Mắt nào xanh nhất, Mắt nào bị hỏng?

Trong tập tiểu luận The Origin of Others (Nguồn gốc của ngoại tộc), nhà văn người Mỹ gốc Phi Toni Morrison kể lại kỷ niệm thời ấu thơ vào những năm 1932 – 1933, khi bà đang chơi ở nhà thì cụ cố ghé thăm.

Toni Morrison.

Cụ cố, một người chống gậy nhưng có một quyền lực thần bí khiến tất cả đàn ông trong nhà cũng phải đứng dậy. Khi thấy hai chị em Toni Morrison – cũng đen tuyền như mình, cụ thốt lên: “Bọn trẻ này đã bị làm hỏng”, theo đúng từ gốc là “tampered with”, nghĩa là bị động chạm và biến đổi đến mức gây hại. Toni Morrison sau này nhận ra “bị làm hỏng” hàm ‎ý về một sự Ngoại Tộc hoàn toàn. Cảm giác ô nhục vì chủng tộc ấy được bà ấp ủ hơn 30 năm để ra đời tiểu thuyết đầu tay, The Bluest Eye Mắt nào xanh nhất (theo bản dịch của Thiên Nga).

Mắt nào xanh nhất mở đầu bằng một lời tựa, một lời trần tình, một lời minh định vì sao mình lại viết cuốn sách của chính Toni Morrison. Việc đưa ra một lời giải thích, một lý do viết, một góc nhìn ngay khi câu chuyện còn chưa bắt đầu dường như là việc làm tối kỵ của một nhà văn, nhất là một nhà văn lớn, nhưng Morrison đã làm thế, bằng cách tự đặt ra trước định đề: “Tôi tin chắc rằng không ai là không biết cảm giác bị ghét bỏ, thậm chí bị hắt hủi, trong chốc lát hay suốt khoảng thời gian dài”.

Bà bàn luận về sự tan biến của bản sắc, sự căm hận chính mình, phong trào đòi lại vẻ đẹp chủng tộc, cả cách mà bà xây dựng nhân vật trung tâm – Pecola, cô bé da đen xấu xí ao ước có một đôi mắt xanh, một chi tiết xinh đẹp mà con bé tin sẽ thay đổi đời mình. Rõ ràng đó không chỉ là một lời tựa, đó là một phần của cuốn tiểu thuyết này, một prelude không thể tránh khỏi, khi mà mọi thứ liên quan đến chủng tộc nếu không dễ dàng bị kịch tính hóa thì cũng dễ dàng bị đơn giản hóa. Bà nói “không muốn tước bỏ nhân tính của các nhân vật đã rẻ rúng Pecola và tiếp tay làm nó suy sụp”.

Cái ao ước sở hữu đôi mắt xanh không xuất hiện ngay. Pecola xuất hiện ban đầu chỉ là một cô bé mà gia đình MacTeer phải nhận nuôi; một cô bé hình như đã uống trộm ba quart sữa trong tủ ướp lạnh; một cô bé lần đầu tiên có kinh nguyệt với cái quần lót đẫm máu được hai đứa con nhà MacTeer đem chôn xuống hố; một cô bé khi nhận ra mình từ nay đã có thể có con, liền thắc mắc rằng làm sao có thể khiến ai đó yêu mình. Con bé lúc ấy chưa biết người sẽ khiến nó mang thai là cha nó.

Những vụ cưỡng hiếp dường như có một tính biểu tượng nào đó trong văn chương về người da đen. Giết con chim nhại cũng xoay quanh một vụ án cưỡng hiếp, Tom Robinson da đen bị kết án cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng trẻ tuổi. Trong Absalom, Absalom! của William Faulkner, Henry Sutpen đã giết đứa em trai cùng cha khác mẹ để ngăn nó lấy em gái mình không phải vì anh ta kinh tởm sự loạn luân, mà vì anh kinh tởm đứa em trai mang một phần mười sáu dòng máu da đen trong người. Dù chỉ một giọt máu da đen pha lẫn dòng máu da trắng thuần chủng cũng là sư ô uế. Giao hợp dị chủng là tội.

Toni Morrison đã có những trang viết hay nhất có thể về cách người ta thu vén những quyền lực nho nhỏ khi ruồng bỏ một kẻ dễ bị tổn thương và không khả năng chống cự, những trang viết không chỉ đúng với việc làm một người da đen trong thế giới da trắng, mà đúng với cả việc làm một con người trong thế giới con người.

Nhưng ở Mắt nào xanh nhất, vụ cưỡng hiếp là của hai người da đen, thoạt nhiên chẳng liên quan gì tới người da trắng, đó là một vụ bê bối nội bộ, một tội ác nội bộ. Nó đúng là thế nếu người cha da đen không từng là đứa trẻ bị bỏ lại bên đống rác cạnh đường ray khi mới bốn ngày tuổi, rồi lớn lên đinh ninh rằng Chúa là một ông già da trắng tử tế còn quỷ dữ là một tay đen đúa bổ cả thế giới như một trái dưa hấu cho lũ mọi đen nhai nuốt, và trong lần làm tình đầu tiên đã bị hai gã da trắng chiếu đèn pin vào và cười hi hi, bắt phải làm ngay trước mặt chúng. Nó đúng là như thế nếu đứa con gái da đen không phải là đứa bé hằng đêm đều khẩn khoản cầu xin được ban cho đôi mắt xanh xinh đẹp đến mức khiến cha mẹ nó không muốn làm điều gì tệ hại trước đôi mắt nó, đôi mắt xanh sẽ chữa trị phần nào những gì đã bị hỏng sẵn trong vẻ xấu xí thảm thương của nó.

Hành động vì tình yêu duy nhất mà người cha da đen có thể dành cho đứa con của mình là cưỡng hiếp, hai lần. Ngoài sự trìu mến ấy ra, anh chỉ có thể thấy hận thù nó tới nôn mửa. Sự thù hận dịu dàng và lòng yêu thương bại hoại đó phải chăng cũng vì đã nhìn thấy sự nối dài của mình trong đứa con, như cụ cố của Morrison đã nói về những đứa chắt rằng chúng “đã bị làm hỏng”. Với cụ cố của Morrison hay với người cha da đen, đó không phải sự căm ghét kẻ khác, đó là sự căm ghét chính mình và những gì mình có thể sản sinh nảy nở ra. Một cảnh thật tàn ác từ góc nhìn của kẻ gây tội nhưng được kể bằng thứ ngôn ngữ thật khổ sở, khổ sở một cách âu yếm và âu yếm một cách vô vọng.

Người cha đã có rất nhiều câu hỏi cho đứa con nhưng rốt cuộc anh ta không hỏi gì cả, kể cả việc sao nó dám yêu thương anh ta. “Tình thương sẽ khiến anh ta nổi nộ.” Anh ta không biết cho nó cái gì để đáp lại tình yêu nó dành cho anh và thứ duy nhất anh ta sở hữu chỉ là những hạt giống của chính mình, thứ tồi tàn nhất mà cũng là dấu hiệu duy nhất của tình yêu còn sót lại. Khả năng bày tỏ nỗi lòng đã bị thoái hóa thành đòn tấn công nguyên thủy nhất, đó mới là cái kết bi thảm hơn cả của Ngoại Tộc.

Pecola sinh con nhưng đứa bé chết. Tất cả thở phào, chỉ hai chị em gái nhà MacTeer đau khổ và hối hận. Chúng là những người duy nhất muốn đứa bé tội lỗi ấy sống vì chúng không thấy tội lỗi nào ở đó mà chỉ thấy “cần phải có ai đó muốn đứa bé da đen sống” chứ. Những đứa trẻ gia đình MacTeer là nghịch đảo của Pecola. Chúng không ao ước mắt xanh. Chúng bẻ gãy cả con búp bê Shirley Temple da trắng tóc vàng môi đỏ mà mọi người đều bảo là con búp bê xinh nhất. Chúng chẳng muốn được tặng búp bê cho ngày Giáng Sinh mà chỉ muốn ngồi trong bếp của bà ngoại và nghe ông chơi vĩ cầm. Chúng hối hận vì đã gieo hạt mầm cúc vạn thọ không đủ sâu xuống đất để có thể che chở cho đứa bé da đen ấy. Ở chúng, có sự chấp nhận trọn vẹn một màu đen nguyên tuyền thuần khiết, không hẳn là một niềm tự hào hay tự tôn mà chỉ là sự biết rất ngây thơ vào một bào thai da đen đang tồn tại, không liên quan tới mặc cảm hay cái ác hay nghiệt chủng. Ở những đoạn cuối, Toni Morrison đã có những trang viết hay nhất có thể về cách người ta thu vén những quyền lực nho nhỏ khi ruồng bỏ một kẻ dễ bị tổn thương và không khả năng chống cự, những trang viết không chỉ đúng với việc làm một người da đen trong thế giới da trắng, mà đúng với cả việc làm một con người trong thế giới con người.

Trong diễn từ nhận giải Nobel Văn chương của mình, Toni Morrison đã bắt đầu bằng câu chuyện về một người phụ nữ nông thôn mù lòa có khả năng thấu thị, một ngày nọ, một đám trẻ tuổi muốn vạch mặt bà là kẻ lừa đảo, liền tìm đến mang theo một con chim và hỏi bà con chim còn sống hay đã chết. Bà bảo, bà không biết nó còn sống hay đã chết, nhưng thứ duy nhất bà biết, đó là “nó nằm trong tay các người”, và như thế, sự sống chết của con chim hoàn toàn do chúng định đoạt. Trong diễn từ ấy, Toni Morrison sẽ nói tiếp về con chim như thứ ngôn ngữ bị áp bức và nhà văn là người phụ nữ mù. Nhưng đó là một câu chuyện khác. Điều mà ta thấy ở ngay đây, đó là người đàn bà không có mắt, hay ít nhất không có mắt sáng, đừng nói tới mắt xanh, bà đã không nhìn thấy gì cả vậy mà cùng lúc bà lại thấy tất cả. Thứ bị làm hỏng không phải đôi mắt, thứ bị làm hỏng là đôi tay đã bắt con chim.□

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)