Luận về “Chưa – Không nên – Không thể”

Truyện kể rằng, xưa kia có một nhà nghiên cứu đã tốn rất nhiều công sức cho việc kiếm tìm một chất lỏng hòa tan được mọi vật, với lòng đam mê  không ngừng nghỉ và niềm tin vững chắc rằng có thể tìm được. Thế rồi một hôm có một nhà thông thái đến thăm ông, và ông đã chia sẻ ý tưởng của mình cho bạn về việc còn chưa làm được của mình. Thưa ông bạn của tôi, nếu ông tìm được “một chất lỏng hòa tan được mọi vật” thì ông lấy gì để đựng nó - vị khách kia hỏi bạn.

Câu hỏi bất ngờ của người khách đã kéo vị chủ nhà ra khỏi cơn mê, từ bỏ công việc bao năm đeo đuổi. Hóa ra việc đi tìm một chất lỏng hòa tan được mọi vật, là một việc không thể làm được, chứ không phải là một việc chưa làm được!      

Ví dụ trên cho thấy tầm quan trọng của việc phản biện nhằm chỉ ra đâu là mục tiêu có thể và đâu là mục tiêu không thể, để ngăn chặn những nỗ lực vô ích theo đuổi những điều không tưởng. Trong lịch sử, có những tri thức sinh ra từ nỗ lực phản biện như vậy đã trở thành những lý thuyết lớn đóng góp cho trí tuệ loài người! Đó là những trường hợp của Janos Bolyai (1802-1860) và Nicolai Ivanovich Lobachevsky (1792-1856) với sự ra đời Hình học phi Euclid, đã làm thay đổi thế giới quan Hình học; hay Evariste Galois (1811-1832) với  sự ra đời Lí thuyết Galois mở đường cho Đại số học; hay của Kurt Friedrich Gödel (1906-1978) với định lý Bất toàn, đã đập tan một học thuyết không tưởng, xuất phát từ niềm tin tuyệt đối của các nhà toán học vào sức mạnh của các công cụ hình thức, vốn được đề xuất bởi David Hilbert (1862-1943) và các cộng sự, nhằm loại bỏ những mâu thuẫn và nghịch lý ra khỏi toán học…

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn vô vàn nan đề vẫn chưa được giải, mà người ta cũng không biết chúng có thuộc loại không thể giải được hay không. Có những vấn đề từ chỗ không thể giải được, thì nay trở thành có khả năng giải được, hoặc có le lói triển vọng! Trước đây con người từng bỏ bao công sức cho những nỗ lực bất thành trong việc tìm thuật tràng sinh-bất tử, hay chế tác vàng từ những kim loại thông thường (giả kim thuật), đến nay “giả kim thuật” hiện có thể thực thi, còn “thuật tràng sinh-bất tử” có vẻ như có tia hy vọng.

Dẫu vậy, dù có thể làm được hay không, những mục tiêu ấy chưa chắc là việc nên làm. Việc chế tạo vàng từ các kim loại khác đòi hỏi kĩ thuật rất cao, tốn kém và không kinh tế. Vì vậy thay vì giả kim thuật, người ta tìm cách khai thác vàng trong tự nhiên, mà sự thật đã mang lại hiệu quả hơn nhiều! Tạo hóa đã sáng tạo ra chúng ta, chắc chắn cũng sáng tạo ra mọi nguyên tố mà chúng ta cần. Bởi vậy tuy giấc mơ về “giả kim thuật” của con người đã thành hiện thực, nhưng ít nhất trong thời điểm hiện tại đó là việc không nên làm.

Khác với nghề giả kim thuật của nguời Hy Lạp, người Trung Quốc đi tìm thuốc trường sinh bất lão, và người ta luyện đan, nhưng rút cục cũng chỉ là trò chơi giả kim thuật mà thôi! Thực tế trên thế giới xuất hiện những bộ tộc sống rất thọ, những bộ tộc này thường được thừa hưởng một môi trường thiên nhiên ưu đãi, cùng với chế độ sinh hoạt cũng rất tuân thủ tự nhiên! Vậy nên, có lẽ con người chẳng nên sáng tạo “thay trời”, mà nên chăng nương nhờ, học hỏi thiên nhiên. Rõ ràng việc chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ của con người, luôn là mục tiêu phấn đấu của mọi thời đại, tuy nhiên làm cho con người trở nên bất tử, có phải là việc nên làm hay không, xin mỗi người hãy tự trả lời! 

Việc xác định đâu là mục tiêu có thể làm và nên làm cũng nhiều khi bị che đậy, làm méo mó bởi những ngụy biện hào nhoáng. Điển hình như chủ nghĩa phát xít với những tội ác hủy diệt mà nhân loại đã chứng kiến trong thế kỷ XX. Dường như những người theo chủ nghĩa phát cũng không thừa nhận trật tự tự nhiên vốn có của loài người, muốn dùng bạo lực sắp đặt nhân loại theo một trật tự chính trị, xã hội và văn hóa hoàn toàn mới (!) Chúng nhân danh tinh thần nhân đạo, nhưng lại biến con người thành những con số để tha hồ giết chết hoặc đày đọa, mà lương tâm không hề có chút áy náy. Tuy chúng thất bại nhưng cái giá mà nhân loại phải trả vô cùng tàn khốc, là sự chết chóc và xương máu của nhiều triệu người!

Nhìn vào cuộc sống hiện nay, chúng ta dễ thấy những điều tưởng chừng như vô hại, thậm chí nhân danh sự tiến bộ, nhưng không dễ để biết được liệu chúng có phải là những mục tiêu không tưởng, hay phản động, trái tự nhiên hay không. Trong bài báo: “Stephan Hawking: 100 năm nữa robot sẽ kiểm soát con người” (VietNamNet ngày 14/05/2015), một trong những nhà bác học lỗi lạc của thời đại chúng ta, Stephan Hawking, đã cảnh báo độ nguy hiểm về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Ông chia sẻ tại Zeitgeist-2015 rằng: “Máy tính với trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua con người trong vòng 100 năm tới. Khi điều đó xảy ra, chúng ta phải chắc chắn rằng máy tính có cùng mục tiêu với chúng ta”. Ông cùng nhiều nhà khoa học nổi tiếng khác đã ký một bức thư ngỏ, nhắc nhở nhân loại nên thận trọng, trong quá trình phát triển máy tính với trí tuệ nhân tạo. Điều gì sẽ xảy ra nếu những con robot-siêu nhân đó chống lại chúng ta? Rõ ràng nếu chúng ta không chứng tỏ được khả năng robot gây ra nguy hiểm luôn bé thua khả năng kiểm soát của con người, thì việc nên làm hay không, phát triển không kiểm soát lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sẽ là một câu hỏi nghiêm túc, cần sớm được trả lời!

Bởi vậy, khát khao phát triển hùng mạnh, luôn là động lực của mọi quốc gia, nhưng chúng cũng có thể là những cái vỏ hào nhoáng phủ lên các mục tiêu mù quáng, thậm chí ẩn chứa hiểm họa. Đứng trước những quyết sách lớn, việc nhận thức đầy đủ về tiềm năng, con đường tiếp cận và cái đích đến, cái giá phải trả và những lợi ích mang lại, cũng như những việc cần làm trước, cần làm ngay, những việc không thể làm,…, luôn không bao giờ là những vấn đề đơn giản! Để tránh nhưng sai lầm đáng tiếc, không thể thiếu những hệ thống phản biện, kèm theo đó là những người chịu trách nhiệm ra quyết định biết bám sát thực tiễn và lắng nghe hơi thở của cuộc sống! Cuối cùng, việc tham khảo những trang lịch sử huy hoàng, hay đau thương, những bài học về sự không tưởng… là điều không bao giờ xưa cũ!    

Tác giả

(Visited 41 times, 1 visits today)