“Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh”

Những bộ áo dài xưa từ cố đô Huế thuộc bộ sưu tập cá nhân của bà Thái Kim Lan sẽ được trưng bày trong triển lãm “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” tại Viện Goethe Hà Nội từ 16 đến 30/1/2014.

Lấy cảm hứng từ một bài thơ của chính bà Thái Kim Lan, “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” sẽ là cuộc trở về xuyên thời gian vào thế giới của những chiếc áo dài có số phận đặc biệt. Được đặt trong không gian nghệ thuật sắp đặt đa phương tiện với những vật dụng Việt Nam quen thuộc và tám màn hình video của nữ nghệ sĩ Đức, Veronika Witte, mỗi bộ áo dài sẽ lần lượt được kể những câu chuyện của mình: về người sở hữu, về cách và dịp sử dụng, cách được gìn giữ và sự biến mất – những điều làm nên ý nghĩa của của chúng. Tám nhân vật không quen biết, như người tì nữ 95 tuổi cuối cùng còn sống của Hoàng hậu và một cô sinh viên 19 tuổi, cùng trò chuyện với nhau trong một đoạn phỏng vấn ghép. Đó là một cuộc trò chuyện hư cấu về sự bảo tồn, về thời gian và về ý nghĩa của áo dài trong với cuộc sống của họ.

Trong khuôn khổ triển lãm, bà Thái Kim Lan, nghệ sĩ Veronika Witte và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cùng trò chuyện về ý nghĩa và giá trị di sản của những bộ Áo dài lễ phục trong lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Sinh ra tại Huế và theo học ngành triết học và Đức ngữ tại Việt Nam và Đức, bà Thái Kim Lan tốt nghiệp Đại học Ludwig-Maximilian tại Munich năm 1976. Bà sống và làm việc tại Munich tới năm 2007 với tư cách giảng viên môn triết học đối chiếu. Từ năm 1994, bà còn giảng dạy tại TPHCM và Huế. Thái Kim Lan còn là người đồng sáng lập Tổ chức Hữu nghị Đức-Việt thứ 2. Ngoài các ấn phẩm về triết học, bà còn viết sách, sáng tác thơ và dịch một số tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ Đức sang tiếng Việt, trong đó có các tác phẩm của Bertolt Brecht. Một số bài thơ trong tập thơ song ngữ “Lạnh hơn xứ mình” của bà đã giành được giải thưởng cả ở Đức và Việt Nam.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)