Manga thể thao: Ý nghĩa và tầm ảnh hưởng
Manga thể thao nói riêng hay truyện tranh thể thao nói chung, cũng giống như bản chất của thể thao, dù kể đi kể lại những câu chuyện quen, vẫn là theo đuổi niềm đam mê, rèn luyện khổ ải để giỏi lên, để chạm tới chiến thắng… nhưng độc giả vẫn luôn thấy lay động, thấy phấn khích, thấy được truyền cảm hứng, động lực. Đó sẽ luôn luôn là câu chuyện về việc không đầu hàng trước mọi hoàn cảnh, luôn cố gắng, và cố gắng hơn nữa.
Lời tác giả: Trước khi nghỉ hưu, bố tôi từng là một huấn luyện viên bóng đá. Trước đó nữa, ông là một cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp. Tuy vậy, sự nghiệp vận động viên của ông chỉ có một vài điểm sáng nhỏ. Đôi ba lần ông được lên báo. Ông cắt chúng ra rồi dán gọn trong một cuốn album.
Phần lớn tuổi thơ của tôi không được ở cùng bố. Ông đi thi đấu, tập huấn liên miên. Cả năm ròng có lẽ chỉ ở nhà được dăm bữa. Lối sống của một vận động viên vẫn theo bố tôi suốt những năm tháng về sau, ngay cả khi ông đã nghỉ hưu. Ông vẫn chơi thể thao đều đặn, xem không sót một bản tin thể thao nào. Ông thường mặc bộ đồ thể thao, đi giày sneakers thay vì giày da. Thể thao chi phối, ảnh hưởng nhiều lên cuộc đời của ông, cũng như nghệ thuật, văn chương ảnh hưởng lên cuộc đời của tôi. Khi đọc, xem các tác phẩm về vận động viên hay thể thao nói chung, tôi luôn cảm thấy mình có một sợi dây kết nối. Tôi thấy bóng dáng của bố mình.
Đọc truyện tranh thể thao đối với tôi giống như một cách tìm hiểu về công việc, đam mê cuộc đời của bố mình bằng thứ ngôn ngữ tôi dễ hiểu nhất. Đây cũng là một thể loại có những đặc thù riêng và tầm ảnh hưởng nhất định tới đời sống.
Cảnh báo: bài viết có tiết lộ nội dung các tác phẩm.
Các góc quay trong manga thể thao phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật vẽ cao.
Manga hay truyện tranh Nhật, được chia thành năm nhóm chính theo đối tượng đọc và lứa tuổi:
Shounen: truyện tranh cho thiếu niên (đã xuất bản ở Việt Nam: Bảy viên ngọc rồng, Thám tử lừng danh Conan, One Piece, Naruto…)
Shoujo: truyện tranh cho thiếu nữ (đã xuất bản ở Việt Nam: Thủy thủ mặt trăng, Hajime là số 1, Nhóc Maruko, Nữ hoàng Ai Cập…)
Seinen: truyện tranh cho nam giới trên 18 tuổi (đã xuất bản ở Việt Nam: Lãng khách – Vagabond, Monster, Ajin Á Nhân, Kí sinh thú Kiseijuu, Liar game, Sư tử tháng 3…)
Josei: truyện tranh cho nữ giới trên 18 tuổi (đã xuất bản ở Việt Nam: Dáng hình thanh âm, Honey and Clover, 7 seeds – 7 mầm sống…)
Kodomomuke: truyện tranh cho thiếu nhi (đã xuất bản ở Việt Nam: Doraemon…)
Manga thể thao – như tên gọi, kể những câu chuyện xoay quanh các môn thể thao và việc chơi thể thao, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Mỗi bộ manga thể thao sẽ tập trung vào một bộ môn cụ thể. Hầu hết các môn thể thao đều đã có ít nhất một bộ truyện, từ những bộ môn phổ biến rộng rãi như bóng đá, bóng rổ, bóng chày, điền kinh, bơi lội… cho tới những bộ môn truyền thống như Kyudo (bắn cung), Kendo (kiếm đạo), Shogi (cờ tướng kiểu Nhật), Judo…
Tùy theo đơn vị xuất bản thuộc phân nhóm nào mà tác phẩm cũng có những đặc điểm phân hóa giới tính khá rõ ràng, về cả hình thức thể hiện lẫn nội dung. Ví dụ bộ truyện thể thao bán chạy nhất ở thị trường Việt Nam từ trước tới nay – Kattobi Itto (tác giả Motoki Monma) về bóng đá hay với cái tên quen thuộc là Đường dẫn tới khung thành được xếp vào nhóm truyện shounen. Truyện này có tạo hình khá nam tính, cơ bắp được vẽ sát thực, chi tiết. Nội dung hài hước, câu chuyện đơn giản, dễ hiểu. Còn truyện thể thao shoujo, như High Speed! về bơi lội có tạo hình mượt mà, ít gồ ghề hơn, tập trung vào vẻ xinh đẹp. Cốt truyện cũng đề cập nhiều tới khía cạnh tâm lý tình cảm hơn.
Phần lớn nhân vật trung tâm của các bộ truyện thể thao là nam giới. Nhân vật nữ phụ thường đóng vai trò quản lý CLB, hoặc là động lực cho nam chính. Hiếm hoi có truyện nhân vật chính là nữ với bộ môn nhiều tính thẩm mỹ như thể dục nghệ thuật. Trong những tác phẩm shoujo thể thao thì nhân vật trung tâm lại càng hay là nam giới hơn. Tuy vậy, những tác phẩm, dù là shounen hay shoujo thì vẫn thu hút được đông đảo người đọc bất kể giới tính hay lứa tuổi, đồng thời vượt qua cả biên giới nước Nhật.
Thể loại manga thể thao dần khẳng định được vị thế là một thể loại độc lập kể từ những năm 1960, nhờ sự kiện thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 1964 khiến thể thao được chú ý nhiều hơn ở xứ sở mặt trời mọc. Theo một khảo sát toàn quốc ở Nhật vào năm 2016, trên 1600 người trong độ tuổi từ 10 tới 70, manga thể thao là thể loại được yêu thích nhiều thứ hai, sau manga tâm lý tình cảm. Số liệu năm 2010 chỉ ra manga thể thao đã chiếm tới 33.3% các tác phẩm được in trên tạp chí truyện tranh lớn như Weekly Shounen Magazine. Trong danh sách 10 bộ manga bán chạy nhất mọi thời đại, tác phẩm Slam Dunk (tác giả Takehiko Inoue) về bóng rổ đứng thứ bảy với 157 triệu bản.
Năm 2017, đài NHK đã phát sóng một loạt phim tài liệu mang tên “僕らは漫画で強くなった” (tạm dịch: Chúng ta trở nên mạnh mẽ nhờ manga*), kể về những vận động viên vượt qua gian khổ, đạt được thành tựu nhờ được truyền cảm hứng từ manga thể thao. Hẳn các khán giả vẫn còn nhớ Sena Ire, nữ vận động viên đầu tiên đem về cho Nhật Bản huy chương vàng môn boxing trong kỳ Olympic Tokyo 2021, đã đến với bộ môn thể thao này nhờ vào việc say mê đọc bộ truyện Ganbare Genky. Hay các tuyển thủ đội bóng quốc gia Nhật Bản tại FIFA World Cup 2002 đã từng chia sẻ rằng bộ truyện Captain Tsubasa (tác giả Yoichi Takahashi) có ảnh hưởng rất lớn tới họ. Bộ truyện này đã được xuất bản ở Việt Nam với tên Tsubasa Giấc mơ sân cỏ hay tên cũ là Subasa.
Còn ở mức độ người bình thường, chắc hẳn không ít bạn độc giả đã trở nên yêu thích hoặc bắt đầu tập chơi một bộ môn nào đó vì đọc manga. Truyện tranh thể thao, không còn nghi ngờ gì, đã làm rất tốt việc giới thiệu, phổ biến các bộ môn thể thao cũng như thúc đẩy sự phát triển của việc xem và chơi thể thao nói chung.
Hình thức thể hiện
Manga thể thao so với các thể loại manga khác, chú trọng vào hình ảnh, đặc biệt là diễn tả chuyển động và tốc độ. Ví dụ như những hiệu ứng âm thanh (rõ hơn ở bản gốc tiếng Nhật. Các từ hiệu ứng âm thanh này, còn được gọi là Onomatopoeia, trong manga hay được vẽ tay để phù hợp với từng tình huống lẫn bố cục khung tranh. Trong các bản dàn trang tiếng Việt thường chỉ dùng font có sẵn), hình có độ rung, mờ, những nét gạch xước thể hiện tốc độ, bố cục có góc quay mạnh mẽ, phong phú, giàu tính điện ảnh.
Slam Dunk là bộ truyện tranh thể thao tiêu biểu và nổi tiếng bậc nhất ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.
Các họa sĩ vẽ manga thể thao thường vẽ tương đối chính xác giải phẫu, chắc tay, đúng phối cảnh. Phong cách tả thật hoặc gần tả thật rất phổ biến trong thể loại này. Việc này đóng góp rất lớn trong việc thể hiện chuyển động thuyết phục, vóc dáng, động tác đẹp, đặc trưng của từng môn thể thao. Tùy vào từng môn thể thao và truyện thuộc nhóm nào (shounen hay shoujo) mà phong cách tạo hình, bút pháp có thể khác nhau. Ví dụ với những môn nhiều hoạt động mạnh và liên tục như bóng đá, võ thuật, bóng rổ… có thể vẽ tả rõ cơ bắp, nhân vật nhìn rắn rỏi, cường tráng. Còn những môn tĩnh hơn như bắn cung, cờ… có thể chọn tạo hình nét mảnh dẻ, mềm mại, không nổi khối…
Khác với phim ảnh, truyện tranh là tập hợp chuỗi các khung hình tĩnh, khoảnh khắc ngưng đọng thời gian, đòi hỏi các họa sĩ phải vẽ được các nhân vật luôn trong trạng thái đang chuyển động. Và chuỗi dáng đang chuyển động này phải hợp lý, rõ ràng, người đọc mới dễ theo dõi chuyện gì đang xảy ra. Bên cạnh đó, các góc quay trong manga thể thao (như nhìn chuyển động từ trên xuống, từ dưới lên, góc rộng nhưng lại có độ hút…) cũng phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật vẽ cao.
Phương pháp kể chuyện “Decompression” (giải nén) được sử dụng khá phổ biến trong truyện tranh thể thao, nhằm tăng độ kịch tính, hồi hộp. Những khung truyện cận cảnh, đặc tả nhân vật hoặc hành động xen kẽ mượt mà với những trang đôi, trải rộng toàn cảnh tạo nên nhịp độ chuyển động cho câu chuyện.
Về màu sắc, manga thể thao thường dùng tông màu nổi bật, nhiều năng lượng, nhất là các nhân vật chính hay đi liền với màu rực rỡ như đỏ, cam.
Cách kể chuyện và thông điệp
Trong cuốn sách Manga! Manga! The world of Japanese Comics (Manga! Manga! Thế giới truyện tranh Nhật Bản), tác giả Frederik L.Schodt cho rằng điểm khác biệt giữa manga thể thao Nhật Bản với truyện tranh phương Tây là ở câu chuyện tập trung đề cao bushido – mượn thể thao làm phương tiện thể hiện tinh thần con người. Thông điệp phổ biến trong manga thể thao thường bao gồm lòng quyết tâm, khát khao chiến thắng, vượt qua trở ngại, vượt lên chính mình, ngợi ca tình bạn, tình đồng đội, và đặc biệt là supokon-kei – sức mạnh tinh thần trong thể thao.
Công thức phổ biến là câu chuyện hành trình vượt khó, vươn tới thành công một nhân vật chính. Qua các tình huống mâu thuẫn, các sự kiện, biến cố, nhân vật chính dần trưởng thành và thông qua đó truyền đạt thông điệp của tác phẩm.
Bộ truyện thể thao nổi tiếng bậc nhất của Nhật, cũng được lòng đông đảo độc giả Việt Nam, chính là Slam Dunk (tác giả Takehiko Inoue). Tác phẩm được xuất bản lần đầu trên tạp chí Weekly Shounen Jump vào tháng 10/1990, kéo dài tới tháng 6/1996 với tổng cộng 31 tập. Bộ truyện này đã giành giải Shogakukan Manga Award – một giải thưởng uy tín tại Nhật- vào năm 1994. Trải qua hơn 30 năm, tác phẩm này vẫn được nhiều thế hệ người đọc yêu mến, ngay tại quê nhà Nhật Bản hay trên toàn thế giới. Bộ truyện liên tục được tái bản, dưới nhiều định dạng mới, và vẫn bán rất chạy. Gần đây, NXB Kim Đồng đang tái bản Slam Dunk, với số lượng in lần một cho mỗi tập lên tới 8000 bản. Truyện cũng được in nối bản liên tục, minh chứng cho sức hút không hề suy giảm qua năm tháng của tác phẩm này tại thị trường Việt Nam.
Slam Dunk có thể coi là đại diện tiêu biểu cho shounen manga thể thao cổ điển với một câu chuyện nam tính kinh điển. Để dễ hình dung thì nó giống như thể bạn với một nhóm bạn thân, tụ tập vào một ngày cuối tuần, uống bia và cùng nhau xem một trận đấu hấp dẫn, kịch tính, đầy cảm xúc, cùng nhau hò hét, cổ vũ vui vẻ. Nhờ điểm này mà Slam Dunk dễ đọc, dễ thấm với đủ đối tượng độc giả, mang tới cảm giác sảng khoái hệt như vừa được nhễ nhại mồ hôi sau một buổi tập. Cũng giống như tính chất thuần túy cơ bản nhất của thể thao, không thay đổi qua hàng trăm năm, là được vận động, được dốc sức và cảm thấy phấn khích.
Các nhân vật của Slam Dunk có đầy đủ các mô típ quen thuộc, đặc trưng nhất trong manga thể thao. Như nhân vật chính sôi nổi, nồng nhiệt, có tiềm năng lớn. Nhân vật thứ chính – đối trọng của nhân vật chính, thường có mối quan hệ đối thủ lẫn đồng đội, có tài năng thiên bẩm, lạnh lùng, ít nói, hay được các bạn nữ hâm mộ. Slam Dunk có cách kể chuyện ngắn gọn, mạch lạc và trực diện. Các tình huống diễn ra với tiết tấu nhanh, cũng thể hiện nhịp độ căng thẳng của các trận đấu bóng rổ thực tế. Xen kẽ giữa các trận đấu là những kiến thức chuyên môn được đưa vào ít một, gắn với từng tình tiết cụ thể hoặc nhân vật, giúp cả những độc giả vốn chưa biết gì về bóng rổ cũng có thể theo dõi được. Ví dụ ngay vào những tập đầu tiên, tác giả đã giới thiệu khái niệm “slam dunk” – cũng chính là tựa truyện – tuyệt chiêu “úp rổ” ghi điểm ngoạn mục. Đây là đặc điểm đánh dấu những bước đầu tiên của nhân vật chính Hanamichi, khi cậu ta chưa hiểu gì mấy về bóng rổ và chỉ chăm chăm muốn “slam dunk” mọi lúc mọi nơi. Nhân vật được nâng cấp khả năng qua từng thử thách.
Bên cạnh sự hài hước, vui vẻ ngoài sân đấu cùng sự kịch tính, hấp dẫn trên sân đấu, Slam Dunk cũng không thiếu những khoảnh khắc trầm lắng, gia vị thực tế đầy sức nặng. Toàn bộ câu chuyện gói gọn trong giải đấu thể thao học sinh, và đến kết thúc, đội bóng của nhân vật chính cũng không trở thành nhà vô địch, bất kể họ đã nỗ lực tới cùng ra sao. Không phải đam mê nào cũng dẫn tới chiến thắng. Hay việc Hanamichi có câu cửa miệng “Ta là thiên tài” – cái này vừa đúng lại vừa sai. Cậu ta có năng khiếu, có nhiều tiềm năng. Nhưng tiềm năng có thành tài, có nở hoa rực rỡ hay không lại là chuyện bền bỉ. Bài học, thông điệp cuối cùng của tác phẩm vừa có chút cay đắng, tiếc nuối, lại cũng ấn tượng, đáng nhớ, khép lại một thời đi học.
Hành trình theo đuổi đam mê bóng chuyền của cậu bé Hinata trong bộ truyện tranh Haikyu!! đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Một bộ manga thể thao rất thành công khác cũng đã được xuất bản tại Việt Nam là Haikyu!! (tác giả Haruichi Furudate) – tựa Việt: Haikyu chàng khổng lồ tí hon, có thể coi là đại diện cho manga thể thao thế hệ mới. Tác phẩm được xuất bản lần đầu trên tạp chí Weekly Shounen Jump vào tháng 2/2012, kết thúc vào tháng 7/2020 với tổng cộng 45 tập. Bộ truyện đã giành giải Shogakukan Manga Award cho tác phẩm shounen xuất sắc nhất vào năm 2017. Tính cho tới tháng 11/2020, Haikyu!! đã bán được trên 50 triệu bản.
Cách triển khai nội dung và xây dựng nhân vật của Haikyu!! có tính kế thừa và phát triển từ những tác phẩm kinh điển như Slam Dunk. Haikyu!! đào sâu vào chuyên môn lẫn sự phát triển tâm lý của các nhân vật. Haikyu!! kể về đội bóng chuyền trường cấp 3 Karasuno, với nhân vật chính là Shoyo Hinata. Bất chấp việc chỉ cao hơn mét sáu, Hinata vẫn say mê và ấp ủ ước mơ được chơi bóng chuyền.
Khác với Slam Dunk, Haikyu!! có rất ít, gần như không đáng kể, những tình tiết thể hiện nam tính kiểu cổ điển. Tác phẩm này có các nhân vật vừa giống mô típ thường thấy lại vừa được đan cài nhiều cú bẻ lái mới mẻ. Ví dụ nhân vật thứ chính, Tobio Kageyama xuất hiện với hình ảnh ngầu, lạnh lùng, năng khiếu xuất chúng. Nhưng đồng thời Kageyama bộc lộ rất nhiều điểm mong manh, dễ tổn thương. Đối lập với sự tự tin, chơi bóng tốt, Kageyama luôn canh cánh nỗi ám ảnh bị đồng đội quay lưng, không ai thèm nhận đường chuyền của cậu. Chàng trai cao lớn, mặt mũi hằm hè khó ưa nhưng lại lo ngại lũ thú cưng không thích mình. Hoặc nhân vật Hinata, cũng tính tình sôi nổi, tràn đầy quyết tâm. Cậu trong sáng, ngây thơ nhưng không ngây ngô. Có những tình tiết thể hiện sự trưởng thành hơn tuổi của Hinata như khi cậu không được gọi đi tập huấn (mà mặt dày tự mò đến). Vị huấn luyện viên coi thường Hinata ra mặt và chỉ cho cậu chân nhặt bóng. Nhưng cậu không tự ái, không nhụt chí, mà trái lại rất hăm hở, tận dụng mọi cơ hội để học hỏi.
Tuy mạch truyện huyết mạch của Haikyu!! xoay quanh mối quan hệ vừa ganh đua vừa bổ sung thúc đẩy lẫn nhau giữa Hinata và Kageyama, nhưng câu chuyện phân bổ đồng đều thời lượng cho các nhân vật phụ khác, các thành viên của đội bóng Karasuno lẫn các đội đối thủ. Phần lớn truyện là diễn biến các trận đấu và phần còn lại về con đường dẫn các nhân vật tới sân đấu. Với mỗi trận đấu người đọc đều được kể những câu chuyện nền về từng nhân vật, không chỉ nhân vật chính, động lực nào khiến họ tới với bóng chuyền, họ nghĩ gì về việc chơi thể thao, nghĩ gì khi chiến thắng và khi thất bại… cũng như cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật trong từng tình huống trận đấu. Nhờ cách triển khai này mà Haikyu!! thể hiện được rất nhiều góc nhìn đa dạng về thể thao cũng như sự trưởng thành của từng nhân vật.
Ta có góc nhìn của những người có đam mê cháy bỏng, biến thể thao thành sự nghiệp cả đời như Kageyama và Hinata. Kageyama từ nhỏ đã chỉ biết ăn ngủ cùng bóng chuyền. Lễ tết bạn bè rủ đi chơi cậu không đi mà ở nhà tập luyện. Hay sau mỗi trận đấu cậu đều tỉ mỉ ghi chép lại cái hay cái dở vào một cuốn sổ tay. Năng khiếu là một phần, để đạt tới đỉnh cao phải là những người dám sẵn sàng hy sinh, dốc tâm dốc sức tới mức như vậy. Hay câu chuyện của Hinata là minh chứng cho việc bóng chuyền không chỉ là chiều cao. Bóng chuyền là môn của việc nhảy, nhảy để chuyền bóng, để đập bóng, để chặn bóng…
Ta cũng có góc nhìn của những người có sẵn ưu thế, năng lực nhưng phải tìm kiếm cú hích thúc đẩy của say mê như Tsukishima hay Kenma. Và phần làm tôi cảm động nhất, góc nhìn của những người bình thường, chơi được nhưng không xuất chúng, những người không trở thành các vận động viên chuyên nghiệp. Truyện có đoạn về nhân vật Tanaka, người tự nhận là một “người tầm trung”. Khi phải đối mặt với một đối thủ mạnh, cậu ý thức được rằng mình không giỏi như Hinata hay Kageyama. Cậu băn khoăn trình độ như mình thì có thể đóng góp được gì? Sau cùng cậu nhận ra, cậu chỉ có thể cố gắng hết sức, và tận hưởng từng giây phút được chơi, từng điểm dù ít ỏi ghi được.
Sena Irie (bìa phải), nữ vận động viên đầu tiên của Nhật Bản giành Huy chương Vàng môn boxing đã mơ ước trở thành võ sĩ từ nhỏ sau khi đọc bộ truyện tranh Ganbare Genki.
Phân đoạn kể trên đặc biệt khiến tôi nhớ tới bố mình. Có thể ông không phải danh thủ mà cả nước nhớ tên, nhưng hẳn ông đã có phút giây hết mình, đáng nhớ, không tiếc nuối mà ông trân trọng lưu giữ trong vài mẩu báo. Tôi có một sự kính nể mới với bố mình, người đã có thể sống (được) cùng với đam mê (còn nuôi cả gia đình), không chỉ đong đếm bằng thành tích, huy chương. Trận đấu sau cùng của đội Karasuno kết thúc trong thất bại. Nhưng đó có thể là một bài học còn giá trị hơn, sâu sắc hơn đối với các nhân vật, và ngay với cả độc giả. Thể thao không chỉ là chiến thắng.
Góp phần không nhỏ tạo nên sự hấp dẫn của Haikyu!! chính là sự chính xác, tỉ mỉ trong chuyên môn. Bản thân tác giả Haruichi Furudate là một fan của bóng chuyền, từng sang tận Brazil để xem thi đấu, cũng từng chơi bóng chuyền thời đi học. Mỗi động tác, kỹ thuật, chiến thuật được miêu tả kỹ lưỡng trong truyện hầu hết đều sát thực và được cả các vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp công nhận, ngợi khen. Những kiến thức chuyên môn này được giới thiệu chút một qua từng trận đấu. Ở mỗi trận, với mỗi đối thủ khác nhau thì nhân vật chính lại học được một kỹ thuật mới. Ví dụ đối đầu với đội mạnh về phòng thủ, có hàng chắn siêu cao khổng lồ thì phải làm sao, với đội chuyên về tấn công, có những cú dứt điểm trái phá thì phải làm thế nào… Haikyu!! diễn tả được chân thực sự hấp dẫn, tiết tấu cuốn hút của các trận đấu bóng chuyền. Mặt khác, sự đậm đặc chuyên môn này cũng có thể khiến không ít độc giả nản chí khi theo dõi. Nhưng nếu bạn đã vốn là một khán giả yêu thích bộ môn này, chắc chắn sự chi tiết chuẩn xác của Haikyu!! sẽ làm bạn thỏa mãn.
Haikyu!! là một tác phẩm thuần túy về bóng chuyền, về chơi thể thao. Một câu chuyện không có phản diện. Một thế giới trong trẻo nơi ai cũng thật tâm chơi bóng chuyền, nơi không ai bỏ cuộc, không ai gian lận, không có vị phụ huynh nào ngăn cản, gò ép con cái, không có thầy cô nào thờ ơ với học trò… nơi những va vấp, tổn thương được chữa lành và những mơ ước được động viên, khích lệ.
Đôi điều về truyện tranh thể thao Việt Nam
Nền truyện tranh Việt Nam nhìn chung vẫn còn non trẻ, chỉ đang chập chững những bước đầu tiên. Chúng ta cũng đã có lác đác vài tác phẩm trong thể loại này, có thể kể đến như Orange (tác giả Thành Phong – Khánh Dương), Học viện bóng đá (tác giả Bách Lê – Bá Diệp), Số 10 cuối cùng (tác giả Khoa TR). Tuy các tác phẩm này đều nhỏ lẻ, hoặc chưa hoàn thiện, nhưng cũng là những đốm lửa nhen nhóm đầu tiên, đáng mừng.
Rất hy vọng trong tương lai gần truyện tranh Việt Nam sẽ có những tác phẩm chất lượng. Vì ít nhất, chúng ta có thể dám chắc rằng độc giả Việt Nam luôn ưa chuộng, chào đón thể loại này.
Lời kết
Manga thể thao nói riêng hay truyện tranh thể thao nói chung, cũng giống như bản chất của thể thao, dù kể đi kể lại những câu chuyện quen, vẫn là theo đuổi niềm đam mê, rèn luyện khổ ải để giỏi lên, để chạm tới chiến thắng… nhưng độc giả vẫn luôn thấy lay động, thấy phấn khích, thấy được truyền cảm hứng, động lực. Đó sẽ luôn luôn là câu chuyện về việc không đầu hàng trước mọi hoàn cảnh, luôn cố gắng, và cố gắng hơn nữa. □
*Sửa lại bản in là “Chúng ta mạnh mẽ hơn nhờ thể thao”