Lược sử Trung Quốc họa: Một góc nhìn về nền mỹ thuật Trung Quốc

Với “Lược sử Trung Quốc họa” dày gần 700 trang, Tạ Duy hiện thực hóa mong muốn truyền tải cho độc giả một hình dung về Trung Quốc họa mà theo anh là “hệt như một cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi với ức vạn cành nhánh, nhưng tất cả đều có chung một gốc và cùng được nuôi dưỡng bằng một dòng nhựa sống xuyên suốt”.

Tuyết đường khách thoại đồ (Hạ Khuê). Mực trên lụa. 29,5 cm – 28,2 cm. Bảo tàng cố cung Bắc Kinh.

“Thủy mặc họa là gì? Trung Quốc họa là gì? Danh họa Trung Quốc từ xưa đến nay ngoài Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng ra còn ai khác nữa không? – Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu hỏi mà tôi đã nhận được từ những khán giả xem tranh của mình kể từ khi tốt nghiệp về nước”, họa sĩ Tạ Duy mở đầu khi nhắc đến lý do mà anh quyết định viết nên cuốn sách Lược sử Trung Quốc họa của mình. Chính nhờ những câu hỏi ấy mà anh mới nhận ra rằng những điều tưởng chừng như đương nhiên đối với người họa sĩ thì lại là thắc mắc lớn đối với người ngoài ngành.

Dù văn hóa Việt Nam đã có sự xúc chạm với văn hóa Trung Quốc suốt hàng thiên niên kỷ, nhưng có lẽ riêng trong địa hạt của hội họa “chúng ta vẫn chưa có sự hiểu biết đầy đủ về người hàng xóm của mình lắm”. Hội họa Việt Nam chính thức định hình nhờ công lao kiến tạo của người Pháp sau năm 1925, và từ đó đến nay “chúng ta chủ yếu tiếp thu những thành tựu hội họa đến từ phương Tây mà rất ít biết về hội họa phương Đông nói chung hay Trung Quốc họa nói riêng. Có thể khán giả Việt Nam từng nghe đến những cái tên như Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Triệu Thiếu Ngang… và vội vàng cho đó là đại diện của Trung Quốc họa. Nhưng sự thật không phải như vậy”. Nếu bàn về Trung Quốc họa mà chỉ đề cập đến một thời đại, một phong cách hay thậm chí chỉ một họa gia nào đó được thế nhân trọng vọng để làm dẫn chứng thì đều chỉ là đang nhìn nhận một lát cắt nhỏ của một nền hội họa lâu đời.

“Do đó để trả lời cho câu hỏi tưởng như đơn giản như ‘Trung Quốc họa là gì?’, tôi bắt buộc phải viết về toàn bộ lịch sử của nó”, Tạ Duy hồi tưởng quyết định quan trọng của mình bằng một câu nói giản đơn mà hàm chứa sức nặng.

“Là một người trẻ, tôi chưa đủ tư cách để phán xét tiền nhân, thế nên khi giới thiệu về một họa gia nào đó tôi luôn phải trích dẫn những lời bình phẩm của danh gia đời trước nhằm đảm bảo cái nhìn khách quan đa chiều nhất có thể” – Tạ Duy.

Thương hải tang điền, 2000 năm với biết bao triều đại, biến cố. Trung Quốc họa hiện lên như một nền hội họa có lịch sử lâu đời “và có thể nói là nền hội họa duy nhất trên thế giới có sự truyền thừa và tiếp nối liên tục không gián đoạn suốt hàng thiên niên kỷ”. Kế thừa kết cấu của các cuốn họa sử hiện đại mà các học giả như Du Kiếm Hoa, Phan Thiên Thọ, Vương Bá Mẫn, Bạc Tùng Niên… đã từng triển khai. Lược sử Trung Quốc họa đã khái quát diện mạo hội họa từ thời tiền sử đến thời Tần Hán, từ thời Ngụy Tấn Nam – Bắc triều, thời Tùy Đường, thời Ngũ Đại, Tống, Liêu, Kim, thời Nguyên, thời Minh, thời Thanh, cho đến Trung Quốc họa thế kỷ 20, sau đó mới lược thuật về các họa gia tiêu biểu nhằm minh họa rõ hơn cho phần khái quát trước đó.

Xuyên suốt dòng chảy ấy, bức tranh về Trung Quốc họa hiện lên từ khái quát đến chi tiết, vừa giúp người đọc hình dung về một nền mỹ thuật không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn những nước đồng văn khác; đồng thời soi chiếu phong cách của từng giai đoạn sau hàng thế kỷ bãi bể nương dâu, với những biến thiên không ngừng nghỉ theo thời đại. Chẳng hạn, cuốn sách đã tái hiện sự phục hưng của văn hóa Hán trong thời Minh – sau gần một thế kỷ chịu sự thống trị của ngoại tộc – đồng thời lan tỏa nền văn hóa của mình tới các nước láng giềng. “Tháng 2/1468 tăng nhân Nhật Bản Sesshu Toyo (Tuyết Chu Đẳng Dương) theo thương thuyền tới Trung Quốc, du lãm nhiều thắng địa đồng thời kết giao với họa gia cung đình Lý Tại, được họ Lý truyền cho họa nghệ, sau khi về nước đã đem theo phong cách sơn thủy của họa phái Chiết Giang về Nhật, hình thành nên một trường phái hội họa rất có ảnh hưởng”.

Tuyết cảnh hàn lâm đồ (Phạm Khoan – nghi vấn). Mực trên lụa. 193,5 cm – 160,3 cm. Bảo tàng nghệ thuật thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

Bật lên giữa bức tranh kỳ vĩ ấy là 380 gương mặt họa gia kiệt xuất trải dài qua hai ngàn năm. Vì sao lại là 380? “Con số này tiêu tốn của tôi khá nhiều thời gian”, Tạ Duy chừng như ngập ngừng khi nhớ lại những băn khoăn và tiếc nuối của mình. “Ban đầu tôi chỉ định giới thiệu 100 họa gia, nhưng rồi tôi nhận thấy như vậy quá ít và sẽ bỏ sót rất nhiều tên tuổi tài năng”. Sau một thời gian, số lượng họa gia mà anh dự định đưa vào sách lại lên đến gần 500 người – một con số quá lớn. Lúc này, việc sàng lọc các họa gia tiêu biểu dựa trên hai yếu tố chính: Thứ nhất là họa gia đó có vai trò gì đối với sự phát triển của lịch sử hay không. Thứ hai, ảnh chụp tác phẩm của họa gia đó có đủ chất lượng hay không. “Có nhiều trường hợp tôi rất tiếc khi không thể đưa vào sách chỉ vì không tìm được tranh minh họa đủ tốt, hoặc nếu tranh minh họa đủ tốt nhưng lại thiếu thông tin liên quan thì tôi cũng không thể sử dụng”. Qua vài lần tuyển lựa, cuối cùng anh đã quyết định dừng lại ở con số 380 họa gia tiêu biểu.

Trong số những họa gia ấy, có những đại diện chúng ta chưa từng nghe thấy, có những cái tên quen thuộc mà chúng ta đã từng biết như Mễ Phất, Tạ Hách, Tề Bạch Thạch và cũng có những người chúng ta cứ tưởng mình đã biết nhưng hóa ra sự biết ấy chỉ như một nét phẩy mờ trong cuộc đời của họ. Bát Đại Sơn Nhân – vốn nổi tiếng như một tài năng kiệt xuất trên họa đàn cuối Minh đầu Thanh. Hội họa của ông phóng túng vô phép, ý tứ tung hoành bất chấp quy củ; dù vậy, không nhiều người biết rằng sự tung hoành ấy phản chiếu từ chính cuộc đời đầy biến cố của ông. “Khang Hy năm thứ 18, nhận lời mời của tri huyện Hồ Diệc Đường, ông đến Lâm Xuyên cư ngụ được hơn một năm thì bỗng phát điên, lúc khóc lúc cười, có khi nhảy múa như cuồng như dại ngoài phố chợ, có khi lại dán ngoài cửa chữ Á (câm), cự tuyệt giao tiếp. Sau khi dời về Nam Xương thì bệnh điên cũng thuyên giảm. Từ tuổi 62, ông thường cư ngụ tại chùa Bắc Lan huyện Nam Xương, khi về già cải làm đạo sĩ, lấy việc bán tranh làm kế mưu sinh. Tương truyền họ Chu không bao giờ vẽ tranh cho giới quan quyền nhà Thanh, nhưng những người nghèo khổ tới xin tranh thì ông không bao giờ tiếc”.

Nhị tổ điều tâm đồ (trích đoạn) (Thạch Khác – nghi vấn). Mực trên giấy. 64,4 cm – 35,3 cm. Bảo tàng quốc gia Tokyo, Nhật Bản.

Thuật lại cuộc đời và phong cách của những họa gia với những chi tiết sống động là vậy, nhưng với tính cách điềm tĩnh của một người vẽ thủy mặc, Tạ Duy tỏ ra khá thận trọng khi đưa nhận định riêng về các họa gia vào sách. Anh thừa nhận bản thân không phải là nhà nghiên cứu hay nhà phê bình mà “chỉ là một họa sĩ muốn chia sẻ những điều mình biết đến những người cùng sở thích”. Do đó, trong cuốn sách này, bản thân luôn cố gắng giữ thái độ khách quan và hạn chế tối thiểu những đánh giá chủ quan. “Là một người trẻ, tôi chưa đủ tư cách để phán xét tiền nhân, thế nên khi giới thiệu về một họa gia nào đó tôi luôn phải trích dẫn những lời bình phẩm của danh gia đời trước nhằm đảm bảo cái nhìn khách quan đa chiều nhất có thể”.

Nếu bàn về Trung Quốc họa mà chỉ đề cập đến một thời đại, một phong cách hay thậm chí chỉ một họa gia nào đó được thế nhân trọng vọng để làm dẫn chứng thì đều chỉ là đang nhìn nhận một lát cắt nhỏ của một nền hội họa lâu đời.

Cùng với đấy, bản thân Tạ Duy cũng hiểu rằng mình chỉ mới nắm vững phần nào kiến thức chuyên môn của thủy mặc. Để có thể hiểu sâu về nền mỹ thuật Trung Quốc, anh buộc phải hệ thống lại toàn bộ kiến thức về họa sử của mình. “Quả thật, quá trình viết sách không chỉ ngõ hầu mang đến những kiến thức mới cho độc giả, mà còn là hành trình để tôi tự soi xét bản thân – có những kiến thức mà tôi chưa hề biết và có cả những kiến thức mà hóa ra tôi chẳng tỏ tường. Trước kia tôi chỉ chọn đọc những giai đoạn mỹ thuật mà mình yêu thích, nhưng đến khi viết sách tôi buộc phải đọc tất cả, kể cả những giai đoạn mà mình không có hứng thú tìm hiểu như mỹ thuật thời tiền sử hay mỹ thuật thời Cách mạng văn hóa”, anh kể.

Dù tận lực nghiên cứu, tìm tòi để viết nên cuốn sách, nhưng rõ ràng việc viết về một nền hội họa có tuổi đời hàng thiên niên kỷ là điều không hề dễ dàng, Tạ Duy thừa nhận rằng còn có rất nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử mà anh chưa thể nêu ra được trong cuốn sách này, nhưng nó đã khơi gợi cho anh nhiều ý tưởng để bắt đầu những cuốn sách mới trong tương lai. “Chẳng hạn như lịch sử về sự phát triển của chất liệu, cái có quan hệ rất mật thiết tới tiến trình phát triển của hội họa, cũng là vấn đề mà tôi rất thích tìm hiểu nhưng lại chưa thể đưa vào vì nó chiếm quá nhiều không gian, thậm chí có khi tôi phải viết một cuốn sách riêng dành cho nó”, Tạ Duy chia sẻ.

`Đơn thương độc mã’

Họa sĩ Tạ Duy

Ba năm kể từ sau triển lãm đầu tiên mang tên “Sự khởi đầu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Lược sử Trung Quốc họa – một cuốn sách mà tự thân tên gọi của nó cũng đã cho thấy tâm huyết và sự dũng cảm người cầm bút – chính là bước ngoặt đáng chú ý tiếp theo trong sự nghiệp hội họa của Tạ Duy.

Việc ‘đơn thương độc mã’ dấn thân viết một cuốn sách thông sử khá đồ sộ đòi hỏi quá trình ấp ủ và bồi đắp, thay vì một cuốn sách ‘nhỏ xinh’ tập trung khai thác một vấn đề cụ thể trong thủy mặc họa dường như là một quyết định có phần mạo hiểm – nhất là với một người trẻ như anh. Thêm vào đó, việc Việt Nam chưa có cuốn sách nào về toàn bộ lịch sử hội họa truyền thống Trung Quốc vừa là cơ hội để Tạ Duy trở thành người tiên phong, nhưng cũng là sức ép vì anh sẽ là người mở đầu.

Lý Bạch hành ngâm đồ (Lương Khải). Mực trên giấy. 81,2 cm – 30,4 cm. Bảo tàng quốc lập Tokyo, Nhật Bản.

Với Tạ Duy, anh không xem quyết định của mình là một điều mạo hiểm, anh đón nhận những áp lực với một tâm thế thoải mái, bởi “tôi viết cuốn sách này hoàn toàn vì sở thích cá nhân, không phải vì lợi nhuận, cũng không phải vì danh tiếng hay một thứ gì khác ngoài nghệ thuật, thế nên tôi cảm thấy hoàn toàn thảnh thơi và nhẹ nhõm. Cái gọi là áp lực khi viết cuốn sách này, nếu có, cũng chỉ là trách nhiệm liên quan đến những thông tin mà mình đưa ra trong cuốn sách, bởi nó sẽ có ảnh hưởng đến độc giả, không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai nữa, vì thế mà tôi làm việc hết sức thận trọng và chậm rãi, từng chút từng chút một mà không khi nào quan tâm đến việc bao giờ mình sẽ viết xong”.

Ngay cả việc tiếp cận với các nguồn tư liệu cũng hết sức dễ dàng với anh. Từ khi còn học bên Trung Quốc, anh đã tích lũy được một số lượng lớn các sách về lịch sử hội họa, “và cho đến nay tôi đã có thể mạnh dạn nói rằng mình đã sở hữu hầu hết các bộ họa sử nổi tiếng của Trung Quốc từ sách giấy cho đến sách điện tử”, anh tự tin chia sẻ. Bản thân Tạ Duy còn có thói quen ghi lại những gì mình đọc được, nhất là từ sách ngoại văn vào những cuốn sổ nhỏ, dần dần những cuốn sổ này bắt đầu nhiều lên, “cho đến một ngày tôi nhận thấy mình hoàn toàn có thể tập hợp chúng lại để làm thành một cuốn sách”. Tất nhiên để biến những ghi chép vụn vặt thiếu hệ thống thành một cuốn sách là điều không hề dễ dàng và anh đã phải bổ sung thêm rất nhiều thông tin để chắp nối các mảnh vụn đó lại với nhau.

Và cứ thế, tế thủy trường lưu, nếu như không tính thời gian sưu tầm tài liệu thì từ khi chính thức đặt bút viết cho đến khi hoàn tất là gần ba năm. “Gần như ngày nào tôi cũng viết, ngày bận thì viết vài dòng, ngày rảnh thì viết vài trang”. Ngay cả khi đã hoàn thành bản thảo, anh vẫn chưa thể yên tâm về đứa con tinh thần của mình, bởi sách hội họa là loại sách rất đặc thù, nó đòi hỏi rất khắt khe về in ấn, mỗi trang sách đều phải duyệt đi duyệt lại rất kỹ lưỡng trước khi in chính thức. Chỉ một sự chênh lệch rất nhỏ về màu hay sắc độ thôi cũng sẽ dẫn đến “thảm họa”. Thế nên quãng thời gian năm ngày giám chế tại xưởng in “là một quãng thời gian rất đáng nhớ đối với tôi, nó cho tôi hiểu công việc in ấn ‘đáng sợ’ đến mức nào”, họa sĩ Tạ Duy nhớ lại trải nghiệm mới mẻ của mình.

Bên cạnh sức ép về nội dung và hình thức, tài chính cũng là một vấn đề ‘sống còn’ đối với những người viết sách. Vẫn giữ thái độ nhẹ nhõm và lạc quan mà anh đã duy trì xuyên suốt cuộc nói chuyện, Tạ Duy cho rằng đó không thực sự là một áp lực với anh. “Tôi may mắn có được một người bố và người mẹ tuyệt vời, họ luôn ủng hộ tôi trong mọi công việc, thế nên lần này tôi đã mạnh dạn đầu tư toàn bộ kinh phí, dù có phải đi vay chút ít. Đây là quyết định đầy thử thách nhất mà tôi từng làm, vì tôi chưa từng đầu tư cho bất cứ việc gì nhiều đến thế, cả tiền bạc, công sức, thời gian từ khi sinh ra đến giờ”.

Cho đến hiện tại, sau gần ba tháng phát hành, Tạ Duy cho biết đa số những phản hồi anh nhận được đều là những phản hồi tích cực. Độc giả đánh giá đây là một cuốn sách “đồ sộ, công phu, phong phú về tư liệu và hình ảnh”; một số ít phàn nàn về việc “sách nặng quá, cầm mỏi tay, khó mang đi đây đi đó”; một số lại phàn nàn về cách đóng gáy vuông thay vì gáy tròn, về lỗi font chữ, về cách dàn trang… Tuy nhiên, đó đều là những thiếu sót có thể khắc phục được nếu có lần tái bản sau này. Như những người viết sách khác, điều sau rốt mà Tạ Duy ‘thấp thỏm’ mong chờ đó là những góp ý thiện chí về nội dung để anh có cơ hội hoàn thiện cuốn sách của mình hơn, “nhưng có lẽ độc giả cần nhiều thời gian hơn nữa để phát hiện ra những thiếu sót về mặt học thuật, cái mà theo tôi là quan trọng nhất đối với cuốn sách này”.

Cửu long đồ (trích đoạn) (Trần Dung). Mực và màu trên giấy. 46,3 cm – 1092,4 cm. Bảo tàng mỹ thuật Boston, Hoa Kỳ

Không chỉ những người ngoài ngành mà cả các họa sĩ trong giới cũng đã tìm đến cuốn sách của anh, và với anh, khi cuốn sách của mình – mà dù rằng nó chỉ như một một dấu chấm nhỏ trong hàng vạn cuốn sách về Trung Quốc họa trên thế giới – có thể “đem đến chút hứng thú, dù là ít ỏi tới những người cùng sở thích”, thì đã là “mãn nguyện lắm rồi”.

Với Tạ Duy, Lược sử Trung Quốc họa đã nhen lên một ngọn lửa dẫn lối cho hành trình dài trong tương lai của riêng anh. Chỉ ít lâu sau khi hoàn tất cuốn thông sử này, anh đã dịch xong cuốn Hồi ký của Tề Bạch Thạch. Dù vậy, anh cho biết có thể phải vài năm tới anh mới tìm cách để cuốn sách này ra mắt độc giả, vì suy cho cùng công việc trước mắt của anh vẫn là sáng tác, “bởi tôi vẫn là một họa sĩ, nhiều triển lãm dự định làm mà vẫn chưa làm được vì đại dịch, còn việc xuất bản sách thì xin cứ để tùy duyên”.

Tác giả

(Visited 820 times, 3 visits today)