Luy Lâu và Tứ pháp (Mây – Mưa – Sấm – Chớp)

Vai trò của trung tâm Luy Lâu và tín ngưỡng Tứ pháp được coi là quan trọng trong đời sống của người Việt đầu thế kỷ 3 sau Công nguyên (CN). Sau khi Luy Lâu hết địa vị là thủ phủ của Giao Châu, và chuyển về Tống Bình (Hà Nội), thì tín ngưỡng Tứ pháp vẫn tiếp tục tồn tại ít nhất đến thế kỷ 19, và vẫn là di tích Phật giáo mang tính bản địa cho đến ngày nay.

Lậy giời mưa xuống
Cho nước tôi uống
Cho ruộng tôi cầy
Cho bát cơm đầy
Cho khúc cá to…
(Ca dao tục ngữ)

Thành cổ Luy Lâu, nằm trên đất Thuận Thành, Bắc Ninh (huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, Kinh Bắc cũ). Sau khi đè bẹp An Dương Vương, người Hán dần dần tiến vào Bắc bộ, rồi sau khi bình được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, năm 43 sau CN, thì chính quyền đô hộ Trung Hoa có mặt ở Việt Nam, năm 207 họ đóng trị sở ở Luy Lâu, năm 824 thì chuyển về Tống Bình. Người ta cho rằng sở dĩ Luy Lâu có vai trò trung tâm như vậy bởi nó nằm giữa đồng bằng sông Hồng, án ngữ con đường giao thông huyết mạch từ phía Bắc theo hai tuyến Móng Cái và Lạng Sơn. Người ta cho rằng, khoảng đầu Công nguyên, khi biển còn ở sâu trong đất liền, thì con đường quốc lộ Một gần như là chạy ven biển, con đường 182 chạy qua Luy Lâu cũng không cách xa quốc lộ Một, nhưng chếch về hướng đông nhiều hơn. Các di tích ở Luy Lâu hiện còn có: thành Luy Lâu (nằm giữa làng Thanh Tương và làng Khương Tự) nay chỉ còn lớp tường đất thấp và mặt bằng, mỗi chiều chừng 600 thước, đền thờ Sỹ Nhiếp (nằm trong thành Luy Lâu) – viên thái thú Hán ở Giao Châu (137 – 226) và lăng mộ (nằm ở xã Tam Á), chùa tổ Mãn Xá (Mãn Xá), chùa Dâu (làng Khương Tự), chùa Đậu (làng Đông Cốc cũ, nay đất thuộc làng Đại Tự), chùa Tướng (nội thành Luy Lâu), chùa Dàn (làng Dàn Câu), hệ thống này còn có vài phụ cận là chùa Bình (Luy Lâu), chùa Keo (ở Kim Sơn), chùa Dàn Chợ (chùa Pháp Hồng, Trà Lâm). Bốn chùa Dâu, Đậu, Tướng, Dàn chính là thờ Mây – Mưa – Sấm – Chớp. Còn chùa tổ là thờ bà Man nương sinh ra bốn vị thần thiên nhiên kia.

Trong lịch sử và đời sống của người Việt, người ta ít nhắc đến vấn đề Luy Lâu như là một trung tâm chính trị của kẻ đô hộ, mà nhắc nhiều hơn đến Tứ pháp, một tín ngưỡng bản địa của người Việt. Tất nhiên, đó là chính kiến của người dân bị đô hộ, nhưng người ta cũng không quên Sỹ Nhiếp là người truyền đạo Nho sớm vào Giao Châu, khi ông ta cho lập trường dạy chữ Hán và Nho giáo ở Luy Lâu. Ngoài cánh đồng Tam Á còn không ít các mộ của người Hán cũ, đến nay bị đào gần hết, chỉ còn các ụ đất cao. Các mộ Hán này thường xây cất rất cẩn thận, có từ 5 đến 12 phòng nhỏ dưới đất, trong đó có chứa nhiều đồ tùy táng như đồ gốm Hán Đường, đặc biệt là các mô hình nhà bằng đất nung, vũ khí, đồ trang sức, đặc biệt là gương đồng có khắc minh văn (chữ cổ). Những mộ Hán này cho thấy chủ nhân của chúng là các quý tộc cùng gia đình sống nhiều năm và chết ở Giao Châu. Ở chùa Dâu và lăng Sỹ Nhiếp có lẽ cổ xưa nhất là đôi tượng cừu bằng đá, nhưng lại là con cừu Ấn Độ, có lẽ có niên đại khoảng thế kỷ 3 sau CN.

Tất cả những điều trên cho thấy đây là một vùng văn hóa lâu đời và rất phức tạp, nó có thể cho biết những bước đi của quá trình xâm nhập văn hóa Hán vào Việt Nam, sự hòa nhập giữa tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên bản địa với Phật giáo, và trung tâm Phật giáo Luy Lâu được coi là lâu đời như Phật giáo Bành Thành (đầu Công nguyên), có trước cả trị sở phong kiến. Những nhà sư Trung Hoa trước khi sang Ấn Độ thường qua Luy Lâu học chữ Phạn, ngược lại những nhà sư Ấn Độ trước khi sang Trung Hoa thường qua Luy Lâu học chữ Hán, dấu tích chữ Hán là đương nhiên, còn dấu tích chữ Phạn hiện còn đọng lại trên các bùa chú khắp các ngôi chùa ở Thuận Thành, đặc biệt ở chùa Bút Tháp. Tôi có nhờ giáo sư Benier (Đại học Colorado), một chuyên gia về nghệ thuật Tây Tạng xem thì ông nói những chữ Phạn ở bùa chú Bút Tháp có nguồn gốc từ bắc Ấn Độ cách đây khoảng 2.300 năm. Điều mà các nhà sư tới Luy Lâu tu nghiệp được nhắc đến trong các sách khảo cứu về Phật giáo, tôi không có bằng chứng nào ngoài truyền thuyết, nhưng dấu tích tạo hình Ấn Độ là rất nhiều qua các điêu khắc Phật giáo, và lối tạo hình của nghệ thuật Phật giáo vùng Luy Lâu rất ít ảnh hưởng từ nghệ thuật Phật giáo Trung Hoa.

Theo truyền thuyết Phật mẫu Man Nương vùng Luy Lâu thì Man Nương tương đương với thời của Sỹ Nhiếp, sớm hơn một thế hệ, vì chính Sỹ Nhiếp sau đó cho lập đền thờ bà và Tứ pháp, như vậy tín ngưỡng này ít nhất được thấy đầu thế kỷ 3, và như vậy chắc chắn nó có trước đó, từ một tín ngưỡng nguyên thủy nào đó. Vị sư từ Tây Trúc là Khâu Đà La sang Giao Châu thì cùng thời với Man Nương và là thầy của cô. Theo truyền thuyết, Khâu Đà La từ núi Phật Tích băng xuống Luy Lâu giảng kinh, gặp cha mẹ Man Nương là người sùng Phật pháp, cho con gái theo làm đồ đệ. Một hôm nhà sư đi chơi về thấy Man Nương nằm ngủ ở bậc cửa không tiện đánh thức bèn bước qua người, chẳng hay Man Nương động thai giời có chửa. Đến ngày sinh con, cha mẹ nàng rất giận bèn bế trả nhà sư. Khâu Đà La bí quá bế đứa bé đem vào rừng nhờ cây thần Dung thụ (cây Dâu) giúp, cây bèn mở thân để nhà sư đặt đứa bé vào trong. Từ biệt Man Nương ra đi, nhà sư đưa cho nàng một cây gậy, nếu hạn hán cứ chọc gậy xuống đất là chỗ đó có nước. Mùa lụt nọ kéo đổ cây Dung thụ trôi ra sông Dâu, người ta vớt không được, Man Nương chỉ nhẹ nhàng lấy yếm kéo cây vào bờ là xong. Sỹ Nhiếp và dân làng mừng vui cho cưa cây làm bốn khúc, tạc bốn pho tượng Mây – Mưa – Sấm – Chớp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) cho thờ ở bốn ngôi đền (sau là chùa). Còn cái nhân cây (đứa bé) biến thành hòn đá (đức Thạch quang) bị chìm xuống nước, bà Man Nương hô một câu nó nhảy tọt vào lòng bà, hiện hòn đá được thờ ở chùa Dâu.

Truyền thuyết trên được ghi lại trong ba cuốn sách hiện còn ván khắc tại chùa Dâu, đó là các cuốn Cổ Châu lục, Cổ Châu pháp và Cổ Châu Nghi, viết tắt, được in khắc vào năm 1752. Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục là cuốn sách song ngữ Hán Nôm, còn cuốn Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh là cuốn truyện thơ lục bát Nôm. Hai cuốn này đều nói về sự tích Man Nương, được coi là biên soạn từ thế kỷ 15, đến thế kỷ 18 thì san định lại, bằng chứng là những chỗ nói về Trung Hoa đều gọi là nước Minh. Cuốn thứ ba Cổ Châu nghi nói về các nghi thức tế lễ. Trong cuốn đầu, đặc biệt ghi lối xưng hô của người Việt trước thế kỷ 15, hoàn toàn là Mày và Tao, điều này từng được phản ánh trong các văn bản giảng Kinh của cha cố Thiên chúa giáo Bồ Đào Nha khi vào Quảng Nam thế kỷ 17. Trong Cổ Châu lục có đoạn sư Khâu Đà La nói với Man Nương rằng: Mày ở trong phép của Tao (Cô theo học đạo của Tôi).

Truyền thuyết trên cho thấy mấy vấn đề: Cầu đảo là nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng Tứ pháp, tức là do dân Việt Nam trồng lúa nước, nước đủ không hạn, không lụt là quan trọng, nên hạn thì cầu mưa, lụt thì cầu nắng. Bốn vị thần tự nhiên Mây – Mưa – Sấm – Chớp làm ra mưa nên được sùng bái, theo nhiều ý kiến khác gọi là Mây – Mưa – Sấm – Gió (sấm và chớp coi là một). Ở vùng Luy Lâu, Mây đứng đầu, nên chùa Dâu là chùa chính; ở vùng Văn Lâm (Hải Hưng, tức Hưng Yên ngày nay) Mưa đứng đầu nên chùa Đậu là chùa chính. Truyền thuyết này xuất phát từ vùng Dâu Keo trong đó con sông Dâu đóng vai trò thực tế về thủy lợi đối với nông nghiệp của Kinh Bắc xưa.

Sông Dâu cổ xưa nay chỉ còn dấu tích là một con ngòi nhỏ chạy qua mặt thành Luy Lâu đi về phía Song Liễu, Nguyệt Đức ra chợ Nôm, thuộc đất Hưng Yên. Xưa kia sông Dâu bắt nguồn từ vùng sông Cầu, nối sông Tiêu Tương (vùng Tiên Du, phía bắc Kinh Bắc), qua Hà Nội có nhánh nhập vào sông Hồng, chạy về phía Luy Lâu rồi đi về phía Văn Lâm nối với sông Châu Giang. Con sông này chạy theo hướng bắc nam, lại không có tuyến đê nên thường gây ra lụt lội. Đầu thế kỷ 19, sông Đuống chưa được khơi rộng, chỉ là con ngòi nhỏ, nên sông Dâu vẫn là tuyến giao thông chính ở phía nam phần Kinh Bắc. Sông Dâu được coi là sông cổ xưa của trung tâm Kinh Bắc nối các sông phía bắc vào sông Hồng. Nền nông nghiệp Kinh Bắc vùng Thuận Thành cổ phụ thuộc vào sông này. Huyện Siêu Loại xưa rất rộng bao gồm cả Gia Lâm, Bát Tràng, một phần Văn Lâm. Tín ngưỡng Tứ pháp ra đời ở đây có lý do đó, thực ra nó có khu vực rất rộng, bao gồm vùng Đông Anh, Gia Lâm, Thuận Thành, Văn Lâm, nối qua sông Hồng là Thường Tín, Phú Xuyên. Những vùng này đều thờ tín ngưỡng Tứ pháp, và đặc điểm chung là đều có cụm bốn đền thờ (nay là chùa), như chùa Nành ở Gia Lâm, chùa Thái Lạc ở Văn Lâm, chùa Pháp Vân ở Giáp Bát, chùa Đậu ở Thường Tín… Thực ra đây là trung tâm đồng bằng Bắc bộ cổ xưa bao gồm các lưu vực sông Hồng, sông Đuống, sông Tiêu Tương, sông Cầu, sông Dâu, sông Châu Giang. Việc thờ thần tự nhiên và lễ cầu đảo có lý do để phát triển. Trong nghi lễ này, tục thờ đá thiêng là khởi thủy, như hòn đá chùa Dâu gọi là Đức Thạch quang được đặt trước tượng bà Dâu. Ngày xưa những đền cầu đảo nhỏ ở vùng Hưng Yên, Hải Dương thường có một tượng đá đặt nằm trên một bục có ba cấp, nếu cầu mưa nhỏ đặt lên bậc một, cầu mưa vừa đặt lên bậc hai, cầu mưa to đặt lên trên cùng. Lịch sử đã ghi lại lễ cầu đảo có lẽ là lớn nhất do triều đình tổ chức đời vua Lý Nhân Tông rước tượng Pháp Vân từ chùa Dâu về Kinh đô cầu tạnh.

Việc thờ đá thiêng liên quan đến tục thờ Linga – Yoni trong Ấn Độ giáo, và chúng ta không rõ có phải do nhà sư Khâu Đà La mang đến hay không. Nhưng nhà sư này khi cầu kinh thường đứng một chân, một nghi lễ quan trọng của phép hô phong hoán vũ của các thầy pháp cao tay xưa. Tục thờ Tứ pháp và đá thiêng cũng liên quan đến sùng bái sự sinh tồn trong tín ngưỡng nguyên thủy. Ở trong các chùa, Tứ pháp đứng bên cạnh các tượng Pháp bao giờ cũng có cặp Kim đồng – Ngọc nữ, trước mặt tượng Pháp có đức Thánh tải là con của bà, khi rước tượng Pháp ra ngoài thì đức Thánh tải đi trước. Tượng Pháp luôn được làm theo tạo hình Ấn Độ cổ, thân trên để trần – bán khỏa thân, phần dưới quấn sarong. Phía sau tượng Pháp có tượng Khâu Đà La, gọi là Thủ vệ, khi tượng Pháp rước đi, thì Thủ vệ được đặt thế chỗ. Tất cả các chi tiết này cho thấy sự sinh tồn được đề cao hết sức và hằng năm trong lễ hội chùa Dâu được tổ chức vào ngày Phật đản (xưa) ngày 8 tháng tư âm lịch, thì có trò bốn tượng Pháp được thi chạy cướp nước do 12 làng cùng tham gia tổ chức. Bà nào đến cướp được nước trước thì coi đó là hiện tượng thiên nhiên của năm.

Khi Phật giáo vào Việt Nam việc chọn nơi thờ Tứ Pháp hẳn có lý do, trước tiên Luy Lâu là một trung tâm hành chính và kinh tế, sau đó nhập vào một tín ngưỡng bản địa thì là cách hài hòa tốt nhất giữa một tôn giáo lớn và một tín ngưỡng địa phương. Từ các nữ thần tự nhiên các vị Mây – Mưa – Sấm – Chớp trở thành các Phật Mẫu, và hiện tượng Phật Mẫu là đặc trưng cho Phật giáo dân gian Việt Nam giai đoạn đầu, cho đến khi xuất hiện hình tượng Phật bà Quan âm, thì vai trò của Phật Mẫu mới giảm đi. Năm 580, Pháp sư Tì ni đa lưu chi (Vicitaruci) từ Tây Trúc đến Việt Nam truyền đạo, cũng vào chùa Dâu và lập ra dòng thiền nhập ngoại đầu tiên, gọi là dòng Tỳ ni đa lưu chi.

Ngôi đền thờ Pháp đơn giản nhất có mặt bằng hình vuông, trung tâm đặt tượng Tứ pháp, sau lưng đặt tượng Thủ vệ (Khâu Đà La), trước mặt đặt tượng đức Thánh tải, hai bên đặt tượng Kim đồng – Ngọc nữ. Khi đạo Phật du nhập, điện thờ Tứ pháp được đẩy lên phía trên, điện thờ Phật bố trí trong một ngôi nhà khác phía sau, gọi là kiến trúc Tiền Thánh Hậu Phật. Ở vùng Luy Lâu, chùa tổ thờ Man Nương quay về hướng Nam, nơi đất ở cũ của gia đình bà trong làng Mãn Xá, bốn chùa Mây – Mưa – Sấm – Chớp quay về phía tây nhìn sang chùa tổ, tức là hướng về mẹ. Bốn chùa này đều nằm sát bờ bắc sông Dâu, xưa kia có cầu đi lại tạo ra phong cảnh ngoạn mục nên thơ. Ngày nay tín ngưỡng này cơ bản không còn tồn tại nữa, các tượng Pháp được thờ chung như tượng Phật, thủy lợi trong nông nghiệp biến đổi theo hướng khác, không hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên như trước, vùng Luy Lâu cũng không còn đóng vai trò sản xuất lương thực như cách đây hai ngàn năm. Hiện tượng này chỉ còn tồn tại trong những di tích còn lại và nó ẩn chứa nhiều điều của nền văn minh nông nghiệp Việt Nam trong giao lưu với Phật giáo.

Để rõ thêm tinh thần Tứ pháp, ta đọc lại một đoạn văn bia Sắc chỉ Cổ Châu Diên Ứng tự: …Phàm bia là để ghi chép các sự tích xưa nay để tỏ cho người đọc sau được biết, do bản xã phụng thờ Phật Mẫu Đại Thánh Pháp Vân ra đời rất chi linh dị, từ trước đến nay vua dân cầu đảo đều rất linh ứng. Xem trong thực lục thấy rõ việc này. Ngày lành tháng Tám đầu niên hiệu Gia Long (1802) chuẩn lệnh cho bản tự có một người sưu sai các việc phu dịch, có ba người thì nay được miễn, cứ đến tháng Tư thì vâng mệnh rước sắc cho Đại Thánh Pháp Vân Huyền Thông Diệu Hóa, Niên Nhân Từ Đức Tối Linh Đại Bồ Tát. Phật vốn chính là Thần trước do xã Khương Tự huyện Siêu Loại phụng thờ trải qua các triều đều có sắc phong ban tặng. Nay quốc gia sơn hà thống nhất, lễ có gia phong thêm mỹ tự ba chữ: Thụy Xiển Tường Biên Phú Tối Linh Đại Bồ Tát Phật. Vậy sắc ngày 15 tháng Sáu năm thứ Chín niên hiệu Gia Long (1810), sắc cho Tập Các Ngưng Tường Ất Thị Pháp Vân Phật làm Thượng Đẳng Thần, đã có công phù nước giúp dân rất chi linh ứng, chuẩn ban cho sắc phong phụng thờ như cũ. Năm Minh Mệnh thứ 11, đúng lúc Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ta đại khánh ngũ tuần nên ra sắc chuẩn hứa cho dân xã Thanh Khương huyện Siêu Loại phụng thờ như cũ…

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)