Michel Houellebecq: Chỉ có hai cách nhìn văn chương
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Magazine Littéraire mới đây, Michel Houellebecq, chủ nhân giải Goncourt năm nay với tiểu thuyết Bản đồ và vùng đất, cho rằng, chỉ có hai cách nhìn văn chương - lãng mạn và bi thảm, và vì thiếu vắng lòng tin vào cuộc sống vĩnh cửu mà chủ nghĩa lãng mạn rơi vào một tình thế rất khó khăn.
Ông có bật cười khi các nhà phê bình miêu tả Bản đồ và vùng đất như là một cuốn tiểu thuyết hài không?
Không, như thế là đơn giản hóa quá mức. Tôi không chối rằng có nhiều đoạn buồn cười, nhưng đó không phải yếu tố nổi bật nhất của cuốn tiểu thuyết này. Có những đoạn như thế trong mọi cuốn sách của tôi. Cả trong cuốn này cũng vậy. Nếu quả thực đó là cái mà họ thấy là mới mẻ, thì họ không phải là những nhà phê bình giỏi, họ nhắm trượt đích mất rồi!
Trong những trao đổi giữa ông và Bernard-Henry Lévy, Những kẻ thù quốc gia [Ennemis publics], ông nói rằng trong những năm 1950, xã hội có thể chấp nhận một thứ văn chương bi quan, nhưng ngày nay một thứ văn chương như vậy đã trở nên gần như là dị hợm.
Thật thế, có một mệnh lệnh ngầm ẩn nhưng thường trực buộc người ta phải gây hy vọng, phải chuyển tới một thông điệp an ủi hay liên kết. Nếu từ chối tuân theo mệnh lệnh ấy, mọi thứ sẽ rất tệ. Tôi không thể không tính tới điều này. […] Cuốn tiểu thuyết này [Bản đồ và vùng đất] chắc chắn là bi thảm hơn những cuốn trước đây. Anh nói tới văn chương lạc quan hay bi quan, nhưng theo tôi, chỉ có hai cách nhìn văn chương: lãng mạn và bi thảm. Phải biết rằng vì thiếu vắng lòng tin vào cuộc sống vĩnh cửu mà chủ nghĩa lãng mạn rơi vào một tình thế rất khó khăn. […]
Nhân vật chính, Jed, hình tượng của nghệ sĩ đương đại, chuyển qua một loạt trạng thái khác nhau. Ở mỗi giai đoạn nghệ thuật lại có một dạng cách mạng, theo nghĩa Copernic của từ này, hình thành ở trong anh ta.
Cái gây nên sự chuyển từ một pha sáng tạo này sang một pha sáng tạo khác hẳn lúc nào cũng sẽ bí ẩn một cách sâu xa. Quả thực, tôi nghĩ, đôi khi, người ta không thực sự biết phải giải thích ra sao. Khi chuyển sang con người, Jed lại nghĩ cần viện tới hội họa. Điều này không phải là đơn giản bởi anh ta không biết vẽ. Tất nhiên là anh ta vẽ được, ta biết như vậy. Nhưng không hề rõ ràng anh ta biết vẽ sơn dầu hay gì. Trong đoạn văn đầu tiên tôi miêu tả một cảnh xảy ra giữa Jeff Koons và Damien Hirst, mà người ta sẽ tưởng là thật cho đến lúc nhận ra đó là một bức tranh của Jed. Tôi hoàn toàn có thể tiếp tục như vậy. Cũng đã có lúc tôi định để cho sự mù mờ bay lơ lửng tiếp vài trang nữa. Tôi rất thích dùng độ lệch nhẹ này làm điểm xuất phát.
[…] trong thơ thì có một cái gì đó khác. Nhưng tiểu thuyết là thể loại mà các xã hội của chúng ta cần. Một thời, đó từng là kịch, sân khấu. Giờ đây thế giới cần tiểu thuyết hơn sân khấu để tự tái hiện chính mình. Thơ thì vẫn luôn luôn ở cách xa những cái đó một chút.
Trừ hồi thế kỷ XIX?
Không, đó lại là chuyện khác. Thơ có lợi thế là không thể buồn cười được. Không có đủ chỗ. Tôi không hề tiến bộ được một chút nào so với những gì tôi từng viết về chủ đề này. Vậy nên tôi không hề muốn nói thêm điều gì cả.
Ở đoạn cuối của tiểu thuyết, người ta tự hỏi tiến trình nghệ thuật của Jed sẽ dẫn anh ta đến đâu… Độc giả có cảm giác về một dạng tan loãng trong quá trình sáng tạo.
Đoạn cuối chẳng hề vui. Jed Martin đã đi quá xa bản thân mình, anh ta có cảm giác đánh mất đi tầm quan trọng của mình, sự nhất quán của mình. Mặt khác, tôi vừa phát hiện, mới hôm qua, điều đã truyền cảm hứng cho tôi viết ra cái kết đó. Vì nhớ lại một cuốn sách đã đọc. Ở cuối Docteur Faustus, nhạc sĩ Leverkuehn, Thomas Mann viết, đã làm ngược lại điều Beethoven từng làm. Trong chương cuối Giao hưởng số chín, có một đoạn rất mạnh mẽ khi dần dần giọng nói con người hoàn toàn chiếm lĩnh mọi thứ. Thomas Mann lại làm chính xác điều ngược lại: giọng nói con người mất đi, mỗi lúc một yếu hơn, gần như không thể nghe thấy nữa, bị tiếng dàn nhạc đè bẹp. Miêu tả này đã truyền cảm hứng cho tôi. […]
Nhan đề cuốn tiểu thuyết của ông như thể là một cái nháy mắt tới tác phẩm của Alfred Korzybski, Một tấm bản đồ không phải là vùng đất.
Korzybski thì chẳng thú vị đến mức đấy đâu. Câu của ông ta được dùng là vì nó đã có rất nhiều ảnh hưởng tới Alfred E. Van Vogt [tác giả khoa học viễn tưởng, rất được hâm mộ trong những năm 1940 và 1950]. Van Vogt bị ảnh hưởng vì ông ấy không biết các nhà tối giản nói chung. Nhưng Korzybski chỉ là một nhà tối giản, cái đó thì chẳng hề đáng kính trọng tẹo nào. Đây là dạng câu lưu truyền nhiều trong giới nghệ thuật. Các nghệ sĩ thích viết những câu làm họ choáng váng lên hoặc sang bên cạnh một bức tranh. Đó là một điều hay thấy. Khi Jed Martin tổ chức triển lãm, nó được đặt tên là “Bản đồ hấp dẫn hơn vùng đất”. Đây là một thứ hay ho, chứ không chỉ là một dẫn chiếu tới Korzybski. Nói vậy thôi, anh ta thực sự nghĩ bản đồ hấp dẫn hơn vùng đất. […]
Người đọc quên mất rằng Houellebecq nhà văn đang miêu tả Houellebecq nhân vật.
Phải bước lùi lại một chút để thấy rằng tôi tự thấy mình thú vị nhưng dù sao cũng chẳng đáng say mê mấy. (Cười). Không tới mức trở thành nhân vật chính hoặc viết Tự thú như Jean-Jacques Rousseau. Ở đây việc tìm ra được khoảng cách vừa phải là một trong những điều kiện khiến cho cuốn tiểu thuyết trở nên trôi chảy.
[…]
Ông có cảm thấy mình theo dòng Balzac không?
Vấn đề ảnh hưởng là một trong những vấn đề tế nhị nhất trong văn chương. Nếu hỏi tôi về những người tôi yêu quý, thì tôi dễ trả lời lắm. Nếu hỏi về ảnh hưởng thì mọi chuyện ngay lập tức trở nên phức tạp hơn rồi. Tôi không chắc liệu chúng có hiệu quả, có thật không. Nhưng đúng là tôi yêu thế kỷ XIX, có một sự tuôn chảy lớn lao tuyệt vời. Những ảnh hưởng thực thụ duy nhất là các tác giả mà ta cảm thấy có thể nhại được. Tôi có thể nhại Baudelaire, tôi nghĩ thế, vì đã đọc đủ. Hè năm nay tôi đọc Saint-Simon. Tôi choáng váng vì tính chất thời sự của ông. […] Stendhal, không, tôi không tin điều đó. Balzac thì có thể, nếu tôi thực sự cố gắng. Ông truyền đi một ảnh hưởng thực thụ, vì mọi nhà văn đều tự ướm mình vào phương pháp của ông, vào tham vọng của ông. Balzac là người không bao giờ tự giới hạn mình.