Mất vui ở Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc

Vấn nạn sao chép trong lĩnh vực mỹ thuật một lần nữa lại đánh động dư luận sau khi một tác phẩm ở Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc vừa bị Ban tổ chức kết luận là nhái ý tưởng của một bức tranh khác và cho dỡ xuống.

Đó là trường hợp của tác phẩm “Chờ xử lý” của Đỗ Trung Kiên, bị cho là sao chép bố cục bức tranh “Phượt 2” của Nguyễn Quang Hải.

Tác phẩm của Nguyễn Quang Hải đã được trưng bày trong triển lãm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt (VietArt Centre) tại Hà Nội, trước khi Festival Mỹ thuật trẻ khai mạc.

Họa sĩ Nguyễn Quang Hải nổi tiếng ở ĐH Mỹ thuật Việt Nam là người thích đi phượt, không phải chỉ riêng lần này mà trước đó, hình ảnh những chiếc xe Minsk đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác anh.


“Phượt 2”
của Nguyễn Quang Hải

Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc được tổ chức trong những ngày đầu tháng 12 là một sự kiện được công chúng yêu nghệ thuật hết sức quan tâm. Với sự mở rộng về quy mô, hình thức thể hiện, Festival là một cuộc hội ngộ màu sắc và cảm xúc của những người trẻ. Việc để lọt tranh nhái hiển nhiên làm cho Festival có phần mất vui, đồng thời nó cũng khiến người ta không khỏi liên tưởng đến những sự vụ tương tự trước đây.

Năm 2005, Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc gây chấn động trong giới khi trao Huy chương đồng cho tác phẩm “Bình minh trên công trường” của Lương Văn Trung “nhái”, một tác phẩm gần như sao chép nguyên bản về bố cục, chất liệu, đề tài thể hiện bức tranh “Đội lao động” của họa sĩ Nga Cuznesov sáng tác năm 1981. Cùng năm đó còn có sự kiện tác giả Nguyễn Trung Kiên đoạt giải cao với bức tranh cổ động “Đảng là cuộc sống của tôi” sao chép hình tượng từ bức ảnh “Nụ hôn của gió” của tác giả Trần Thế Long.

Năm 2010, “Đừng để HIV/AIDS lấy đi cuộc sống của bạn”, tác phẩm đoạt giải A cuộc thi sáng tác tranh về chủ đề phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên, của tác giả Nguyễn Tấn Khởi bị phát hiện đã “mượn” hình ảnh trong tác phẩm của tác giả Rewais Hanna, Giải nhì cuộc thi What if it were you (Nếu là bạn thì bạn sẽ làm gì?) tại trường Trung học Edgewood, Madison, bang Wisconsin (Mỹ) năm 2009. Tác phẩm “Dưới mưa” của tác giả Nguyễn Đức Khởi, Giải đồng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2010, cũng bị cho là ảnh hưởng ý tưởng, bố cục trong bức tranh “Những mảng hồng” của tác giả Trần Công Dũng.

Mỗi khi có sự cố sao chép ở các cuộc thi mỹ thuật, chúng ta thường đổ lỗi cho Hội đồng nghệ thuật, nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Trong một biển tác phẩm, việc phát hiện tác phẩm này giống tác phẩm khác không phải là điều dễ dàng.

Trong một bài phỏng vấn, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã khẳng định: “Chúng ta còn thiếu, hay nói đúng hơn là chưa dám mạnh tay bằng cách áp dụng những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để nâng cao hơn ý thức nghề nghiệp của mỗi họa sĩ”. Nhưng xét cho cùng, không nên ảo tưởng có thể xử lý triệt để nạn sao chép trong các tác phẩm nghệ thuật bởi nó chịu sự điều chỉnh của quan niệm về đạo đức nghề nghiệp của mỗi cá nhân nhiều hơn là luật pháp.

 

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)