Lý tưởng của người quản gia
The Remains of the Day (tạm dịch Phần còn lại của Ngày), tác phẩm góp phần quan trọng làm nên tên tuổi của Kazuo Ishiguro, xuất phát từ những tư tưởng hiện sinh về sự mất định vị và mất khả năng kết nối của con người với thế giới. Nhưng nhìn nhận sâu hơn chúng, ta thấy tác phẩm đặt ra một vấn đề cốt lõi nguyên bản mà đến nay còn nguyên vẹn tính thời sự: liệu có phi lý khi trong điều kiện cố hữu hạn chế về thông tin, con người lựa chọn cho mình một lý tưởng và tận hiến bản thân vì nó?
Anthony Hopkins và Emma Thompson trong một cảnh phim The Remains of the Day.
Câu chuyện là những hồi tưởng của Steven, một quản gia người Anh phụng sự tại lâu đài Darlington. Số phận của Steven gắn chặt vào người chủ của ông, Ngài Darlington. Qua lăng kính của Steven, chân dung con người ấy hiện lên không chỉ với tầm ảnh hưởng trên chính trường trong nước, quốc tế, mà còn mang tinh thần mã thượng cùng những phẩm tính quý phái của một nhân cách quý tộc châu Âu cổ điển. Đó hầu như là một hình mẫu lý tưởng cao cả để những người như Steven có thể gửi trọn niềm tin và sự tận tụy trung thành.
Nghề quản gia đối với Steven không chỉ là một sự nghiệp, đó là một thứ Đạo, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nhằm đạt tới hoàn mĩ trong mọi khía cạnh mà công việc đòi hỏi. Steven luôn tôn sùng cái được gọi là nhân phẩm giá của người quản gia, điều giúp ông vượt qua những tình huống thử thách nhất, nhưng đồng thời cũng khiến ông phải chấp nhận mất đi những điều riêng tư thông thường của đời sống cá nhân mà mọi người khác đều có. Là một quản gia theo chủ nghĩa truyền thống hoàn hảo, Steven không có cuộc sống hôn nhân. Vì vậy, ông tự chủ động kiểm soát những xúc cảm của bản thân và ngăn chặn mọi khả năng phát sinh mối tình của mình với cô Kenton, người cộng sự tại lâu đài Darlington, và khiến cô gái đau khổ ra đi.
Tuy nhiên, đỉnh cao của sự khắc kỷ và hy sinh vì bổn phận nghề nghiệp là khi Steven phụ trách một bữa tiệc của Ngài Darlington với các chính khách hàng đầu châu Âu – một sự kiện có thể dẫn tới những ảnh hưởng to lớn ở tầm thượng đỉnh và mỗi chi tiết đều có khả năng tác động tới chính sách ngoại giao các quốc gia và làm thay đổi lịch sử. Steven đã có mặt trọn vẹn tại bữa tiệc để đảm bảo nó diễn ra một cách tuyệt đối hoàn hảo, bất chấp áp lực tinh thần ghê gớm bởi đồng thời lúc đó, ở một nơi khác cũng trong lâu đài Darlington, người cha của ông đang lâm bệnh nặng và bước vào hồi sinh tử.
Cha của Steven đã qua đời mà ông không ở bên cạnh. Đó là điều luôn dằn vặt Steven mỗi khi hồi tưởng về bữa tiệc năm ấy, nhưng đồng thời ông cũng nhớ về nó xen lẫn cả niềm tự hào, bởi đã hi sinh tất cả những gì có thể để cống hiến cho một điều gì đó to lớn, vượt lên trên bản thân mình. Ông không bao giờ tự đặt câu hỏi liệu sự hi sinh ấy có xứng đáng không, và điều to lớn đạt được ấy liệu có thực sự tốt đẹp. Đơn giản bởi ông tin vào Ngài Darlington, và mặc định rằng những điều ông chủ làm vượt trên tầm hiểu biết của mình.
Phải rất lâu sau, khi đã 72 tuổi, trong một chuyến đi ra ngoài, Steven mới tiếp xúc đủ nhiều với thông tin bên ngoài để nhận ra rằng Ngài Darlington đã phạm sai lầm, một người vì thông cảm với những tang thương của nước Đức hậu Thế chiến thứ I nên đã tham gia vận động sự ủng hộ cho Đức Quốc xã một cách ngây thơ; đồng thời bữa tiệc diễn ra năm xưa tại lâu đài Darlington cũng chính là một trong những sự kiện góp phần vào thái độ thỏa hiệp của nước Anh với Đức Quốc xã, dẫn tới những hệ lụy khôn lường trước thềm Thế Chiến thứ II. Câu chuyện kết thúc với sự đau khổ của Steven sau khi gặp lại cô Kenton. Cô gái năm xưa nay đã thành bà ngoại. Đó là lần duy nhất cô bày tỏ tình yêu dành cho Steven, trước khi họ chia tay, có lẽ là lần cuối cùng.
Dưới góc nhìn của các nhà hiện sinh, cơn hụt hẫng của Steven có thể coi là khoảnh khắc đối diện với cái phi lý. Điều ấy làm trái tim ông tan vỡ nhưng cũng có thể mở ra cánh cửa bước đến tự do, vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa cùng những định kiến mà ông tự đặt ra cho mình trước đây, để sống thật hơn với con người tự nhiên của mình.
Tuy nhiên, rõ ràng quan điểm hiện sinh không giúp giải quyết được thế bế tắc mà Steven vốn đã vô tình lâm vào ngay từ đầu. Đó là trong điều kiện thông tin không đầy đủ, con người buộc phải đưa ra lựa chọn: hoặc là theo một lý tưởng nào đó, hoặc là không. Khi chọn một lý tưởng nghĩa là ta phải tin và sống đúng theo nó, mặc định rằng chỉ cần làm hết bổn phận cá nhân trong giới hạn thông tin cho phép cũng như phạm vi ảnh hưởng của mình, thì con đường ấy sẽ dẫn tới điều tốt đẹp. Ngược lại, nếu không làm như vậy, ta buộc phải lựa chọn sống như một người không có bất kỳ lý tưởng nào, một trạng thái mơ hồ đi ngược với bản năng con người luôn đi tìm một vị thế của mình trong thế giới – lựa chọn một vị thế nào đó bao giờ cũng gắn với xác định một quan điểm nhân sinh, một lý tưởng nhất định. Cũng có khi ta dứt bỏ một lý tưởng đã chọn, nhưng điều đó về bản chất cũng chỉ là tình thế buộc ta phải bước vào lần lựa chọn tiếp theo.
Lựa chọn về lý tưởng không chỉ xảy ra với Steven, nó là điều phổ quát mà mọi cá nhân phải đối diện. Lịch sử cho thấy, ở góc độ nào đó phần lớn chúng ta nhiều khi phải cống hiến vì sự nghiệp của người khác, lý tưởng của người khác, hoà trong số đông ở các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn, các nhóm cộng đồng… và buộc phải mặc định rằng mình đang làm điều đúng đắn. Steven hẳn đã chọn sai đường và tỉnh ngộ muộn màng, nhưng điều ấy không chỉ xảy đến với ông.