tuyển chọn diễn viên. Vai chính Bạch Tuyết được trao cho Rachel Zegler, người đã để lại ấn tượng tốt với khán giả qua vai diễn Maria Vasquez trong phim nhạc kịch West Side Story (bản mới 2021). Tuy vậy, không ít khán giả phản đối quyết định này của Disney, đơn giản bởi Rachel Zegler là người có dòng máu Mỹ Latinh với màu da nâu rám nắng. Bạch Tuyết thì da phải trắng bóc chứ? Đây có phải một quyết định liều lĩnh nhằm thể hiện xu hướng đa dạng sắc tộc tiến bộ của Disney? Liệu khán giả phản đối có cái lý nào hay không? Có những yếu tố nào nên cân nhắc cẩn trọng khi kể lại một câu chuyện cũ?

Những câu chuyện quen không bao giờ cũ
Trong những năm trở lại đây, những bộ phim live action chuyển thể lại từ những phim hoạt hình kinh điển của Disney đã liên tiếp đạt nhiều thành công về doanh thu: Lọ Lem (2015) – 542,4 triệu USD, Người đẹp và Quái vật (2017) – hơn 1,2 tỷ USD, Vua Sư Tử (2019) – hơn 1,6 tỷ USD, Aladdin (2019) – hơn 1 tỷ USD… Điều này thúc đẩy Disney mạnh dạn đầu tư, làm thêm nhiều phim chuyển thể từ hoạt hình khác nữa. Tuy rằng các bộ phim kể trên đều không được đánh giá cao về mặt chuyên môn, không có nhiều đột phá so với phiên bản hoạt hình, điều gì khiến khán giả vẫn hào hứng ra rạp?
Trước nhất phải kể tới sức mạnh của sự hoài niệm. Chắc hẳn không ít khán giả đi xem những bộ phim chuyển thể đều sẵn yêu thích hoặc lớn lên cùng phiên bản hoạt hình kinh điển. Mặc dù họ đều đã nằm lòng nội dung câu chuyện, được trải nghiệm lại những kỷ niệm ấu thơ luôn mang tới cảm giác dễ chịu. Cũng tương tự như cách trẻ nhỏ thường thích đọc hoặc nghe kể đi kể lại một câu chuyện đã thuộc lòng. Với mỗi lần trải nghiệm câu chuyện, trẻ sẽ chú ý tới một vài yếu tố nhất định; đồng nghĩa với việc mỗi lần đọc là một cơ hội để tìm thấy cái mới. Người lớn khi xem phim làm lại cũng vậy, luôn có những yếu tố mới mẻ về hình ảnh, kỹ thuật làm phim, âm thanh, diễn viên…, hoặc để nhận ra điểm gì đó trước kia mình không nhận ra trong câu chuyện. Cùng lúc ấy, sự thân thuộc mang lại cảm giác an tâm. Đây là một món ăn yêu thích đã quen. Khán giả sẽ ít lo lắng với nguy cơ phí tiền ra rạp, xem phải một bộ phim mình không thích.
Ngoài những khán giả đã quen với câu chuyện, với những ai chưa xem thì đó vẫn là trải nghiệm mới lạ. Sự tò mò đối với tác phẩm cũng sẽ giống như mọi bộ phim mới khác. Đặc biệt với những khán giả nhỏ tuổi, những bộ phim chuyển thể kể trên dễ dàng qua được “vòng kiểm duyệt” của phụ huynh. Bởi phần đông phụ huynh đã biết rõ nội dung, thậm chí chính họ cũng yêu thích chúng. Họ sẽ tương đối thoải mái cho phép con trẻ xem những tác phẩm đó hơn. Tất cả những bộ phim chuyển thể của Disney đều là phim dành cho mọi lứa tuổi, phù hợp cho cả gia đình cùng xem.
Những câu chuyện hư cấu giúp chúng ta giải trí, giáo dục, mở rộng quan điểm, phản ánh lịch sử, quan điểm, góc nhìn của nền văn hóa, giúp phát triển khả năng thấu cảm và trí tưởng tượng. Chúng giữ được sức sống lâu bền như vậy là nhờ được kể đi kể lại, nhưng không phải kể lại y chang lần đầu. Đây là một kỹ thuật quan trọng trong sáng tác cũng là bản chất của văn hóa truyền miệng. Lấy ví dụ như những truyện cổ tích nổi tiếng, ngay cả phiên bản xưa nhất mà chúng ta biết đến cũng là một phiên bản đã qua chỉnh sửa, biên tập. Charles Perrault (1628–1703), một quý tộc Pháp về cơ bản đã tạo ra thể loại cổ tích. Ông ghi chép lại những câu chuyện dân gian của Pháp, thêm thắt hoàn thiện chúng; tiêu biểu như Cô bé quàng khăn đỏ, Người đẹp ngủ trong rừng và Chú mèo đi hia. Anh em nhà Grimm đã dịch và chỉnh sửa phiên bản Lọ Lem (Cendrillon) của ông và đưa nó vào bộ sưu tập của họ với tên Ashenputtel. Hoặc tác phẩm Người đẹp và Quái vật là sáng tác của một nhà văn quý tộc người Pháp – Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve (1685 -1755), lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp về Thần Cupid và Psyche.
Nếu chúng ta nhìn thật kỹ vào cốt lõi của những câu chuyện hư cấu xuyên suốt lịch sử loài người, sẽ có những đề tài, vấn đề hầu như không thay đổi, giả dụ như tình yêu. Tuy vậy, với mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi nền văn hóa lại có những biến đổi cho phù hợp. Và điều này là cần thiết. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tôn vinh, gìn giữ một phần quan trọng của văn hóa, đồng thời cải tiến, hoàn thiện chúng.
Tìm một điều mới mẻ, có ý nghĩa
Hầu hết các phim live action chuyển thể từ hoạt hình của Disney tính cho tới thời điểm này đều giữ gần như y nguyên kịch bản cũ, thậm chí kịch bản phân cảnh cũng tương tự. Tuy vậy, họ luôn có những thay đổi ít nhiều, từ những thứ nhỏ nhặt cho tới những thứ gây tranh cãi kể trên. Những thay đổi này có thể bổ sung hoặc sửa chữa những thiếu sót của phiên bản cũ. Đây cũng là điểm kéo nhiều khán giả ra rạp. Ví dụ trong Người đẹp và quái vật (2017), thư viện ở ngôi làng nhỏ của Belle đã được thu gọn lại, không còn những giá sách cao và đầy ắp mà Belle phải dùng thang bắc lên lấy, vì ngôi làng nhỏ, dân làng lại ít đọc sách (Belle thích đọc và bị coi là lạ thường) thì sao có thư viện to vậy. Hay thêm chi tiết Gaston là một cựu chiến binh để lý giải cho việc người dân ngưỡng mộ anh ta.
Có những thay đổi để làm dày thêm tính cách nhân vật. Ví dụ Lọ Lem trước kia từng nhận nhiều ý kiến phản biện về việc nữ chính gần như không có tính cách rõ nét, chỉ giỏi làm việc nhà rồi mặc đẹp đi vũ hội để cưới hoàng tử. Trong phim chuyển thể, nàng Lọ Lem đã có tiếp xúc và cảm tình với hoàng tử trước khi biết anh là hoàng tử. Rồi nàng đi dự lễ hội không nhằm mục đích cưới hoàng tử. Nàng liên tục nhắc nhở bản thân (và khán giả) rằng hãy can đảm và tử tế.
Một bộ phim chuyển thể thành công khác là Alice in Wonderland (2010) với doanh thu hơn 1 tỷ USD, cũng đem lại những sáng tạo thú vị mới, đặc biệt ở mặt hình ảnh, một phần không nhỏ đến từ phong cách đặc thù của đạo diễn Tim Burton. Có thể dễ dàng thấy được cách tạo dựng xứ sở thần tiên của Tim Burton khác hẳn với phiên bản hoạt hình năm 1951; nhiều màu sắc và có phần ma mị hơn. Bộ phim đặt bối cảnh khi Alice đã 19 tuổi, cô chủ động và mạnh mẽ hơn phiên bản nhỏ tuổi trong hoạt hình. Chuyến phiêu lưu mới này có mục đích mạch lạc và dễ hiểu với khán giả đại chúng, ít trừu tượng hơn so với bản gốc. Việc thay đổi lứa tuổi của nhân vật chính cùng hành trình trở lại vùng đất thần tiên cũng giúp thu hút những khán giả trưởng thành.

Có nhiều cách để các nhà làm phim tìm kiếm cái mới trong việc kể lại một câu chuyện cũ. Đó có thể là sửa sang những tình tiết tuy nhỏ nhưng bất hợp lý, có thể là lật ngược lại hẳn để kể từ một góc nhìn đối lập, hoặc “tân trang” lại câu chuyện với tạo hình độc đáo, cách kể chuyện đặc thù… Điều quan trọng là họ làm việc đó có chủ đích, có đầu tư để thuyết phục được người xem.
Ta có thể đi xa câu chuyện gốc đến mức nào?
Những câu chuyện cũ thường có không ít điểm không còn phù hợp với thời đại. Khi làm mới lại những câu chuyện cũ, các nhà làm phim có nhiều cơ hội để tìm cách cải thiện, đồng thời cài cắm những thông điệp tân tiến hơn. Truyện cổ tích Công chúa ngủ trong rừng với tình tiết cao trào, cởi nút thắt là hoàng tử vô tình đi ngang qua nhìn thấy công chúa mới 16 tuổi đang ngủ, dù không quen biết nhưng chàng… nổi hứng hôn nàng luôn quả có rất nhiều vấn đề không ổn. Bộ phim Maleficent, kể lại chuyện Công chúa ngủ trong rừng từ góc nhìn hoàn toàn khác – góc nhìn của bà tiên hắc ám: khi phản diện không chỉ là phản diện. Các nhà làm phim đã loại bỏ tình tiết nụ hôn bất chợt của hoàng tử, cùng mô típ lỗi thời là các nhân vật yêu nhau và cưới nhau nhanh chóng mặt; cũng như mở rộng hơn khái niệm “tình yêu”, không chỉ là tình yêu trai gái mà còn là tình cảm gia đình (nụ hôn giải cứu công chúa khỏi lời nguyền không phải đến từ hoàng tử, mà là nụ hôn lên trán của bà tiên hắc ám vốn ngầm coi công chúa như con gái của mình).
Cho dù cả hai phần phim Maleficent không hề hoàn hảo, không nhận được nhiều đánh giá cao từ giới phê bình nhưng vẫn là một tác phẩm có đầu tư sáng tạo với cách kể lại đủ thuyết phục khán giả. Người xem được trải nghiệm một góc nhìn khác từ phe phản diện, hiểu được căn nguyên đằng sau sự hằn học và u tối trong nhân vật này. Nhân vật Maleficent không còn là mụ phù thuỷ độc ác mà là một nạn nhân của sự phản bội và tổn thương, đáng đồng cảm hơn là căm ghét. Và dù lựa chọn một góc kể có phần bi ai, bộ phim vẫn giữ được không khí thần tiên ấm áp của bản hoạt hình.
Nhưng cũng có trường hợp sự thay đổi trong cốt truyện lại gây chướng cho người xem. Mulan (2020) là một ví dụ. Tuy được đầu tư sản xuất tới 200 triệu USD cùng một dàn sao tới từ châu Á, bộ phim có doanh thu thảm hại và vấp phải vô số ý kiến chê bai từ khán giả.
Câu chuyện của Mulan trong bản hoạt hình năm 1998 là hành trình vượt qua nghịch cảnh, vượt lên chính bản thân của một người có xuất phát điểm bình thường. Cô có khởi đầu rất vất vả và liên tiếp gặp thất bại. Cô không có nhiều sức mạnh thể chất hay cơ thể cường tráng như những người đồng đội khác. Nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại và trí thông minh, Mulan đã đạt được mục tiêu (ví dụ trong thử thách leo cột gỗ). Đó là điều nhiều khán giả đồng cảm, khiến câu chuyện mang tính động viên, tích cực. Và bộ phim đã kể rõ ràng quá trình ấy bằng hình ảnh, tình tiết cụ thể, thuyết phục. Trái lại, Mulan phiên bản 2020 từ nhỏ đã có tư chất, sở hữu “khí” dồi dào hơn người thường – không khác gì một dạng siêu năng lực: cô bẩm sinh đã cầm kiếm, khinh công điêu luyện như một chiến binh. Thậm chí Mulan phải kiềm chế, phải giấu khả năng vượt trội của mình chứ không phải cố gắng để mạnh mẽ hơn. Thay đổi này khiến câu chuyện mất đi sự truyền cảm hứng, khi nhân vật chính diện đạt được thành công nhờ sẵn thiên phú chứ đâu phải qua nỗ lực.

Một chi tiết đặc sắc khác trong phiên bản hoạt hình là trận chiến cuối cùng giữa Mulan và phản diện Bori Khan: Mulan đã dùng một chiếc quạt để tước đi vũ khí của kẻ thù. Chiếc quạt mang nét nữ tính, mềm mỏng, duyên dáng. Khi Mulan dùng chiếc quạt giản dị để chiến thắng, bộ phim gửi tới khán giả thông điệp tính nữ mềm mại cũng là sức mạnh. Quyền nữ hay một người phụ nữ mạnh mẽ không cứ phải hành xử như đàn ông, dùng những cách thức của nam giới. Ở đoạn kết của phim, khi Mulan mang thanh kiếm danh dự và huân chương từ Hoàng đế về cho cha, ông đã bỏ qua chúng mà ôm lấy con gái mình. Khán giả có thể hiểu ngay người cha ưu tiên, trân trọng điều gì hơn. Phiên bản 2020 thêm vào nhân vật phù thủy Xianniang nhằm kể chuyện phụ nữ bị áp bức, kìm kẹp ra sao. Tuy vậy, phân cảnh “chị em nâng đỡ” nhau giữa Mulan và Xianniang chưa chắc đã gây ấn tượng hiệu quả bằng chiếc quạt hay cảnh hội ngộ giữa hai cha con trong phim hoạt hình. Bởi cách mà Mulan và Xianniang chống lại sự bất bình đẳng vẫn là… chiến đấu theo cách của đàn ông và làm việc đó giỏi hơn họ.
Qua một vài thay đổi đáng kể như vậy về mặt nội dung, có thể thấy cách nhìn nhận vấn đề và kể chuyện của hai đoàn làm phim có nhiều trái ngược. Khán giả đồng cảm, yêu thích cách nào hơn thì đã rõ. Hầu hết những điểm sáng khiến bản hoạt hình 1998 được yêu mến đều bị lược bỏ (phần âm nhạc hay các nhân vật phụ sinh động, hài hước như Mushu) hoặc thay đổi, đảo ngược (Mulan không phải người bình thường mà có sẵn tài năng thiên bẩm). Cốt lõi của câu chuyện đã bị biến đổi đáng kể.

Trên thực tế, các nhân vật trong những câu chuyện quen đều chứa đầy những không gian để thay đổi, đón nhận những màu sắc mới, bao dung và hòa nhập hơn trong một thế giới liên tục thay đổi. Chẳng hạn, nhân vật nữ chính trong phim Nàng tiên cá sắp tới sẽ được trao cho diễn viên da màu Halle Bailey. Nhiều khán giả phản đối vì màu da, cho rằng truyện Nàng tiên cá do H.C Andersen – một người Đan Mạch viết thì nhân vật tiên cá phải là người da trắng và bản phim hoạt hình cũng là da trắng. Tuy vậy, nhân vật này lại có nhiều khoảng hở để thay đổi linh hoạt. Về bản chất, hình tượng tiên cá là một sinh vật biển trong thần thoại, không phải con người. Tiên cá không phải sáng tạo độc quyền của Andersen mà đã xuất hiện từ năm 1000 trước Công nguyên trong văn hóa dân gian của nhiều nền văn hóa, từ phương Tây đến phương Đông. Ngay ở phiên bản hoạt hình của Disney năm 1989, phần tạo hình tóc đỏ đặc trưng của Ariel vốn là một sự liều lĩnh, thể hiện sự phản kháng đối với những định kiến vô lý thời bấy giờ về những người tóc hung.
Nhưng những thay đổi lớn mang tính bước ngoặt so với cốt truyện cũ đều cần một cách diễn giải hợp lý, tìm kiếm được điểm khiến khán giả đồng cảm và chia sẻ. Những phản ứng của tác giả với lựa chọn diễn viên chính của bộ phim Nàng Bạch Tuyết sắp ra mắt vào năm tới, 2023 không phải là vô lý. Bởi làn da của Bạch Tuyết là đặc điểm nhận dạng quan trọng của nhân vật – “da trắng như tuyết, môi đỏ như son, tóc đen như gỗ mun”, gắn liền với nhiều tình tiết quan trọng của tác phẩm. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không được phép đổi màu da cho nhân vật Bạch Tuyết. Nhưng khi ấy, người xem có thể kì vọng một phiên bản kể chuyện Bạch Tuyết hoàn toàn mới so với những gì đã được nghe, được xem, để hợp lý hóa làn da hoàn toàn nằm ngoài hình dung của số đông khán giả, đi ngược lại mô tả trong truyện gốc. Còn nếu chỉ nhằm dán nhãn đủ yếu tố đa dạng sắc tộc cho hợp xu thế thời đại, mà bỏ qua logic, bản chất của câu chuyện thì đó là lười biếng, hời hợt và thiếu tôn trọng tác phẩm gốc. Một khi nhân vật đã khác quá xa với bản gốc, chỉ còn trùng mỗi cái tên thì có chăng nên tạo ra hẳn một nhân vật mới với câu chuyện mới thay vì lợi dụng tình cảm của khán giả với những nhân vật kinh điển?
Tóm lại, bất kể thông điệp là gì, tôn vinh đa dạng sắc tộc, giới tính… cũng cần được truyền đạt bằng một câu chuyện tốt, có chiều sâu, có logic hợp lý. Nhân vật giới tính gì, màu da gì cũng có thể hay nhưng phải có nội hàm, không thể chỉ là tấm bìa các tông trưng biểu ngữ về sự đa dạng, tiến bộ. □