Margaret Atwood: Nhà văn nữ viết về nữ giới

Tháng 11 năm 2004, Margaret Atwood đã cùng nhà phê bình văn học nổi tiếng Dame Gillan Bear tổ chức một cuộc nói chuyện về các sáng tác của bà tại Học viện Anh Quốc, London – một sự kiện văn học hàn lâm mà vấn đề Atwood chọn để chia sẻ thảo luận là sự bí ẩn và phức tạp của mê cung như là một hình ảnh ẩn dụ cho quá trình viết và đọc tiểu thuyết.


Margaret Atwood.

Hai tháng sau đó, Atwood xuất hiện trên một kênh truyền hình đại chúng của Canada, mặc bộ đồng phục thể thao khúc côn cầu, thao thao chỉ cho MC Richard Mercer cách làm thế nào để phân tâm đối thủ trong khi thi đấu bộ môn thể thao được ưa chuộng số một ở Canada. Hai hình ảnh dường như đối lập này của Atwood – một là nhà văn nổi tiếng thế giới đang bàn luận nghiêm túc với một giáo sư ĐH Cambridge về những uẩn khúc của nghề cầm bút, và hai là hình ảnh một nhân vật nổi tiếng của Canada khoác tấm mặt nạ vui vẻ hòa đồng đang làm lan tỏa tinh thần dân tộc qua việc quảng bá môn thể thao được đông đảo người dân yêu thích – thể hiện rõ nét sự đan kết không thể tách rời trong con người Atwood giữa tính nghiêm cẩn cao độ với cái nhìn châm biếm hóm hỉnh vốn là đặc trưng cho các sáng tác văn chương của bà.

Lời của những thân phận nữ

Khi Margaret Atwood còn trong độ tuổi hai mươi, một người dì đã kể cho bà nghe truyền thuyết gia đình về một người họ hàng thế hệ trước khá xa (có lẽ vào khoảng thế kỉ 17) tên là Mary Webster. Vào thời đó, Mary Webster đã bị những người láng giềng ở thị trấn Puritan thuộc bang Massachusetts buộc tội là phù thủy tới mức buộc bà phải lĩnh án treo cổ. Câu chuyện được Atwood kể lại như sau: “Nhưng dây treo bị lỏng một nấc và bà ấy không chết. Bà cứ lơ lửng như thế suốt đêm cho tới khi họ tới cắt thi thể xuống thì bà vẫn sống”. Rồi sau đó Webster được người ta gọi là Mary-treo-nửa-cổ (Half-Hanged Mary). Đây là một huyền thoại gia đình lạ lùng và gần như không thể xác quyết, dù vẫn có thể truy lại được những cái tên trên cây gia phả: “Vào thứ hai, người dì nói với tôi rằng Mary là cụ tổ mấy đời của chúng ta, đến thứ tư, bà lại nói rằng không phải… Tôi phải tự mà chọn lấy”. Atwood đã đi tới một lựa chọn đầy nghệ sĩ: bà chọn câu chuyện. Bà từng mượn giọng Mary-treo-nửa-cổ để viết một bài thơ văn xuôi sống động, miêu tả một bà già độc đoán cay độc, là mục tiêu tấn công của những người hàng xóm vì “có đôi mắt xanh dương và làn da cháy nắng, một trang trại mang tên mình và thuật chữa bệnh dị kì cho chứng mụn cóc”. Dưới ngòi bút Atwood, sự chịu đựng nghiệt ngã nơi đầu mút sợi dây (“Ai cũng có một lần chết đi/Tôi thì hai”) ban cho Webster một thứ tự do ngông cuồng ngang ngạnh. Giờ đây bà có thể nói bất cứ điều gì: “Ngôn từ phun trào khỏi tôi/Từng cuộn từng cuộn một quanh co lượn sóng/Cả vũ trụ tuôn trào qua miệng tôi/Với tất cả những sự đủ đầy của nó, những lỗ hổng của nó”. Năm 1985, Atwood biến Webster thành nhân vật của một trong hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà, Chuyện người tùy nữ – một viễn ảnh phản không tưởng về tương lai gần, trong đó Hoa Kỳ đã trở thành một nhà nước chính trị thần quyền, và một số ít phụ nữ còn khả năng sinh sản vì chưa bị tổn hại bởi ô nhiễm môi trường bị ép buộc phải sinh con. Atwood đã là một tác giả nổi tiếng của Canada suốt một thời gian dài, và những sự kiện gần đây còn đánh bóng hơn nữa sự chói sáng đầy tính thần bí của bà. Sau vụ bầu cử Tổng thống Mỹ mà công cuộc vận động của ông ta công khai công kích chống đối nữ giới – người mà, ngay ngày đầu tiên làm việc ở văn phòng đã kí pháp lệnh rút quỹ liên bang khỏi các tổ chức vì sức khỏe phụ nữ hỗ trợ dịch vụ nạo phá thai – cuốn tiểu thuyết Atwood viết dành tặng Mary Webster lại leo lên hàng best-seller. Chuyện người tùy nữ còn được chuyển thể thành một seri phim truyền hình có sự tham gia của ngôi sao Elisabeth Moss và được chiếu trên kênh Hulu. Sự nhạy cảm chính trị của một con mắt tiên tri khiến “tiểu thuyết của bà vẽ được ra những thế giới bị hủy hoại bởi chứng ghét hôn nhân, sự áp bức và sự tàn phá môi trường. Tất cả những viễn tượng này đều như đang trở thành sự thật” (Rebecca Mead). Trong một bức ảnh được chụp sau lễ nhậm chức của Trump, vào ngày kỉ niệm quốc tế phụ nữ trong tháng 3, một người phản đối đã cầm tấm biển ghi khẩu hiệu: “Make Margaret Atwood fiction again” (Đưa Margaret Atwood trở về với địa hạt hư cấu đi). Nhưng cuộc bầu cử Donald Trump không phải là hư cấu, và Atwood có đủ bằng cớ để nói một cách chắc chắn: “Tiểu thuyết phải là điều mà mọi người thực sự tin tưởng”. Atwood là một nhà tiên tri trong cơn hưng phấn. Giống như một bác sĩ chuyên nghiệp, bà có được sự hài lòng thực sự trong việc chẩn đoán chính xác, ngay cả khi sự dự đoán ấy có phần thê lương ảm đạm.

Di sản dữ dội mà Wester để lại – một thân thể nữ nổi loạn chịu đày đọa và không ngừng kháng cự – đã trở thành ám ảnh với Atwood. Sách của bà từng bị cấm ở các trường trung học ở San Antonio, Texas vì lí do chống Ki-tô giáo và thái quá về mặt tính dục. Viết bức thư ngỏ gửi tới khu học chánh, Atwood chỉ ra những bằng chứng cho thấy Kinh Thánh còn gợi nhắc tới tình dục nhiều hơn nhiều so với sách của bà. Trong thực tế, không thể đọc các tác phẩm của Atwood mà không xét tới tầm quan trọng trung tâm mà bà đặt lên giới nữ cũng như các nhân vật nữ. Tất cả các tác phẩm của Atwood, chỉ trừ Oryx và Crake, đều xây dựng nhân vật chính là nữ, hầu hết các truyện ngắn của bà cũng thế. Sự khảo sát chủ thể nữ giới của Atwood trải từ việc thăm dò tình thế nạn nhân của nữ giới, tới việc trình hiện nữ giới như là giả trá và tàn ác. Trong suốt các tác phẩm của mình, bà kiến tạo lại chủ thể “nữ”, trong khi đồng thời vẫn thừa nhận cần phải “viết chữ Woman với chữ W in hoa”. Trong một cuộc phỏng vấn với Geoff Hancock, Atwood quay trở lại với ý niệm phụ nữ (woman): “Cách định danh phụ nữ (Woman) với chữ W in hoa đã khiến chúng ta bị mắc bẫy hàng thế kỉ. Thiên tính nữ vĩnh hằng ư? Sự thật, ‘Woman’ chỉ là tổng thể những người phụ nữ. Nó không thể tồn tại tách biệt với những thực thể nữ, nếu không muốn chỉ là một ý niệm trừu tượng”. Vị thế Atwood lựa chọn là vị trí của một người nữ bởi đó là vị thế bà hiểu rõ nhất, nhưng bà không chấp nhận coi đó là một vị thế cá nhân hay đơn lẻ. Một tiếng nói nữ bao giờ cũng đồng thời là một phát ngôn thân phận. Phụ nữ xứng đáng được bình đẳng, Atwood khẳng định, nhưng điều đó không có nghĩa là phụ nữ với đàn ông giống nhau. Bởi nói như Atwood: “Trong tư cách là những người cầm bút, người viết nữ cũng giống như những người viết khác”, nhưng ‘trong tư cách là những sinh thể sinh học và những công dân…phụ nữ giống như những người phụ nữ khác: cùng phục tùng những luật lệ phân biệt đối xử, cùng phải đối đầu với những thái độ khinh thường, và bị đè nặng bởi những luật định”.

Khi cầm bút, như chính bà khẳng định, cũng giống như nhiều nhà văn nữ khác, bà đang phải “thách thức lại những ý niệm của những người phụ nữ cũng như những người đàn ông khác – những tư tưởng vốn được cho là phù hợp… để nói những điều nữ giới chưa từng có cơ hội để nói. Và từ đó, nhận ra những gì họ chưa từng nhận ra, cuối cùng đặt ra những cách diễn giải khác”. Trong rất nhiều bài phỏng vấn, Atwood nhắc đi nhắc lại quan điểm rằng các tiểu thuyết của bà không phải những diễn văn chính trị, và rằng bà không có bổn phận phải phục tùng – hay làm một mẫu hình. Theo bà, một lòng trung thành khắt khe với chính nghĩa sẽ hủy hoại chính năng lực viết. Bà khẳng định mình không phải là một người tuyên truyền mà là một người quan sát; tác phẩm của bà chỉ phản ánh thực tế của một sự phân chia không cân đối quyền lực giữa nam giới và nữ giới. Atwood thậm chí còn thăm dò những giới hạn của nữ quyền luận trong tư cách là một thế lực chính trị. Trong Chuyện người tùy nữ, mẹ của Offred là một nhà nữ quyền luận triệt để, người đã một mình nuôi dạy Offred, đưa cô đến những cuộc biểu tình chính trị, và khao khát hướng tới một thế giới của nữ giới. Hệ quả là, Offred sống trong một “thế giới phụ nữ” trong một xã hội bị cách li và tất cả những gì cô khao khát là một cuộc trò chuyện thẳng thắn với mẹ mình: “Mẹ… Mẹ có nghe thấy con nói không? Mẹ muốn có một nền văn hóa của phụ nữ. Tốt thôi, giờ đã có rồi nhé. Nó không phải thứ mẹ có ý định sẽ tạo thành, nhưng nó thực sự tồn tại. Hãy biết ơn về điều đó”. Như Atwood phơi lộ, một nền văn hóa của nữ giới không nhất thiết phải là một nền văn hóa tốt đẹp hơn những gì có trước nó – đó đơn thuần chỉ là sự li khai khỏi bất cứ một dạng thức nào họ nghi ngờ, và bởi thế, bản thân nữ quyền luận cũng đòi hỏi một cái nhìn nghiêm khắc cẩn trọng.

Không ngẫu nhiên khi một số nhà phê bình coi tác phẩm của Atwood như là tiếng nói của phong trào nữ quyền đang trên đà nảy nở. (Một nhà phê bình trên tạp chí Time còn nhận xét rằng cuốn tiểu thuyết của bà đã tung một cú đá dữ dội khiến lọ nước hoa bay thẳng vào ly cocktail Motolov). Bà phủ nhận điều này. “Tôi đâu có sống ở New York vào năm 1969, nơi người ta đá mọi thứ lung tung hết cả lên như thế. Nơi tôi ở là Edmonton, Alberta, một nơi chẳng có cái gì gọi là phong trào nữ quyền sất”. Atwood cũng không muốn xếp mình vào làn sóng nữ quyền luận thứ hai: “Tôi không muốn trở thành một cái loa phát thanh cho bất cứ một hệ thống niềm tin cụ thể nào. Đã trải qua cả giai đoạn đầu của phong trào nữ quyền rồi, và người ta cứ chờ tới lúc bạn không váy vóc hay son phấn gì nữa. Thế mà khi bạn không dùng nó, người ta lại bảo bạn là kẻ phản bội lại giới tính của mình.” Trong tiểu luận viết năm 1976, Bàn về việc làm một nhà văn nữ: Những nghịch lí và song đề, Atwood mô tả những cảm xúc đa chiều mà các nhà văn nữ cần phải trải qua để tôi rèn một đời sống văn chương của riêng mình trước khi những người đại diện của phong trào phụ nữ xuất hiện thuyết phục họ. “Sẽ không phải là một giải pháp tối hậu khi có một hội đoàn phụ nữ đầy kích động đến và nói bạn phải làm gì cho đúng. Nghe cứ như thể bạn được tuyên bố vô tội sau khi đã bị treo cổ xong xuôi: sự thỏa mãn, nếu có, cũng hết sức tàn nhẫn”. Tất cả những gì Atwood muốn chỉ là đưa tới một “sự mở rộng đường biên khả thể cho người cầm bút, cả về nhân vật lẫn về ngôn ngữ để khảo sát tinh tường cách quyền lực vận hành trong các mối quan hệ giới và phơi bày việc chúng chủ yếu chỉ là những kiến tạo mang tính xã hội; một cuộc thăm dò mãnh liệt những địa hạt cho đến nay vẫn còn bị giấu giếm che đậy”.
Sự thật là những tác phẩm của bà giờ đây đã được đưa vào chương trình học chủ đạo của các ngành nghiên cứu phụ nữ – quyền phụ nữ, và sự phản đối cương quyết của Atwood chống lại sự gộp nhập bà vào chủ nghĩa nữ quyền có thể là một điều đáng ngạc nhiên. Nhưng sự thận trọng này cho thấy xu hướng thiên về tính chuẩn xác cùng sự nhạy cảm khoa học đã được gieo cấy sâu trong bà từ thuở ấu thơ: Atwood muốn định nghĩa những thuật ngữ thật chính xác trước khi định vị mình ở một vị trí nào đó. Nữ quyền luận của bà coi quyền phụ nữ, không gì khác, là quyền con người, và được xây dựng dựa trên giả định rằng có một sự bình đẳng tuyệt đối giữa hai giới. Trước những thống khổ và kìm kẹp của giới mình, phụ nữ không chỉ được nhìn như những nạn nhân, mà còn là nguyên nhân cho những nỗi khổ của nhau. “Vấn đề của tôi không phải là người ta muốn tôi khoác lên mình thứ váy áo rực hồng diêm dúa – vấn đề là ở chỗ tôi muốn mặc những thứ váy vóc màu mè diêm dúa ấy, và mẹ tôi, như bà ấy vẫn từng, chẳng thấy có lí do nào để ăn mặc nhố nhăng như thế cả”. Những năm tháng đầu đời sống cùng gia đình giữa rừng hoang dã – một cảnh sống khắc nghiệt tẩy xóa mọi quy ước giới thông thường – đã củng cố trong bà tính tự quyết, và một khoảng cách phê bình đối với các mã của tính nữ – một năng lực nhìn những mã này như là những thực hành văn hóa đáng để thẩm tra chứ không phải là những điều kiện cần có thể nghiễm nhiên thừa nhận. Năng lực nhìn sâu sắc và hài hước này được thể hiện rất rõ trong các tiểu thuyết của bà. Không chấp nhận chỉ nhìn thế giới như nó cho phép, Atwood hình dung về thế giới như nó phải là và nên là.

Margaret Atwood sinh năm 1939 ở Ottawa, lớn lên ở những vùng hoang dã miền Bắc Ontario, Quebec và Toronto, lấy bằng cử nhân Đại học Toronto và bằng Thạc sĩ Havard. Bà chinh phục công chúng văn học Anh ngữ trước hết bằng thơ ca, và sau này bằng những tiểu thuyết dày dặn và độc đáo. Danh mục tác phẩm của Atwood đã lên tới hơn 60 cuốn sách – tiểu thuyết, thơ, tuyển truyện ngắn, tuyển phê bình, sách văn học thiếu nhi, và gần đây nhất là loạt comic về một siêu anh hùng nửa người nửa chim có tên Angel Catbirth. Các giải thưởng văn học liên tục ập đến với bà ngay từ những xuất bản đầu tiên trên đường sự nghiệp. Trong số 13 cuốn tiểu thuyết đã xuất bản của bà, 5 cuốn đã từng được đề cử giải Man Booker: Chuyện người tùy nữ (1985), Mắt mèo (1988), Gọi thêm là Grace (1996), Tay sát thủ mù (Booker, 2000), Linh dương và gà nước (2003). Cho đến nay tổng số giải thưởng văn học Atwood nhận được đã lên tới 55 giải trong nước và quốc tế, trong đó có thể kể đến: giải Governor General (1966, 1985), giải Đồng hành của tổ chức Trật tự Canada (1981), giải dành cho truyện hư cấu của Los Angeles Times (1986), giải của Hiệp hội nhân văn Mỹ (1987), giải Nebula (1986) và Prometheus (1987) dành cho truyện khoa học viễn tưởng, giải Arthur C. Clarke dành cho truyện viễn tưởng hay nhất (1987), giải Thành viên danh dự của Học viện Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ (1988), giải sách bán chạy trong năm của Hiệp hội tác giả Canada (1989), giải Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật do chính phủ Pháp trao tặng (1994), giải thưởng dành cho bộ ba tiểu thuyết (1991, 1993, 1995), giải Helmerich (1999), giải Man Booker (2000), giải Thành tựu văn học của Tạp chí phê bình Kenyon, giải Nelly Sachs (Đức, 2010), giải Dan David (Israel, 2010), giải Franz Kafka (Cộng hòa Czech, 2017).

 

Tác giả

(Visited 68 times, 1 visits today)