Lê Đạt, người mở chữ

Tôi không muốn đính định danh “đổi mới tư duy” cho Lê Đạt, bởi lẽ, cụm chữ ấy đã bị dùng mòn, trở thành sáo ngữ. Trong khi đổi mới tư duy, thực chất, là một vật lộn âm thầm, quyết liệt, mà bản thân mỗi người phải trả giá bằng mồ hôi, thậm chí nước mắt, để đổi thay một lối cảm, lối nhìn, lối nghĩ vốn là máu thịt của mình nhưng giờ đã ôi thiu. Đó chính là cuộc “cách mạng hệ hình”: từ hệ hình tư duy cũ, cổ truyền, cục bộ, sang hệ hình tư duy mới, hiện đại, phổ biến. Nếu hiểu như vậy thì Lê Đạt chính là người đổi mới tư duy tiêu biểu.

       Chi chi chành chành
         Chữ đanh thổi lửa

                         Lê Đạt

Sau sự việc nhân văn, mà Lê Đạt gọi đùa là một “tai nạn nghề nghiệp”, ông rơi vào vùng hỗn độn của tư duy và bị gián đoạn với những cuộc hành hương trẩy hội của quần chúng. Từ con người hành động, hướng ngoại, làm nghề xã hội, Lê Đạt lui về bản thân, làm nghề nghĩ, mà trước hết là nghĩ về sự nghĩ của chính mình. Thuyết tương đối của Einstein và vật lý lượng tử của Bohr, Heisenberg đã mở cho ông một chân trời tư duy mới, một cái nhìn thế giới mới. Ông chiêm nghiệm định lý bất toàn, thuyết bất định, nguyên lý bổ sung… ở các lĩnh vực xã hội, nhân văn và thẩm mỹ. Lê Đạt, như vậy, lại trở về với sự liên tục xã hội, nhưng lần này với một trật tự tư duy mới, một thứ trật-tự-biến-động.

Lê Đạt, trước hết và chủ yếu, là một nhà thơ. Các nhà khác nơi ông, như nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, nhà nhân văn… ít nhiều đều sáng từ ánh sáng của nhà thơ. Bởi lẽ, đổi mới hệ hình tư duy ở Lê Đạt bắt đầu từ tư duy thơ.

Thơ cũ (kể cả Thơ Mới) đặt trọng tâm vào ý, tứ. Có ý, từ rồi thì người ta mới tìm ngôn ngữ để diễn đạt. Ngôn ngữ, vì thế, chỉ là phương tiện và phần nhiều bị cầm tù bởi ý tưởng. Để chống lại sức ỳ quán tính của ý, tứ của tư tưởng. Lê Đạt (cùng với Trần Dần) đã đảo ngược quan hệ này. Ông đặt chữ trước nghĩa. Như vậy, có chữ rồi sẽ có nghĩa, chứ không phải như thông lệ/lộ có nghĩa rồi mới/đi tìm chữ. Việc đặt chữ là tính thứ nhất, một mặt đẩy lùi được nghĩa có trước, nghĩa tiêu dùng lui vào hậu trường, mặt khác tạo điều kiện cho nghĩa mới, trong sự giao tiếp với những con chữ bên cạnh, nảy sinh. Hơn nữa, bằng nhiều thủ-pháp-chữ (như nhể một chữ ra khỏi câu rồi cấy vào đó một chữ khác đồng âm nghịch nghĩa, nghịch âm đồng nghĩa, hoặc tương tự cả âm lẫn nghĩa), Lê Đạt phá vỡ tính liên tục của câu, tạo ra sự gián đoạn, để một chữ cùng lúc phát ra nhiều nghĩa, một chữ có nhiều bóng như trong nhà kính vạn gương.

Như vậy, thế giới chữ, và cả ngoài chữ nữa, duy nhất chỉ có một nghĩa, hoặc chỉ có một nghĩa đúng, không còn. Người đọc, trong thể tạng mình, tự do chọn lấy một nghĩa cho mình, hoặc tùy hứng du hành qua các không gian nghĩa của chữ. Dáng-tạo-chữ Lê Đạt không phải ở chỗ đặt ra chữ mới (dù việc này ông cũng rất mê), mà (theo kiểu (chuyện) truyện (cũ) cổ viết lại) làm cho những con chữ quen thuộc, mòn vẹt phát ra những nghĩa mới, nghĩa tinh khôi, nguyên thủy. Ông mở chữ như người ta khai hoang một vùng đất mới, phát hiện ra một không gian khác, hoặc thám mã thêm được một tầng vô thức. Nhưng cũng chính ở kiểu sáng tạo độc đáo này của Lê Đạt khiến những ai đọc ông bằng hệ hình thơ cũ, sẽ thấy thơ Lê Đạt không mới, nặng về kỹ thuật, để từ đó hiểu nhầm danh hiệu tự phong phu chữ của nhà thơ, mà không hiểu rằng kỹ thuật đó không phải là thủ công hoặc cơ giới, mà là kỹ thuật của công nghệ cao, kỹ thuật gien, của thời đại tin học. Kỹ thuật ấy không ở bàn tay, khối óc mà ở sự minh thông.

Dành gần cả cuộc đời để chiến đấu đưa thơ, rộng ra là văn chương nghệ thuật, từ thân phận một công cụ trở thành một thể tự lập, có giá trị tự thân, để từ cái tư hữu này mà có quyền bình đẳng đối thoại với/ở các lĩnh vực khác nhau như xã hội, văn hóa, kinh tế, giáo dục.

Việt Nam hiện nay vốn cộng sinh hoặc đồng tồn nhiều loại diễn ngôn. Trong đó diễn ngôn quyền lực đóng vai trò chủ đạo. Diễn ngôn này bao giờ cũng mang tính độc thoại, khép kín và duy trì cái đã có. Một mặt, vẫn dùng “phương pháp truyện cổ viết lại”, Lê Đạt gảy ra những từ quen thuộc, nghĩa cũ hoặc đang bị thoái hóa nghĩa như người tài, đối thoại, đối tác, vốn xã hội, trải thảm đỏ, sự trung thực của trí thức, bản sắc dân tộc…, để diễn giải lại một cách thông minh, hóm hỉnh, cập nhật và cập thế giới, khiến người nghe, người đọc phải động tâm mà nghĩ lại, nghĩ mới và nghĩ khác. Mặt khác, từ những khái niệm mới như thuyết bất định, nguyên lý bổ sung, nguyên lý loại trừ, cái khác biệt, phương pháp thử và sai… Lê Đạt muốn xây dựng một diễn ngôn quyền lực khác, quyền lực của tri thức, quyền lực của trí tuệ, dân chủ và cởi mở, để đối trọng với thứ quyền lực của quyền lực, nhằm góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu.

Là một người quyết liệt trong tư duy, trong đổi mới tư duy, nhưng Lê Đạt lại là người khoan hòa, cận nhân tình trong đời sống. Sự giằng co giữa hai ứng xử trái ngược này, đôi khi, làm Lê Đạt mất đi cái sức mạnh nguyên khối. có thể đây là yếu điểm/điểm yếu của người trí thức nói chung, người trí thức Việt Nam, đặc biệt là trí thức đồng bằng Bắc Bộ. Có thể đây là lối sống mát (cool), lối sống kiểu văn hóa khác với lối sóng nóng (hot), lối sống kiểu chính trị. Nhưng, biết đâu, chẳng vì thế mà Lê Đạt trở thành một nhà văn hóa, nhà nhân văn. Một người Hiền, ông-già-trẻ-nhỏ, một người minh triết.

Để xây dựng được diễn ngôn của quyền lực tri thức, nhất thiết phải có một môi trường sạch, để ánh sáng qua đấy, hoặc từ đấy phát đi không bị khúc xạ hoặc sáng lòe. Đó hẳn là lý do Lê Đạt gắn bó, lo toan với/cho Tia Sáng ngay từ buổi đầu. Và Tia Sáng nhanh chóng trở thành ngôi nhà (/ngôn ngữ vì Heidegger coi ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại) của Lê Đạt. Ngôi nhà ấy luôn đầy ắp con chữ và tiếng cười ấm áp, sảng khoái của ông, kể cả khi ông đã đi xa.

Mong muốn những con chữ mở nghĩa, dôi nghĩa, năng sản của người mở chữ Lê Đạt sẽ tìm được ở tâm hồn bạn đọc ngôi nhà của nó, để làm tổ và sinh sôi. Đấy là lý do Tia Sáng in tập sách này. Và cũng là lý do tôi trân trọng giới thiệu sách này với bạn đọc.

Tác giả

(Visited 43 times, 1 visits today)