Mẩu chuyện tâm linh: Hồn người Mông đi về đâu?

Những năm tháng lên rừng Tây Bắc, tôi có vài lần dự đám tang của người dân tộc Mông. Ông thầy cúng hát bài dẫn đường linh hồn của người vừa khuất, mãi sau này tôi mới được biết câu mở đầu bài hát là: Hỡi người chết đi trên nhung lụa ơi!

Xưa tôi làm quen với một anh bạn trẻ người Mông, đến nay đã mười lăm năm. Anh Giàng Seo Gà. Anh thổi sáo Mông, ống sáo to, giọng trầm, tiếng sáo trôi chầm chậm lẫn khuất trong lá rừng. Dạo đó anh họ Giàng chăm chú nghe một cụ già, già nhất, trên trăm tuổi. Cụ kể chuyện về nguồn gốc người Mông, cụ hát về những ngày khai thiên lập địa. Cuộc giao ban truyền miệng đượm ánh lửa thiêng giữa hai thế hệ người Mông giữa rừng hoang dã trên lưng dãy Hoàng Liên Sơn đó tiếc là chẳng có ai dịch giùm cho tôi nghe hiểu.
Tôi tạm biệt anh bạn trẻ còn nguyên chất Mông, người con trai thô ráp của đỉnh núi cao nhất nước, ngọn Phan Xi Păng. Biết bao giờ tôi học được tiếng Mông. Biết bao giờ anh ta nắm được tiếng Kinh, đủ giảng cho tôi hiểu tâm hồn một dân tộc luôn chiếm những đỉnh núi cao nhất của miền Tây Bắc.
Bẵng đi rất lâu, năm 2005 tôi tìm thăm gia đình anh, một gian nhà nhỏ trong góc khuất của Sa-pa, không mấy ai để ý. Vợ anh đang khâu cái váy Mông có một trăm nếp gấp. Anh đã sang tuổi bốn mươi. Tôi hỏi hai cháu của anh bây giờ thế nào? Anh nói hai cháu đang ở thành phố Hồ Chí Minh, vào đó biểu diễn ca múa nhạc của người Mông nhân dịp ba mươi năm thành phố được giải phóng. Tôi ngạc nhiên sung sướng, một tin vui tôi không hề mong đợi. Hai con anh đã cùng anh nhen lửa giữ lấy bản sắc của dân tộc mình.
Anh mỉm cười, mở ngăn kéo, lôi ra một tập bản thảo, biếu tôi, liếc mắt nhìn tôi, thăm dò. Thêm một bất ngờ thú vị. Tập bản thảo của anh dài trên 200 trang bằng tiếng phổ thông. Tên tác giả Giàng Seo Gà và tên tác phẩm là Tang ca của người Mông Sa-pa. Trong sách có trên ba mươi bài hát tiễn đưa linh hồn người Mông. Từ một thanh niên của rừng thẳm, bẵng đi, nay gặp lại thì anh đã trở thành hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, một bước nhảy vọt. Cuốn sách của anh có lịch sử người Mông, có văn hóa, có chuyện tâm linh. Tâm hồn của người Mông và lịch sử vũ trụ được dồn nén trong ba mươi bài ca lễ tang. Trong sách có hình tượng những người anh hùng khai thiên lập địa. Rồi những biến thiên lớn lao của trái đất đã từng làm lao đao nhân loại, hết nạn đại hồng thủy lại đến thời kỳ mặt đất cháy bỏng vì khô hạn. Quả thực là những chuyện đó gần gũi với kinh thánh phương Tây, với trường ca Tây Nguyên hoặc cổ tích Việt Nam. Nhưng người Mông ta cũng có những cách nhìn khác. Trong tang ca của thầy cúng dẫn dắt linh hồn người Mông đi tìm tổ tiên thì không có đâu chuyện địa ngục, cũng chẳng có đâu là thiên đường như sự tưởng tượng của nhiều dân tộc khác. Trong vùng tối âm u mà hồn người Mông phải vượt qua, tạm gọi là âm phủ, không có quỷ sứ đày đọa tra tấn người quá cố, không có cảnh chặt đầu moi bụng, vứt xác họ vào vạc dầu đang sôi, cho chết đi sống lại, sống để tiếp tục chịu đựng những cuộc hành trình bất tận ở cõi âm. Âm phủ của người Mông chỉ là một bến chờ trên con đường họ lên trời đi tìm hồn tổ tiên nguồn cội. Không địa ngục, chẳng có thiên đường.

Thiên đường của phương Tây được miêu tả là vườn muôn hoa thơm, quả ngọt bốn mùa, người đẹp vây quanh, ai được đầu thai lên đấy rồi thì hưởng sung sướng muôn đời. Tôi hỏi anh Giàng Seo Gà sao chốn thiên đường của các anh lạ thế, nơi Ngọc Hoàng thượng đế ngự trị, mà chẳng có hồn người nào muốn lưu luyến? Theo quan niệm của người Mông thì trên trời dưới đất gì thì cũng chừng ấy chuyện vui buồn. Lên trời, tìm gặp được hồn tổ tiên là mừng rồi thì nên sớm tìm đường quay về dương thế. Trước khi về phải nhớ đưa tiền lo lót cho Ngọc Hoàng và khi đã đặt chân xuống nấc thang nối liền trời với đất lại phải một lần nữa đưa tiền cho người lính nhà trời đứng gác ở cửa khẩu ấy. Còn hồn ma nào lề mề, dại dột thì còn bị Ngọc Hoàng lừa bắt làm trâu ngựa khổ sai để cày bừa trên cánh đồng của nhà trời ấy chứ.
Nói tâm hồn người Mông là đơn giản thì nó đơn giản. Nếu nói là sâu lắng thì thực sâu lắng gần gũi. Quê hương trần thế này, dù có thế nào đi nữa cũng là máu thịt của ta. Tang ca dặn: Hồn về đến mặt đất thì phải tìm được nơi chôn cái nhau của mình như vậy mới có thể trở lại làm người. Được sống làm người là quý nhất, dù lúc vừa đặt chân xuống mặt đất đã thấy ông thổ thần vòi tiền củi, tiền nước, ta chớ lấy đó làm phiền. Tang ca của người Mông mà thầy cúng xướng đọc không nghe thê luơng. Chỉ dịu lòng, trầm tĩnh vì lời dặn thâm thúy.
Anh Giàng Seo Gà giảng giải, theo tang ca của người Mông thì vũ trụ này được tạo dựng nên bởi tình yêu. Hai người anh hùng khai thiên lập địa là ông Chài và bà Chài khêu gợi được tình yêu trong lòng người con gái. Ông Chài khêu gợi được tình yêu trong lòng người con trai. Vì vậy ông bà cùng nhau tạo dựng nên vũ trụ, làm nơi trú ngụ cho tình yêu. Ông Chài được phân công xây dựng bầu trời, bà Chài thì xây đắp mặt đất. Xong việc, đem ráp trời đất lại thì tiếc thay đất lại rộng hơn trời. Bà Chài đành co ép mặt đất cho vừa khuôn trời khiến đất nứt nẻ thành sông thành núi, thành một trăm nếp gấp mà phụ nữ người Mông ngày nay còn lưu giữ trên gấu váy của mình.
Lại hỏi anh Giàng Seo Gà sao câu mở đầu của nhiều bài tang ca là câu: Hỡi người chết đi trên nhung lụa ơi?
Đó là câu nói về những người sống đã làm tròn số phận, nên được một cái chết thanh thản.
Tang ca còn có lời chỉ dẫn: Sinh, ai cũng như ai. Chết, mỗi người mỗi cách. Biết lối sống đã là khó, biết lối chết lại càng khó hơn.
Thầy cúng còn dặn mỗi linh hồn khi sắp đầu thai làm người trần gian là:
Khôn bao nhiêu cũng chưa thấy là đủ,
Khéo bao nhiêu cũng chưa thấy là được,
Xấu một chút đã thấy quá thừa
Tốt cả đời vẫn còn thấy thiếu.

Người Mông ít nói, nói ít. Nhưng trong tôi đã tiêu tán dần cái ý nghĩ rằng người Mông đơn giản, rằng “cái lý người Mông” thường là chợt đến bột phát. Nếu tôi không nhầm thì dân tộc Mông đã có hàng nghìn năm lịch sử, nhiều thời oanh liệt, những bước thăng trầm, một tâm hồn thâm trầm lắng đọng.

Phạm Hồng

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)