Lỗi tại… tạp văn ?

Chưa từng thấy có một lý thuyết văn học, truyền thông hay tâm lý học sáng tạo nào nói rằng nếu nhà văn chọn viết thể loại này thì ngòi bút của anh ta ở thể loại kia sẽ bị suy yếu. Nhưng đó lại là nỗi lo có thật (dĩ nhiên, cũng có những trường hợp giả bộ) của nhiều nhà văn đang viết tạp văn. Xoay quanh những cuộc trao đổi về tạp văn, bao giờ cũng thường có cái sự vừa hào hứng vừa dè chừng hay ra vẻ dằn vặt như thế.

Vậy, tạp văn là gì mà ghê gớm vậy?

Về mặt lý thuyết, có nhiều cách định nghĩa khác nhau:

1/ Đại từ điển tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM 2011 viết:

Tản văn (dt): 1/ Văn xuôi; 2/ Các loại văn gồm các thể kí và các thể văn khác, ngoại trừ truyện, thơ và kịch.

Tạp văn (dt): Loại văn gồm nhiều thể tài linh hoạt như đoản bình, tiểu phẩm, tùy bút.

2/ Phạm Văn Ánh viết trong Từ điển Văn học bộ mới, nhiều tác giả, NXB Thế giới, 2004:

Tạp văn:

“Một thể loại thuộc tản văn trong văn học Trung Quốc, thiên về nghị luận nhưng cũng giàu ý nghĩa văn học. Từ tạp văn vốn xuất hiện trong sách Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, song trong công trình đó từ này còn dùng để chỉ chung các thể loại văn chương. Tạp văn với tư cách một thể văn chỉ chính thức ra đời vào khoảng thời cách mạng Ngũ Tứ (1917 – 1924), là những bài luận văn ngắn, giàu tính luận chiến, thường xoay quanh một số vấn đề xã hội, văn hóa, chính trị… Đặc điểm chung của tản văn là ngắn gọn, linh hoạt, đa dạng; phản ứng một cách nhanh nhạy, kịp thời trước những vấn đề bức xúc của xã hội với những ý kiến đánh giá rõ ràng và sắc sảo.
 

Những năm 30-40 của thế kỷ XX ở Trung Quốc, nhiều báo và tập san nhờ đăng tải tạp văn mà trở nên nổi tiếng (như: Thái Bạch, Phong cách Lỗ Tấn…). Trong giai đoạn này, tác giả Cù Thu Bạch cũng từng viết một số tác phẩm tạp văn hết sức xuất sắc. Đồng thời nghiên cứu một cách sâu sắc các tác phẩm tạp văn của Lỗ Tấn, ông đã đánh giá cao về tác dụng xã hội của thể loại văn học này, đặc biệt là trong đấu tranh chính trị. Tuy nhiên ngay trong giai đoạn hòa bình, tạp văn vẫn là một thể loại văn học có tác dụng đả phá vào những thói xấu, vạch rõ khuyết điểm, đánh giá đúng sai; vừa phê phán mạnh bạo lại giàu suy tưởng.

(Theo Phạm Văn Ánh, Từ điển Văn học bộ mới, nhiều tác giả, NXB Thế giới, 2004)

Báo Thanh niên mới (tức, Tân thanh niên) của Trung Quốc số tháng 4 năm 1918 lần đầu tiên lập ra mục Theo dòng suy cảm (Tùy cảm lục) đề xướng và giới thiệu những bài thuộc thể loại tạp văn. Những nhân vật quan trọng trong phong trào vận động ngũ tứ như Trần Độc Tú, Lỗ Tấn, Lưu Bán Nông… đều tích cực gửi bài cho mục này. Về sau hàng loạt báo đều có mục Theo dòng suy cảm, như các tờ: Đời sống mới, Bình luận thường kỳ, Giác ngộ; bên cạnh đó trong một số mục của các báo khác như tờ Sáng sớm, Bình luận hằng ngày, Chủ nhật… đều cho đăng tải các tác phẩm tạp văn.

… Ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám (1945), một số nhà văn kiêm nhà báo như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cũng từng viết các tác phẩm thuộc loại tạp văn. Sau Cách mạng, nhiều bài văn chính luận ngắn gọn nhưng hóm hỉnh đăng trên một số báo cũng thuộc thể loại tạp văn.”

3/ Lương Duy Thứ viết trong cuốn Từ điển Văn học tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983:

Tạp văn

“Một bộ phận lớn sáng tác của nhà văn Trung-quốc Lỗ Tấn viết theo một thể loại đặc biệt, bao gồm những bài cảm nghĩ nhỏ, luận văn, diễn thuyết, tùy bút, thư từ, nhật ký, hồi ức… nói như Lỗ Tấn “bất cứ thể văn gì, các thức góp lại với nhau, thế là thành tạp”… Lỗ Tấn đã liên tục viết tạp văn trong thời gian gần 20 năm, từ khi bắt đầu sáng tác đến khi mất. Ông thường kết hợp nghị luận và sáng tác, mượn hình tượng sinh động cụ thể và ngôn ngữ trữ tình để bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề chính trị xã hội hoặc tư tưởng, văn hóa. Ngắn gọn, kịp thời, tạp văn đã được Lỗ Tấn sử dụng như một vũ khí tùy thân. Dưới ngòi bút của ông, người đọc có thể thấy được tiến trình cách mạng văn hóa và tư tưởng Trung-quốc những năm từ Ngũ Tứ (1919) đến trước thời kỳ kháng Nhật (1936) thấy được “linh hồn đại chúng Trung-quốc”, thấy được nhà tư tưởng, nhà văn hóa – nhà cách mạng Lỗ Tấn (…)”

***

Bỏ qua dấu hiệu lệ thuộc học thuật (cho rằng tạp văn xuất phát từ Trung Quốc và thiếu sự tham chiếu cần thiết về lịch sử, lý thuyết thể loại tương đương trong học thuật phương Tây), thì những định nghĩa được nêu trên đây cũng phần nào giúp người đọc hình dung đến một thể loại “chính thức xuất hiện” trong bối cảnh ngôn luận xã hội đang cần đến những tiếng nói, quan điểm cá nhân “phản ứng một cách nhanh nhạy, kịp thời trước những vấn đề bức xúc của xã hội với những ý kiến đánh giá rõ ràng và sắc sảo”.
 

Trên thực tế báo chí và xuất bản hiện nay, các tên gọi tản văn, tản mạn, tạp bút, tạp văn có xu hướng được đồng nhất và lý thuyết thể loại là thứ không được quan tâm tìm hiểu hay soi rọi kỹ.

Các định nghĩa trên cũng cho thấy, đây là một kiểu văn viết tự do, linh hoạt (có lẽ vì thế mà lý thuyết về nó cho đến nay vẫn chưa thật hệ thống đâu vào đó), kể cả sự phân biệt hay đồng nhất giữa các tên gọi: tản văn, tản mạn, tạp bút, tạp văn,… cũng chưa được làm rõ. Trên thực tế báo chí và xuất bản hiện nay, các tên gọi trên có xu hướng được đồng nhất và lý thuyết thể loại là thứ không được quan tâm tìm hiểu hay soi rọi kỹ. Kể cả những người viết tạp văn cũng thừa nhận rằng họ ù ù cạc cạc về lý thuyết thể loại này.

Vậy, việc bổ khuyết tri thức khoa học phương Tây về thể loại này là điều cần làm và hy vọng sẽ sớm được làm trong thời gian tới trong những cuốn từ điển chuyên ngành để người muốn tìm hiểu, nghiên cứu và sử dụng thể loại này có cái nhìn khách quan, toàn diện và khoa học hơn về một thể loại.

Câu chuyện này sẽ được trở lại một lúc nào đó.

Chỉ là một thể loại

Thật ra, người viết bài này chưa từng thấy có một lý thuyết văn học, truyền thông hay tâm lý học sáng tạo nào nói rằng nếu nhà văn chọn viết thể loại này thì ngòi bút của anh ta ở thể loại kia sẽ bị suy yếu. Đó đơn giản chỉ là nỗi sợ mơ hồ của những người viết yếu bóng vía, có thể là sự bao biện cho những mục tiêu không thành ở các thể loại được kỳ vọng khác hoặc bản thân anh ta sẵn có cái nhìn lệch lạc, thiếu bình đẳng về các thể loại.
Các nhà văn thường có tâm lý coi viết tạp văn, viết báo là tự mài mòn mình ra từng ngày và vì thế họ muốn giải thích cho sự “thua thiệt” ở những tác phẩm truyện ngắn hay tiểu thuyết của mình bằng cách chọn một kẻ tội đồ nào đó, mà tạp văn xem ra là thứ “linh hoạt dễ chơi” nên dễ bị chọn nhất. “Vu khống” cho thể loại trong trường hợp này là một việc làm phản khoa học. Bởi trong trường hợp đó, chúng ta bỏ qua những trường hợp: Lỗ Tấn, Márai Sándor, Alexandre Solzhenitsyn, Umberto Eco, Milan Kundera hay Haruki Murakami… vừa thành công rực rỡ ở tiểu thuyết, truyện ngắn, vừa là những người viết tạp văn kiệt xuất. Cũng như vậy, không dễ giải thích cho những trường hợp như Phan Khôi hay Thạch Lam…

Mấu chốt của việc đổ lỗi cho tạp văn làm hư tiểu thuyết hay truyện ngắn có lẽ là lối nghĩ tạp văn thường là thứ trực diện, gắn với đời sống ngôn luận báo chí, viết về cái nhất thời và có tác dụng “phản ứng nhanh” so với các tác phẩm dài hơi hướng đến giá trị lâu dài. Nhưng trên thực tế, tạp văn đa dạng hơn chúng ta nghĩ. Lỗ Tấn có những tạp văn đanh thép trong tư cách công dân đầy tính cách mạng, về các sự kiện xã hội nhưng ông cũng có những tạp văn trữ tình duy mỹ ngắn gọn và đầy gợi mở trong Dã thảo, một tập rất mỏng, có thể xem là thứ “văn chương để lại” xứng đáng đặt ngang hàng với nhiều truyện ngắn hay tiểu thuyết khác của ông. Những tạp văn của nhà văn Hungary Márai Sándor trong tập Bốn mùa, trời và đất (Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2011) có khi cực thiểu, nhưng là sự chưng cất qua thời gian và hướng đến giá trị tư tưởng, có tính vĩnh cửu. Tạp văn (hay essay – tiểu luận) về tiểu thuyết, nghệ thuật trong tập Màn (Trần Bạch Lan dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) hay Một cuộc gặp gỡ (Nguyên Ngọc dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) của Milan Kundera cô đọng nhưng có sức thâu tóm của những công trình phê bình lý luận, nghiên cứu chuyên sâu…

Tạp văn cũng có thể là cái được sinh ra từ thời sự, quan điểm nhất thời nhưng đó không là tất cả. Nhiều người viết đã hướng đến khảo cứu, nghiên cứu, tư tưởng chăm chút trong lối viết khi theo đuổi thể loại này.

Vì thế, không thể gọi thể loại này là thức ăn nhanh, thể loại kia là chế biến chậm. Càng không nên gán cho thể loại này là thể loại mưu sinh và thể loại kia mới là nghệ thuật đỉnh cao.

Cách nghĩ tạp văn sẽ mài mòn vốn hiểu biết, vốn văn hóa (và làm ảnh hưởng đến sáng tác truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết…) là của những người viết yếu bóng vía. Trên thực tế, người ta sẽ không suy kiệt hay khỏe mạnh, trở nên tầm thường hay đạo đức hơn khi chọn một thể loại để viết vì nếu vậy ở đời sẽ có quá nhiều thứ cám dỗ đáng quan ngại hơn đối với những kẻ thuộc trường phái bao biện vì yếu bóng vía kia.

Thể loại thì bình đẳng.
 

Tác giả

(Visited 76 times, 1 visits today)