Làm vườn nơi đất khách

Không phải người Việt nào cũng có một hoài niệm về nông thôn Việt Nam, kỳ lạ thay, một góc vườn rau Việt Nam giữa Bellingham luôn được bất cứ người Việt nào nhận ra và luôn chiếm được cảm tình của bất cứ người nào. Phải chăng sâu thẳm trong tiềm thức mỗi người Việt di dân vẫn hằn vết tích văn hóa nông thôn Việt Nam, một vết tích hầu như mất hẳn trong thế hệ di dân thứ hai

Gặp lại bạn cũ, hỏi dạo này ở đâu, tôi nói ở Bellingham, bạn giở bản đồ coi cũng không biết nó ở đâu, thành phố nhỏ xíu, nằm ở góc Tây Bắc nước Mỹ giáp biên giới Canada, trên bản đồ bằng cái lá sen của bạn, nó không được tượng trưng dù bằng một dấu chấm. Bạn lại hỏi, ở bển làm gì, tôi nói làm vườn. Bạn thở dài, tưởng đi Mỹ làm gì, chứ làm vườn thì cần gì phải tha hương? Chỉ biết cười thôi. Việc kiểm soát nông phẩm ở các cửa khẩu vào đất Mỹ khá kỹ, nhưng rau cỏ Việt Nam vẫn có mặt gần như đầy đủ ở các chợ Việt Nam và trong vườn nhà người Việt. Trong vườn nhà ông Uông Bằng có cải xanh, cải dưa, mướp hương, rau sam, rau bạc hà (ông cam đoan lá bạc hà trị ho cực kỳ hay)… Vườn nhà anh Hên có bầu bí, ớt hiểm… nhà anh Nghĩa có hẹ, rau cần, diếp cá, húng lủi, húng chanh, tía tô… Tôi đã thử trồng rau muống, rau dền, mồng tơi… không thành công lắm: thời gian ngắn ngủi từ lúc trời đủ ấm để chúng nảy mầm cho đến khi trời quá lạnh khiến chúng khựng lại không mọc nữa chỉ đủ cho chúng cao cỡ một gang tay. Mùa làm vườn đầu tiên của tôi hoàn toàn thất bại khi toan trồng bằng hột giống đem từ Việt Nam qua. Mùa thứ hai tôi học được vài “bí quyết” của những người Việt khác: rau quế đi mua ở chợ Việt Nam vào mùa xuân, ngắt lá ăn rồi cắm cọng vào ly nước để trên bàn ăn một tuần thì cọng quế bắt đầu mọc rễ, đợi dăm ba ngày nữa cho rễ mọc dài ra thêm một chút rồi đem trồng trong chậu để bên cửa sổ, ban ngày nắng ấm thì bưng ra ngoài, ban đêm lạnh thì bưng vào trong nhà, mùa hè đem trồng ngoài vườn. Nghe có vẻ cực, nhưng rau mình trồng mới tươi ngon và thơm tho, ăn kèm miếng thịt bò trong tô phở mới thiệt là hết ý, chứ rau quế Mỹ có mùi hoàn toàn khác, ăn không đúng điệu chút nào. Mùa thu trời lạnh, cây chết, nhưng nếu kịp rải hột xuống đất thì mùa xuân năm sau hột tự nẩy mầm và mọc lên cây mới. Tía tô và cải xanh cũng vậy. Húng chanh, húng lủi, hẹ và diếp cá là những thứ thích nghi được khí hậu bốn mùa, mùa đông cây tàn lụi, nhưng rễ vẫn cố lì mai phục trong lòng đất, chờ đến cuối xuân ấm áp thì lại nhú lên sinh sôi tràn lan. Làm vườn, trồng một ít cây cỏ Việt Nam, hông chỉ để có chút hương vị thân quen trong bữa cơm gia đình, mà còn là một hành động thể hiện nỗi hoài niệm cố hương, một cố gắng tạo dựng môi trường sống gần gũi với văn hóa gốc của mình, nhất là đối với những người từng sinh sống ở thôn quê Việt Nam trước khi lưu lạc đến Mỹ. Một giàn mướp nhiều khi không kịp cho trái trước khi mùa thu giá rét đột ngột bắt đầu, nhưng bóng dáng giàn mướp sau nhà là gợi nhớ thân thương, khiến cho góc vườn nhà ấy thành một góc quê nhà, một chốn trở về của tâm hồn sau những bon chen vật lộn; mùa hè Bellingham không nóng lắm, nhưng buổi chiều đi làm về nằm võng dưới giàn mướp đánh moat giấc ngắn rồi dậy ăn bữa cơm có trái ớt hiểm giầm nước mắm nhĩ là một niềm an ủi nho nhỏ kiếp tha hương. Vả lại làm vườn ở Bellingham là một niềm vui lớn. Bốn năm tháng xuân hè ở đây ngày rất dài, không nóng quá, thỉnh thoảng mưa, thuận lợi cho các thứ rau cải phát triển. Tôi trồng được dưa leo, đậu que, bí rợ, cải xà lách, rau tần ô, cải xanh, hành , hẹ, tỏi, ớt, cà chua, các thứ rau thơm: cần, ngò, thì là, diếp cá, quế, húng chanh, bạc hà. Chỉ có các thứ củ thì trồng không thành công lắm, chỉ ra lá chứ không ra củ. Mảnh vườn rau là một cầu văn hóa nối tôi với thế giới mình đang sống, không chỉ với đất, cây cỏ và môi trường tự nhiên chung quanh, mà với hàng xóm láng giềng và những người Việt khác khi trao đổi kinh nghiệm trồng trọt hay cây giống hột giống. Một hai câu hỏi tò mò của bà hàng xóm người Mỹ gốc Đức về rau tía tô (“cây gì vậy?”) dẫn đến câu chuyện về món cháo giải cảm, bì cuốn, tiệm ăn Việt Nam mới mở ở Bellingham mà bà vừa đến thưởng thức món “cuốn mùa xuân”, rồi lan man đến những vấn đề văn hóa khác. Qua đó tôi nghiệm thấy người khác chủng tộc hiểu biết văn hóa của nhau dễ dàng hơn nhờ hương vị và sắc màu của cọng rau cây cải cụ thể, chứ hông dựa trên những khái niệm mơ hồ trong sách địa lý và định kiến từ truyền hình hay phim ảnh Hollywood. Và đối với đồng hương, mảnh vườn rau là điểm gặp gỡ nhẹ nhàng của những người chính kiến khác nhau, những người tuổi tác và thành phần xuất thân khác biệt. Một cây bông vạn thọ nở hoa giữa đám cải xanh hồn nhiên gợi nhớ hương sắc một cái Tết nhà quê, nhất là khi trời Bellingham chớm thu lành lạnh, y như một ngày cuối tháng chạp ở miền đông Nam bộ, ở quê tôi. Không phải người Việt nào cũng có một hoài niệm về nông thôn Việt Nam, nhiều người sinh trưởng ở thành thị và trước khi đến Mỹ chỉ biết đến những góc phố, con hẻm ở Sài Gòn. Cũng không phải ai cũng có hứng thú làm vườn, hay có “tay” làm vườn, và nhiều người không có thì giờ làm vườn, nhưng kỳ lạ thay, một góc vườn rau Việt Nam giữa Bellingham luôn được bất cứ người Việt nào nhận ra và luôn chiếm được cảm tình của bất cứ người nào. Phải chăng sâu thẳm trong tiềm thức mỗi người Việt di dân vẫn hằn vết tích văn hóa nông thôn Việt Nam, một vết tích hầu như mất hẳn trong thế hệ di dân thứ hai. Nhưng có một khía cạnh khác của việc làm vườn mà khi trò chuyện với những người Việt ở Bellingham tôi nhận thấy, ấy là người làm vườn, dù tài tử, có một khả năng hội nhập cụ thể hơn và gắn bó hơn với nơi mình sống, dù có ý thức hay không, dù có nỗ lực hay không. Trước nhất là thời tiết: nắng mưa ở đây không giống mưa nắng xứ mình, làm vườn vài năm thì biết cái nhịp điệu thời tiết nơi mình ở, dù thời tiết ellingham hết sức thất thường; người ở đây có thể ngày nào cũng coi hàn thử biểu và dự báo thời tiết, nhưng khi cái dự báo thời tiết không chỉ khiến người ta nghĩ đơn giản bữa nay trời nắng hay trời lạnh, mà khiến người ta tính toán gieo trồng cây gì lúc nào, băn khoăn canh đợt sương giá sớm để đậy điệm đám rau thơm, hay mừng một đợt nắng ấm sẽ khiến cây ớt hiểm ra bông đậu trái, thì cùng với sự quan tâm nắng, mưa, gió, bão, đất, nước, côn trùng, cỏ dại ấy, người ta dần thích nghi, quen thuộc, và gắn bó với mảnh đất mình đang sống một cách thực tế và và đậm đà tình cảm hơn, thông qua mảnh đất vườn sau nhà. Người ta làm vườn ở đâu một thời gian sẽ thích nghi với thời tiết nơi ấy một cách tự nhiên. Tôi để ý qua trò chuyện thường ngày, người có nhận xét thời tiết ở đây tốt là người có làm vườn và thường không có ý định dọn đi tiểu bang khác, người than vãn cảnh sống ở đây buồn chán, muốn đi nơi khác, thì hiểu biết hời hợt về thời tiết và thường chẳng bận tâm vườn tược cỏ cây. Điều rất thường thấy là người ta ở đâu một thời gian thì quen với khí hậu nơi đó, và nắng mưa gió tuyết của xứ đó ít nhiều đều để dấu ấn lên mỗi con người sống lâu dài trong môi trường khí hậu đó. Khí hậu chắc chắn có ảnh hưởng đến cách sống và suy nghĩ của con người; sự thay đổi trong đời sống văn hóa thì phức tạp về yếu tố tác động, cách thức diễn tiến, và hậu quả hệ lụy; ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu là một yếu tố xưa nay ít được chú ý, nhưng tôi nghĩ là một yếu tố đáng kể. Điều thứ hai khiến tôi coi việc làm vườn như một biểu hiện hội nhập của di dân, ấy là chăm sóc vườn tược khiến người ta gắn bó với đất đai, dù người đó có xuất thân từ nông thôn hay có là nông dân hay không. Có người cứ đến mùa đông khu vườn bị tuyết phủ thì chỉ mong về Việt Nam ăn Tết, nhưng đến tháng ba tháng tư thì bồn chồn nhớ đến mảnh vườn rau sau nhà ở Bellingham, lo những mầm cây non mới nhú lên bị sên ăn mất, sợ đợt sương giá bất thường làm cóng hoa táo, hoa anh đào khiến chúng không đậu trái, nghe như mảnh vườn nhỏ đó gọi mình về, cảm thấy như cây cỏ mình trồng nơi đó bị mồ côi nếu không có mình chăm sóc. Nơi mà người ta đã trồng lên một cái cây, thì nơi đó không còn là một nơi xa lạ hoàn toàn nữa. Sự gắn bó giữa người và đất có thể thông qua nhiều cách, nhưng bằng cách canh tác mảnh đất đó, sự gắn bó này có tính chất nguyên thủy, bản năng, từ thuở tổ tiên loài người dừng bước lang thang, định canh và chiếm hữu đất đai, biểu hiện của ý thức định cư và xây dựng cộng đồng. Trừ một số ít sống trong nhà thuê hay nhà lắp ráp di động, thường là người mới đến, đại đa số người Việt ở Bellingham đều mua nhà (hầu hết là nhà xây sẵn chứ ít ai có khả năng xây nhà theo thiết kế của riêng mình) và thường dành ra một mảnh đất quanh nhà làm vườn rau. Một giàn mướp hay mảnh vườn rau Việt Nam sau ngôi nhà kiểu Mỹ là một cách xác nhận mảnh đất này thuộc về mình, hay ngược lại, mình thuộc về mảnh đất này. May mắn có dịp đến thăm nhiều người Việt thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau sống ở những miền khác nhau trên đất Mỹ, tôi thấy có người nới rộng phòng khách trồng nào chuối, nào cau trong bồn, xây hồ nước con thả bèo tấm, nuôi cá lia thia, gần như lập một khu vườn nhiệt đới trong nhà lồng kính; có người sắm toàn bộ đồ trang trí nội thất bằng mây tre thủ công từ Việt Nam đem sang; có người ở trong ngôi nhà với mọi tiện nghi hiện đại kiểu Mỹ, chỉ dành ra một góc vườn che một cái mái lá dừa nước bên trên một cái lu sành có gác một cái gáo dừa; mỗi người bằng những cách khác nhau khắc dấu ấn văn hóa gốc lên sự thích nghi môi trường sống ở quê hương mới như một biểu hiện tính cách cá nhân và bản sắc văn hóa dân tộc gốc. Cái tính cách và bản sắc đó hài hòa, độc đáo, hay chỏi lỏi, tạp nham, là một vấn đề khác, có dịp sẽ bàn sau.

Lý Lan

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)