Lễ hội Đền Trần và chuyện “cái Thiêng”
Một lễ hội thiêng nghĩa là gì? Vì sao người ta lại dự lễ hội Đền Trần đông đảo, hào hứng như thế?
Tuy nhiên, mặc giới nghiên cứu ai nói cứ nói, ai phê cứ phê, trong dư luận, vẫn có một bộ phận không nhỏ dân chúng tin tưởng và kháo nhau rằng ấn Đền Trần rất thiêng, theo nghĩa là ai nhận được một tờ ấn ở đây thì cả năm sẽ hanh thông đường công danh sự nghiệp. Vài năm trở lại đây, số lượng du khách dự lễ hội Đền Trần chỉ tăng mà không giảm, và năm nào cũng chen lấn, xô đẩy, bát nháo như năm nào, nhiều người chấp nhận mua ấn chợ đen. Điều này phản ánh một thực tế là rất đông dân chúng thật sự tin vào tính thiêng của Đền Trần, hoặc ít nhất, họ cũng có tâm lý đến đó giành ấn “cho yên tâm”.
Để Đền Trần trở thành một địa điểm tâm linh – văn hóa, để lễ hội Đền Trần được lành mạnh, có trật tự, việc báo chí viết những bài đả kích, trưng những tấm ảnh phản cảm về người dự lễ, hay đem cứ liệu lịch sử ra để thuyết phục dân chúng rằng đây chỉ là một “sáng tạo độc đáo”, v.v. xem ra không mấy hiệu quả. Tất cả các bên – nhà quản lý, giới truyền thông, cũng như người dân, mà đặc biệt là nhà quản lý – đều cần bình tĩnh nhìn nhận sự kiện trước hết từ những khái niệm căn bản nhất, chẳng hạn: Đền Trần có thật thiêng không? Một lễ hội thiêng nghĩa là gì? Vì sao người ta lại dự lễ hội Đền Trần đông đảo, hào hứng như thế? Có thể làm gì để tổ chức tốt các lễ hội?
Tính thiêng của lễ hội
Nhiều người hiểu cái thiêng của một công trình tôn giáo – tín ngưỡng như chùa, đền, miếu mạo, giống như “sức mạnh tâm linh” của nơi ấy, có khả năng giúp ta ước gì được nấy. Chẳng hạn, Đền Trần thiêng có nghĩa là đến đó cầu xin, lời khẩn cầu sẽ ứng nghiệm. Ấn Đền Trần thiêng nghĩa là nó có thể hiện thực hóa khát vọng thăng tiến về sự nghiệp của người có ấn.
Tuy nhiên, xét từ giác độ xã hội học tôn giáo, từ “thiêng” có một ý nghĩa khác. Theo các nhà nghiên cứu, trong mỗi con người đều có hai cảm thức thiêng (sacred) và phàm (profane), vừa tương phản lại vừa thống nhất. Theo “ông tổ” của ngành xã hội học Émile Durkheim (1858-1917), cái thiêng là những niềm tin chỉ dành cho các sự vật, hiện tượng được coi là thiêng – nghĩa là tách riêng khỏi cộng đồng và mang tính chất cấm kỵ, người ta không dám, không thể phạm vào. Cảm thức thần thiêng là thứ cảm giác ớn lạnh, sợ hãi một điều huyền bí nào đó. Hay nói như F. Schleiermacher (1768-1834), cái thiêng tự nó mang một sức mạnh, có khả năng đưa con người vào những hành động liều lĩnh, thậm chí phi thường.
Tương phản với cái thiêng là cái phàm tục, diễn ra hằng ngày, như các sinh hoạt ăn, ngủ, đi lại của con người.
Bàn về cái thiêng, Tiến sĩ sử học Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, giải thích: “Ví dụ, đối với người Việt, tổ tiên là rất thiêng liêng. Thời xưa người ta sợ tổ tiên nên mới có tục kỵ húy, cấm nói đến tên các cụ. Ông nội tên Hào thì con cháu phải gọi chại thành Hìu chẳng hạn. Và do cái thiêng là niềm tin đối với những sự vật hiện tượng có tính chất cấm kỵ, tách rời khỏi cộng đồng, nên nó không thể hiện trong đời sống hằng ngày (như cái phàm) mà phải gắn với thời gian và không gian nhất định. Thời gian đó thường là lễ hội, và không gian là các di tích, công trình tôn giáo, như đình, chùa, đền, miếu mạo… Nếu cái thiêng bước ra khỏi những cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng như thế, nghĩa là nó đã bước vào cái phàm tục”.
Các nghi lễ tôn giáo – tín ngưỡng là không gian và thời điểm để cái thiêng thể hiện. Bên cạnh đó, một vai trò, đặc điểm rất quan trọng của các nghi lễ đó là duy trì sự đoàn kết giữa các tín đồ. Theo Giáo sư nhân loại học người Mỹ Conrad Phillip Kottak, “một gia đình cầu nguyện cùng nhau nghĩa là cùng ở bên nhau”. Ví dụ trong những nghi lễ thờ totem (bái vật giáo), “người ta tụ họp lại để cùng nhau tôn vinh totem của mình. Khi làm như vậy là họ đã sử dụng nghi lễ để duy trì sự thống nhất của một xã hội mà totem đó biểu trưng”.
Không có một cánh tay nào xin ấn lại không có tiền công đức. |
Điều này được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn diễn giải: “Cái thiêng tạo ra ở những người tin theo nó một cộng đồng đạo đức, họ cùng tham dự nghi lễ, sự kiện tôn giáo, tín ngưỡng một cách tĩnh tại, đoàn kết và chia sẻ. Người ta hội nhập vào không gian thiêng đó, tan vào nó, cộng cảm với những người cùng dự với mình. Còn cách cư xử làm tổn hại người khác thì rõ ràng là không đúng, là lệch chuẩn, loạn cương”.
Khi lễ hội không còn cái thiêng
Các nhà xã hội học tôn giáo đều nhấn mạnh, nền tảng căn yếu của tôn giáo là, và chỉ là cảm thức thần thiêng. Mất nó thì tôn giáo chỉ còn là một mớ giáo lý và hình thức nhàm chán, trong khi có nó thì quốc gia trở thành Tổ quốc thiêng liêng, chủ nghĩa cũng nhuốm màu tôn giáo khiến người ta có thể chết vì nó.
Hiểu như vậy, thì khi hàng nghìn người đổ về Đền Trần dự lễ khai ấn, rồi chen lấn, giẫm đạp để cướp lấy mảnh ấn thay vì cùng nhau “tạo ra một cộng đồng đạo đức”, chúng ta đều thấy rằng lễ hội không còn “thiêng” nữa mà đã bước vào thế giới của cái “phàm”. Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian, trao đổi với báo chí rằng không có cái thiêng thì không còn lễ hội: “Với hội cổ truyền của nhân dân, giá trị của nó rất nhiều mặt, nhưng hạt nhân của nó phải là tính thiêng”. Với những lễ hội được tổ chức rầm rộ như vài năm trở lại đây, ông bảo: “Gọi những tổ chức như thế là “lễ hội” hay là gì thuộc về quyền của mọi người. Có điều, đừng lẫn nó với hội cổ truyền và nhất là đừng đem nó làm “mẫu chuẩn” để “hiện đại hóa” hội xưa”.
Émile Durkheim (1858-1917) |
F. Schleiermacher (1768-1834) |
Theo “ông tổ” của ngành xã hội học Émile Durkheim (1858-1917), cái thiêng là những niềm tin chỉ dành cho các sự vật, hiện tượng được coi là thiêng – nghĩa là tách riêng khỏi cộng đồng và mang tính chất cấm kỵ, người ta không dám, không thể phạm vào. Cảm thức thần thiêng là thứ cảm giác ớn lạnh, sợ hãi một điều huyền bí nào đó. Hay nói như F. Schleiermacher (1768-1834), cái thiêng tự nó mang một sức mạnh, có khả năng đưa con người vào những hành động liều lĩnh, thậm chí phi thường. |
Tuy vậy, phải nhìn nhận một thực tế là: Ngay cả khi chúng ta có ra sức chứng minh rằng lễ hội Đền Trần không còn giữ được tính thiêng liêng, thì số người đến “cướp ấn” Đền Trần những mùa hội sau chắc chắn cũng không giảm, thậm chí có thể tăng. Điều tương tự cũng đã và đang diễn ra ở các lễ hội Đền Hùng, Chùa Hương, Đền Bà Chúa Kho, Chùa Bái Đính, Đền Bà Chúa Xứ, v.v. từ nhiều năm nay. Vì sao lại có hiện tượng này?
Lý do chính yếu: nhu cầu tâm linh
Trái với quan điểm của một số học giả thế giới rằng kinh tế và khoa học phát triển sẽ đẩy lui tôn giáo, ở Việt Nam (cũng như nhiều nước khác), tôn giáo – tín ngưỡng, thậm chí cả những biểu hiện mê tín dị đoan, chưa bao giờ “chết”. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn lý giải: “Chưa khi nào sức ép của tăng trưởng, của hiện đại hóa, của hội nhập lại ghê gớm như thế đối với Việt Nam. Nhịp sống của con người gấp gáp hơn bao giờ hết trong lịch sử, và như vậy thì nhu cầu hướng tới tâm linh càng cao. Tất cả các thành viên trong xã hội đều bị thôi thúc bởi khát vọng được tham dự vào sự phồn vinh chung. Không chỉ riêng người Việt ở Bắc Bộ, mà Trung Bộ, Nam Bộ cũng vậy. Đi chùa, lên đền, dự lễ hội, phản ánh một nhu cầu được thỏa mãn khát vọng. Nhu cầu đó là có thực, không thể cấm đoán, không thể nói nó là “mê tín”, “dị đoan” được”.
Chiếu bạc diễn ra công khai suốt dọc đường vào đền |
Cho dù có xảy ra chen lấn, xô đẩy, cho dù có bị coi là “mất thiêng”, lễ hội vẫn đã, đang và sẽ thu hút hàng nghìn người, nhất là khi nó chịu tác động từ phía tầng lớp tinh hoa của đất nước. Ông Tuấn lấy một ví dụ: “Khi Nhà nước ta thừa nhận Quốc tổ, Quốc lễ, Quốc giỗ Vua Hùng 10-3 âm lịch, lập tức sự chuyển dịch chú ý của dân chúng về Đền Hùng rầm rộ hơn rất nhiều. Một lễ hội như khai ấn Đền Trần, nếu có sự tham dự của quan chức, doanh nhân thành đạt, hay một vị tiến sĩ uy tín nào đó, dứt khoát sẽ tạo hiệu ứng xã hội lớn”.
Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là chỉ trích, phủ nhận, thậm chí buộc địa phương phải hạn chế quy mô lễ hội. Ngược lại, nhà quản lý phải tổ chức lễ hội với tư duy rõ ràng rằng đó là nhu cầu tâm linh của đông đảo người dân trong cả nước, không loại trừ sự xuất hiện của du khách quốc tế. Và tầng lớp tinh hoa – bao gồm cả tinh hoa chính trị (quan chức, nhà quản lý), lẫn giới nghiên cứu, các học giả, v.v. – đều cần tham gia vào trách nhiệm hướng dẫn dư luận, thông qua luật pháp, truyền thông và xây dựng xã hội dân sự. Tâm lý tạm bợ, “qua một mùa rồi thôi”, hoặc vẫn tưởng như mình đang dừng ở quy mô… hội làng, sẽ chẳng bao giờ mang lại một lễ hội lành mạnh.