Maritta Nurmi, nữ họa sĩ Phần Lan ở Việt Nam

Gần 20 năm gắn bó với Việt Nam, mỗi lần ra mắt, triển lãm mỹ thuật của Maritta Nurmi đều đem lại nhiều sự thú vị cho công chúng thủ đô, bởi họ khó mà đoán được bà sẽ làm gì tiếp theo.

Maritta Nurmi gật đầu nhanh chóng xác nhận bà là nghệ sĩ mỹ thuật người Phần Lan duy nhất hiện sinh sống ở Hà Nội. Bà đến Hà Nội lần đầu tiên trong năm 1993, có triển lãm tranh sơn mài trong năm 1994. Bà gắn bó với cuộc sống ở Việt Nam cho đến nay, và có lẽ còn rất lâu nữa.

Trong giới mỹ thuật Hà Nội, bà là một gương mặt rất quen thuộc, không hẳn chỉ bởi các hoạt động nghệ thuật khá đều đặn của mình, mà còn bởi một phong thái vui vẻ, vô tư mỗi khi xuất hiện trong các buổi khai mạc triển lãm. Tiếng cười lớn, sảng khoái, đuôi mắt luôn được vẽ thêm nét chì xếch ngược một cách ngộ nghĩnh, những kiểu cách ăn vận phong cách phóng khoáng, riêng biệt như ngầm nói về sự hồn nhiên, chân thành và rất nghệ sĩ của chủ nhân…
   
Hành trình đến Việt Nam

Bà từng tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Turku (Phần Lan) khi đã gần 40 tuổi, sau một thời gian dài đeo đuổi công việc trong ngành sinh học. Bà vẫn đùa nói với người quen là giá như kiên trì theo ngành đó, có khi bà giàu to rồi…

Sang Việt Nam với lý do giúp gia đình anh trai một công việc kinh doanh nhỏ, bà tranh thủ thời gian rỗi học thêm về nghệ thuật sơn mài, thứ nghệ thuật có sức lôi cuốn kỳ diệu với những người nước ngoài ham tò mò tìm hiểu, bởi sự biến ảo của nó về độ nông sâu, về bảng màu… Bà tìm cách thử nghiệm với sơn mài trên toile, chứ không phải vóc gỗ theo cách truyền thống. Sau triển lãm đầu tiên, những khám phá mới mẻ về chất liệu và kỹ thuật để làm tác phẩm, đặc biệt là sự giản dị trong đời sống thường nhật ở Việt Nam khiến cho bà cảm thấy nên ở lại đây để tiếp tục hành trình nghệ thuật mà mình khởi động khi tuổi trẻ đã qua.

Maritta thuê nhà trong những khu dân cư bình dị, có khi chỉ có mỗi mình bà là người nước ngoài ở đó. Bà tự học tiếng Việt qua từng ngày sống như vậy để những cảm nhận về đời sống ở đây dần thấm đẫm vào mình. Bà đi xe đạp, ăn cơm bụi, nghiền món bún chả như rất rất nhiều người nước ngoài dân dã.

Cái đời sống ấy đã dần giúp bà phát hiện ra rất nhiều nguyên liệu mới cho nghệ thuật mà nghệ sĩ Việt thứ thiệt hoàn toàn bị bất ngờ: vỉ hấp xôi, những chiếc bàn nhỏ gọn, dùng để bán đồ ăn vỉa hè hoặc cho trẻ em học bài, có thể gấp gọn chân lại; những chiếc ghế nhỏ bằng gỗ, vốn được người Việt ưa dùng khi ngồi nấu bếp, giặt giũ mà nay được thay bằng chất liệu nhựa xanh đỏ,… Bề mặt những chiếc bàn nhỏ bằng nhựa mica, in hoa văn đa dạng. Maritta đã phát triển những hoa văn đó lên thành như nền, thậm chí là một phần của sáng tác. Bà vẽ thêm lên đó những nét vẽ mới, có thể là hình bông hoa, có thể là hình tượng phật, có thể là một dáng ngồi thiền, đem lại sự ngạc nhiên, bất ngờ, và phần nào thay đổi cách nhìn về một đồ vật thông dụng.

Một đồ vật có thể là một tác phẩm nghệ thuật được không? Câu hỏi này có thể không xuất hiện trong đầu khi bà làm tác phẩm, nhưng nó dễ dàng xuất hiện và gây hưng phấn cho người xem khi ngắm nhìn những bức tranh được làm từ bề mặt bàn; khi gập chân lại, treo trên tường thì chúng là tranh, khi tháo xuống, gỡ chân ra, chúng có thể được sử dụng như một chiếc bàn thuần túy. Chợt nghĩ, nếu một người bán hàng bình dân nào biết đến sự chuyển hóa này của Maritta, họ sẽ nhận xét gì nhỉ…

Trên lằn ranh của nghệ thuật và thiết kế

Ba năm trở lại đây, Maritta đi chu du rất nhiều và kết quả là một triển lãm mới, hoàn toàn mới từ cả ý tưởng đến tính chất của nó (*). Câu chuyện lịch sử về triển lãm có thể vắn tắt như sau: Năm 2009, bà được tài trợ cho chương trình nghệ sĩ cư trú ở Benin, một nước châu Phi. Chỉ có sáu tuần nhưng bà hoàn toàn bị ngợp trước một đời sống nguyên bản của một dân tộc, trong đó những phụ nữ như là hiện thân của sắc màu, sự nồng nhiệt, sự sôi nổi, sự sống động. Họ tự may các trang phục đủ màu sắc, sặc sỡ và tươi trẻ. Đặc biệt trong các buổi lễ, phụ nữ nổi bật với cách phục trang đặc sắc, cùng những phụ kiện độc đáo không kém như vòng cổ, vòng tai, làm bằng đá, rất nặng mà cũng rất quyến rũ mắt nhìn.

Sắc màu và cách sống nguyên sơ ấy kích thích Maritta nghĩ đến một vòng xoay của sự phát triển văn minh của con người: con người từng tự cung tự cấp, tự tay làm mọi thứ cho đời sống của mình, rồi phát triển đến mức có thể chế tạo ra may móc phục vụ mọi ý muốn, và nay, đến một lúc nào đó, lại trở về với thuở nguyên sơ – tự tay làm mọi thứ nhưng với một chất lượng thẩm mỹ khác, một ý niệm khác về “sự tự cung tự cấp” này….

Maritta quyết định sau chuyến đi Benin, sẽ tìm kiếm một cơ hội để in lại các mẫu hình khối trên những bức vẽ với mặt bàn mica lên vải, và thiết kế trang phục. Cuối cùng, bà phải kỳ công sang tận Ấn Độ để có thể có được những mảnh vải in hoa văn bằng kỹ thuật số đạt chất lượng cao nhất. Một bộ gồm: một quần dài kèm một váy ngắn mặc ngoài, một áo lửng, một mũ nhỏ. Bà còn thiết kế túi nữa. Các món đồ này, trong một chừng mực nào đó, lại trở thành chất liệu trên tranh. Bà đính chúng lên bề mặt toile đã được phủ kín bằng quỳ bạc, hồ cứng chúng lại sau khi đã tìm cho chúng những vị trí thích hợp. Xung quanh chúng, bà có thể tạo hình thêm những nét hoa văn khác, hoặc chữ – tên bà, tên Hà Nội, cái tên thú vị của một địa chỉ may vá ở Benin,… Có bức tranh lạ kỳ hơn, bề mặt toile được phủ kín quỳ bạc, khung tranh được phủ bằng vải in họa tiết kể trên. Vậy là xong. Nghĩa là, cho đến lúc này, với Maritta, mọi thứ đều có thể… Chúng đặt ra câu hỏi: nghệ thuật có thể là gì? Có thể là tất cả hoặc cũng có thể chẳng là gì chăng…


Couture Adorable de Maritta

Maritta bắt đầu công việc với nghệ thuật khi không còn trẻ. Sự tiếp tục của bà với nghề nghiệp này cũng chẳng mấy khi dễ dàng vì đơn giản, dù thế nào, bà cũng không phải là người bản địa để có thể thuận tiện hơn trong việc xoay sở với cuộc sống ở một đất nước mà sự đổi thay thường xuyên đã được xem như là một bản chất của mọi cạnh khía đời sống. Vậy mà đã gần 20 năm bà gắn bó với nơi này. Trong quãng thời gian dài dặc ấy, các triển lãm mỹ thuật của bà ở Hà Nội đều đem lại nhiều sự thú vị cho công chúng, bởi ít nhất, họ cũng khó mà có thể đoán được bà sẽ làm gì tiếp theo. Điều này, thật tiếc, không dễ tìm thấy ở nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam.

Sau triển lãm tại Việt Nam lần này, bà lại cấp tập chuẩn bị cho một triển lãm khác ở Helsinki, “hoàn toàn mới và khác” – bà nhấn mạnh. Bà cũng hi vọng rằng hàng trăm mét vải in công phu ở Ấn Độ sẽ được coi như một sản phẩm độc đáo- một đóng góp khác biệt cho ngành thiết kế thời trang. Biết đâu, những mặt bàn mica bình dân ấy của Việt Nam lại trở thành chất liệu của một nhà thiết kế thời trang Phần Lan trong tương lai… Những cái bình dị hoàn toàn có thể làm nên nghệ thuật lắm chứ, miễn là nó gặp được đúng người…

(*) Triển lãm tiêu đề Kết thúc nghệ thuật rồi, cái gì cũng được, gồm ba phần: phần tranh trên khung toile và trên những vỉ hấp xôi ngoại cỡ, có đường kính khoảng 1,2m; phần của những chiếc bàn đặc biệt có bề mặt được làm bằng thép không gỉ, cũng là bề mặt của một bức tranh với chất liệu chủ yếu là nước sơn móng tay; phần của 5 manequin với 5 mẫu trang phục do bà thiết kế, bày kèm các tấm vải độc đáo. Triển lãm diễn ra tại gallery Art Việt Nam, số 7- Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội, từ ngày 10- 12- 2010 đến ngày 7- 1- 2011.

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)