Leonard Bernstein: Tôi đã tưởng mình viết ra “Fidelio”

Bernstein tin tưởng một cách mạnh mẽ vào sự gắn bó của mình với các nhà soạn nhạc có tác phẩm mà ông chỉ huy. Về tác phẩm Fidelio của Beethoven, ông kể lại, ông đã đồng cảm với nhạc sĩ nhiều đến mức tưởng như đang chỉ huy tác phẩm của chính mình.  

Tôi gặp Bernstein ở Vienna – mùa hè này ông chỉ huy vở Fidelio của Beethoven tại Theater an der Wien, nơi Fidelio ra mắt lần đầu vào năm 1805. Cả thành phố bị ông chinh phục, giống như lần ông chỉ huy vở Falstaff, và sau đó là Rosenkavalier tại State Opera những năm trước. Thật vậy, kể từ khi Karajan huyền thoại ra đi, chưa có nhạc trưởng nào thống trị được trái tim dễ thay đổi của công chúng thành Vienna như ‘Der Lenni’, cách ở đây người ta vẫn gọi Bernstein. Để tìm kiếm chút ít sự thanh bình, ông thuê một ngôi nhà ở Grinzing, gần Heiligenstadt, thánh địa cho tất cả những ai tôn sùng Beethoven. Ở đó, tránh xa khỏi ánh đèn sân khấu, ông có thể thư giãn và nói về quá khứ, hiện tại, tương lai của mình.

Ở tuổi 52, ông vẫn tràn đầy lòng nhiệt tình tuổi trẻ, sự ấm áp và năng lượng rực cháy vốn đã đưa ông vào hào quang sân khấu 25 năm trước, khi ông nhận chỉ huy buổi hòa nhạc của New York Philharmonic thay nhạc trưởng Bruno Walter đang bị ốm và trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm, chính xác hơn là sau một buổi chiều bởi vào thời điểm đó New York Philharmonic tổ chức hòa nhạc vào các buổi chiều Chủ nhật. Ông bắt đầu “tìm hiểu tất cả mọi thứ về chỉ huy” khi theo học Fritz Reiner1 tại Học viện Curtis sau khi tốt nghiệp Harvard vào năm 1939. “Thật là một người thầy đúng nghĩa! Ông ấy bắt ta tìm hiểu mọi khía cạnh của tác phẩm và thường đột ngột hỏi: ‘những giây này ở đây có vai trò gì?’ Năm 1940, tôi tới Tanglewood theo học một người thầy lớn khác, Koussevitzky. Chúng tôi nhanh chóng trở nên hết sức thân thiết và tôi vẫn thường nhớ về ông ấy với những tình cảm ấm áp. Tại Tanglewood, lần đầu tiên trong đời, tôi đã có cơ hội chỉ huy một dàn nhạc lớn.

“Vào giai đoạn đó tôi chỉ biết một điều là tôi muốn trở thành nhạc sỹ và không dám nghĩ gì đến vị trí đặc biệt như nhạc trưởng. Tôi đã xem Koussevitzky2 chỉ huy tại Boston từ trên hàng ghế thứ hai trên ban công và thấy công việc của ông ấy như một thứ gì đó mà người bình thường không thể với tới. Tôi bắt đầu sáng tác từ hồi học ở Harvard và tôi gặp Mitropoulos3, một người khác có ảnh hưởng lớn đối với tôi, lần đầu tiên, một cách tình cờ, tại tiệc trà do Hội những người Hy Lạp tổ chức cũng ở Harvard. Ông ấy rất quan tâm và đề nghị được xem tất cả các sáng tác của tôi. Chính ông gợi ý tôi tới học với Reiner. Sau đó tôi được xem Mitropoulos trong một buổi tập và tôi nghĩ rằng phong cách của ông ấy đã thuyết phục mình. Cũng vào khoảng thời gian đó, tôi gặp Copland4. Tôi ấn tượng và chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi âm nhạc của ông, bởi phong cách Pháp chắt lọc và chủ nghĩa Tân cổ điển (neo-classiscism) của ông ở thời điểm đó.

“Tác phẩm chính đầu tiên của tôi, Jeremiah Symphony, đã được hoàn thành vào năm 1942 và bây giờ tôi vẫn còn tự hào về nó. Mới đây tôi đã chỉ huy bản nhạc đó ở Israel và tôi kinh ngạc vì sự hoan nghênh từ công chúng. Trở lại câu chuyện, tôi muốn kiếm việc ở New York để có thời gian sáng tác. Nhưng Mitropoulos lại nói rằng tôi sinh ra để làm nhạc trưởng và ông ấy khuyên tôi cứ thử xem sao. Khi đó tôi mới 24 tuổi, còn khá trẻ cho công việc này ở thời kỳ ấy. Tôi có vẻ lúng túng khi một loạt sự kiện đặc biệt xảy đến làm thay đổi cuộc đời tôi. Rodzinski đang tìm một trợ lý cho dàn nhạc New York Philharmonic. Ông ấy là người lập dị. Rodzinski nghe nhạc của tôi ở Tanglewood – trong ngày sinh nhật thứ 25 của tôi – và ông ấy cho là Chúa trời đã bảo ông ấy hãy nhận tôi, và vậy là tôi trở thành trợ lý của ông ấy. Cho đến thời điểm đó không có trợ lý nào được chỉ huy New York Philharmonic. Nhưng một hôm Walter bị cúm và vào lúc 9 giờ sáng của ngày sẽ diễn ra buổi hòa nhạc, người ta gọi điện, đề nghị tôi thay Walter chỉ huy chương trình như đã được định sẵn – tôi nghĩ nó gồm overture Manfred, prelude Meistersinger, Don Quixote của Strauss và một tác phẩm mới của nhà soạn nhạc Hungary, Miklos Rozsa.

“Tôi thực sự không có tâm trạng nào đứng trên sân khấu để chỉ huy vào ngày hôm đó. Đêm trước, Jennie Tourel đã trình diễn lần đầu chùm ca khúc nghệ thuật của tôi, I Hate Music tại Tòa thị chính. Sau đó còn một buổi tiệc khuya kéo dài đến sáng. Tôi nhớ mình đã tới gặp và trò chuyện với Bruno Walter. Ông ấy tỏ ra hết sức đáng yêu, cùng tôi đọc qua các trang tổng phổ và chỉ cho tôi chỗ này chỗ nọ ở đâu. Điều đó đã giúp tôi rất nhiều. Việc còn lại tôi phải làm là cầu nguyện. Anh chớ nên quên rằng đó là buổi hòa nhạc chuyên nghiệp và cũng là buổi hòa nhạc hoàn chỉnh đầu tiên mà tôi thực hiện. Đối với tôi thật ly kỳ khi ở tuổi ấy đã được lên trang nhất New York Times vào ngày hôm sau.”

Đây không phải là sự kiện duy nhất xảy đến với Bernstein vào năm đó. “Bản Jeremiah Symphony của tôi cũng được nhiều nhạc trưởng nổi tiếng dàn dựng. Reiner đã chỉ huy nó ở Pittsburgh, Koussevitzky thì chỉ huy nó ở Boston. Sau đó Reiner đã đem nó tới New York. Tháng 4-1944, vở ballet Fancy Free của tôi ra mắt khán giả lần đầu và cuối năm là On the town xuất hiện ở Broadway. Dường như tất cả cùng xảy ra một lúc”.

Khi đề cập đến nhạc kịch, Bernstein tỏ ra đăm chiêu về tương lai của thể loại này. Ông nói với tôi ông hy vọng West Side Story sẽ khởi đầu cho một loại nhạc kịch mới. “Nhưng các nhà soạn nhạc trẻ dường như không đi theo con đường này. Bản thân tôi đang chuẩn bị một tác phẩm mới, quy mô, cho buổi khai trương Kennedy Center vào tháng 9 tới nhưng tôi vẫn thấy khó khi nói về tương lai của sân khấu. Ngày nay, sân khấu dường như tràn ngập sự tuyệt vọng hoặc mỉa mai. Có quá ít hy vọng, và hầu như không có gì cao quý cả.”

Tôi thích thú tất cả những gì thuộc về âm nhạc – đó là nguyên nhân tại sao tôi chỉ ghi duy nhất từ “nhạc sỹ” trong hộ chiếu của mình.

Leonard Bernstein

Tương tự như vậy, ông cũng có cái nhìn ảm đạm về đời sống âm nhạc. “Đối với tôi, âm nhạc tiên phong dường như đang luẩn quẩn và tự cắn vào đuôi mình. Phi điệu thức (non-tonality) thì giằng co với chính nó. Điệu thức thì có vẻ chết hẳn như khi Tristan und Isolde được dàn dựng vào năm 1865 – cũng như cái chết của Thượng đế theo Nietzsche. Tôi đã có thể viết các tác phẩm dài như tôi muốn nếu tôi chủ ý, nhưng anh biết đấy, viết một giai điệu cung Fa trưởng còn khó hơn nhiều so với sáng tác một bản sonata 12 âm (12-tone) dài ba tiếng”.

Bất chấp thành công rực rỡ trong vai trò chỉ huy, dường như ông vẫn bận lòng đến vị trí của mình trong vai trò người sáng tạo. “Anh biết đấy, trong nhiều năm tôi đã có mặt vị trí trận tiền của âm nhạc hiện đại. Bây giờ tôi lại được xếp vào hàng ngũ đối lập. Và đó là một thời điểm khó khăn đối với tôi. Tôi phải xác định đâu là những đóng góp của mình trong vai trò một nhà soạn nhạc. Tôi cho rằng những rung động từ thế giới phương Tây đều hết sức yếu ớt. Những người trẻ, như tôi thấy trong những năm còn học ở Harvard, đều hết sức tuyệt vọng. Họ không có thần tượng, không có những hình mẫu để noi theo – và điều đó thể hiện trong âm nhạc của họ. Họ không hề có ý thức về tương lai.”

Bernstein thì tất nhiên có một thần tượng trong địa hạt âm nhạc cổ điển – đó là Mahler. Trong mùa diễn 1960-61 của New York Philharmonic, dàn nhạc đã chơi tất cả các bản giao hưởng của Mahler để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc. Phần lớn các bản giao hưởng đều do đích thân Bernstein chỉ huy. “Tôi cảm thấy gần gũi với ông ấy vì nhiều lý do. Tôi hiểu những vấn đề của Mahler bởi tôi cũng có điểm mạnh và điểm yếu giống như ông, và cũng phân thân giữa vai trò nhạc trưởng và nhà soạn nhạc. Vì thế khi tôi chỉ huy âm nhạc của ông, tôi thấy mình hết sức gần gũi với nó.’

Bernstein tin tưởng một cách mạnh mẽ vào sự gắn bó của mình với các nhà soạn nhạc có tác phẩm mà ông chỉ huy. “Trước khi dàn dựng Fidelio, tôi đọc rất nhiều thư của Beethoven và giai thoại về ông, khiến tôi cảm thấy mình bằng cách nào đó đã thu hẹp được cách biệt khủng khiếp với Beethoven. Tuy nhiên tôi vẫn cẩn trọng khi bắt tay vào công việc. “Mình dám làm chứ?” và “Mình có xứng đáng không?” là những câu hỏi trở đi trở lại trong đầu tôi. Sau đó tôi cảm thấy gần gũi với những bấn loạn và lo lắng trong đời Beethoven đến mức tôi đã thực sự tưởng mình bị điếc. Đã có lúc tôi nghĩ “Mình không nghe thấy tiếng cây oboe thứ hai” (trên thực tế người nhạc công ấy lúc đó không chơi) và sau đó tôi nghĩ rằng chính tôi đã sáng tác Fidelio. Ở trên sân khấu, tôi hình dung thấy những quân nhân Pháp, những khán giả đầu tiên của vở opera này, và sự dửng dưng, thậm chí là thù địch của họ trong đêm diễn đầu tiên. Tôi cũng băn khoăn tại sao mình đã viết như thế này hoặc như thế kia. Trải nghiệm ấy thật khủng khiếp, như một cơn ác mộng mà tôi từng trải qua. Những nghi vấn theo kiểu của Beethoven thật vô cùng căng thẳng. Thật vậy, ngay trong đêm mở màn, tôi đã đồng cảm với ông nhiều đến mức tôi cảm thấy như đang chỉ huy tác phẩm của chính mình.”

Bernstein coi việc chỉ huy về nhiều mặt cũng quan trọng như sáng tác. “Đó là một kiểu công việc của người giám tuyển, phải chăm sóc những báu vật vĩ đại của quá khứ, và công việc này rất cần thiết để giữ cho bảo tàng của các báu vật vĩ đại đó tiếp tục sống đến mai sau. Nhưng tôi nghĩ rằng kỷ nguyên của những bản giao hưởng vĩ đại đã thực sự kết thúc cùng với Mahler. Ngày nay nếu tôi có nghĩ về sáng tác thì đó là sáng tác những tác phẩm sân khấu – và sân khấu trong ngữ nghĩa rộng nhất.”

Bernstein tỏ ý cuộc trò chuyện giữa chúng tôi phải kết thúc. Ông muốn trò chuyện tiếp cho đến tận chiều nhưng công việc của ông đang giục giã – trong trường hợp này là một khía cạnh khác về tài năng của ông mà chúng ta vẫn chưa đề cập tới – đó là chơi piano. Ông sẽ trình tấu bản Concerto số một của Beethoven trong cùng buổi hòa nhạc mà ông sẽ chỉ huy Vienna Philharmonic chơi bản giao hưởng số 9 của Bruckner. Điều đó có nghĩa là ông cần phải luyện đàn bởi ông hầu như chưa có thời gian chạm vào cây piano kể từ khi tới Vienna.

Leonard Bernstein (1918 –1990) là một trong những nhạc trưởng người Mỹ đầu tiên có tiếng tăm trên thế giới. Ông giữ vị trí giám đốc âm nhạc của New York Philharmonic suốt một thời gian dài, từng chỉ huy các dàn nhạc danh tiếng nhất thế giới, và là tác giả của những tác phẩm xuất sắc như: West Side Story, Candide, Wonderful Town, On the Town và Mass.

Bernstein cũng là nhạc trưởng đầu tiên lên truyền hình giảng về nhạc cổ điển từ năm 1954 và tiếp tục cho đến khi ông qua đời. Thêm vào đó, ông còn là một nghệ sỹ dương cầm tài ba, thường xuyên chỉ huy các bản piano concerto bằng phím đàn.

Một trong những sự kiện nổi bật trong cuộc đời chỉ huy của Bernstein là vào ngày 25/12/1989, ông đã chỉ huy bản giao hưởng số 9 của Beethoven tại nhà hát Konzerthausorchester Berlin nhân sự kiện bức tường Berlin sụp đổ. Trước đó, ngày 24/12/1989, ông cũng chỉ huy tác phẩm này ở tây Berlin. Buổi hòa nhạc được truyền hình trực tiếp tới hơn 20 nước, thu hút sự theo dõi của khoảng 100 triệu người. Trong sự kiện này, Bernstein đã sửa phần lời của Friedrich Schiller trong chương Ode an die Freude (Tụng ca niềm vui), thay từ  “Freude” (Niềm vui) thành “Freiheit” (Tự do).

Thanh Nhàn lược dịch theo Gramophone, tháng 9/1970

————

1. Frederick Martin “Fritz” Reiner (1888 – 1963), nhạc trưởng người Hungary nổi bật trong lĩnh vực chỉ huy opera và giao hưởng, giám đốc âm nhạc của Chicago Symphony Orchestra trong những năm 1950 và đầu những năm 1960.

2. Serge Koussevitzky (1874 –1951), nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ contrabass người Nga gốc Do Thái, Giám đốc âm nhạc của Boston Symphony Orchestra từ năm 1924 đến 1949.

3. Dimitri Mitropoulos (1896 – 1960), người Hy Lạp, nổi tiếng trong thế giới nhạc cổ điển thế kỷ 20 với vai trò nhạc trưởng, nhà soạn nhạc. Ông còn là một nghệ sĩ piano.

4. Aaron Copland là nhà soạn nhạc hàng đầu của Mỹ và là người bạn thân thiết của Berstein kể từ năm 1937.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)