Làm sống lại những bậc thầy khắc họa thế giới tự nhiên
Từ nỗ lực của một nhà lịch sử nghệ thuật Scotland, nhiều tên tuổi lớn của hội họa Ấn Độ thời kỳ thuộc địa Anh, từng bị khuất lấp sau các dòng chảy lịch sử, đã trở lại với hậu thế qua cuộc trưng bày những tác phẩm khắc họa vẻ đẹp của thế giới tự nhiên.
Bức “Chim sáo Brahminy với hai con bướm Antheraea, sâu bướm và kén trên cây táo Ấn Độ” của họa sĩ Shaikh Zain ud-Din (Bảo tàng nghệ thuật Minneapolis). Nguồn: smithsonianmag.com
Sự hồi sinh này bắt đầu từ sự tò mò của William Dalrymple, nhà lịch sử nghệ thuật và nhà văn Scotland, vào năm 2018 khi thấy một con dao găm thời kỳ đế chế Mughal thế kỷ 17, một phần của bộ sưu tập cổ vật tại bảo tàng Wallace Colletion ở London, Anh: cán dao khảm những con chim, đóa hoa và con hổ bằng hồng ngọc, ngọc lục bảo và khắc tên Claude Martin của công ty Đông Ấn Anh. Điều gì đó mách bảo và thúc giục William Dalrymple là cần phải tìm hiểu sâu hơn vào những đóng góp của Claude Martin, một trong những nhà bảo trợ lớn nhất của nghệ thuật Ấn Độ giai đoạn cuối thế kỷ 18. Đó là điểm khởi đầu của một cuộc kiếm tìm mà kết quả của nó là hơn 100 bức tranh về chủ đề thực vật, động vật và con người do các thương gia công ty Đông Ấn Anh đặt hàng giữa những năm 1770 và 1880 được triển lãm dưới tiêu đề “Những bậc thầy bị lãng quên: Bức họa Ấn Độ cho công ty Đông Ấn” tại Wallace Colletion.
Dưới bóng của công ty Đông Ấn Anh
Đây là thời điểm quyền lực của người Anh đang lớn mạnh ở Ấn Độ, không chỉ thông qua việc kiểm soát trực tiếp quốc gia này mà còn ở những tham vọng thương mại của Đông Ấn Anh, một công ty được thành lập vào năm 1600 chủ yếu để giao dịch về bông, lụa, chàm, tiêu, trà và cả thuốc phiện. Một trong những người lãnh đạo công ty là Claude Martin, người có thiên hướng sưu tầm tác phẩm nghệ thuật bên cạnh thú vui về những vũ khí và áo giáp. Có lẽ ông được gợi ý từ việc thuyền trưởng kiêm nhà thám hiểm Anh James Cook mang một tiêu bản kangaroo (xương hoặc còn lại sau khi ăn thịt) trở lại Anh để họa sĩ chuyên vẽ động vật George Stubbs vẽ. Do đó, ông đã nảy ra ý định đặt hàng nhiều nghệ sĩ Ấn Độ tài năng để vẽ những bông hoa nhiệt đới lạ lẫm, những loài thú ngoại lai và cả cuộc sống thường ngày ở Ấn Độ, nhiều khả năng sẽ hấp dẫn thị trường nghệ thuật Anh.
Một người Anh khác là nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên, nhà bảo trợ nghệ thuật và nhà sưu tầm Mary Impey cùng chồng mình là Sir Elijah Impey, chánh án đầu tiên của Tòa án tư pháp tối cao tại Fort William ở Bengal, cũng đặt hàng nhiều nghệ sĩ địa phương để tạo ra một bộ sưu tập tranh vẽ về tự nhiên đẹp lộng lẫy, một phần của bộ sưu tập lớn hơn mà ngày nay người ta gọi là Impey Album.
Không hẹn mà gặp, từ nhiều hướng khác như một vườn thực vật ở Calcutta, một trung tâm du lịch ở Varanasi – một địa điểm hành hương quan trọng của người theo đạo Hindu cũng thực hiện những dự án nghệ thuật tương tự với mong muốn thu hút sự chú ý của khách du lịch.
Vào thế kỷ 18 và 19, nhu cầu tái hiện vẻ đẹp kỳ lạ của tự nhiên và xã hội thuộc địa của những người Anh đã đem lại cho thế giới nghệ thuật những tác phẩm mang tên “trường phái công ty” (Company School) hoặc đơn giản hơn là “hội họa kiểu công ty” (Company painting). Phần lớn người sáng tác ra những tuyệt phẩm này còn chưa được biết đến. Các họa sĩ nổi danh hoặc vô danh Ấn Độ trong thời kỳ này còn vắng bóng máy ảnh ở thuộc địa đã nắm bắt được những cái thật cũng như cái kỳ ảo của tự nhiên và tái hiện nó đầy chất thơ trong những chất liệu châu Âu.
Bức con dơi quạ Ấn Độ của Bhawani Das, Calcutta. (Bộ sưu tập riêng). Nguồn: smithsonianmag.com
Những bức đẹp nhất và cuốn hút nhất trong các bộ sưu tập này là những bức về đời sống thiên nhiên. Một con dơi ăn quả nhìn chằm chằm vào con người với cặp mắt đen ngời sáng, toát lên vẻ thông minh. Quan sát rất kỹ tạo vật của tự nhiên này dưới cái nhìn thân thiện, người họa sĩ đã thay vì vẽ một hình minh họa bình thường đã biến nó trở thành bức chân dung có cá tính và thậm chí hứa hẹn một đời sống nội tâm như con người. Đây là một tác phẩm minh họa khoa học đầy chất thơ của Bhawani Das, hoặc những họa sĩ thân cận với ông, vẽ vào khoảng giữa năm 1777 và 1782.
Một con báo Gepard với bộ lông như một đám mây vàng mềm mại có những điểm đen sinh động khiến người ta tưởng như đang lãng đãng trôi nổi trong lớp sương mù êm ái. Thậm chí, người ta có thể cảm nhận được cả nhịp đập của tim báo. Cuộc gặp gỡ của họa sĩ Ấn Độ Shaikh Zain ud-Din với tay đua nước rút bậc nhất họ mèo này đã biến bức họa báo Gepard của họa sĩ nổi danh người Anh Stubbs trở nên vô hồn và thô cứng.
Một con chim xanh đầu vàng (Chloropseidae) thuộc về một loài chỉ có ở tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á đang đậu trên nhánh đào đang nở những bông hoa màu hồng nhạt giữa những chiếc lá xanh non. Bộ lông chuyển màu tinh tế từ vàng nhạt sang xanh phớt như màu lá đào của chim xanh và con mắt đen nháy nổi bật trên vòng khuyên trắng tự nó cho thấy một sức sống lạ kỳ của tự nhiên nơi này.
William Dalrymple làm công tác giám tuyển cho bộ sưu tập của Wallace Colletion. Trả lời Indian Express và BBC, ông không dấu nổi sự thán phục của chính mình trước những bức họa “Rất nhiều nghệ sĩ có tác phẩm được trưng bày tại cuộc triển lãm thuộc về những nghệ sĩ vĩ đại nhất của nghệ thuật Mogul mọi thời đại, trong đó nhiều người còn chưa được biết đến. Do đó mục tiêu chính của triển lãm là ghi nhận đóng góp của họ”.
Sự gặp gỡ của hai nền nghệ thuật
Sự ra đời của những bức vẽ ở thuộc địa đã mở ra trường phái nghệ thuật mới kết hợp phong cách vẽ tiểu họa truyền thống Ấn Độ, Islamic và chất liệu vẽ tranh màu nước châu Âu, nơi gặp gỡ của các nghệ sĩ các vùng Lucknavi, Mughal, Marathi, Punjabi, Pahari, Tamil và Telugu. Dấu ấn của nghệ thuật tiểu họa truyền thống với độ chính xác cao, hầu như từ những quan sát tỉ mỉ ở mức độ vi mô, bắt nguồn từ Iran, Iraq thời kỳ Trung cổ và được đế chế Mogul mang đến Ấn Độ. Các họa sĩ được công ty Đông Ấn Anh thuê vẽ đều hết sức thuần thục kỹ thuật vẽ tiểu họa này.
Tại sao các thương gia lại không đặt hàng họ vẽ theo đúng cách thức truyền thống mà họ đã được tôi luyện nhiều năm? Có thể là vì những thương gia và nhà bảo trợ nghệ thuật muốn thấy hiệu ứng nghệ thuật mới lạ từ sự kết hợp Đông Tây chưa từng có này, cũng có thể là họ muốn đem lại cho thị trường Anh một thứ nghệ thuật “ngoại lai” để thuận tiện cho việc mua bán… Vào thời điểm đó, thị trường châu Âu đang săn lùng những kỷ vật và tác phẩm nghệ thuật Ấn Độ, tập trung vào chất ngoại lai và gây ấn tượng từ thuộc địa. Do đó, Claude Martin đã tiến hành nhập khẩu vào Ấn Độ gần 17.000 tấm toan vẽ tranh màu nước của châu Âu trong những năm 1770 để trao cho các nhà vẽ tiểu họa thuộc địa, thậm chí đã giới thiệu, đào tạo họ cách thích nghi với những thị hiếu nghệ thuật, sự quan tâm đến khoa học và sự ham thích khám phá tự nhiên của người Anh.
Việc sử dụng các bột màu sáng và thiếu hình khối của họ làm người Anh không thấy thuận mắt. Rất may là những người Ấn Độ có khả năng thích nghi tốt đã nhanh chóng học hỏi thị hiếu phương Tây, bắt đầu sử dụng màu nước, kết hợp với các yếu tố như vẽ bóng, nghệ thuật phối cảnh và thể hiện tự nhiên đúng như nó có. Theo cách này, các họa sĩ Ấn Độ, đặc biệt là Shaikh Zain ud-Din, đã chuyển sang một cách thể hiện mới với những cái nhìn đầy lãng mạn về tự nhiên, dù được đào tạo về phong cách tiểu họa, vốn không quan tâm quá nhiều đến phong cảnh và việc tái hiện nó đúng như bản chất. Thậm chí, người ta có thể thấy cả màu đất của các bức họa này cũng giống như màu đất ở những bức vẽ lịch sử tự nhiên châu Âu. Có thể là cả Shaikh Zain ud-Din cũng đã quen thuộc với những bức vẽ đó.
Một nhánh xoan, một con chim đậu trên cành me đang nở hoa đã thành chủ đề của họa sĩ Shaikh Zain ud-Din. Nguồn: smithsonianmag.com
Do vậy, trường phái nghệ thuật công ty là sự kết hợp những ưu điểm của cả truyền thống Mogul và kỹ thuật châu Âu, giữa sự tập trung vào những chi tiết tinh xảo với chủ nghĩa duy lý của khoa học. Tuy nhiên, lâu nay, nó tồn tại dưới sự đánh giá khắt khe của giới phê bình, thậm chí Bách khoa toàn thư Britannica cũng liệt những bức họa thuộc trường phái này là “một thứ lai ghép và chất lượng tầm thường”, dù Vandana Prapanna, nhà giám tuyển của bộ phận Hội họa tiểu họa Ấn Độ tại bảo tàng Chhatrapati Shivaji Maharaj Vastu Sangrahalaya (Mumbai, Ấn Độ) cho rằng “trường phái nghệ thuật công ty có thể được coi là giai đoạn kế tiếp trong lịch sử nghệ thuật Ấn Độ sau tiểu họa”.
Trường phái nghệ thuật độc đáo này đã từng được biết đến qua một số cuộc triển lãm tại Ấn Độ và Mỹ nhưng William Dalrymple cảm thấy những triển lãm đó chưa đủ để nói lên giá trị của những bức họa. “Nguyên nhân là bởi quan điểm về tình trạng hậu thuộc địa phức tạp ở Ấn Độ, một số bức thì liên quan trực tiếp đến thuộc địa, không hoàn toàn là phong cách Ấn còn ở Anh thì luôn tồn tại sự sợ hãi về chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến”. Đây là lý do mà cuộc triển lãm “Những bậc thầy bị lãng quên: Bức họa Ấn Độ cho công ty Đông Ấn” bây giờ mới được ra mắt công chúng với những bức họa từ những bộ sưu tập cá nhân và viện bảo tàng ngoài Ấn Độ.
Ở một cái nhin khác, nhà báo Ian Sample của The Guardian cho rằng ở đây có một câu chuyện khác với hai mặt đối lập. Một bên là câu chuyện kể mang màu sắc phương Tây về sự thống trị và tiêu thụ: các nhà bảo trợ là những kẻ chinh phục muốn hút cạn, gom góp và sở hữu văn hóa, cây cỏ từ vùng đất họ chiếm đóng. Cũng giống như việc khai thác các nguồn tài nguyên vật chất ở tiểu lục địa này, đây cũng là một cách thao túng việc sáng tạo văn hóa. Mặt khác, đây là câu chuyện về các nghệ sĩ như những người nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để kiếm tiền, và một cái danh cho chính mình để có thể thoát ra khỏi sự bảo trợ của châu Âu.
Dẫu vậy thì sau nhiều thập kỷ muộn màng, những nghệ sĩ bị lãng quên đã trở lại như một sự ghi nhận đóng góp của họ. “Chúng tôi hi vọng, triển lãm này sẽ là bước đầu tiên cho một cuộc đối thoại rộng hơn nhằm đem lại cho chúng ta hiểu biết về bối cảnh chính trị và quá khứ thực dân của chúng ta”, giám đốc Xavier Bray của Wallace Collection nói. “Dẫu cho chúng ta sẽ thật khó khăn để thảo luận về nó… nhưng vẫn cần thiết để chúng ta hướng về điều đó”. □
Tô Vân tổng hợp
Nguồn: The Guardian, Indian Express, smithsonianmag.com, timeout.com