Lưu Quang Vũ: Ở lưng chừng giữa thơ và kịch

Lưu Quang Vũ xác tín bản thân ở lưng chừng giữa Thơ và Kịch. Bởi thơ và kịch, chứ không phải văn xuôi, mới là mảnh đất của tiền phong, của cách mạng và khởi loạn.

Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, Lưu Quang Vũ luôn hiện diện ở vị trí đầu tiên, hàng thứ nhất, cánh chim bay đơn, trước khi trở thành cái trang giấy kỳ lạ, trang-không/chưa-trang, trang-giữa-hai-trang, trong “cuốn sách xếp lầm trang” “rối bời” như lời thơ của ông. Thuở ban sơ, người ta biết tới ông cũng đủ ở những cái viết, thơ của “Hương cây”; truyện của “Một vùng mặt trận”, “Người kép đóng hổ”, “Mùa hè đang đến”; phê bình của “Diễn viên và sân khấu”, và kịch, nhiều lắm, trước và khi ông khảng khái “Tôi và Chúng ta”, nhưng chưa đủ ở những cái biết: một gương mặt “trung hậu” phủ lấp trong sâu xa gương mặt khác, “buồn như sỏi dưới hang sâu”, chỉ được lần giở vào mãi sau này.

Là người tiên phong, Lưu Quang Vũ lập chí và lập ngôn, gián tiếp nhờ cái tôi trữ tình trong thơ, nhân vật trong truyện, diễn viên trong kịch. Khi trực tiếp, ông nói: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi. Đều là hai thể loại lớn và khó của văn học, thơ và kịch đều là sự sống và thế giới bên trong của con người ở dạng tinh chất, cô đọng và mãnh liệt nhất. Đối với tôi, kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên.” Sự gặp gỡ giữa thơ và kịch, ở Lưu Quang Vũ, vì vậy, đánh dấu “những ngày đẹp nhất”, khi “người trai phiêu bạt” “mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật” nguyện trở về để viết tặng “vở kịch lớn, bài thơ hay nhất”. Chuyến trở về ấy, không ngờ, lại trở thành chuyến đi, xa, mãi, hoàn hủy một-thân-phận-lưu-đày.

Lưu Quang Vũ là một kẻ đi không dừng lại, tự lần đi, bị đẩy đi, một đám mây phiêu dạt. Nhưng có đích đến. Từ chân trời nghệ thuật này sang chân trời nghệ thuật khác. Trong nỗ lực khám phá không cùng chiều cao sâu cá nhân, chiều rộng dài xã hội, thách thức và mời gọi năng lượng sáng tạo. Ông lầm lũi đi, ngạo nghễ đi, và những dấu chân viết nên lai lịch của một kẻ Khác.

Ông khác trước nhất ở trong thơ, những bài thơ chép trong sổ tay, chỉ đọc cho nhóm nhỏ bạn bè mà không hề in ấn. Những vần thơ hoang mang, dằn vặt, đớn đau trong cách ông đơn độc đi tìm bản thể mình, cũng đang hoang mang, dằn vặt, đớn đau trước những khúc ngoặt của cuộc sống. Những vần thơ ấy đã định hình một Lưu Quang Vũ khác, dù từ “Hương cây”, thơ ông đã khác, nhưng đến đây là một khác hẳn trong những vần thơ chiến cuộc, lạc hồn, lạc điệu, lạc giọng xung quanh, để chỉ không lạc lõng (đường) nguyện đã chọn. Đó là kết quả từ ý chí của hành nhân mà bước chân đã trải không ít “hồ nghi giữa đường phố xôn xao”, bế tắc không “biết làm gì” “biết đi đâu” trong “tối đen thành phố đêm lưu lạc”. Đó là biểu hiện ý thức tự nhiệm của “gã làm thơ da vàng/ không đêm nào ngủ được” bởi ước mơ “đi mở những cánh cửa” “suốt đời đi mở những cánh cửa” với tinh thần trung thực tuyệt đối ở mỗi cái nhìn, mỗi niềm tin, trong khao khát “nói hết sự thực/ về đất nước của mình”. Thơ ông phản chiến ngay giữa cuộc chiến, ở chiều sâu nhất của nó, khi nhận ra cái đổ nát của cuộc đời và lòng người, nơi cái sự phi lý ở hiện tại phạt ngang mầm cây tương lai. Thơ vì thế, phải đổi khác. Và ông tự nhủ một lựa chọn: “Tôi ở cùng những chữ hôm nay/ Điều còn lại sau đường dài tôi vượt/ Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật/ Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi/ Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi/ Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa/ Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi”; thầm thì một nguyện cầu: “Sao cho máu đừng chảy nữa/ Sao cho người lính trở về/ Lũ trẻ ngủ ngon/ Cái chết không cắt ngang giấc ngủ/ Nguyện cho phố tôi/ Không ai phải quanh năm túng đói/ Không còn ai bị mỏi mòn sỉ nhục/ Nguyện cho kẻ ốm mau lành/ Nguyện cho người tôi thương không phải khóc/ Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi/ Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu”… Đó là những chữ của ông, niềm tin yêu của ông, độc sáng, cố nhiên (vì chỉ) theo cách của ông.

Từ ngày 9 đến 15/9, tại Hà Nội đã diễn ra “Liên hoan các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ” nhân 25 năm ngày mất của ông. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có liên hoan kịch dành riêng cho một tác giả.

Mười tác phẩm xuất sắc trong số hơn 50 kịch bản kịch nói, chèo, hát mới mà ông sáng tác trong khoảng 10 năm ở đỉnh cao sự nghiệp, đã được trình diễn, bao gồm các vở Lời thề thứ chín; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Mùa hạ cuối cùng; Nàng Si-ta; 2.000 ngày oan trái; Ông không phải bố tôi; Ngọc Hân công chúa; Điều không thể mất…

Một hội thảo khoa học về những đóng góp của Lưu Quang Vũ với sân khấu Việt Nam dựa trên kết quả điều tra xã hội học về các vở kịch của ông cũng được tổ chức trong thời gian này.

Bẵng đi, thơ xếp lại, ông lao vào kịch, nơi, ở đâu, lúc nào, cũng dễ dàng tìm được mâu thuẫn nghệ thuật để sáng tác, để thổi vào đó ngọn gió khát vọng. Ông nhanh chóng trở thành trung tâm của kịch nghệ, ở nơi mà không gian tinh thần nuôi sống nó, các mâu thuẫn xã hội cũng đạt tới mức kịch tính nhất, cao trào nhất, báo hiệu bước chuyển biến của “tấn trò đời”. Từ một nghệ sĩ cô độc, ông thành cánh chim đầu đàn, của một lứa văn nghệ sĩ mà tuổi đời còn trẻ, khát vọng sáng tạo còn cháy bỏng, còn nuôi dưỡng những bước phiêu lưu. Kịch ở giai đoạn sôi nổi nhất của nó, đã báo hiệu, thúc giục cho cuộc Đổi mới, mà ở đó ông trở thành trung tâm quy tụ, người dẫn lối, bạn đồng hành. Với ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất thơ, nhiều suy tưởng, suy niệm, những mâu thuẫn gay gắt khía sâu vào đời sống nội tâm con người, ở đa dạng các đề tài, các loại hình kịch, ông đóng dấu ấn tiền phong của mình. Kịch của ông thời sự trong những vấn đề vĩnh cửu, sôi động một cách trầm ngâm, sâu sắc một cách hoang mang. Tính chất nước đôi ấy có được là bởi ông chưa bao giờ đứng lại ở một vị trí, thuộc về chỉ một hàng ngũ, nghiệt ngã trong mỗi lựa chọn ra đi và trở về. Ông xác tín bản thân ở lưng chừng giữa “Tôi và Chúng ta”, giữa Thơ và Kịch. Bởi thơ và kịch, chứ không phải văn xuôi, mới là mảnh đất của tiền phong, của cách mạng và khởi loạn. Văn xuôi không lưu đày, bởi sự cách tân lớn nhất của văn xuôi là phản-văn-xuôi (vốn thường được biết hơn ở phản-tiểu-thuyết) vẫn chỉ là văn xuôi, một thứ văn xuôi mới không ngắt đứt với truyền thống và quăng mình vào cõi hư hỗn của tương lai. Không giống văn xuôi, cái mới quyết liệt trong thơ và kịch tạo nên cái khác, thơ khác và kịch khác, tự chọn tính chất cách mạng và lật đổ, bởi nó không biện biệt giữa nội giới và ngoại giới, điều làm thành sức mạnh hiện sinh của việc phá hủy cái đã biết để dấn thân vào cái chưa biết. Và chính cái khác hàm chứa một tiền phong, hàm ngụ một lưu vong ấy, khởi sinh cho dấn-thân-lưu-đày.

Một phần mười, một phần năm, rồi một phần tư thế kỷ ngừng lại của cuộc dấn-thân-lưu-đày của ông, thơ và kịch của ông dần được tái sinh. Thơ của ông giờ không chỉ để đọc mà một phần cơ bản đã để in (trong tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)1, và mới đây nhất, kịch của ông giờ không chỉ để diễn mà một phần nhỏ đã để đọc (trong tuyển kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt)2. Thơ ông tái sinh trong những đọc mới và kịch ông tái sinh trong những diễn mới. Bởi thôi thúc tự trong sâu thẳm của “những viết” của ông, cái viết tự tái sinh trong mỗi lưu đày. Và bởi tự ông, đã là tiền phong, là cách mạng, nghĩa là cái-khác-lưu-đày từ trong cốt tủy của sống và viết.



1 Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2010;   
2 Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2013

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)