Lắng nghe Thiên nhiên: Một góc nhìn từ hiện tượng học và khoa học sinh thái âm học
Con người hiện đại đã quên đi khả năng lắng nghe và cảm nhận Thiên nhiên bằng thính giác. Thay vào đó, con người hiện đại kết nối với Thiên nhiên thông qua đôi mắt và từ đó rơi vào cái bẫy của thị giác.

Mùa hè năm 2021, cặp vợ chồng Michel và Annie Pécheras sống tại vùng quê Grignols (Dordogne, Pháp) đã vướng vào một vụ kiện tụng pháp lý vô cùng hy hữu với những người hàng xóm của mình. Nguyên nhân của vụ kiện tụng là những chú ếch trong ao của cặp vợ chồng đã kêu suốt đêm khiến họ mất ngủ triền miên. Những người hàng xóm, thông qua quá trình kiện tụng, đã buộc cặp vợ chồng lấp ao của mình và đuổi những chú ếch đi, lấy lại sự thanh tĩnh của màn đêm ở vùng thôn quê này. Một sự kiện tương tự cũng diễn ra với chủ nhân của chú gà trống có tên Maurice, sống tại đảo Oléron (Pháp). Người phụ nữ này bị triệu tập đến tòa án địa phương vì hàng xóm của bà phàn nàn về việc chú gà trống Maurice của bà gáy mỗi buổi sáng khiến họ phải tỉnh giấc sớm.
Mặc dù hai vụ kiện tụng trên mang tính chất hy hữu, nó cho thấy một hiện tượng xã hội đáng chú ý: tiếng kêu của động vật, sự tự nhiên của Thiên nhiên, bị xếp loại thành một dạng ô nhiễm tiếng ồn đối với một bộ phận trong xã hội loài người. Điều gì đã khiến cho một bộ phận xã hội đó không còn cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên của tiếng kêu động vật, và thay vào đó là một sự khó chịu do các tiếng kêu đó gây ra ? Câu trả lời nằm ở việc con người hiện đại đã quên đi khả năng lắng nghe và cảm nhận Thiên nhiên bằng thính giác. Thay vào đó, con người hiện đại kết nối với Thiên nhiên thông qua đôi mắt và từ đó rơi vào cái bẫy của thị giác.
Sự thống trị của đôi mắt: Cái bẫy của thị giác và sự tách rời của con người hiện đại với Thiên Nhiên
Đôi mắt là một công cụ sinh học thông qua đó con người hiện đại quan sát, nắm bắt, kiểm tra, đánh giá Thiên nhiên và tạo sự kết nối giữa con người hiện đại và Thiên nhiên. Sự kết nối tự nhiên ấy không dừng lại đơn thuần ở mức độ nhận biết Thiên nhiên, mà còn mở ra một hành động khác: biến Thiên nhiên thành khách thể. Như triết gia người Pháp Maurice Merleau-Ponty (1956 – 1960 [2021]: 169) đã từng nói: “Quan sát là hành động khách thể hóa: khách thể được tạo ra bởi chủ thể”. Thông qua việc quan sát, con người hiện đại xác lập kết nối giữa chủ thể (ở đây là con người hiện đại) và khách thể (ở đây là Thiên nhiên) trong đó khách thể chịu sự kiểm soát và chi phối của chủ thể. Thiên nhiên trở thành vật thể để con người hiện đại nghiên cứu nhằm mục đích kiểm soát sức mạnh của Thiên nhiên và biến Thiên nhiên thành nguồn lực phục vụ cho mục đích kinh tế của con người hiện đại. Sự kết nối chủ thể – khách thể đánh dấu quá trình tách rời của con người hiện đại khỏi Thiên nhiên.
Sự tách rời ấy càng đậm nét hơn khi con người hiện đại tái tạo Thiên nhiên quan sát được dưới dạng diễn ngôn dành cho mục đích nghiên cứu khoa học, trao đổi thương mại, và quản lý. Các diễn ngôn về Thiên nhiên thường được biểu hiện dưới dạng hình ảnh, bảng tính, mô hình, hệ thống phân loại, hoặc các thuật ngữ khoa học mà con người hiện đại dùng để nói về Thiên nhiên. Ví dụ như trong kinh tế học hoặc khoa học quản lý, Thiên nhiên thường được miêu tả như một nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế (Porter, 1980), một môi trường bao quanh tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận (Freeman, 1999), hoặc một sinh thái – sinh quyển tham gia trực tiếp vào sự sinh tồn của một tổ chức lợi nhuận (Shrivastava, 1994). Các diễn ngôn ấy mở ra một hình thức kết nối mới: con người hiện đại không còn kết nối trực tiếp với Thiên nhiên, mà thay vào đó là sự kết nối gián tiếp thông qua các hình ảnh và biểu tượng truyền tải bởi diễn ngôn và thâu nhận bởi thị giác.
Thanh âm của Thiên nhiên có thể làm rung động cơ thể của con người hiện đại, len lỏi vào tâm hồn họ và tạo ra một kết nối hiện sinh với họ. Sự kết nối hiện sinh này không còn là sự kết nối chủ thể – khách thể mà trở thành một cuộc đối thoại, một sự hòa quyện của con người hiện đại vào Thiên nhiên.
Nói một cách khác, hành động quan sát bao gồm thâu nhận bằng thị giác và tái tạo hình ảnh quan sát. Hành động này cắt đứt mối liên kết tự nhiên của con người hiện đại và Thiên nhiên và thay vào đó là mối quan hệ giữa con người làm chủ và Thiên nhiên bị thống trị. Mối quan hệ này mang tính chất lý tính vì nó vận hành thông qua các diễn ngôn, trong đó các biểu tượng diễn ngôn về Thiên nhiên trở thành ngôn ngữ chuẩn mực trong các hoạt động giao dịch học thuật, kinh tế, và quản lý (Foucault, 1966) với mục đích hiện thực hóa khát vọng chinh phục Thiên nhiên của con người. Để đáp ứng tính chất lý tính đó, con người hiện đại buộc phải ưu tiên thị giác như giác quan chính để phân tích và đánh giá Thiên nhiên như một vật thể độc lập. Thị giác được xem như là ‘công cụ nghiên cứu’ mang tính khách quan, trong khi đó các giác quan khác (thính giác, vị giác, xúc giác, và khứu giác) bị xem là mang tính chủ quan vì nó gắn liền với sự tương tác trực tiếp của con người hiện đại với Thiên nhiên.
Như vậy, làm như thế nào để thoát khỏi cái bẫy của thị giác và xác lập lại kết nối với Thiên nhiên? Câu trả lời nằm ở việc học cách lắng nghe Thiên nhiên và để tiếng nói của Thiên nhiên rung động trong cơ thể của con người hiện đại.

Lắng nghe: Sự kết nối đồng điệu thanh âm giữa con người hiện đại và Thiên Nhiên
Triết gia người Đức Theodor Adorno đã từng viết “Chỉ cần lắng nghe ngọn gió là biết mình có hạnh phúc hay không. Nó nhắc kẻ bất hạnh sự mong manh của mái nhà, nó lôi họ ra khỏi giấc ngủ không yên cùng những cơn ác mộng. Với người hạnh phúc, lời ca của gió lại thì thầm rằng anh đang vẹn toàn an yên: tiếng gió gào thét cuồng nộ cho anh thấy rằng nó chẳng thể nào chạm đến anh được nữa”. (Adorno, 1951). Câu nói của triết gia Adorno khẳng định rằng con người hiện đại có thể và nên kết nối với Thiên nhiên để nghe được tiếng lòng của mình thông qua việc lắng nghe tiếng gió. Hay nói một cách khác, thanh âm của Thiên nhiên có thể làm rung động cơ thể của con người hiện đại, len lỏi vào tâm hồn họ và tạo ra một kết nối hiện sinh với họ.
Sự kết nối hiện sinh này không còn là sự kết nối chủ thể – khách thể mà trở thành một cuộc đối thoại, một sự hòa quyện của con người hiện đại vào Thiên nhiên. Vì về bản chất, con người là một phần của Thiên nhiên. Sự kết nối hiện sinh này đòi hỏi con người hiện đại lắng nghe, cảm nhận, và thả mình đồng điệu với thiên nhiên thông qua cơ thể của mình thay vì tự giam mình trong cái bẫy của thị giác. Triết gia người Pháp Mikel Dufrenne (1991) gọi đó là sự cộng hưởng thính giác. Đối với Dufrenne (1991) thính giác mang tính thụ động hơn thị giác vì con người có thể quyết định điều mình muốn thấy hoặc không bằng việc điều hướng đôi mắt của mình. Trong khi đó, với đôi tai trần, con người phải đối mặt với các loại âm thanh khác nhau đến từ nhiều hướng và nhiều nguồn. Còn đối với triết gia người Pháp Jean-Luc Nancy (2002), thị giác có xu hướng khép lại trong chính nó, còn thính giác buộc con người phải mở ra với thế giới xung quanh. Bằng việc lắng nghe Thiên nhiên, con người hiện đại mở cửa tâm hồn và cơ thể trần của mình để đón nhận sự rung động của thanh âm từ Thiên nhiên.
Con người hiện đại cần phải thực tập để chấp nhận sự đa âm của Thiên nhiên (dù là tiếng động hay sự tĩnh lặng) – một loại ngôn ngữ mà con người không thể thấu hiểu và kiểm soát hoàn toàn – và tìm thấy vẻ đẹp trong sự đa âm ấy.
Theo Jean-Luc Nancy (2002), có hai loại cộng hưởng thính giác: nghe và lắng nghe. Nếu việc nghe là sự nắm bắt rung động của thanh âm, thì lắng nghe là một hoạt động thể chất và tinh thần thông qua đó con người phân loại và chuyển hóa thanh âm mà mình cảm nhận được. Nghe là một hành động mang tính thụ động, lắng nghe là hành động mang tính chủ động và có mục đích. Nghe là bản năng, lắng nghe là thực tập. Con người hiện đại cần phải thực tập để chấp nhận sự đa âm của Thiên nhiên (dù là tiếng động hay sự tĩnh lặng) – một loại ngôn ngữ mà con người không thể thấu hiểu và kiểm soát hoàn toàn – và tìm thấy vẻ đẹp trong sự đa âm ấy. Học cách lắng nghe giúp con người hiện đại chấp nhận sự chuyển hoá của mình mà sự đa âm của Thiên nhiên mang lại. Đồng thời, điều đó cũng giúp con người hiện đại đáp lại lời gọi trò chuyện của Thiên nhiên. Như cái cách mà nhà văn người Pháp Albert Camus đã làm: “Và giờ đây, khi đã tỉnh giấc, tôi dần nhận ra từng âm thanh vi tế của sự tĩnh lặng: khúc bè trầm không dứt của bầy chim, tiếng thở dài khẽ khàng và ngắn ngủi của biển dưới chân những vách đá, sự rung động của cây cối, khúc hát mù lòa của những hàng cột, tiếng lá ngải tây xào xạc, tiếng động lén lút của bầy thằn lằn.” (Camus, 1954: 59). Sự đa âm của thành phố Alger đã mời gọi nhà văn trò chuyện với Thiên nhiên nơi đây. Những âm thanh đến từ nhiều nguồn khác nhau, có bản chất khác nhau (ngay cả sự tĩnh lặng) đã được nhà văn chuyển hóa thành dạng âm thanh có ý nghĩa đối với mình. Cũng bằng cách đó, con người hiện đại có thể học cách trò chuyện với Thiên Nhiên bằng cách lắng nghe nó.
Học cách lắng nghe Thiên Nhiên
Làm thế nào để học cách lắng nghe Thiên nhiên? Câu trả lời có thể tìm thấy trong những hoạt động truyền thống thông qua việc giảm kiểm soát cơ thể của mình bằng lý trí, mà thay vào đó chấp nhận để Thiên nhiên nói chuyện thông qua cơ thể của mình, như cách mà các bà đồng người Siberie làm (Stépanoff, 2018); hoặc như cách mà người dân đến từ các nền văn hoá truyền miệng (ví dụ như người Yanomani ở vùng Amazone, người Samis ở bán đảo Scandinavia, người Pitjnatjatjara ở Úc châu) sử dụng để kết nối cơ thể nhạy cảm của mình với Thiên nhiên thông qua việc đồng nhất cơ thể con người với cơ thể vật chất của cỏ cây và thú vật (Abram, 1996).
Một hình thức khác đó là sự học tập lắng nghe tịnh tiến được khuyến nghị bởi nhà khoa học người Pháp Jérôme Sueur. Nhà khoa học chia việc học cách lắng nghe Thiên Nhiên thành hai hình thức nhỏ nối tiếp nhau: (1) phương pháp lắng nghe khoa học và phân tích; và (2) phương pháp lắng nghe cảm nhận và chiêm nghiệm. Đối với Jérôme Sueur (2023), phương pháp lắng nghe khoa học và phân tích bao gồm việc nhận dạng, phân loại, và phân tích các âm thanh Thiên nhiên tạo ra bởi động vật, gió, cây cối, đất đá… Còn đối với việc lắng nghe cảm nhận và chiêm nghiệm là lối nghe mang đậm màu sắc tư tưởng của triết gia Jean-Jaques Rousseau, hướng đến việc chiêm nghiệm vẻ đẹp thanh âm của Thiên nhiên.
Để đặt Thiên nhiên về đúng vị trí của nó, nơi mà con người hiện đại thuộc về, con người hiện đại cần học cách lắng nghe Thiên nhiên và để thanh âm của Thiên nhiên vang vọng trong cơ thể và tâm trí của mình.
Phương thức lắng nghe thứ nhất được hỗ trợ bởi các công cụ công nghệ, phương thức thứ hai được hỗ trợ bởi thân thể cảm nhận của sinh vật. Phương thức đầu tiên cần thiết để khởi đầu quá trình học cách lắng nghe Thiên nhiên. Trong vài thập kỷ qua, ngành sinh thái âm học được phát triển như một ngành khoa học nghiên cứu các hệ sinh thái và sự biến đổi của chúng thông qua lăng kính âm thanh. Nó là một nhánh phát triển từ âm học sinh vật. Tuy nhiên, “phạm vi của sinh thái âm học rộng hơn âm học sinh vật rất nhiều: nó quan tâm đến tất cả các quần thể và quần xã động vật hiện diện tại một địa điểm nhất định và không có bất kỳ sự phân biệt nào. Sinh thái âm học bao hàm tất cả âm thanh của sự sống, cái mà chúng ta gọi là “biophony”. Nhưng nó cũng nghiên cứu các âm thanh tự nhiên không có nguồn gốc từ động vật – đó là “geophony”, ví dụ như tiếng gió, tiếng mưa, tiếng sông chảy… – và cả những âm thanh không tự nhiên liên quan đến con người – đó là “anthropophony”, ví dụ như tiếng động do máy móc của chúng ta tạo ra”. (Sueur, 2023). Gần đây, các nhà sinh thái âm học đã sử dụng các công cụ công nghệ (ví dụ: micro, máy ghi âm, trí tuệ nhân tạo) để thu lại bản hợp âm của Thiên nhiên, lập bản đồ cảnh quan thanh âm của Thiên nhiên, và lưu trữ chúng. Những bản ghi âm đó đã được các nhà sinh thái âm học sử dụng để rèn luyện con người hiện đại về phương pháp lắng nghe chiêm nghiệm. Ví dụ, triển lãm Musicanimale tại Nhà hát giao hưởng Paris (Philharmonie de Paris) cho phép khách tham quan có được một trải nghiệm đầy mê hoặc, qua đó họ học cách khám phá vẻ đẹp của âm thanh do động vật phát ra dưới dạng một hành trình âm nhạc; hoặc việc lưu trữ trực tuyến vô số âm thanh do động vật, sông băng, núi lửa, gió, v.v. tạo ra, và được các nhà sinh thái âm học thu thập, để làm nguồn dữ liệu cho các bản ghi âm được thương mại hóa dưới dạng sản phẩm thư giãn nhằm xoa dịu căng thẳng cho con người hiện đại.
Lời kết
Sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay giúp con người hiện đại kiểm soát và đối phó nhanh chóng với sự biến động của Thiên nhiên. Tuy nhiên, khoa học công nghệ cũng vô tình cắt đứt mối liên kết của con người hiện đại với Thiên nhiên vì các tiêu chuẩn về sự khách quan trong nghiên cứu, mà thị giác là một giác quan được chuẩn hóa. Con người hiện đại ưu ái thị giác hơn các giác quan khác khi tiếp xúc với Thiên nhiên. Để đặt Thiên nhiên về đúng vị trí của nó, nơi mà con người hiện đại thuộc về, con người hiện đại cần học cách lắng nghe Thiên nhiên và để thanh âm của Thiên nhiên vang vọng trong cơ thể và tâm trí của mình.
Học cách lắng nghe Thiên nhiên không phải là sự chối bỏ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngược lại, đó là cách sử dụng công nghệ và kỹ thuật để biến sự đa âm của Thiên nhiên thành một bản hợp âm đẹp mà con người hiện đại có thể thưởng thức, đồng thời khuyến khích con người sử dụng các giác quan khác nhiều hơn khi kết nối với Thiên nhiên. Sự phát triển gần đây của lĩnh vực sinh thái âm học góp phần phổ biến kỹ thuật lắng nghe Thiên nhiên nhờ sự tiến bộ của công nghệ. Tiếng ếch kêu hay tiếng gà gáy sẽ không còn là một âm thanh gây phiền toái, mà sẽ trở thành bản hợp âm tự nhiên của Thiên nhiên. □
* GS. TS. Nguyễn Nhật Nguyên (Arthur Nguyen) là nhà nghiên cứu ngành Khoa học quản lý, ĐH Rouen Normandie.
Tài liệu tham khảo
Abrams, P. A. (1996). Evolution and the consequences of species introductions and deletions. Ecology, 77(5), 1321-1328.
Adorno, T. (2020 [1951]). Minima moralia: Reflections from damaged life. London: Verso.
Camus, A. (1954). L’été. Paris : Gallimard.
Dufrenn, M. (1987). L’oeil et l’oreille. Montréal : Editions de l’Hexagone.
Freeman, R. E. (1999). Divergent stakeholder theory. Academy of Management Review, 24(2), 233-236.
Foucault, M. (1966). Les mots et les choses (Vol. 42). Paris: Gallimard.
Merleau-Ponty, M. (2021). La nature : cours du Collège de France (1956 – 1960). Paris : Seuil
Nancy, J-L. (2002). A l’écoute. Paris: Galilée.
Porter, M. E (1980). Competitive Strategy: Techniques for analyzing industries and competitors. New York: Free,
Shrivastava, P. (1994). Castrated environment: Greening organizational studies. Organization Studies, 15(5), 705-726.
Stépanoff, C. (2018). Chamanisme, rituel et cognition: Chez les Touvas de Sibérie du Sud. Éditions de la Maison des sciences de l’homme.
Sueur, J. (2023). Une forêt sur écoute. Philosophie Magazine, 174.
https://www.philomag.com/articles/une-foret-sur-ecoute
* Bài đã đăng Tia Sáng số 13/2025