Lang Đồ Đằng – Tôtem sói

Đây là một bộ sách lạ - một "kỳ thư" mô tả nghiên cứu về sói thảo nguyên Mông Cổ. Đọc sách này, chúng ta được thưởng thức một món ăn tinh thần vô tận về tôtem sói.

Tác giả Khương Nhung, cách đây hơn ba mươi năm, là thanh niên trí thức Bắc Kinh, ông tình nguyện về lao động ở thảo nguyên Ơ Lôn Mông Cổ mười một năm, năm 1979 thi đỗ nghiên cứu sinh Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ở thảo nguyên, ông từng chui vào hang sói, từng đào bắt sói con, từng nuôi sói nhỏ, từng chiến đấu với sói, cũng từng sống chung với sói. Thậm chí đã từng chung hoạn nạn với sói con, trải qua cuộc sống tinh thần “du mục” cực khổ thời trai trẻ. Bầy sói Mông Cổ dẫn ông đi xuyên suốt mê lộ ngàn năm, tới trung tâm của những câu hỏi lớn. Chính là sự khôn ngoan và trí tuệ của sói, tài năng quân sự và tính cách ngoan cường của sói, tình yêu và hờn giận của người thảo nguyên đối với sói, sức hấp dẫn ma mị của sói, khiến Khương Nhung gắn bó với sói như một mối lương duyên. Sói là ông tổ, là tổ sư, là thần chiến tranh và là tấm gương sáng của người thảo nguyên; tinh thần đồng đội và trách nhiệm đối với dòng họ của sói, trí tuệ của sói, tính cách ngoan cường và nghiêm cẩn của sói, công việc huấn luyện đội thiết kị và bảo vệ môi trường thảo nguyên của sói, sự sùng bái tột đỉnh của dân thảo nguyên đối với sói, nghi thức thiên táng thần bí cổ xưa của người Mông Cổ. Lại nữa, tiếng hú của sói, tai sói, mắt sói, thức ăn của sói, sói yên, sói kỳ…, hàng nghìn chi tiết liên quan đến sói, đều làm cho tác giả mê mẩn, từ đó tiến hành hơn ba mươi năm nghiên cứu và suy ngẫm để viết một tiểu thuyết trường thiên về quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nhân tính và sói tính, đạo của sói và đạo của trời. Ngày nay,  giữa lúc xã hội Trung Quốc  đang chuyển đổi mô hình, tính cách quốc dân hình thành từ nền văn minh nông canh đang níu chân mọi người tiến tới, học giả Khương Nhung đã đánh dấu son lên tác phẩm đồ sộ mà ông tâm huyết cả nửa cuộc đời, để rồi hoàn thành sứ mạng tái hiện “Lang đồ đằng”, trở thành người đúc kết chân lí về sói.
Cuốn truyện tập hợp mấy chục chuyện về sói, tình tiết gay cấn, quyết liệt mà lạ lùng thần bí… Mỗi chương, mỗi tình tiết đều đem lại khoái cảm cho độc giả, đã đọc là không thể dừng lại nửa chừng. Giống như thần linh, những con sói Mông Cổ bất thình lình từ trong sách nhảy ra mà cất tiếng hú, chiến thuật cao siêu của sói, mỗi cuộc trinh sát, cách bày binh bố trận, phục kích, tập kích, sự lợi dụng tài tình của sói về khí tượng, địa hình; khí phách coi cái chết nhẹ như lông hồng và tinh thần bất khuất của sói; tình thân ái trong cộng đồng; mối quan hệ giữa sói và muôn vật trên thảo nguyên; quá trình trưởng thành đầy khó khăn của sói con ngang ngạnh đáng yêu một khi đã mất tự do, chuyện nào cũng khiến ta liên tưởng tới con người, từ đó mà suy ngẫm về những câu hỏi lớn cho đến nay vẫn chưa được giải đáp trong lịch sử nhân loại: Năm xưa chỉ vẻn vẹn hơn chục vạn quân kị mà sao Mông Cổ tung hoành ngang dọc từ Á sang Âu? Đất đai Trung Hoa rộng lớn như ngày nay, nguyên nhân sâu xa vì đâu mà được như vậy? Rốt cuộc trong lịch sử, văn minh Hoa Hạ chinh phục các dân tộc du mục, hay là các dân tộc du mục đợt này kế tiếp đợt khác không ngừng tiếp máu cho văn minh Trung Hoa. Vì sao dân tộc sống trên lưng ngựa ở Trung Quốc không thờ tôtem ngựa mà lại thờ tôtem sói? Văn minh Trung Hoa không đứt đoạn, phải chăng đó là do có nền văn hoá sùng bái sói tồn tại ở Trung Quốc?

WD: “Lang Đồ Đằng”, tiểu thuyết được tái bản 7 lần với số lượgn 29 vạn bản in tại Trung Quốc sẽ ra mắt độc giả Việt Nam vào tháng 7/2006, do nhà sách Nhã Nam mua bản quyền và phát hành.

Trần Đình Hiến

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)