Làm mới văn học
Sau rất nhiều năm, kể từ đầu thế kỉ XX với Truyện Kiều được thể hiện qua 13 bản khắc gỗ của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, những minh họa và bìa thủ công trên tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam..., hội họa mới có cuộc gắn kết ngoạn mục cùng văn chương, song hành, tôn vinh lẫn nhau, biến cả hai thành một cái cớ để các nghệ sĩ sáng tạo.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chưa bao giờ có một phòng tranh được treo… chi chít như vậy, về cùng một đề tài. 100 bức tranh, với sự góp mặt của 87 nghệ sĩ là thành quả của cuộc vận động sáng tác về Nam Cao và nhân vật văn học, do Hội Nhà văn VN, báo Thể thao & Văn hóa, công ty Le Media phối hợp tổ chức, nhân dịp kỉ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn. Sự ủng hộ của các nghệ sĩ tạo hình cho thấy sức sống những giá trị nhân văn trong các tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Hơn thế, là khao khát của nghệ sĩ muốn tỏ bày một đời sống của con người đương đại hôm nay. Hóa ra, tư duy sáng tạo của văn học và cảm hứng tạo hình của mỹ thuật có nhiều điểm chung, bởi đó đều là những loại hình nghệ thuật khắc họa chân dung cá nhân con người. Con người thì dù có được khái quát thành những hình tượng điển hình ở thời nào, cũng không bao giờ cũ.
Tham gia cuộc thi, người cao tuổi nhất là họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, còn lại, là những nghệ sĩ trước, sau, cùng thời với Nam Cao. Có những họa sĩ mà tuổi tác và tên tuổi đã được ghi dấu từ lâu như Mai Long, Vũ Duy Nghĩa, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung… và cả những họa sĩ đã thành danh cả về tinh thần lẫn vật chất như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh, Quách Đông Phương…, hay những cây bút chuyên minh họa cho báo, hoặc không chuyên như Xuân Viễn, A Sáng, Hoàng Minh Tường…
Tập hợp đội ngũ cũng không quan trọng bằng các họa sĩ ấy để lại dấu ấn như thế nào. Gắn kết, lả lướt, tơ tình và thơ mộng như những nam thanh nữ tú yêu kiều hơn những điển hình xấu xí – là “miêu tả” tình yêu anh Chí chị Nở của Lê Thiết Cương. Đêm trăng vườn chuối dát vàng yêu đương cho thấy Thành Chương cũng “yêu” cặp đôi này lắm. Đào Hải Phong thì dù vẽ gì cứ vẽ, nhưng trước tiên phải thể hiện được phong cách cá nhân, nên bên lò gạch cũ, tán cây to quen thuộc của anh như một bố cục mở, mơ màng… Cái thiện, cái đẹp, cái nhân tính đã “hóa thân” cho những con người tưởng đã không còn là người mà ta từng biết dưới ngôn ngữ Nam Cao. Hay vẫn là Chí đấy, Nở đấy, bàn tròn “Chí Phèo” và bàn tròn “Thị Nở” của Lý Trực Dũng lại là một sê – ri khác, với những nhân vật đàn bà/ đàn ông tự chỉ tay vào nhau, mắng nhau, là một biếm họa sắc sảo không khỏi khiến người xem tần ngần, vừa thú vị, vừa muốn “cười ra nước mắt” mà giật mình tự nhủ: hình như có bóng dáng nào của chúng ta trong vòng tròn nói xấu và vô trách nhiệm hôm nay?!
Ngoài ra, hình ảnh của Nam Cao, của các nhân vật như lão Hạc, giáo Thứ, Hộ… cũng được hiện diện với các nét bút tung tẩy, cảm hứng, ngẫu hứng, xúc động, suy ngẫm, trào lộng… Đó là những hình ảnh được soi chiếu qua lăng kính khác, vì cảm xúc và suy ngẫm của họa sĩ mà trở thành những hình tượng nghệ thuật mới, trừ những tác phẩm tả thực và minh họa khô cứng, một chiều. Độc giả yêu mỹ thuật – văn học có căn cớ để hy vọng vào sự phong phú, đa dạng của diện mạo Bảo tàng Văn học VN, nơi sẽ quy tụ những tác phẩm này về một mối sau triển lãm, một Bảo tàng “sống” chứ không phải dự án nằm trên giấy từ mấy năm trước của Hội Nhà văn.
Cuộc vận động và tôn vinh sáng tác từ nhân vật văn học có ý nghĩa như một sự kiện của năm 2006, nhằm nối liền những giá trị văn hóa đến quá khứ và hiện tại. Và rõ ràng, Nam Cao đã là cầu nối, khơi gợi cảm hứng, sự trở lại của sáng tác văn học với nghệ thuật tạo hình. Nhưng tham vọng để sau cuộc triển lãm, sẽ có nhiều hơn những hoạt động như vậy, được mở rộng ra với các tác gia văn học VN không chỉ ở thời hiện đại cũng khiến nhiều họa sĩ – nhà văn băn khoăn. Ban tổ chức có đủ sức đi “đường dài” hay vẫn chỉ là khuấy động một phong trào, để khuếch trương “tiếng tăm” của mình là chính, như những phong trào văn hóa luôn được tổ chức rầm rộ xưa nay, rồi im tiếng? Và, quan trọng hơn, tầm nhìn – cảm thụ văn hóa/ văn học của các nghệ sĩ tạo hình liệu sẽ thích ứng những biên độ mới, chẳng hạn, tiếp sau Nam Cao với những điển hình đã đi vào đời thường, một cuộc vận động sáng tác về Nguyễn Trãi có làm họ… “bó tay”?
* Họa sĩ Đào Hải Phong: Tôi nghĩ những họa sĩ tham gia cuộc vận động đều là những người có tình cảm với nhà văn và tác phẩm của ông. Chưa chắc, với nhà văn khác, tác phẩm khác, họa sĩ đã có am hiểu và tình cảm. Vì vậy, cũng e ngại là những cuộc vận động khác sẽ khó mà mở rộng ra được, bởi xét trên bề mặt, nó vẫn mới chỉ dừng ở mức phong trào.
Tham gia cuộc thi, tôi không có ý định bán tác phẩm mà chờ cho đến khi Bảo tàng Văn học VN hoàn chỉnh, sẽ trao tặng. Nếu bán bức tranh với “giá ủng hộ”, nó sẽ ảnh hưởng đến “thương hiệu” của họa sĩ.
* Nhà văn Kim Lân: Trong mỗi bức tranh, tôi đều cảm nhận được một tấm lòng của nghệ sĩ. Nhưng, chỉ dừng lại ở việc trưng bày tranh (cho chúng ta ngắm với nhau) chưa đủ, nên làm thế nào để đưa những tác phẩm tạo hình này ra với công chúng, như thế mới “đã” và mới sống lâu hơn trong lòng người xem.