Maya Angelou: Hấp lực đại chúng của tiếng nói thiểu số

Angelou là một ngòi bút cần mẫn, giàu nội lực, toàn năng, không bó gọn trong một thể loại duy nhất nào. Tác phẩm của bà trải từ tiểu luận, thơ, tự truyện, đến kịch bản, sách thiếu nhi,… Không chỉ thế, Maya Angelou còn là một diễn giả nổi tiếng có ảnh hưởng lớn, một ca sĩ, một diễn viên, một nhân vật truyền hình nổi bật.

Google kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Maya Angelou

Angelou và ý thức đại chúng

Maya Angelou (1928-2014), tên khai sinh là Marquerite Ann Johnson, ra đời tại St. Louis, bang Missouri, ngày 4 tháng 4 năm 1928. Được anh trai gọi âu yếm bằng cái tên “Maya” từ thời thơ ấu, sau này bà tự đặt bút danh cho mình bằng cách ghép thêm phần biến thể tên họ người chồng đầu tiên của mình: Tosh Angelos. Là một nhà văn, Angelou nổi tiếng nhất qua bộ sáu cuốn tự truyện, mà thành công hơn cả là cuốn đầu tiên: Tôi hiểu vì sao chú chim trong lồng cất tiếng ca (1970). Từ ấn phẩm đầu tay này đến cuốn tự truyện thứ 6, cuốn cuối cùng xuất bản năm 2002, Angelou đã để lại một bộ sách ghi chép thành thực cuộc đời bà, từ một vài năm sau khi chào đời cho đến năm 1986 – một mốc thời gian đầy chủ ý. Dù các nhà phê bình chính thống đa phần mới chỉ thừa nhận giá trị văn chương của thể loại tự truyện trong sáng tác Angelou, các sản phẩm văn chương đã xuất bản và được công chúng mến mộ của bà đã đạt tới một số lượng ‘khủng’ hơn rất nhiều so với việc chỉ dừng lại ở một vài cuốn tự truyện. Không thể không kể đến những tiểu luận đầy cảm xúc của Angelou như “Tôi chẳng mang theo gì trong hành trang của mình” (1993), “Đến cả những vì sao cũng cô đơn” (1997); hay những tác phẩm hấp dẫn, giàu động lực viết cho thiếu nhi như Cuộc sống không làm tôi sợ hãi (1993), Ngôi nhà đa sắc, Gà con thân thiện và Tôi (1994), Kofi và những trò phép thuật (1996), cùng 4 tập truyện lớn trong bộ Thế giới của Maya (2004) viết về trẻ em các vùng Phần Lan, Ý, Pháp, Hawaii. Không những thế, bà còn tham gia viết kịch, kịch bản phim truyền hình, truyện ngắn, cho ra đời nhiều album thu âm hát và kể chuyện. Nhiều người đến với Angelou trước tiên qua thơ bà, những bài thơ dễ đọc, dễ tiếp cận, dễ đồng cảm, dễ trích dẫn, và cũng là thể loại bà thực hiện nhiều màn đọc và trình diễn ấn tượng trước công chúng. Angelou xuất bản tổng cộng 6 tập thơ, chưa kể một tập hợp các bài thơ lẻ được xuất bản năm 1994. Tập đầu tiên, Tôi chỉ xin một cốc nước mát lành trước khi lìa trần (1971) từng được đề cử giải Pulitzer. Phần lớn công chúng nhắc đến bà trong tư cách là tác giả và cũng chính là người trình bày bài thơ “Trên nhịp đập bình minh” tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mĩ thứ 42 William Jefferson Clinton ngày 20/1/1993. Sau sự kiện đình đám đó, Angelou trở thành một diễn giả nổi tiếng, liên tục được mời đọc thơ tại những sự kiện trọng đại. Trên tất cả, tác phẩm của Maya Angelou, dù thuộc thể loại nào hay đến với công chúng dưới hình thức nào, đều bộc lộ một nỗ lực muốn ‘dịch’ những trải nghiệm và tư duy cá nhân thành những sáng tạo dễ tiếp cận nhất cho một lượng công chúng đông đảo nhất có thể – dù là da trắng hay da màu, trẻ hay già, phụ nữ hay nam giới, học cao hay không được học hành, quốc tịch Mĩ hay công dân quốc tế.

Tự truyện – một nỗ lực đạt tới ‘nghệ thuật bậc cao’ theo chuẩn mực ‘trắng’ từ những trải nghiệm ‘đen’

Maya Angelou từng kể lại trong một bài phỏng vấn rằng: Robert Loomis, cựu biên tập viên Nhà xuất bản Random, đã hối thúc bà hãy viết tự truyện về cuộc đời mình, khuyến khích bà ‘hãy viết một tác phẩm tự truyện văn học’. Vốn chỉ tự coi mình là một nhà thơ và nhà viết kịch, bà đã liên tục khước từ lời đề nghị của Loomis, cho đến khi ông đưa ra lời thách thức: “viết một cuốn tự truyện văn học là một chuyện gần như bất khả”. Và Maya lập tức đáp rằng bà nhất định sẽ làm được điều đó.

Angelou thường thừa nhận mình ít khi cưỡng lại nổi những lời thách đấu. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là, lời thách thức khiến bà cuối cùng quyết tâm viết tự truyện (mà rồi sẽ đưa đến sự ra đời của ấn phẩm tuyệt vời Tôi hiểu vì sao chú chim trong lồng cất tiếng ca năm 1970) không đơn thuần là lời kêu gọi viết tự truyện, mà là sự thách thức được ngụ ý trong nhận xét của Loomis rằng, viết một tác phẩm tự truyện ‘văn học’ là điều không dễ dàng. Angelou, bởi thế, đã viết, không chỉ từ một khao khát đơn thuần muốn kể lại đời mình, mà còn như để thực hiện một hành vi chính trị. Điều này sẽ sáng rõ hơn khi đặt tác phẩm của bà trong bối cảnh văn chương các tác giả Mĩ gốc Phi. Trong ý thức của họ, chế độ nô lệ vốn đặt nền tảng dựa trên tín điều cho rằng kẻ nô lệ không đáng được coi là con người, và những người kể chuyện mang thân phận nô lệ phản ứng lại bằng nỗ lực viết các tác phẩm văn chương ‘đích thực’ như một lời khẳng định: bản thân họ là con người, và xứng đáng được đối xử như những con người. Rất nhiều tác giả Mĩ gốc Phi, cả trước và sau giải phóng, đã sử dụng chiến lược tự sự này để chống lại hệ thống phân cấp chủng tộc vốn coi họ chỉ là hạng công dân thứ cấp. Cách hữu hiệu để đạt được đích ngắm chính trị này là khả năng cho ra đời thứ ‘nghệ thuật bậc cao’ (high art) vẫn thường được truyền thống châu Âu trung tâm luận xưng tụng như một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nền văn minh nhân loại. Không nằm ngoài quán tính ấy, việc Angelou viết Chú chim trong lồng hay các tác phẩm tự truyện khác, thực chất, cũng là đang thực hiện một hành vi chính trị, với mục đích tối hậu là cất tiếng nói đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tiếng nói đấu tranh vì quyền người da màu ấy lại được truyền tải qua một hình thức tự sự được truyền thống nghệ thuật lấy ‘phẩm tính trắng’ làm chuẩn tôn lên làm ‘nghệ thuật bậc cao’. Khía cạnh chính trị, bởi thế, nằm ngay từ hình thức tác phẩm, từ kĩ thuật sắp xếp tổ chức mạch sự kiện điêu luyện, sẵn sàng phá dỡ trình tự thời gian để đặt các trường đoạn chuyện kể bên cạnh nhau theo một trật tự có chủ ý. Không thể chối cãi được sự đóng góp của Maya Angelou cho hình thức tự truyện trong văn học Mĩ, mà tới bây giờ, ‘gần như chưa ai có thể vượt qua’. Sự thăm dò độc đáo bản ngã nội tại, cách sử dụng ấn tượng lối viết hài hước tự trào, sự nhạy cảm về ngôn ngữ, và khả năng dung hòa trải nghiệm cá nhân với khát vọng cộng đồng đã nâng Angelou lên thành ‘bậc thầy thể loại’ (Sipokazi Koyana). Tuy nhiên, chính trong chiến lược hình thức theo chuẩn mực nghệ thuật phương Tây truyền thống ấy, điểm đặc biệt của ngòi bút Angelou là khả năng đan cài vào đó những “trải nghiệm đen”, những yếu tố Mĩ gốc Phi như nhạc blue, truyện kể đường phố, và đặc biệt, dư vị của cảm quan nô lệ. Mary Jane Lupton, khi viết lời giới thiệu cho cuốn Maya Angelou: Một dẫn nhập phê bình, cho rằng tác phẩm của bà “đã vượt ra bên ngoài truyền thống tự truyện, làm phong phú thêm truyền thống ấy bằng trải nghiệm đương đại và sự nhạy cảm nữ giới”. Tự truyện của Angelou, trước hết, là một câu chuyện cá nhân hết sức riêng tư về những nỗi đau đầu đời, khi mang thai và sinh con trong độ tuổi vị thành niên, nỗi vất vả của một bà mẹ đơn thân. Những trải nghiệm của Angelou trong tư cách một người mẹ da màu thuộc tầng lớp lao động đã ‘giải huyền thoại’ hệ thống chuẩn mực của cộng đồng da trắng về ‘nữ tính’ và ‘mẫu tính’ vốn chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình.

Thay thế cho mô thức hành trình từ nô lệ đến tự do trong truyền thống văn chương nô lệ nam giới, Angelou kể về hành trình của những kẻ bị bứng khỏi không gian văn hóa gốc. Hành trình mới này gắn với làn sóng di cư của người nô lệ từ châu Phi sang châu Mĩ, từ các vùng ven biển đến các đồn điền Nam Mĩ, từ nông thôn phương Nam đến đô thị phương Bắc suốt thế kỉ 20, và vẫn còn tiếp tục cho đến tận những năm gần đây. Cảm thức ‘bị bật rễ’ (uprootedness) và khát vọng kiếm tìm một mái nhà thấm đẫm trong các tác phẩm của Angelou. Đứa trẻ trong Tôi hiểu vì sao chú chim trong lồng cất tiếng ca đã bị chính cha mẹ mình đẩy đi xa. Suốt cuộc đời sau này của cô bé, cho đến năm mười sáu tuổi và sinh cậu con trai đầu lòng Clyde, là một cuộc hành trình tìm kiếm một nơi chốn cho mình cảm giác an toàn và quy thuộc. Với cuốn tự truyện thứ 5, Mọi đứa trẻ của Chúa Trời đều cần một đôi giày du hành, Angelou mở rộng phạm vi tìm kiếm mái nhà ra một bối cảnh rộng lớn hơn, từ nước Mĩ thực hiện một cuộc du hành trở lại châu Phi, rồi lại quay về đất Mĩ. Mọi chuyến lên đường, với bà, gần như đều hứa hẹn một sự ‘trở về’: “Đều đặn nhịp nhàng, chiếc xe song mã êm ru đang tới mang tôi về nhà…”  
 
Nhà thơ của niềm đồng cảm lớn

Thơ Angelou đã có được thành công hiếm thấy trong khả năng tiếp cận và cảm hóa công chúng. Thơ bà đã được đưa vào phim, vào sách thiếu nhi, được dẫn lại trong các buổi lễ kỉ niệm trường, được in trên thiệp mừng, đính trên poster, tóm lại, được nối dài cảm hứng qua vô số các hình thức truyền thông khác.

Angelou đã đưa ra quan điểm rằng văn học, đặc biệt là thơ ca, có thể cất tiếng cho một tiếng nói đồng cảm lớn, đôi khi phá vỡ những rào cản thông thường của sắc tộc, quốc gia, tầng lớp. Với bà, thơ có khả năng tạo ra một tình yêu thương không biên giới bởi nó cho phép chúng ta “đặt chân vào đời sống riêng tư của những người xa lạ, chia sẻ niềm vui sướng hay nỗi khiếp sợ ẩn sâu bên trong họ”, và “khi những giọt nước mắt đã ngập tràn nơi khóe mi cũng là lúc chúng ta quên đi cái cá nhân vị kỉ của mình”. Điểm nhìn này về thơ, không gì khác, là ý thức về quyền năng của ngôn ngữ văn chương – một thức nhận khiến Angelou chủ động dùng thơ để phá vỡ những thiên kiến mù quáng và sai lầm, khơi gợi một tình yêu thương không biên giới, đưa đến sự gắn kết cộng đồng. Chính trong nỗ lực sáng tạo ấy, Angelou đã biến thơ mình thành một can thiệp chính trị. Bà không truyền bá tư tưởng giải phóng một cách trực tiếp công khai mà thường đóng vai một nhân vật trữ tình tuyệt vọng, mất mát, liên tục phải đối mặt với nỗi khốn cùng. Không hô hào lên gân, ngược lại, thơ Angelou không giấu giếm những trăn trở nội tâm và trải nghiệm cá nhân. Điều đáng nói là, bà chọn lựa những kinh nghiệm thân thể và tinh thần được cả cộng đồng chia sẻ. Angelou không ngừng kéo cộng đồng về phe mình, dẫu cộng đồng ấy là da trắng hay da màu, nam giới hay nữ giới. Điều bà hướng đến là xây dựng một cộng đồng nạn nhân – những người đọc, người nghe cùng chia sẻ một câu chuyện, cùng chung nỗi đớn đau và chấn thương của người nói – một cộng đồng mang bệnh đang được chữa bệnh bằng việc lên tiếng thừa nhận nỗi đau. Thơ Angelou, bởi vậy, không che giấu nhu cầu ghi nhớ kinh nghiệm cộng đồng gắn với đòi hỏi liên tục tái xác lập căn tính của chủ thể da màu trong bối cảnh Mĩ. Nhưng điều ấy không đủ để lí giải sức hấp dẫn lớn của thơ bà. Đáng nói hơn, trong thơ mình, Angelou đã xây dựng được kiểu chủ thể phi biên giới, vượt ra bên ngoài phạm vi chủng tộc hay gốc gác sắc tộc, để truyền tải một ý thức sống mạnh mẽ và kiên cường. Điều mà bất cứ ai cũng có thể được truyền cảm hứng khi đến với thơ Angelou là niềm tin rằng mọi trải nghiệm, dù khủng khiếp đến đâu, cũng có thể vượt qua; dù có phải đối mặt với những nhục nhã hãi hùng nào, cũng không bao giờ được đánh mất hi vọng vào sự phục sinh bản ngã. Như lời một bài thơ được trích dẫn rất nhiều của bà: “Nỗi muộn phiền tôi mang khiến bạn buồn ư?/ Sao phải để nỗi sầu khổ ngáng chân mình?… Bởi như mặt trăng và mặt trời kia/ Cả những cơn thủy triều lên rồi lại hạ/ Như hi vọng cứ mỗi độ xuân lại dâng đầy/ Dẫu ngã xuống tôi cũng sẽ đứng lên” (Tôi sẽ đứng lên).

Tác giả

(Visited 36 times, 1 visits today)