Marguerite Duras và cái chết của ruồi

"Đập chắn Thái Bình Dương" của Marguerite Duras, câu chuyện về một người phụ nữ Pháp đến Đông Dương cùng hai đứa con – một trai, một gái – cũng là một kiểu điếu văn cho cái chấm nhỏ bị lãng quên, bị phủ vùi, bị xô dạt mãi vào thinh không lịch sử của thực dân.

Marguerite Duras. Nguồn: New Yorker

Trong một tiểu luận mang tên “Viết”, Marguerite Duras đã viết dành nhiều trang giấy chỉ để nói về cái chết của một con ruồi. Bà nhìn một con ruồi chết, nghĩ về việc cái chết đến từ đâu, cố gắng hình dung ra con đường thiên lý dẫn con ruồi ấy tới cõi vĩnh hằng. Bà kể nó cho một người bạn, rằng vào lúc ba giờ hai mươi, ở chỗ này – bà chỉ tay vào nơi đó – có một con ruồi đã chết. Người bạn cười. Có lẽ không ai coi một mạng ruồi chết là điều gì quan trọng cả. Nhưng Duras đã viết về nó, để bao nhiêu năm sau trôi đi, đoạn văn vẫn là một đám tang cho sinh vật ấy, và ta vẫn tưởng nhớ nó, chỉ bằng cách đọc Duras.

“Cuộc sống ở khắp mọi nơi. Từ con vi khuẩn cho đến con voi. Từ trên mặt đất cho đến cõi thiên giới, cho đến cả những thứ đã chết”, Duras viết.

Người mẹ của Duras, người phụ nữ Pháp đến Đông Dương theo tiếng gọi của một tấm áp phích hình cặp đôi da trắng tận hưởng cuộc sống thiên đường nơi xứ thuộc địa, cuối cùng phải chơi dương cầm trong rạp Eden với mức lương thê thảm, sau mười năm chỉ một lần dám cáo ốm để nghển cổ nhìn bộ phim trên màn ảnh, bà tích góp đủ để nhận một khu đất canh tác những mong đổi đời, sau rốt giấc mơ đổi đời bị Thái Bình Dương năm này qua năm khác cuốn phăng, và kết thúc bằng cái chết khi không đứa con nào bên cạnh, người phụ nữ ấy có lẽ cũng không hơn gì số phận một con ruồi. Còn tệ hơn thế, lúc cuối đời, bà gần như phát điên. Lũ ruồi không phát điên, ít ra, chúng chỉ chết. Và theo cách đó, Đập chắn Thái Bình Dương của Duras, câu chuyện về bà cùng hai đứa con – một trai, một gái – cũng là một kiểu điếu văn cho cái chấm nhỏ bị lãng quên, bị phủ vùi, bị xô dạt mãi vào thinh không lịch sử của thực dân.

Thế giới của những người da trắng giữa vùng đồng bằng hạn mặn ấy là thế giới của những giấc mơ còn chưa kịp mơ đã vội tan vỡ, thế giới của những lâu đài cát còn chưa kịp thành hình đã bị gió dập sóng dồi. Gia đình ba người với một bà mẹ trung niên tuyệt vọng suy sụp thần kinh, đứa con trai cả hoang thú và đứa con gái út cô quạnh và ô nhục như một ốc đảo nhỏ dần dần bị nhấn chìm, bị xâm thực, bị lấn chiếm, bị ăn lẹm, bào mòn, và họ, dù cố chống chọi cách mấy, cũng không phải là đối thủ của những thứ nếu không lớn hơn họ thì cũng lớn hơn họ rất nhiều – hệ thống quan liêu của Sở Địa chính; những ngân hàng không muốn xì ra thêm một đồng cho họ vay mượn; đám cua âm thầm trong đêm gặm thủng mọi thứ, không thể lường trước và cũng không thể ngăn chặn; và sự dâng lên, tràn vào, đều đặn năm này qua năm khác, của biển Đông, và khi rút đi, chỉ để lại một vùng đất không thể trồng trọt. Họ cũng đã cằn như đất.

“Đập chắn Thái Bình Dương” (Quế Sơn dịch) do Phanbook và NXB Phụ nữ ấn hành. Nguồn: Phanbook

Nếu như họ không thể cày cấy trên đất thì đời cũng chẳng thể gieo lên họ chút hoa trái nào. Cô con gái út là một phiên bản khác của cô gái “trở nên già nua ở tuổi 18”, cô gái mà “ngay từ khi khởi đầu, cuộc sống đã là quá trễ” trong Người tình. Nàng có thể mơ nhưng lại không thể yêu. Mỗi ngày nàng cùng anh trai nghe cái đĩa Ramona cũ trên cái máy hát còn cũ hơn, đợi một chiếc xe hơi nào đó của một người đàn ông nào đó, dừng chân chốn cô liêu chỉ có lũ cua và sâu bọ mới sinh sôi nảy nở này, rồi đón nàng đi.

Nàng trải qua những cuộc tình không có tình, ngay cả khi làm tình hình như cũng không có tình, nàng muốn ở họ một viên kim cương, một sự cứu rỗi khỏi đầm lầy chẳng có chi ngoài những con chim cao cẳng làm bữa tối ngày ngày, nàng muốn ở họ một chiếc máy hát, một hộp phấn, một bộ móng tay mới, ngay cả ở đỉnh cao, nàng hẳn cũng chỉ muốn ở họ một sự lấp đầy. Họ muốn cho nàng tình yêu, cố gieo tình yêu vào nàng, nhưng gắng đến mấy cũng phí hoài vô ích, không chỉ vì họ là những thiếu gia giàu có cóc cáy hay những gã trung niên giàu có cóc cáy, mà còn vì dường như nàng đã bị tàn phá từ bên trong, nàng là mảnh đất đã bị xói mòn, bị rửa trôi, như nơi nàng và mẹ và người anh trai nàng rất mực yêu thương đã sống. Nếu sống như vậy cũng được coi là sống.

Văn chương của Marguerite Duras vẫn hay như vậy, vẫn thơ như vậy và vẫn đầy những hốc trống cho người đọc nương trú như vậy. Thứ văn chương ắp đầy những câu văn như bị đục lỗ chỗ bởi những dấu phẩy và những ngắt nghỉ, hệt như cái đập mà người mẹ đã cùng những người nông dân khó nhọc xây nên trong sáu tháng nhằm chặn biển Thái Bình nhưng rồi bị lũ cua gặm cho tan nát và nham nhở, sụp đổ thành mây khói chỉ sau một đêm ngắn ngủi. Thứ văn chương của bà, thứ văn chương làm rạn vỡ tòa thành ngữ pháp, bởi chỉ một thứ văn chương như thế mới có thể kể một câu chuyện về những kẻ thống trị buồn bã sau rốt thành ra bị trị, sa lầy, không thắng nổi vùng đất mà họ những mong chinh phục, và đinh ninh mình đủ khả năng chinh phục.

Thứ văn chương của bà, thứ văn chương làm rạn vỡ tòa thành ngữ pháp, bởi chỉ một thứ văn chương như thế mới có thể kể một câu chuyện về những kẻ thống trị buồn bã sau rốt thành ra bị trị, sa lầy, không thắng nổi vùng đất mà họ những mong chinh phục, và đinh ninh mình đủ khả năng chinh phục.

Và thứ văn chương ấy thăng hoa nhất là mỗi khi Marguerite Duras kể về những buổi xem phim trong rạp chiếu bóng, cũng là những hốc bóng tối cho người thiếu nữ hẳn lấy nguyên mẫu từ bà nương trú khi lên Sài Gòn để bán viên kim cương mà một kẻ si tình trao tặng. Một câu như thế này, Duras đã dành để nói về phim: “Xem như xong rồi, do xem quá nhiều phim, thấy quá nhiều người yêu nhau, quá nhiều cảnh ra đi, quá nhiều cảnh ôm ghì lấy nhau, quá nhiều cảnh ôm hôn lần cuối, quá nhiều giải pháp, quá nhiều cái này, quá nhiều cái kia, quá nhiều sự tiền định, quá nhiều sự ruồng bỏ, tàn nhẫn thật đó nhưng không thể tránh được, do định mệnh gây ra”. Sự diệu kỳ của điện ảnh ở đó, sự diệu kỳ quá trớn quá liều của điện ảnh cũng ở đó, làm kẻ xem phim bị chai lì bởi cuộc đời, họ ẩn thân vào bóng tối thần thánh trong rạp chiếu, hiện thực không có gì để họ rung động thêm nữa, họ không muốn ánh đèn được bật lên. Có khi nào cô thiếu nữ không thể yêu cũng vì cô đã được thấy chân dung tình yêu trên màn ảnh quá nhiều? Nàng mô tả bóng tối nơi rạp chiếu bằng hai tính từ “phập phồng” và “màu mỡ”. Hình như đó là lần duy nhất trong cuốn tiểu thuyết này, ta thấy có gì đó được gọi là “màu mỡ”, có gì đó chứa đựng sự sống, sự sinh nở, có gì đó còn có phát ra ánh sáng nằm ngoài sự ô uế của cái chết và tan rã, dù trong mắt người khác, xem quá nhiều phim ảnh là thứ “không lành mạnh lắm đâu, và nó mang đến cho em những ý tưởng sai lầm về cuộc sống”.

Nhưng giá như có một cuộc sống nào đó để sai lầm.

Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng cái chết của người mẹ. Nhưng hình như cái chết ở phần cuối đó chỉ là một sự chính thức hóa cái chết đã diễn ra ngay từ mở đầu, với người mẹ, với cả hai đứa con, khi họ ngồi trong quán rượu với chàng thiếu gia có thể rước cô con gái đi và cứu cả gia đình khỏi trượt dốc suy đồi, và đáng lẽ phải lấy lòng anh, họ lại thành ra nhục nhã, vất vưởng, bệ rạc và mất nhân cách đến mức cười phá lên như một đám khùng vừa nốc rượu vừa lan man về số phận tiêu điều đến tức cười của mình. Ngay từ thời điểm họ phá lên cười như thế, ta biết họ đã chết. Không thể giết họ nữa vì họ đã chết từ bên trong. Và cả cuốn tiểu thuyết này, từ đầu đến cuối, chỉ là một điếu văn.□

Tác giả

(Visited 94 times, 1 visits today)