Lắng nghe sự im lặng

Chúng ta chỉ nghe được âm thanh? Hay chúng ta còn nghe được cả sự im lặng? Đây là chủ đề của một cuộc tranh cãi mang tính triết học tồn tại cả thế kỷ giữa hai phe: phe cảm tính (chúng ta có thể nghe thấy im lặng theo đúng nghĩa đen) và phe lý tính (chúng ta chỉ có thể phán đoán hoặc suy luận ra sự im lặng). Vậy ai đúng, ai sai?

Nhà soạn nhạc John Cage đã cho ra mắt tác phẩm ba chương 4’33″ vào năm 1958.

Ở tuổi lên 10, nhà thơ bé con Trần Đăng Khoa có viết những câu thơ gây sửng sốt:

Ngoài thềm rơi cái lá đa 

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

Đặt hai câu thơ này vào bối cảnh “Tiếng chim vách núi nhỏ dần, Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa…”, người ta cảm nhận được cả một bức tranh âm thanh đặc biệt. Trên cái nền gần như tĩnh mịch của vùng thôn dã, thi thoảng lại thấp thoáng vọng lại tiếng suối, cái lá đa mỏng mảnh bị bứt khỏi cành, chắc hẳn là lá khô, sẽ sàng đáp xuống thềm vắng. Phải cảm nhận gần như bằng cả mọi giác quan xúc giác, thị giác, thính giác, thậm chí là giác quan thứ sáu, để thấy được cái thanh âm mơ hồ nằm giữa giao điểm thực tại và hư ảo của cái lá rơi “rất mỏng như là rơi nghiêng”.

Bài thơ Đêm Côn Sơn của Trần Đăng Khoa ra đời vào năm 1968 như một phép thử về độ tinh tế của âm thanh tưởng chừng không thể nghe thấy nổi, và nếu chiếu theo cường độ âm thanh của nhạc cổ điển thì nó sẽ là pianissississississi ssissississimo… được kéo dài vô tận.

Tuy nhiên, có quan điểm về sự tinh tế của âm thanh trong âm nhạc còn cực đoan hơn, bởi trước đó 16 năm, tại một phòng hòa nhạc ở New York, người ta đã chứng kiến một sự kiện khác thường trong lịch sử âm nhạc: nghệ sĩ piano David Tudor chơi tác phẩm ba chương 4’33″ của John Cage. Thật ra, không riêng David Tudor mà hầu hết mọi người đều có thể “chơi” được tác phẩm này với năng lực như ông. Tudor bấm đồng hồ quả quít, định ra khoảng thời gian 33 giây rồi ngồi im lặng trước cây đàn mà không chạm vào phím. Ông mở và đóng nắp đàn trước hai phút 40 giây khác rồi sau đó là chương cuối một phút 20 giây. Cuối cùng, ông đứng lên và rời sân khấu.

Sau buổi biểu diễn đó, 4’33″ là tác phẩm nổi tiếng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất của John Cage, thậm chí nó còn gây tranh cãi hơn cả lần ra mắt Lễ bái xuân của Igor Stravinsky vào năm 1913 tại Paris. John Cage cho rằng, 4’33″ là tác phẩm của sự im lặng và khi sáng tác nó, ông muốn đặt khán giả vào một điểm tập trung, lắng nghe cả âm thanh xung quanh mình. “Làm gì có cái gọi là một không gian trống hoặc một khung thời gian trống”, ông bày tỏ sau đó. “Luôn luôn có cái gì đó để nhìn, cái gì đó để nghe. Trên thực tế, dẫu cố gắng thì chúng ta cũng không thể nào tạo ra được sự im lặng đâu”. John Cage vẫn thường nói, ý tưởng sáng tác 4’33″ thành hình khi người bạn của ông là họa sĩ Robert Rauschenberg vào năm 1951 đã vẽ một loạt bức tranh chỉ sơn màu trắng trên mặt toan nhưng khi chúng được treo trong phòng tranh lại có thể thể hiện thêm nhiều sắc độ phong phú khác nhau với sự phản chiếu của những cái bóng của người thưởng lãm hắt lên.

Dù còn gây tranh cãi về việc 4’33″ của John Cage có thực sự là tác phẩm âm nhạc không nhưng rõ ràng, nó khiến chúng ta phải nghĩ lại về thanh âm. Cách chúng ta nghĩ một cách quen thuộc về việc lắng nghe âm thanh là chúng ta nghe một tiếng ồn, một bài hát, giọng người, tiếng còi xe… nhưng cũng có những âm thanh chắc chắn là được lan truyền ở những tần số cao hơn hoặc thấp hơn tần số mà tai người có thể nghe thấy. Trên thực tế cũng có những khoảng lặng ngột ngạt trong một cuộc đàm thoại, tích tắc đồng hồ sau một tiếng sét, khoảng khắc sau một tác phẩm âm nhạc kết thúc và trước thời điểm tiếng vỗ tay bắt đầu… 

“Điều này cho thấy não bộ của chúng ta cấu trúc các biểu hiện âm thanh tương tự như trải nghiệm của chúng ta về sự im lặng”, theo Rui Zhe Goh, người đầu tiên ở ĐH Johns Hopkins trở thành nghiên cứu sinh kết hợp cả hai lĩnh vực tâm lý và triết học.

Những tình huống như vậy đặt ra câu hỏi: não bộ trên thực tế có “nghe” được sự im lặng như một quá trình xử lý đầu vào bởi hệ thống xử lý âm thanh của nó theo cùng một cách xử lý một tiếng còi xe? Hay chúng ta chỉ đơn giản là không thể nghe được sự im lặng, và rơi vào trường hợp này thì chúng ta tự suy ra đó là im lặng? Cuộc tranh cãi về cả tính triết học và khoa học nhận thức kéo dài với nhiều giả thuyết như âm thanh là vật thể duy nhất của trải nghiệm âm thanh và do đó cuộc gặp gỡ của chúng ta với sự im lặng là dựa trên nhận thức chứ không phải sự tri giác.

Ba nhà nghiên cứu ở ĐH John Hopkins, bằng thực nghiệm đã đưa ra một đề xuất mới “The perception of silence” (Nhận thức về sự im lặng), xuất bản trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. “Chúng ta thường nghĩ cảm giác nghe của chúng ta liên quan đến âm thanh. Nhưng im lặng, dẫu nó là gì, cũng không phải là một âm thanh – đó là sự thiếu vắng âm thanh”, Rui Zhe Goh, một trong ba tác giả của công trình, phát biểu trong thông cáo báo chí. “Thật đáng ngạc nhiên, những gì mà công trình của chúng tôi đề xuất là không có gì bạn không thể nghe thấy”. 

Giải đáp câu hỏi hóc búa

Rui Zhe Goh và nhóm nghiên cứu của mình ở ĐH John Hopkins đã nêu ra vấn đề liên quan nhiều hơn đến câu hỏi về cách nhận thức cảm tính hoạt động như thế nào – và những gì diễn ra trong sự mơ hồ của nó. Thị giác là khi ánh sáng chạm đến mắt người, cảm giác là những gì tiếp xúc với cơ thể; và thính giác liên quan đến âm thanh. Tất cả dường như rất rõ ràng nhưng có thể là không. 

“Như Rui Zhe Goh đã nói, im lặng không phải là một âm thanh”, Chaz Firestone, một trợ lý giáo sư khoa học tâm lý và não bộ và đồng tác giả của nghiên cứu, trao đổi với Scientific American. “Nếu im lặng không phải là một âm thanh, và khi hóa ra chúng ta có thể nghe được sự im lặng, thì việc nghe thực ra còn bao hàm phạm vi rộng lớn hơn cả âm thanh”.

Âm thanh từng được coi là là vật thể duy nhất của trải nghiệm âm thanh.

Để kiểm tra liệu chúng ta có “nghe” được sự im lặng hay không, các nhà khoa học đã sử dụng các ảo giác âm thanh, vốn được dùng để kiểm tra sự nhận thức về tiếng ồn, nhưng trong trường hợp này để đo lường phản hồi của con người với sự im lặng và xem bộ não tương tác với sự im lặng có tương tự như cách bộ não tương tác với tiếng ồn hay không. Có tổng số 1.000 người tham gia vào bảy thực nghiệm này. “Nếu như bạn có thể đón nhận sự im lăng theo cùng cách bạn đón nhận âm thanh thì đó có thể là bằng chứng cho trên chúng ta nghe thấy im lặng theo nghĩa đen”, Chaz Firestone, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà khoa học nhận thức nói trong thông cáo báo chí.

Các nhà nghiên cứu đã phân chia những người tham gia nghiên cứu vào các nhóm khác nhau. Ở thí nghiệm thứ nhất mang tên “một là nhiều hơn”, các nhà nghiên cứu bật một bản ghi âm có âm thanh giống như tiếng ồn xung quanh một quảng trường. Trong nửa đầu của bản thu âm, tiếng ồn này bị cắt ngang bởi hai điểm im lặng. Trong nửa còn lại, một khoảng im lặng liên tục cắt ngang. Sau đó, các nhà nghiên cứu hỏi những người tham gia là cảm thấy im lặng ở nửa đầu hay nửa cuối dài hơn. Phần lớn những người tham gia đều trả lời là phần hai với sự im lặng liên tục kéo dài hơn, tuy nhiên trên thực tế là độ dài của im lặng ở hai phần đều có độ dài giống nhau. Điều này bắt nguồn từ một quá trình nhận thức mà người ta gọi là “sự phân mảnh sự kiện”, trong đó bộ não xử lý âm thanh bằng việc phân chia liên tục thông tin đầu vào thành các sự kiện rời rạc. Điều này có thể dẫn đến sự ảo giác nhận thức là một tiếng động xuất hiện thì dài hơn là hai tiếng động riêng rẽ.

Kết quả này phù hợp với những nghiên cứu về ảo giáo âm thanh tương tự trước đây, bao gồm việc sử dụng hai tiếng bíp ngắn và một tiếng bíp liên tục thay thế khoảng thời gian im lặng, theo các nhà nghiên cứu. Do đó, họ cho rằng khi đón nhận khoảng thời gian liên tục thì con người cảm thấy lâu hơn so với việc trải nghiệm hai khoảng thời gian cách quãng. “Điều này cho thấy não bộ của chúng ta cấu trúc các biểu hiện âm thanh tương tự như trải nghiệm của chúng ta về sự im lặng”, Rui Zhe Goh, người đầu tiên ở ĐH Johns Hopkins trở thành nghiên cứu sinh kết hợp cả hai lĩnh vực tâm lý và triết học.

Với chúng ta, sự im lặng không phải là biểu hiện của sự thiếu vắng âm thanh mà là cái mà sự đón nhận một cách tích cực đúng như cách chúng ta đón nhận tiếng ồn.

Trong một thí nghiệm khác mang tên “ảo giác kỳ quặc”, những người tham gia lắng nghe một bản thu âm chứa hai âm thanh, giống như tiếng đàn organ ở quãng âm cao và tiếng động cơ gào rú ở quãng âm thấp. Trong bốn lần nghe đầu tiên, một trong hai âm thanh sẽ im lặng, ví dụ đàn organ có thể ngừng chơi, chỉ để tiếng động cơ gầm rú. Trong lần nghe thử nghiệm thứ năm, âm thanh khác sẽ bặt tiếng – trong trường hợp này là tiếng động cơ và chỉ để tiếng đàn organ vang lên. Những người tham gia sau đó xác định là chu kỳ thời gian nào thì tiếng đàn hay tiếng động cơ dài hơn trong các lần nghe. Một lần nữa, những chu kỳ thời gian đều có độ dài tương đương nhau nhưng những người tham gia thí nghiệm thì cho rằng lần nghe thứ năm dài hơn. Điều này cho thấy với chúng ta, sự im lặng không phải là biểu hiện của sự thiếu vắng âm thanh mà là sự đón nhận một cách tích cực đúng như cách chúng ta đón nhận tiếng ồn.

Những phát hiện tương tự trong cả bảy thí nghiệm cho thấy là trải nghiệm của con người về sự im lặng và thanh âm diễn ra theo cùng một cách: cả âm thanh và sự im lặng đều có thể bị biến dạng bởi sự chi phối từ nhận thức của chúng ta về thời gian. 

Gợi mở cách tiếp cận mới

Việc giải một câu đố cũ mang tính triết học bằng công cụ của khoa học nhận thức là một cách làm mới mẻ. Có lẽ, nếu chỉ dùng cách tiếp cận tư duy triết học để giải đáp câu hỏi này thì hoặc sẽ sa đà vào tranh luận, hoặc sẽ còn cả một thế kỷ nữa mới có thể toại nguyện. 

Trong công trình trên PNAS, các nhà khoa học viết “Phát hiện của chúng tôi đã vượt qua công trình nghiên cứu trước khi chứng tỏ là não bộ nhạy cảm với các khoảng trống âm thanh ngắn. Hiện tượng mà chúng tôi nghiên cứu ở đây tương ứng với những gián đoạn thời gian dài hơn trong luồng âm thanh – một đặc điểm thang thời gian của những trải nghiệm im lặng thông thường như một khoảng dừng kịch tính trong một bài phát biểu hay một điểm lặng sau khi một dàn nhạc biểu diễn xong tác phẩm của mình”. 

Các nhà khoa học đã tranh luận về cách chúng ta đón nhận sự thiếu vắng của sóng âm dội vào đôi tai mình.

Chaz Firestone trả lời New York Times rằng ảo giác im lặng có tác động mạnh đến con người tương tự ảo giác âm thanh. “Nó thậm chí không giống như cách chúng ta nghĩ trước đây ‘ồ nó diễn ra với sự im lặng và nó đuối hơn rất nhiều’. Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu là ‘không, bạn nhận được cùng một tác động đấy”. 

“Có ít nhất một điều là thứ chúng ta nghe không phải là âm thanh, và đó là sự im lặng xảy ra khi âm thanh đã lặng tắt”, Ian Phillips, một giáo sư triết học và khoa học tâm lý – não bộ, đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu nhận xét. “Các dạng ảo giác và hiệu ứng giống như chúng là độc nhất vô nhị cho quá trình xử lý thính giác của một âm thanh vọng đến người nghe, và chúng ta cũng đón nhận các quá trình xử lý như vậy với sự im lặng. Kết quả này đề xuất một cách hiểu là chúng ta thực sự nghe được sự im lặng, hay nghe được sự thiếu vắng của thanh âm”.

Phát hiện mới đã thiết lập được một cách mới để nghiên cứu sự nhận thức về sự im lặng, nhóm nghiên cứu nêu trong công bố của mình. Mặt khác, việc họ sử dụng các công cụ của khoa học nhận thức để giải quyết thành công câu hỏi triết học cũ cũng gợi mở cách tiếp cận liên ngành với sự kết hợp phương pháp và ý tưởng mà Firestone hy vọng sẽ tiếp tục trong tương lai. Bởi nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tiếp tục khám phá mức độ con người nghe sự im lặng, trong đó bao hàm cả việc liệu chúng ta có nghe những khoảng lặng khi không có âm thanh đi trước hay được âm thanh đóng khung lại không? Họ cũng muốn tìm hiểu sự biến mất của trực quan sinh động và những ví dụ khác mà con người có thể đón nhận khi trong trạng thái mơ hồ.

Nghiên cứu về sự im lặng có thể là một điểm khởi đầu cho nghiên cứu về các dạng khác của cái không, Nico Orlandi, một nhà triết học về tinh thần và khoa học nhận thức tại ĐH California, Santa Cruz, nhận xét còn Roy Sorensen, một nhà triết học tại ĐH Texas ở Austin và là tác giả của cuốn sách Seeing Dark Things: The Philosophy of Shadows and Nothing: A Philosophical History nói với Scientific American rằng “Một trong những lợi ích của việc tư duy về các hố, bóng tối và im lặng là chúng đều là tri giác, chúng ta có thể kiểm soát chúng”. Sự im lặng có thể giúp chúng ta hiểu được sự tồn tại của cái không theo cách mới, và hiểu thấu được cách chúng vận hành. “Chúng đều như những con ruồi giấm của siêu hình học”, Sorensen ví von.

Sự im lặng không chỉ mở ra cánh cửa vào bản chất của thực tại vật lý mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nhận thức cơ bản của chúng ta. 

Các dạng im lặng mà công trình xuất bản trên PNAS đã làm thí nghiệm đều được gọi là tương quan hoặc tương phản, chúng đều có một số chồng lấn với nghiên cứu về các lỗ trong triết học, khi mọi người có xu hướng coi chúng như một vật thể hữu hình và có thể đo đếm được nhưng trên thực tế chúng lại là sự không tồn tại của thứ gì đó trong một vật thể khác. Các nhà triết học đã hỏi những câu hỏi tương tự “chúng ta trên thực tế có thấy một cái lỗ”? “hay đó chỉ là những gì bao quanh một cái lỗ mà chúng ta không thể thấy”? “Những cái lỗ đòi hỏi một vật chủ”, Firestone nói. “Sự im lặng cũng đòi một vật chủ. Các lỗ trên các bánh vòng cũng cần một cái bánh vòng. Các dạng im lặng mà chúng tôi nghiên cứu đòi hỏi một thứ âm thanh nền đi trước sự im lặng”.

Việc hiểu về việc chúng ta có thể đón nhận sự im lặng một cách tích cực cũng giúp chúng ta hiểu sâu hơn những khoảnh khắc mà chúng ta đối diện với nó. Với Ian Phillips, phát hiện của ông và cộng sự dẫn ông tới một cách hiểu mới về sự im lặng cũng như việc sử dụng chúng trong âm nhạc. Ông lưu ý đến nhà phê bình âm nhạc Alex Ross từng viết hành khúc tang lễ của Anton Webern “là một trong những hiện tượng âm nhạc ‘to miệng’ nhất trong lịch sử, thậm chí nó thêm phần ‘om xòm’ do được nảy sinh từ sự im lặng, khiến những cái tai nghe như nghe thấy tiếng sét”.

“Trước khi chúng tôi thực hiện công trình nghiên cứu này, dường như thật dễ dàng cho rằng đây là những miêu tả mang tính cường điệu”, Phillips nói.

Sự im lặng không chỉ mở ra cánh cửa vào bản chất của thực tại vật lý mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nhận thức cơ bản của chúng ta. “Năng lực liên quan đến cái không là một đặc điểm được tái định nghĩa của mọi sinh vật về mặt tâm lý”, Orlandi với Scientific American. “Ví dụ con người có năng lực liên tưởng đến những điều không hiện diện tức thì trước họ”.

Mặt khác, nó giúp chúng ta cảm nhận tốt hơn câu nói của nhà triết học cổ đại Hy Lạp Pythagoras “Tốt hơn là im lặng hoặc nói ra những điều giá trị hơn cả im lặng. Ném một viên ngọc vào tình thế hiểm nguy tốt hơn là không làm gì cả hoặc nói lời vô nghĩa, và đừng nói ít bằng nhiều từ mà hãy biểu đạt được nhiều trong ít từ”.□

——————-

Tài liệu tham khảo: 

“Do We Actually ‘Hear’ Silence?”. ScientificAmerican.

Thông cáo báo chí ĐH Johns Hopkins. 

“The perception of silence”. Proceedings of the National Academy of Sciences.

Tác giả

(Visited 100 times, 1 visits today)