Mạng xã hội kéo dài khoảng cách từ tiếc thương đến đau đớn

Bài viết dưới đây của của nhà văn tự do Claire Wilmot, Mỹ cho thấy rằng, không có điều luật nào có thể ngăn việc mạng xã hội vi phạm những khu vực riêng tư nhất của con người nếu như chúng ta không biết thấu cảm với nỗi đau của người khác.

Em gái tôi Lauren qua đời trong một buổi sáng se lạnh và tĩnh lặng, dưới ánh bình minh yếu ớt của đồng cỏ tháng Ba. Sự đau đớn với cái chết em tôi, khiến cả những hoạt động đơn giản nhất của tôi cũng trở nên nặng nề khó tả – cái chết đã khoan một hố lớn trong lòng tôi – khiến từng cử chỉ của tôi chỉ chực đẩy tôi rơi vào lòng hố.

Trong khi đó, ở đầu kia thành phố, các bạn học cũ của Lauren nhận được tin về cái chết của em. Tôi không rõ họ biết bằng cách nào vì em không còn liên lạc với các bạn đã ba năm từ ngày tốt nghiệp. Nhưng tin xấu lan truyền nhanh một cách kinh ngạc. Một bạn học đã tìm ra bức ảnh có lẽ là duy nhất mà hai đứa chụp chung để đăng lên dòng thời gian của con bé. Dưới ảnh là dòng chữ “RIP” và mấy lời gì đó về thiên thần trở về cõi vĩnh hằng.

Dù gia đình chúng tôi còn chưa thể gọi báo tin ra ngoài, bài đăng Facebook này là cách mà nhiều bạn thân của Lauren biết được về cái chết của em. Theo sau bài đăng đầu tiên là dòng thác lũ các status và ảnh, mà nhiều người trong số đó Lauren chẳng quen biết mấy. Cộng đồng mạng hình như cảm thấy phải dự phần vào đám tang của em dù những lời chia buồn lại hiểu rất sai về con người em hay những gì em đã phải trải qua. Lauren là một người sống quá khép kín để chia sẻ với ai về căn bệnh em mắc phải – một dạng hiếm của ung thư não. Em hẳn cũng không thích những sự ủy mị mà mạng xã hội vây quanh em.

Nhờ mạng xã hội, chưa bao giờ giao tiếp xã hội trở nên nhanh và dễ dàng hơn thế. Nhưng mặt khác, những mạng xã hội như Facebook hay Twitter lại không có thiết kế hợp lý cho những loại giao tiếp xã hội bất thường như việc chia sẻ nỗi đau và mất mát. Mạng xã hội đòi hỏi những kết luận ngắn gọn và giảm nhẹ những bi kịch để nó trở nên dễ hiểu với cả những người ít quan tâm nhất đến dòng sự kiện.. Đại đa số những bài viết Facebook về Lauren là những lời an ủi sống sượng và thiếu liên hệ đến thực tại đến phản cảm. Những lời ý nói rằng Lauren “không còn chịu đau khổ nữa”, hay “mọi điều xảy ra đều có nguyên nhân” là những mệnh đề mang tính cứu rỗi – làm yên lòng những người đứng trước nỗi mất mát này mà không cảm thấy đau đớn.

Susan Sontag trong cuốn sách xuất bản năm 2003 mang tên “Bàn về nỗi đau của Người Khác” đã tả cách người dân thường phản ứng với hi sinh trong chiến tranh, “Chúng tôi thực sự không thể tưởng tượng được điều đó”. Chỉ có những người trong cuộc, những người trải nghiệm những tuần cuối cùng trước khi ra đi của người thân yêu mới thấm thía nỗi cô đơn tột cùng trong thời điểm đó. Nhà văn Aleksandar Hemon nhớ tới những ngày chăm sóc con gái trong cơn bạo bệnh từng so sánh cảm giác cô đơn của mình như sống trong một bể cá. Những người ở bên ngoài có thể nhìn vào nhưng cảm thấy xa lạ với người đang ở trong bức tường kính.

Bất kỳ ai từng trải qua nỗi đau mất người thân  hiểu rằng hầu hết mọi người đều rất ngại đề cập đến cái chết khi tiếp xúc với người đang đau khổ nên sẽ thường chọn biểu đạt qua kênh mạng xã hội. Trước sự kiện David Bowie qua đời, cây viết Megan Garber của tờ The Atlantic bình luận rằng mạng xã hội đã tạo điều kiện để con người biểu đạt sự hương tiếc và hỗ trợ cho người thân của nhạc sĩ và đây là sự trở lại đáng mừng của thái độ nương tựa cộng đồng từng tồn tại. Ngày càng nhiều nhà nghiên cứu đồng ý với ý kiến này: nhà tâm lý học truỳen thông Jocelyn DeGroot cho rằng mạng xã hội giúp con người nhận thức được cái chết, trong khi duy trì liên hệ với người đã khuất. Tuy nhiên, tôi cho rằng có sự phân biệt giữa sự tiếc thương, một hành vi hướng ngoại và sự đau đớn, một trải nghiệm cảm xúc hướng nội. Mạng xã hội mở ra không gian thể hiện sự tiếc thương cho cộng đồng, nhưng nó chưa hình thành nên những quy tắc xã hội làm vơi đi nỗi buồn (hay không làm trầm trọng thêm tình trạng hiện tại) cho những người đang chịu đựng sự mất mát.

Tất nhiên, có nhiều người ủng hộ nói rằng mạng xã hội là phương tiện hiệu quả đề con người vượt qua nỗi buồn – nhưng điều này hoàn toàn sai nhìn từ trải nghiệm của tôi.

Thực tế là, tôi chẳng giành được điều gì từ cái chết của em tôi hay em tôi cũng chẳng được gì sau suốt bốn năm chịu đựng việc chữa trị. Chúng tôi chỉ có mất mát. Em mất đi cuộc sống, tôi thì mất em – người tôi yêu hơn hết trên đời. Em không “ra đi thanh thản” như ai đó viết. Em chết vì ngạt dịch màng phổi gây ra bởi khối u trong não em. Em chết trong vật vã dưới vòng tay tôi khi tôi tuyệt vọng cố giúp em thở lại. Bất chấp sự can trường của em, cuộc chiến với bệnh tật của em không phải thành tựu với em. Tôi cũng không mạnh mẽ hơn khi ở bên em; tôi trở nên yếu đuối và đời tôi trống rỗng vì thiếu em.

Trước sự phức tạp trong nỗi đau của người khác, cách dễ nhất là nói ra những lời thương tiếc.  Nhưng đó không phải là cách ứng xử duy nhất. Khi tôi yêu cầu một số người xóa bỏ một số bài đăng phản cảm nhất, tôi phải đối diện với sự thù địch thay cho cảm thông. Một người trả lời tôi: “Ý tôi chỉ muốn tôn vinh Lauren” – cứ như thể với họ, chỉ cần có ý tốt là đủ. Trong giây phút hoài nghi nhất, tôi tự hỏi liệu những bài tiếc thương đăng trên facebook kia cũng chỉ là cách để người ta thể hiện cái tôi cá nhân như hầu hết những thứ khác người ta thấy vẫn đăng mạng xã hội.

Để khẳng định lại, tôi không có ý chỉ dẫn cách ứng xử phù hợp với bất kỳ ai. Nhưng tôi cho rằng cộng đồng mạng thay vì bảo vệ cho cách tưởng niệm tập thể mới này, nên có những thảo luận có tính phê phán hơn về việc tạo không gian riêng tư cho nỗi buồn cá nhân và biết thấu cảm với những người đang đau buồn vì mất mát. Đề xuất của tôi thật đơn giản: Xin đợi đã. Nếu người qua đời không phải người thân thiết với bạn, bạn không có trách nhiệm phải công khai về cái chết của họ. Hãy nhìn vào cảm xúc của người thân nhất với người đã khuất mà xem xét cảm xúc của bạn cho phù hợp. Hãy lắng nghe. Hãy nhắn tin chia sẻ, tốt hơn là nhấc máy và gọi điện thay cho việc tin rằng gia quyến người đã khuất sẽ quen với những dòng chia buồn trên Twitter hay Facebook.

Nếu bạn không cảm thấy thoải mái phải bày tỏ lời cảm thông với bạn và gia đình người qua đời, bạn cũng đâu cần phải nói lời nào. Bản thân nhận thức rằng bạn có thể không hiểu biết về mất mát đã là một hành động thấu cảm mạnh mẽ. Thấu cảm mạnh mẽ nhất – và đáng noi theo nhất – đến từ việc biết đặt mình trong hoàn cảnh của người khác, và cũng rất quan trọng là, tự biết giới hạn của bản thân mình.

Nguyễn Tuấn Quang lược dịch

Nguồn: https://www.theatlantic.com/entertainment/archive/2016/06/internet-grief/485864/

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)