“Marcovaldo”: Xà phòng hay đám mây, cái gì đẹp hơn ?

Nếu phải chọn ra một bậc biết tuốt trong văn chương, nhất định trong danh sách đề cử phải có Italo Calvino. Văn chương của ông không chịu ngồi yên, không chịu khu biệt. Ông từng trong vai “phượt thủ” đời đầu - nhà thám hiểm Marco Polo - nhìn ngắm những đô thị kỳ lạ nhất, và bản thân ông dường như cũng là một “phượt thủ” trong văn chương.

Phiên bản tiếng Pháp “Marcovaldo” của Italo Calvino.

Ta thử xem ông trôi dạt giữa những lục địa hiểu biết nào: lịch sử vũ trụ, giải phẫu bộ não, tương lai tiểu thuyết, chủ nghĩa ăn thịt người, nhân chủng học, bài tarot, vườn Nhật Bản, cát, bản đồ, đế chế Aztec, vô số mà kể. Và ông không dịch chuyển bằng một phương tiện quen thuộc – tiểu thuyết, hay truyện ngắn, hay tiểu luận – ông dịch chuyển giữa các chủ đề đó bằng những “cỗ xe” kể chuyện kỳ khôi, khó xếp vào hạng mục nào. Nói vui thì những thể loại và hình thức tác phẩm mà Calvino theo đuổi có thể khiến ta nghĩ đến chiếc xế nổ của nhân vật Bác Hargrid trong Harry Potter: một sự lai tạp giữa xe máy, ô tô và trực thăng. Tác phẩm của Calvino là vậy: khi thì là tiểu thuyết được ghép từ nhiều tiểu thuyết dở, khi là truyện vừa xen cổ tích xen nội dung một buổi trải bài bói toán, khi là truyện ngắn xen tiểu thuyết xen biên niên sử, khi là truyện ngắn xen truyện vừa xen tiểu luận, khi là truyện ngắn xen du ký.

Cũng như vậy với Marcovaldo, một tập tác phẩm ra đời trong thập niên 60, thuộc giai đoạn theo đuổi phong cách kỳ ảo trong sự nghiệp sáng tác của Calvino. Gọi là tập hợp truyện ngắn – cũng được thôi, hai mươi mẩu chuyện trong này có thể coi là hai mươi truyện ngắn theo trình tự bốn mùa xuân-hạ-thu-đông rồi lại xuân-hạ-thu-đông, về cùng một nhân vật, ông Marcovaldo, một nhân viên Nhà máy kiêm một công dân thành phố, một lòng truy tìm những dấu vết còn lại của thiên nhiên đang bị quét sạch bởi công nghiệp. Gọi là ngụ ngôn – chắc không ai phản đối, cuốn sách được viết trong thời kỳ Calvino chìm đắm trong kho tàng truyện truyền miệng Ý, và tính bông lơn, tính dân gian, tính súc tích, tính bóng gió của những tích trò ấy phảng phất trong Marcovaldo. Nhưng Calvino còn coi đó là truyện tranh – mặc dù không có bức tranh nào cả, nhưng cấu tứ thì tương đồng, Calvino dường như rất thích truyện tranh, từng có cả kế hoạch chủ biên một tờ báo lấy Peanuts (một tờ báo truyện tranh nổi tiếng với nhân vật chú chó Snoopy) làm mô hình, chỉ khác sẽ đăng tiểu thuyết Feuilleton. 

Cả hai mươi truyện ngắn đều bắt đầu bằng những hoạt cảnh sinh hoạt rất bình dân của một người lao động nghèo ở Ý: ông Marcovaldo chờ đón xe điện; ông Marcovaldo đi làm; ông Marcovaldo xúc tuyết; ông Marcovaldo đi viện; ông Marcovaldo mở nắp một hộp thức ăn; ông Marcovaldo đi siêu thị; ông Marcovaldo tưới cây ở chỗ làm. Thế rồi chỉ trong vài trang, bằng một dung lượng ngôn từ không thể ngắn gọn hơn, Calvino biến mỗi hoạt cảnh bình dân ấy thành một khuôn hình kỳ ảo, như phóng thẳng ra từ một kịch bản điện ảnh: cảnh một đám đông nối đuôi nhau đi hái nấm trong mưa giữa thành phố bê tông cốt thép; cảnh một người đàn ông xông bằng bốn chân vào bồn hoa và gặm lấy những đóa mao lương; cảnh một người đàn ông bị tuyết hất xuống từ trên cao, hóa thành người tuyết, nhai cà rốt; cảnh lũ trẻ còn dùng ná bắn vỡ những biển quảng cáo che khuất ánh nguyệt quang; cảnh bọn trẻ đổ hàng tá bột giặt khuyến mại xuống sông, bong bóng nổi lên xâm chiếm bầu trời khiến người người ngước nhìn tự hỏi phải chăng là đám mây bom nguyên tử; cảnh một người cưỡi xe đạp chạy phăng phăng, yên sau chở một cái cây cao vống – một cây bao báp, đạp đuổi theo những cơn mưa để cái cây của ông được tắm mưa.

Vẫn là Calvino mà chúng ta luôn biết. Calvino, nhà văn có thể đứng quan sát một ngọn sóng, chỉ một ngọn sóng đơn nhất, phân tích toàn bộ hành trạng của nó, và khiến cho một hiện tượng bình thường trở thành một bí ẩn kỳ khôi. Calvino, người chỉ ngắm một chiếc dép lê đi lạc thôi mà cũng có thể nhìn ra nhiều hơn một thân phận, một cuộc đời. 

Tác phẩm của Calvino là vậy: khi thì là tiểu thuyết được ghép từ nhiều tiểu thuyết dở, khi là truyện vừa xen cổ tích xen nội dung một buổi trải bài bói toán, khi là truyện ngắn xen tiểu thuyết xen biên niên sử, khi là truyện ngắn xen truyện vừa xen tiểu luận, khi là truyện ngắn xen du ký.

Trí tưởng tượng của Calvino ở đây có thể không hư ảo và triết học như trong Những thành phố vô hình, có thể không mê cung và nổi loạn như Nếu một đêm đông có người lữ khách, không tầm vóc, hào phóng và đan bện lớp lớp như trong Cosmicomics, dù sao Marcovaldo cũng là một tác phẩm nhỏ hơn nhiều. Nhưng cuốn sách lại giống như thời gian dùng thử hay một sản phẩm mẫu cho những ai mới bắt đầu men vào xứ sở diệu kỳ của Calvino, để bắt đầu làm quen từ nồng độ diệu kỳ vừa phải nhất.

Đọc Marcovaldo cũng sẽ khiến ta nghĩ đến những bộ phim chủ nghĩa tân hiện thực Ý, trào lưu điện ảnh về đời sống khốn khó của người Ý hậu chiến tranh, nơi hiện thực đóng đinh vào từng khung hình, ấy vậy mà vẫn không hao hụt những giây phút diệu kỳ, như cảnh một đứa bé khóc toáng lên trong bụi bắp cải hay cảnh những con người ngồi trên cán chổi bay lên trốn thoát khỏi sự truy bắt của cảnh binh ở Miracle in Milan của Vittorio de Sica, hay những thước phim về nhà máy, về dây chuyền sản xuất, về những vật thể công nghiệp tưởng vuông vắn, hóa ra vẫn mềm dẻo như những bài thơ luyện bằng kim loại trong Red Desert của Michelangelo Antonioni. Marcovaldo cũng gặp gỡ Red Desert ở chủ đề sự xâm lấn của đô thị, sự thu bé của tự nhiên, nhưng không phải với mục đích là để bôi nhọ đô thị. Nói như Antonioni: “Mục tiêu của tôi… là chuyển ngữ thứ thi ca của thế giới, mà trong đó ngay cả những nhà máy cũng có thể đẹp đẽ. Những đường thẳng, những nét cong của các nhà máy, của các ống khói có khi còn đẹp hơn cả dáng hình của cây cối mà ta đã quá quen”.

Có lẽ điều tương tự cũng có thể nói về Marcovaldo. Cái gì đẹp nhất trong tập truyện này? Phải chăng là những tạo vật thuộc về thiên nhiên – tuyết phủ trắng khiến mọi ngôi nhà đều trở thành tuyết, thảm lá vàng bay của cái cây bao báp lớn hơn cả người đang đạp xe chở nó qua suốt những cây cầu để tìm mưa, con thỏ quyết định tự kết liễu đời mình trong niềm khinh khi với con người, dòng sông lướt trôi đưa người đàn ông bị kẹt trên một con tàu không mái chèo không bánh lái đi tắm nắng? Hay phải chăng đẹp nhất lại chính là những thứ thô thiển nhất do con người phát minh – những hộp xà phòng chất đống đem đổ đi biến thành bong bóng, chiếc xe đẩy siêu thị chất ngất những món hàng hóa mà người chọn chẳng có xu nào mua nổi nhưng họ vẫn cứ chất lên xe để có cảm giác được đi mua sắm, những biển quảng cáo nhấp nha nhấp nháy khi Mặt trời buông, xóa tan ánh trăng, đêm đen và vòm trời? Tóm lại, cái gì đẹp, đám mây hay xà phòng? Rất có thể, đáp án là cả hai cùng đẹp.

Marcovaldo là một tập truyện theo kiểu, nếu muốn, nó có thể kéo dài ra vĩnh viễn, nhưng sau rốt Calvino cũng cho nó một cái kết. Và cái kết ấy, ông Marcovaldo trong vai ông già Noel đêm Giáng Sinh đi phát quà cho công ty, cuối cùng đã đi thẳng vào rừng, đi mãi cho đến khi xa khuất ánh điện và không còn gì nữa nơi buổi lễ mừng ngày sinh thần của Chúa, chỉ còn đó cuộc rượt đuổi của hoang dã giữa sói và thỏ. Nghĩa là ông Marcovaldo đã rút lui về thiên nhiên ư? Có lẽ không. Có lẽ cũng lại như cái lần ông nằm ngủ trên ghế băng công viên lúc nửa đêm những mong được ngủ trong tiếng chim hót và tiếng sao trời, để rồi bị tiếng công trường, tiếng xe tải dựng dậy giữa đêm. Có lẽ chỉ một lát nữa thôi, ông Marcovaldo sẽ thấy con người cũng đã để lại dấu vết của mình trong khu rừng mà ông cứ nghĩ là nguyên sơ. Hoặc thậm tệ hơn, như cái lần ông đi hái nấm ở đầu truyện để rồi cuối cùng bị ngộ độc, có thể ông sẽ nhận ra, ông không thuộc về thiên nhiên như ông vẫn tưởng. Ông thuộc về thành phố. Nhớ thương thiên nhiên chỉ là một bằng chứng của việc: con người đã bị đô thị thuần hóa từ lâu. 

Và con người thì mãi là con người – giống loài đi thuần hóa, nhưng cũng là giống loài bị thuần hóa. □

Bài đăng Tia Sáng sô 17/2024

Tác giả

(Visited 406 times, 1 visits today)