Miami trở thành điểm nóng văn hóa quốc tế như thế nào?

Cách đây một thập kỉ, Miami được xem là một thiên đường bãi biển nhiệt đới nhưng gần như không phải là một ốc đảo nghệ thuật quốc tế. Thực tế, sau những vụ bạo lực kiểu Miami Vice  của những năm 80, 90, theo sau là những lùm xùm chính trị xung quanh vụ cậu bé Elián González, và những hình ảnh tai tiếng của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, Thành phố Ma thuật này đã được biết đến nhiều hơn như một vùng đất văn hóa hoang tàn mà những màn biểu diễn mang tính thẩm mỹ cao quý nhất của nó là phẫu thuật thẩm mỹ.

Sự khác biệt mà 10 năm đã mang lại – nhờ một phần không nhỏ của Art Basel Miami Beach – một triển lãm được phát triển từ một nhánh của Art Basel nổi tiếng ở Thụy Sĩ nhưng sau đó bằng chính thực lực của mình đã trở thành một trong những hội chợ nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, và chắc chắn là nổi tiếng nhất ở Châu Mỹ. Triển lãm lần thứ 10 năm nay bắt đầu từ ngày 1/12 đến hết cuối tuần. Triển lãm có các tác phẩm đương đại của hơn 2.000 nghệ sĩ được cung cấp từ 265 gallery lớn đại diện cho 5 châu lục cũng như một loạt các sự kiện, hội chợ vệ tinh mở rộng từ Miami Beach tới những khu vực nghệ thuật Miami mới, sôi động như Wynwood, và tất nhiên là có cả các bữa tiệc nghệ thuật nhộn nhịp của giới ở các hành lang kiến trúc Art Deco dọc đường Ocean Drive và Collins Avenue. “Không nghi ngờ gì về việc đây hiện là hội chợ nghệ thuật hàng đầu ở Mỹ” – nhà sưu tập nghệ thuật Norman Braman cho hay. Ông là một tỷ phú ở Miami và là người giúp mang Art Basel đến Florida.

Ông Barman thuộc một nhóm những người Miami nổi tiếng – những người đã quyết định thay đổi danh tiếng tầm thường của thành phố này vào những năm 2000. Các giám đốc của Art Basel – những người có hội chợ thường niên vào tháng 6 đã trở thành sự kiện nghệ thuật đương đại mà người ta cho là quan trọng nhất trên thế giới kể từ khi thành lập vào năm 1970 – muốn thiết lập một nhánh cho thương hiệu của mình ở Bắc Mỹ, được tổ chức vào tháng 12. Đương nhiên họ đã tìm kiếm một địa điểm có khí hậu ấm áp và Miami – một nơi để trốn tránh mùa đông cho nhiều nhà sưu tập nghệ thuật châu Âu – có vẻ là một ứng cử viên hợp lý. Tuy nhiên, họ phát hiện ra thành phố này không chỉ vì nhiệt độ dịu nhẹ của nó. “Tôi không nghĩ rằng Basel cuối cùng sẽ tới đây nếu họ không thấy rằng Miami thực sự là một trong những thành phố đa văn hóa và mang tính quốc tế nhất ở Mỹ” – bà Carol Damian, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Frost ở ĐH Quốc tế Florida của Miami. “Một hội chợ nghệ thuật quốc tế được tổ chức ở đây mang rất nhiều ý nghĩa”.

Đó cũng là vì “mầm nghệ thuật đã sẵn có ở đây” – bà Damian nói thêm, dưới hình thức của một cộng đồng nghệ thuật còn non nớt nhưng tràn đầy năng lượng với những cửa hàng nghệ thuật tại các khu từng một thời heo hút như khu Wynwood phía bắc của trung tâm thành phố Miami, hay như khu Design District gần đó. “Nhiều người trong số chúng tôi chán cảnh thành phố này bị coi như là một miền tây hoang dã của ma túy, súng ống và tham nhũng. Vì thế, chúng tôi bắt đầu tạo ra môi trường văn hóa riêng của chúng tôi ở đây, và tôi cho rằng khi Art Basel tới, họ nhìn thấy tiềm năng”. Bà lưu ý, cảm giác về sự luôn thay đổi, dù hay dù dở, của Miami: “Một bối cảnh nghệ thuật đương đại cần luôn phải biến đổi và Miami không bao giờ chững lại”.

Triển lãm Art Basel Miami Beach đầu tiên, dự kiến vào năm 2001, đã bị hủy bỏ sau sự kiện 11/9. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, sự kiện này đã có sức hút nhanh một cách bất thường, thu hút những gallery quốc tế hàng đầu như Waddington của London và Acquavella của New York – nơi đã bán bức “Man Drawing” của Richard Diebenkorn vào năm ngoái với giá 5 triệu USD. Năm 2010, hội chợ này thu hút 46.000 khách (Art Basel có 62.000 khách) và đạt doanh thu bán hàng tới hàng chục triệu đô-la – con số hứa hẹn sẽ lại tăng vào năm nay. Phiên bản năm 2011, tổ chức ở Trung tâm hội nghị bờ biển Miami, cũng sẽ có các triển lãm và những màn biểu diễn lần đầu tiên xuất hiện ở Collins Park, và đề án video nghệ thuật trên tường với quy mô lớn sẽ được chiếu tại Trung tâm Thế giới mới được thiết kế bởi Frank Gehry mới được hoàn thành.

Những người hâm mộ Art Basel Miami Beach cũng cho rằng nó ngẫu hứng và dân chủ hơn những hội chợ truyền thống hơn ở châu Âu như Art Basel và Venice Biennale. Số hội chợ nghệ thuật vệ tinh và “du kích” dự kiến sẽ song hành ở Miami cùng với Art Basel Miami Beach, gồm có American Exuberance và Graffiti Gone Global, dự kiến sẽ thú vị hơn nếu không phải là phong phú hơn. Sự ảnh hưởng Mỹ La-tinh sâu sắc hơn của hội chợ này cũng vậy – đặc biệt là năm nay, với các nghệ sĩ Brazil – và số lượng các nhà sưu tầm nghệ thuật Mỹ La-tinh ngày càng tăng lên, mang theo túi tiền đầy từ sự bùng nổ kinh tế hiện tại của khu vực này.

Thực tế, bà Braman lưu ý rằng hội chợ này đã không chỉ thuyết phục được nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật quốc tế đi nghỉ ở Nam Florida mà còn thuyết phục họ mua những ngôi nhà thứ 2 ở đó. “Chúng tôi có một cộng đồng nghệ thuật ở đây – đủ sức cạnh tranh được với những nơi như SoHo ở New York, và cộng đồng đó đã mở cửa ra với thế giới theo những cách mà những cộng đồng khác đơn giản là chưa làm được. Đó là một trong những yếu tố chủ chốt cho sự thành công của hội chợ này” – bà Braman lập luận.

Và sự thành công đó đã giúp nạp nhiên liệu cho đà phát triển văn hóa của Miami. Ngoài Trung tâm thế giới mới – nơi mà New York Times gọi là một tiềm năng “thế lực mới trong âm nhạc cổ điển” tiềm năng, gần đây thành phố này đã mở cửa Trung tâm Arsht – khu biểu diễn nghệ thuật lớn thứ 2 quốc gia sau Trung tâm Lincoln ở New York, và sớm sẽ cắt băng khánh thành cho 2 trung tâm văn hóa lớn là Bảo tàng Nghệ thuật Miami và Bảo tàng Khoa học Miami, cả hai đều gần Vịnh Biscayne đẹp như tranh vẽ. Điều quan trọng nhất với các nhà sưu tầm là một đô thị cách đây một thập kỉ chỉ có một vài phòng trưng bày nghệ thuật nay đã thực sự nâng tầm của chính mình. Thiên đường nhiệt đới của Mỹ đang nỗ lực một cách nghiêm túc để trở thành một Eden nghệ thuật quốc tế và phần nhiều của điều đó là vì Basel đã phát hiện ra thành phố biển này.
———————-
[1] Tên một loạt phim truyền hình của Mỹ, kéo dài từ 1984 tới 1990.

Nguyễn Thảo (Theo Time)
http://globalspin.blogs.time.com/2011/11/30/art-basel-miami-how-the-city-on-the-beach-became-an-international-cultural-hotspot/ 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)