LÊ QUẢNG HÀ: Những chặng đường nghệ thuật

Lê Quảng Hà sinh năm 1963 tại Hà Nội. Nghịch ngợm, hiếu động và đầy cá tính, thể hiện ngay trên khuôn mặt gày gò, sắc cạnh, với đôi mắt tinh quái luôn thích quan sát, nhìn xoáy vào đối tượng như soi mói tìm kiếm bản chất bên trong của sự vật, không buông tha điểm nhìn. Mê trò vẽ vời từ nhỏ, 7 tuổi Hà đã theo học các lớp vẽ ở câu lạc bộ thiếu nhi. Lớn lên, đã từng thử số phận, bước sang ngang Đại học Thuỷ Lợi, song, tuyệt nhiên không tìm thấy hạnh phúc và chỗ đứng của mình tại đó. Đã bỏ đi làm công nhân một thời gian, nhưng cũng không ổn. Hà lại lục cục thi vào trường Đại học Mỹ thuật. Nghiệp vẽ trời cho dường như đã vận vào mệnh, không thể tránh được. Từ đó đến nay, 14 năm, một thoáng thời gian không hề dài so với một cuộc đời rong chơi, song với Lê Quảng Hà lại là một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, không ngừng nghỉ, liên tục sáng tạo, một cuộc chạy maratông trong hội họa, vượt lên tất cả những khó khăn vô hình không tên của đời sống con người để được vẽ, được làm việc, xả thân vì nghệ thuật.

Những chặng đường sáng tác của Lê Quảng Hà:
Sáng tác của Lê Quảng Hà có thể tạm chia thành ba giai đoạn chính:
Thời lãng mạn trữ tình: là giai đoạn sáng tác đầu tiên của Lê Quảng Hà, kể từ khi còn trong trường mỹ thuật cho đến triển lãm cá nhân đầu tiên 1995 tại gallery Vĩnh Lợi, TP.HCM. Ở giai đoạn này, họa sĩ vẽ nhiều tranh tĩnh vật, chân dung với các chủ đề nhỏ, giản dị và tình cảm như: Tĩnh vật đỏ, Gánh hàng hoa, Thôn nữ, Đêm mộng du, Trẻ em chơi, Múa lân, Tự họa, Chân dung Bạn già… Tuy nhiên, đây chính là giai đoạn hình thành nên một lối vẽ, một bảng màu, một cá tính nghệ thuật riêng biệt của Lê Quảng Hà.

 
Ban nhạc Jazz

Hà có cách dùng màu khá tự do, phóng túng và táo bạo, dùng nhiều màu nguyên, tương phản mạnh như trường phái dã thú. Màu sắc tung tẩy, cuốn hút. Cũng có khi màu được chồng nhiều lớp, đan quyện thành các sắc độ tinh tế, tạo nên những gam màu rạo rực, kỳ lạ: màu đỏ cam của lửa, màu vàng sẫm của hoàng hôn, hay màu lam tím chập chờn bí ẩn của màn đêm. Dưới bàn tay Hà, các màu này có sức sống khác thường, chúng không tù túng đứng yên mà le lói hắt sáng, hoặc chuyển động ráo riết. Có khi màu gào thét, quằn quại từ bên trong, kết hợp với hệ thống nét tạo nên một chất biểu cảm đặc biệt dữ dội, qua đó thể hiện một bản năng hội họa mạnh mẽ. Các gam màu có phần kích động này, như màu của số phận, sẽ còn quay đi quay lại, phủ đầy các không gian sáng tác sau này của Lê Quảng Hà.
Một lối vẽ hình sơ khai hiện đại, ngang tàng, góc cạnh, bất chấp tỷ lệ. Chối bỏ mọi sự mềm mại, mỹ miều, kiểu cách. Một kiểu tạo hình trên mặt phẳng đầy thách thức. Một ngôn ngữ hội họa vừa xuất phát từ bản năng, vừa như có sự tiếp thu bài học của các bậc thầy đi trước như Picasso, Nguyễn Sáng… Tranh của Hà có những hình người được đẽo vạc thô mộc cố tình, đặc biệt ở đôi bàn tay và đôi bàn chân thô kệch, hoang dã, có phần dị hóa, “thú hóa”. Có thể thấy, tính chất “thú hóa” đã phảng phất trong loạt tranh Múa Lân của họa sĩ ở thời kỳ này, khi Hà vẽ mặt người lẫn với mặt rồng, mặt hổ, gầm gào trong vũ điệu của đêm tối. Lê Quảng Hà như đã từ lâu nhìn thấy cái bản năng tự nhiên sâu thẳm hoang dã của con người, rất “con” và cũng rất “người”, mà một phần ở đó là khát vọng tình dục. Hà không muốn chối bỏ lăng kính này, cái nhìn này. Mà ngược lại, như muốn đào sâu khai thác cái khía cạnh bản năng ấy, khai thác những ẩn ức tăm tối bên trong của loài người và quẳng nó lên mặt tranh. Không che đậy, không khoan nhượng, kể cả đôi khi cực đoan, quá khích luôn là tính cách của Lê Quảng Hà. Chủ đề tình yêu và tình dục thời kỳ này được gợi lên mồn một trong các tác phẩm Cô gái và hoa, Vườn thu, Hai người đàn bà trong quán…

 
Pacifique

Thời kỳ biểu hiện: (Từ 1995 cho tới khoảng 1999). Đây là giai đoạn ngôn ngữ hội họa của Hà phát triển rực rỡ, chín muồi, khẳng định phong cách cá nhân. Hà chuyển dần sang vẽ các bức tranh khổ rộng, có bố cục đông người kéo dài như Chợ tình, Những người nóng tính, Thời đại đàn bà, Trở về…, hay các bức chân dung liên hoàn 20 tấm như Cuộc gặp, Thập tự.
Khả năng xây dựng bố cục lớn, tạo hình phức tạp cũng được hình thành ở chính giai đoạn này. Tranh của Hà có bảng màu no căng, sung mãn đến cực độ, vẫn là các gam màu dữ dội rực lửa, đỏ máu, xanh ngắt lân tinh, hoặc tím bầm phù thuỷ như trước đây, song, chúng không hề nhỏ bé mà khống chế toàn bộ bề mặt tranh, toàn bộ không gian tranh rộng lớn, gây căng thẳng và áp lực nhất định. Các khuôn mặt người được bóp méo, biến dạng, dị hóa và “thú hóa” đến cực độ, trông như những quái vật ghê rợn, có thêm các hàm răng thú luôn nhe ra và các con mắt man dại lấp lánh ám ảnh. Những bàn tay ôm đầu tuyệt vọng, những cái mồm thường xuyên nhoe nhoét máu. Những bộ mặt kích động sau cũi sắt. Thằng người ở đó dường như đau đớn cầm tù bởi bản năng gốc của chính mình. Liệu có bao giờ dứt bỏ được bản năng gốc ấy? Chẳng bao giờ. Sức mạnh bản năng cứ thế tiếp tục tuôn trào bằng sự điên cuồng giận dữ, hung hăng nóng nảy, man rợ thú tính, và đổ máu là điều không tránh khỏi…
Tuy nhiên, các quái vật ở tranh Hà không phải lúc nào cũng hung bạo, đổ máu. Trong đêm tối, mỗi khi phần người hiện lên, ta lại thấy nơi họ sự trống trải cô đơn, nỗi buồn thảm hay vẻ hốt hoảng sợ hãi (Chân dung tự họa, Một mình trong ngôi nhà mới, Thét). Rồi những “người thú” bằng bản năng vẫn tìm kiếm lẫn nhau, nương tựa vào nhau, vào bày đàn, và tình người vẫn chan chứa nảy nở trong Trở về, Chợ tình, Tình yêu, Dạo phố… Những tác phẩm này, rất có thể, vẫn là những tác phẩm xuất sắc nhất của Lê Quảng Hà thời kỳ biểu hiện. Một thời kỳ đầy ấn tượng và có những thành công đáng kể.
Giai đoạn biểu hiện cuối, tranh của Hà có những thay đổi nhất định. Quái vật người không còn ghê gớm thô bạo nanh vuốt như trước kia mà biến tướng thành những con vật có phần đớn hèn, nhu nhược, trơ lì. Có thể tạm gọi đây là giai đoạn “người sâu”. “Người sâu” nhỏ nhoi, có những cái đầu trọc lốc, trùi trũi, thường co lại trong vẻ sợ hãi, bất lực, và khi rướn ra thì lộ nỗi đau đến cùng cực, tuyệt vọng. Những thằng “người sâu” của Lê Quảng Hà vẫn lầm lũi cô đơn, vật vã thể xác, hay nhầy nhụa chìm đắm trong các cơn dục tình tập thể (loạt tranh Dã thú và Chim…).

 
“V.I.P”- Sơn dầu

Đi đến cùng chặng đường biểu hiện, thử lột bỏ tận cùng mọi vỏ bọc thể xác bên ngoài để moi móc cho được cái cốt lõi bên trong, bản chất bên trong của thằng người, Hà đã tìm thấy những hình thù đầu lâu, xương xẩu gớm guốc, nghiệt ngã, những thần chết, thây ma siêu hình sặc mùi độc tài phát xít. Bọn “người ma” này cũng ngật ngưỡng tụ hội thành bày đàn ở một thế giới bên kia phiêu diêu sương khói, cũng tìm kiếm gặp gỡ lẫn nhau trong các cuộc chợ tình. Các tác phẩm này chưa được trưng bày tại đâu, nhưng là những trải nghiệm trung gian cần thiết, là gợi ý quan trọng để đưa Hà đến với tác phẩm khủng bố, với những “người máy”, sát thủ một mắt… và giai đoạn pop- art sau này.
Thời kỳ pop hóa và siêu thực hóa: đây là bước ngoặt lớn trong sáng tác của Lê Quảng Hà, đánh dấu sự thay đổi không chỉ bằng ngôn ngữ hình thức, quan niệm nghệ thuật, mà còn cả thay đổi trong ý thức chính trị xã hội của người nghệ sĩ. Thời kỳ này kéo dài khoảng từ năm 1999 cho tới nay, mở đầu bằng triển lãm cá nhân lớn tháng 12 năm 2001 của Lê Quảng Hà tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Tại đây trưng bày các bức tranh khổ lớn với các tiêu đề: Lính tàu Kursk, Đời sống hiện đại, Văn hóa đường phố, Văn hóa Mỹ, Khúc ngợi ca số 1, Cuồng tín, Người quan trọng, Nhạc Jazz, Khủng bố… và hai tác phẩm điêu khắc lắp ghép có tên Phát thanh viên và Tên độc tài.
Hình ảnh con người với sức mạnh bản năng vẫn đầy ắp trên các tranh của Hà, vẫn là lý do chính để anh vẽ tranh. Song, ở thời kỳ này, họ hiện ra dưới các “vai diễn” cụ thể hơn của mình trong đời sống xã hội, cộng đồng: công nhân, lính thuỷ, thợ lặn, nhạc công, diễn viên, phát thanh viên, nhà tài phiệt, công chức, gái điếm, dân thường hè phố… Đặc điểm chính của thời kỳ này là ít đi các khuôn mặt “thú hóa”, nhưng thay vào đó là những đầu lâu, những khuôn mặt “máy hóa”, những “người máy” của một nền văn minh chất đầy máy móc, bạo lực. Người máy làm việc khắp nơi, làm việc với sự u mê, trơ lì, vô cảm trong Lính tàu Kursk, Đời sống hiện đại, Pacifique, Phát thanh viên, Khủng bố…

 
Lính tàu Kursk-

Các bản năng dục vọng của con người lúc này không còn vu vơ, hoang hoải, bế tắc mà chuyển thành các mục đích hành động cụ thể, các tham vọng đen tối mang màu sắc xã hội hiện đại như: u mê quyền lực, u mê bạo lực, u mê chính trị, u mê tín ngưỡng…, từ đó dẫn đến các cơn cuồng loạn, kích động, mê sảng tập thể, say sưa tàn bạo, khát máu. Có thể cảm nhận điều này trong các tác phẩm Khúc ngợi ca số I, Người quan trọng, Tên độc tài, Dàn đồng ca, Khủng bố… Ở đây lúc nhúc hình bóng những kẻ háo danh, háo quyền, tự huyễn cá nhân, những nhân vật sặc mùi tài phiệt, những sen đầm quốc tế với trò chơi chiến tranh đang từng ngày từng ngày khuynh đảo thế giới.
Lê Quảng Hà có một sự nhạy cảm và linh cảm mạnh mẽ của người nghệ sĩ. Tôi còn nhớ giữa mùa hè 2001 được Hà mời đến xem một số bức tranh anh vừa hoàn thành, trong đó có bức Khủng bố gây ấn tượng rất mạnh. Một nhóm người đang chĩa súng nhằm thẳng phía trước mà bắn, nhằm thẳng ta mà bắn. Dù ta đứng đâu hay di chuyển phía nào cũng vậy, những con mắt và những nòng súng vẫn dõi theo ta, bám sát ta đe dọa. Một bố cục kiểu mới có phối cảnh chiều sâu ở chính giữa và tỏa đều ra bốn phía (phối cảnh này còn được thực hiện trong một số bức tranh khác của Hà). Các nhân vật được vẽ cận cảnh, phóng rất to, gây áp lực. Môtíp đầu lâu một mắt, hay còn gọi sát thủ một mắt bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ này. Khi đó tôi tự hỏi, tại sao Hà lại có thể quá khích đến vậy. Có ngờ đâu, chỉ vài tháng sau, xảy ra ngày 11 tháng 9 đen tối tại Mỹ, và tiếp theo đó người ta bắt đầu liên tục nói đến khủng bố, từ khủng bố xuất hiện miên man trên báo chí, lan sang khắp Trung Đông và toàn cầu.
Khi tổng thống Bush chơi trò “mèo đuổi chuột” với Bin Laden, hàng ngàn tấn bom đạn vô lý trút xuống đất nước Hồi giáo Afganistan và trút lên đầu những người dân lương thiện. Thế giới ngậm ngùi xót xa. Lê Quảng Hà lên tiếng bằng bức tranh liên hoàn ba khổ lớn Văn hóa Mỹ, mà theo họa sĩ đó chính là văn hóa của súng ống và bạo lực.
Mối quan tâm chính trị xã hội của Lê Quảng Hà ngày một rộng mở. Không chỉ có chiến tranh, bạo lực, mà xã hội đương đại hiện lên trên tranh anh ngày một cách rõ nét, phức tạp với rất nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng, những bức xúc có tính toàn cầu: văn hóa pop, văn hóa nghe nhìn, công nghệ giải trí, công nghệ tuyên truyền, quảng cáo, ô nhiễm thông tin, ô nhiễm văn hóa… Tất cả hòa trộn với bản năng con người trần truồng thú tính, nặng nề bạo lực và tình dục, tạo nên những khung cảnh dữ dội, thác loạn, bất an, phản cảm, hay những tạp âm chói tai phi nghĩa của một đời sống công nghiệp máy móc mang màu sắc vật chất, giải trí, hưởng thụ thuần tuý. (Opera, Ban nhạc xanh, Vũ công, Bữa tiệc của đàn bà…)

Tính hiện đại và tính đương đại trong nghệ thuật của Lê Quảng Hà:

Có thể gọi Lê Quảng Hà là một trong những họa sĩ đại diện cho nghệ thuật hiện đại ở Việt Nam. Gọi như thế là bởi vì Hà dường như có một thái độ đi ngược truyền thống, cắt đứt truyền thống cực đoan nhất.
Mỗi thời một khác, bối cảnh xã hội thay đổi, tinh thần thời đại thay đổi, tư duy con người cũng thay đổi. Lê Quảng Hà quan niệm, truyền thống là cái của ngày hôm qua, tức không còn mới mà bắt đầu héo mòn, già cỗi. Nghệ thuật phải là cái của ngày hôm nay. Nghệ thuật phải luôn đổi mới, sống động, sáng tạo ra truyền thống mới, truyền thống của ngày hôm nay. Vì vậy, với Lê Quảng Hà, nghệ thuật không để trang trí duy mỹ, không để tuyên truyền, phục vụ, không để sao chép lại y nguyên thế giới bên ngoài, mà trước hết là tiếng nói cá nhân, thái độ cá nhân trước thực tại xã hội. Hơn thế nữa, nghệ thuật cần phải nhập cuộc với xã hội, phải có tính dự báo, phản tỉnh, buộc con người phải nội soi, nhận thức lại bản thân. Nghệ thuật chống lại mọi sự giáo điều, giả dối. Lê Quảng Hà từng nói: “Tôi muốn biến tranh tôi như một tấm gương. Tranh như một sự soi xét lại. Đứng trước tranh của tôi, những ai có dị tật, không trong sạch thì sẽ biết xấu hổ, và khi chúng ta biết xấu hổ thì đó là điều tiến bộ…”
Nếu như ở thời kỳ đầu, nghệ thuật của Lê Quảng Hà chủ yếu mang tinh thần hiện đại, đối lập cực đoan với tinh thần truyền thống ta đã gặp trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, thì càng về sau, nhất là thời kỳ cuối, ta thấy nhiều hơn trong nghệ thuật của Hà tính chất hậu hiện đại, hay còn gọi là tính đương đại trong xu thế toàn cầu hóa.
Tạp âm của xã hội đương đại cũng như cảm giác bất an về nó tràn ngập trong tranh Lê Quảng Hà. Chỗ nào cũng là hình bóng hiện thực nhìn qua lăng kính giễu cợt, mỉa mai, phê phán, hoặc pha trộn các yếu tố hoang đường kinh dị. Nhân vật bị tầm thường hóa đến cùng cực, ngu độn trì trệ thân xác trong vòng xoáy của vật chất, bạo lực và tình dục. Hoặc u mê đờ đẫn như các robot trong đời sống quân sự hóa, chính trị hóa. Hiện thực trong tranh của Hà là hiện thực thậm phồn, quá trớn. Ngày càng nhiều tính châm biếm, giễu cợt, gây sốc, gây phản cảm, nhiều yếu tố cực đoan, phi lý. Họa sĩ như muốn thông qua cái hài, cái dị hóa để biểu đạt cái bi đát, cái tha hóa của nhân sinh (điều mà trong văn học hậu hiện đại từng gọi là black humor). Trong nghệ thuật, tinh thần hậu hiện đại xuất hiện cùng với nghệ thuật pop, mà dự báo về nó đã có từ phong trào Dada những năm 20 thế kỷ trước, cùng với ông tổ là Marcel Duchamp (1887- 1068). Nghệ thuật hậu hiện đại ngày càng phát triển mạnh, không gì cưỡng nổi. Nó là sự đáp trả khá bẽ bàng và sòng phẳng cho những gì chính con người tạo nên, làm ra cho đời sống hôm nay- một đời sống nặng về kỹ trị, hưởng thụ vật chất, nhưng chẳng vì thế mà giải quyết được vấn đề tinh thần con người. Ngược lại, bi kịch con người và bi kịch đời sống xã hội ngày càng chồng chất.
Một mặt đào bới đến tận ngóc ngách bản năng của con người, phát hiện và đối mặt với nó, mặt khác hướng tới đời sống xã hội và lên tiếng, nghệ thuật của Lê Quảng Hà là nghệ thuật dấn thân, phản kháng, đấu tranh không khoan nhượng, có cái nhìn hiện thực trên cả hiện thực. Nghệ thuật ấy phản đối chiến tranh, bạo lực, phê phán, lột trần thói đạo đức giả, là tiếng nói cá nhân thẳng thắn, là sự phản tỉnh, là cái nhìn dự cảm của người nghệ sĩ trước đời sống xã hội…
Và bởi vậy, nó còn là một trong những tiếng nói tiên phong của đời sống mỹ thuật Việt Nam hôm nay./.

Chú thích ảnh trên cùng: Văn hóa đường phố

 Các giải thưởng chính:
   – Huy chương Đồng triển lãm Mỹ thuật Thủ đô các năm 1993, 1994;
   – 1994: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam- Giải Ba (tp. Phố, sd)
   – 1995: Huy chương Bạc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (tp. Tình yêu, sd)
   – 2000: Huy chương Đồng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (tp. Công xưởng, sm)
   – 2001: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam- Giải Ba (tp. Mười năm sau, sd)
   – 2001: Giải thưởng Triển lãm Việt Nam- Asean do Philip Morris tài trợ (tp. Cuồng tín, sd)
   – 2002: Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam- Giải Ba (tp. Khủng bố, sd)

Bùi Như Hương

Tác giả

(Visited 55 times, 1 visits today)