Michel Ferlus – Một bậc thầy ngôn ngữ học
Chúng ta vừa chia tay Michel Ferlus, một chuyên gia hàng đầu về các ngôn ngữ của Việt Nam và Đông Nam Á ở bình diện phát triển lịch sử.
Tôi gặp Michel Ferlus vào năm 1986 khi lần đầu tiên đến Pháp trong chương trình hợp tác với ĐH Paris Diderot (Paris VII). Qua trao đổi với ông, tôi biết là vào năm 1961, ông xin đi Lào dạy tiếng Pháp và ở đó đến năm 1968. Việc được giảng dạy và sinh sống tại Lào cho phép ông thực hiện công việc nghiên cứu ngôn ngữ tại thực địa, liên quan đến một số ngôn ngữ của Lào, bao gồm tiếng Mông và Dao (ngữ hệ Mông-Miên), Khmú (Môn-Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á), cùng tiếng Cống (thuộc ngữ hệ Hán-Tạng). Nhờ những thành tựu nghiên cứu thời kỳ này, năm 1968, nhà ngôn ngữ học André Georges Haudricourt đã ủng hộ và giới thiệu Michel Ferlus trở thành thành viên chính thức của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp và đồng thời là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ học Đông Á1.
Gặp được một bậc thầy như Ferlus, tôi liền giới thiệu về ngôn ngữ của người Rục ở miền Tây Quảng Bình và thật may cũng là vấn đề mà ông đang rất quan tâm. Sau buổi tọa đàm đó, Ferlus mời tôi đi uống cà phê để trao đổi rõ hơn về nhóm ngôn ngữ tiếng Việt và khả năng hợp tác giữa ông và Đại học Tổng hợp Hà Nội (tên của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay). Ngay năm sau đó, Ferlus đến Việt Nam và cùng tôi thực hiện những chuyến điền dã. Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện các chuyến điền dã dọc khắp Việt Nam cho đến lần cuối cùng Michel Ferlus đến Việt Nam vào năm 2016.
Nghiên cứu nhóm ngôn ngữ tiếng Việt từ giai đoạn tiền Việt
Nhóm ngôn ngữ tiếng Việt mà các học giả Việt Nam và Michel Ferlus nghiên cứu như một bảo tàng về ngôn ngữ và văn hóa để từ đó chúng ta hiểu về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở giai đoạn tiền sử. Do nhóm cư dân của ngôn ngữ này cư trú ở một địa bàn có địa hình và khí hậu phức tạp, nên cho đến những năm 1986 vẫn chỉ có một vài giới thiệu ngắn và sơ sài về nhóm ngôn ngữ.
Ferlus đi thực địa ở Thái Lan trong những năm 1980 rồi sau đó ông chuyển hẳn địa bàn điền dã sang Việt Nam. Việc Michel Ferlus chủ động chọn địa bàn này để nghiên cứu không chỉ giúp cho các nhà Việt ngữ học mà cả các nhà nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ vùng Đông Nam Á có được tư liệu đáng tin cậy để hiểu biết về vấn đề này. Những khám phá đầu tiên của Ferlus đã tạo cơ sở để các nhà nghiên cứu khác cũng quan tâm đến lịch sử ngôn ngữ ở vùng Đông Nam Á trong đó có nhóm tiếng Việt. Một trong những bài báo đầu tiên của ông xuất bản năm 1977 với tiêu đề ‘L’infixe instrumental -rn- en khamou et sa trace en vietnamien – Phụ tố -rn- trong tiếng Khmú và dấu tích của nó trong tiếng Việt’. Bài báo này cho đến hiện nay vẫn được các nhà Việt ngữ học nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt sử dụng như một nguồn ngữ liệu quan trọng để chứng minh cho hình thái biến đổi của tiếng Việt cách chúng ta ngày nay 2.000 năm.
Phát hiện mở đường này của Ferlus cho phép người ta nhận thấy tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ thuộc nhánh Môn Khmer của họ ngôn ngữ Nam Á và lưu giữ những phụ tố mà các ngôn ngữ Môn Khmer khác hiện nay vẫn còn nhưng không còn bóng dáng trong tiếng Việt nữa. Theo dấu phát hiện của Ferlus, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã tìm thấy thêm rất nhiều những hiện tượng tương tự trong các ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ ngữ Katu (Katuic), nhóm Bahnar (Bahnaric), nhóm Khmer (Khmeric), vv.
Nhiều nhà ngôn ngữ thế giới và Việt Nam đã sử dụng kết quả nghiên cứu này, chẳng hạn như công trình Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (1995), một trong những công trình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.
Quy luật xát hóa và hiện tượng đơn âm hóa của các ngôn ngữ nhóm tiếng Việt
Trong nghiên cứu nhóm tiếng Việt (Vietic), Michel Ferlus khám phá nhiều quy luật biến đổi ngôn ngữ trong nhóm ngôn ngữ này, đặc biệt là quy luật xát hóa (spirantisation) trong nhóm ngôn ngữ tiếng Việt từ giai đoạn tiền Việt (proto-vietic) đến giai đoạn Việt-Mường chung (Viet-Muong commun). Để hiểu được giá trị của khám phá này, chúng ta biết rằng, trong tiếng Việt hiện nay, có rất nhiều từ ngữ mà chỉ có thể hiểu được từ nguyên của nó nhờ quy luật xát hóa do ông phát hiện. Ví dụ người Việt ở Bắc Bộ nói là cái giường, còn người ở Bắc Trung Bộ nói là cái chờng (hay cái chõng)thì đó là một hiện tượng biến đổi theo quy luật xát hóa mà Ferlus đã phát hiện, tức là âm được ghi bằng chữ ch đã bị xát hóa thành âm hiện nay ghi bằng chữ gi.
Trước Ferlus, lý thuyết về xát hóa2 đã được nhà ngôn ngữ học André Martinet trình bày trong các công trình của ông. Qua thảo luận với tác giả, Ferlus chứng minh quy luật đó trong một nhóm cụ thể, đó là nhóm tiếng Việt. Đó là một đóng góp rất quan trọng về mặt lý thuyết cho ngôn ngữ học lịch sử về các ngôn ngữ ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ngôn ngữ học lịch sử là một khoa học ra đời trên cơ sở nghiên cứu tư liệu của các ngôn ngữ châu Âu. Còn ở Đông Nam Á, cho đến nửa cuối thế kỷ 20, vẫn chưa được nghiên cứu. Vì vậy, những quy luật biến đổi ngôn ngữ như quy luật xát hóa mà Michel Ferlus nghiên cứu ở nhóm tiếng Việt là một đóng góp không chỉ cho nghiên cứu lịch ngôn ngữ ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, mà còn đóng góp vào lý thuyết chung của ngôn ngữ học trên thế giới.
Những khám phá chính của Michel Ferlus liên quan đến ảnh hưởng của hiện tượng đơn âm hóa, sự hình thành thanh điệu, hiện tượng xát hóa trong các ngôn ngữ nhóm tiếng Việt (Vietic). Xin nêu một vài ví dụ trong biến đổi lịch sử của tiếng Việt để nhận thấy những khám phá của ông là hữu ích như thế nào. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, vì vậy giống cây trồng là một đặc điểm văn hóa của người Việt tiền sử. Vậy hiện nay người Việt nói là giống cây, thì cách đây 2.000 năm họ nói như thế nào? Khi nghiên cứu các ngôn ngữ nhóm tiếng Việt (tức những ngôn ngữ cổ xưa như tiếng Rục, tiếng Arem…) người ta biết rằng những ngôn ngữ này nói một từ với hai âm tiết là cơ chống (phiên âm quốc tế k-coŋ). Sự khác biệt giữa hiện nay của tiếng Việt là giống (cây) và tiếng Việt ở thời tiền sử cơ chống chính là những biến hóa về âm tiết hay còn gọi là hiện tượng đơn âm tiết và sự xuất hiện thanh điệu trong tiếng Việt.
Khôi phục lại các chữ viết tưởng như đã biến mất
Tôi vinh hạnh được đồng hành cùng Ferlus làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như trong các chuyến điền dã của ông ở Việt Nam. Ferlus đã đi nghiên cứu điền dã ở hầu hết các địa bàn ngôn ngữ ở vùng miền Tây thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Lào Cai.
Không chỉ có đóng góp cho nghiên cứu lý thuyết, những phát hiện của Ferlus và các cộng sự còn đặt nền tảng cho việc khôi phục lại các chữ viết tưởng như đã biến mất. Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều ngôn ngữ của nhóm tiếng Việt cũng như nhóm tiếng Thái, nên đã khám phá hệ thống chữ Thái Lai Pao ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An và nhờ đó trả lại sức sống cho kiểu chữ viết này của cộng đồng người Thái Lai Pao ở địa phương, vốn đã mất đi hàng trăm năm.
Michel Ferlus đã công bố hơn 100 bài báo, công trình nghiên cứu của mình về nhiều ngôn ngữ ở Lào, Thái, Miến và Việt trên các tạp chí chuyên ngành như Mon-Khmer Studies, Cahiers de Linguistique Asie Orientale, và Diachronica ; đồng thời ông cũng là thành viên ban biên tập những tạp chí nói trên.
Kết quả nghiên cứu của M. Ferlus đã góp phần quan trọng vào nghiên cứu âm vị học lịch sử và lịch sử chữ viết của nhiều ngôn ngữ ở Đông Nam Á. Có thể khẳng định, Michel Ferlus là chuyên gia hàng đầu về các ngôn ngữ của Việt Nam và Đông Nam Á ở bình diện phát triển lịch sử. Những công trình của ông được các nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam tiếp nhận giống như một người thầy giảng dạy ở các trường đại học và viện nghiên cứu.
Một nhà khoa học giản dị
Michel Ferlus là một tượng đài nghiên cứu về ngôn ngữ học nhưng bản thân ông lại là người hết sức giản dị. Cùng với các đồng nghiệp Việt Nam, Michel Ferlus đã vượt qua những khó khăn về mặt hành chính – những thủ tục bắt buộc với một nhà nghiên cứu người nước ngoài khi đi điền dã tại Việt Nam khi đất nước bắt đầu mở cửa. Vào thời điểm đó, điều kiện kinh tế xã hội ở vùng dân tộc miền núi còn vô cùng khó khăn, ngay cả việc đi lại cũng là một thách thức không nhỏ. Dẫu vậy thì hai nhà nghiên cứu đã vượt qua những gian nan về đường xá, thời tiết, eo hẹp về điều kiện cơ sở vật chất khác để sống và làm việc cùng bà con các dân tộc thiểu số ít người ở miền Tây Việt Nam. Tôi còn nhớ, năm 1987 khi hai người chúng tôi đi nghiên cứu điền dã về tiếng Rục ở bản Cu Nhái xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình, liên tục trong năm ngày, cả hai chỉ ăn một thứ mà tiếng người Nguồn gọi là “pồi” (một loại đồ ăn bằng bột ngô trộn với củ sắn nạo ra rồi hấp chín) vì không có gạo. Ferlus, một người sống và lớn lên ở Pháp, không vì thế mà bỏ cuộc, ngược lại, ông vẫn kiên trì ở lại. Đối với Ferlus khi ấy, việc thu thập tư liệu để nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt (Vietic) là ưu tiên số một chứ ông không quan tâm đến điều kiện vật chất hằng ngày tại địa bàn điền dã.
Trong trái tim và trí óc của Michel Ferlus không có chỗ cho sự phân biệt hay coi thường người khác. Ông luôn tôn trọng sự khác biệt và thành quả nghiên cứu của đồng nghiệp, luôn lắng nghe sự trao đổi và phản biện của đồng nghiệp một cách cầu thị, đồng thời ưu ái những nhà nghiên cứu trẻ mà ông nhận thấy họ có tâm huyết với nghiên cứu khoa học. Có lẽ, trong suốt cuộc đời mình, ông luôn quan niệm những nghiên cứu mà ông đã công bố chỉ là kết quả của một trong số nhiều kết quả nghiên cứu khác nhau được các nhà khoa học thực hiện.
Theo quan niệm của ông, nghiên cứu là quá trình mỗi nhà nghiên cứu tự trưởng thành dần và cần tự sửa chữa các công trình và bố cáo các sửa chữa đó. Vì vậy, khi về hưu, Ferlus vẫn tiếp tục sửa chữa các bài báo của mình, ông luôn để mực xanh các phần chỉnh lý để thể hiện rõ những khác biệt với công bố đầu tiên (hiện các bài báo của Ferlus đã được số hóa và để trên trang độc giả có thể thấy những chỉnh lý đó3). Mấy ai trong chúng ta có tâm với nghề cho đến tận cuối đời như ông!
Có lẽ, trong cuộc đời làm nghiên cứu của mình, một trong những may mắn mà chúng tôi có được là được làm đồng nghiệp và bạn với một người như Michel Ferlus, một nhà ngôn ngữ học tầm cỡ thế giới, một nhân cách khoa học và một người bạn chân chính của các nhà Việt Nam học. Vậy mà trong những ngày qua, chúng tôi đã phải chia tay ông, khi tượng đài của ngôn ngữ học Đông Nam Á và Việt Nam từ trần vào hồi 23h50 ngày 10/3/ 2024, thượng thọ 89 tuổi. Để tưởng niệm ông, các nhà ngôn ngữ học trên thế giới đã lập một danh mục về sự nghiệp và các công trình của ông trên trang:
https://evols.library.manoa.hawaii.edu/items/48cd96d8-2ce2-4401-b23e-48b14875648a
Giờ đây mỗi khi nhớ về Ferlus, chúng tôi thường nghĩ về những trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử và tự hỏi tại sao, một người sinh tại Pailloles, một xã thuộc tỉnh Lot-et-Garonne miền Tây Nam nước Pháp lại có sự quan tâm đặc biệt tới thời tiền sử và ngôn ngữ học ở một quốc gia nhỏ bé ở một góc địa cầu này? Phải chăng đó là sứ mệnh được trao cho ông, để ông có thể gặp gỡ và trở thành truyền nhân của những bậc thầy khổng lồ của nhiều lĩnh vực.
Trước hết, ông theo học André Leroi-Gourhan, nhà khảo cổ học, nhà cổ sinh vật học, nhà nhân chủng học về thời tiền sử, đã đề xuất một cách tiếp cận hoàn toàn mới để giải thích nghệ thuật đỉnh cao thời kỳ đồ đá cũ, dựa trên việc quay trở lại nghiên cứu chính văn bản (công trình) gốc, phân tích mối quan hệ lân cận của các tác phẩm và vị trí của chúng so với địa hình các hang. Ngoài ra, ông được học ngôn ngữ cùng những tượng đài ngôn ngữ học thời đó như André Martinet (1908-1999), cha đẻ của trường phái ngôn ngữ học chức năng, người đưa ra những khái niệm về từ vị và hình vị; theo học ngôn ngữ và lịch sử Đông Nam Á với George Cœdès (1886-1969), học giả người Pháp trong thế kỷ 20 về khảo cổ học và lịch sử Đông Nam Á. Cœdès theo học tiếng Phạn và tiếng Khmer tại École pratique des hautes études, sau từ năm 1929 đến năm 1946, trên cương vị là Giám đốc của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) Hà Nội, ông đã cho mở thêm thư viện, phòng ảnh và Bảo tàng Louis Finot, tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sau này.
Từ những người thầy ấy, tình yêu với Việt Nam và ngôn ngữ Việt Nam đã được truyền cho Ferlus, để cuối cùng ông trở thành một tượng đài! Giờ thì yên nghỉ nhé Ferlus, chúng tôi luôn nhớ đến ông, một người bạn đặc biệt, người dành trọn cả cuộc đời cho những ngôn ngữ phương xa!□
Phụ lục các bài báo tiêu biểu của Ferlus
1977 “L’infixe instrumental –rn– en khamou et sa trace en vietnamien”, CLAO 2: 5155.
1981 “Sự biến hóa cửa các âm tắc giữa (obstruantes médiales) trong tiếng việt” [Spirantisation des obstruantes médiales en vietnamien], Ngôn ngữ 1981(2): 122.
1982 “Spirantisation des obstruantes médiales et formation du système consonantique du vietnamien”, CLAO 11(1): 83-106.
1992 “Histoire abrégée de l’évolution des consonnes initiales du Vietnamien et du Sino-Vietnamien”, MKS XX: 111-125.
1992 “Essai de phonétique historique du khmer (Du milieu du premier millénaire de notre ère à l’époque actuelle)”, MKS XXI: 57-89.
1996 “Du taro au riz, petite histoire d’un glissement sémantique”, MKS XXV(Special Volume Dedicated to Professor André Georges Haudricourt): 39-49.
1998 “Les systèmes de tons dans les langues viet-muong”, Diachronica 15(1): 1-27.
2001 “Chữ Lai Pao”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 05 (136) 5/2001, tr 19 – 28 (với Trần Trí Dõi).
2009 “A Layer of Dongsonian Vocabulary in Vietnamese”, JSEALS 1: 95-109.
2014 “Arem, a Vietic Language”, Mon-Khmer Studies 43(1): 1-15.
2017 Etude d’une strate de vocabulaire Dongsonien en Vietnamien – Le pilon à décortiquer le riz – Traduction (pour mise en ligne) de “A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese”, JSEALS 1 (2009): 95-109.
————
Lời cảm ơn:
Cảm ơn TS. Phạm Thị Kiều Ly, một học trò thân thiết của Ferlus, đã đặt nhiều câu hỏi về quá trình tôi vinh hạnh làm việc cùng Ferlus và hỗ trợ tôi ghi lại những ký ức về người bạn lớn này.
——
Chú thích
1 http://crlao.ehess.fr/index.php?309
2 Ferlus, Michel. 1982. “Spirantisation des obstruantes médiales et formation du système consonantique du vietnamien”, CLAO 11(1): 83-106.
3http://halshs.archives-ouvertes.fr/search/index/q/*/authFullName_s/Michel+Ferlus
Bài đăng Tia Sáng số 10/2024