Mitsuko Uchida – Nghệ sĩ bên trong một nghệ sĩ

Nghệ sĩ piano 59 tuổi người Nhật Mitsuko Uchida – sinh ra ở Atami; thị trấn ven biển cách Tokyo không xa, trưởng thành trong môi trường âm nhạc Vienna và sinh sống ở London – bà là một nghệ sĩ với cá tính đa dạng, một “nghệ sĩ bên trong một nghệ sĩ”. Các bản thu âm với hãng Philips những tác phẩm trường phái Cổ điển và Lãng mạn chuẩn mực - đã mang lại danh tiếng cho Uchida bằng vẻ tao nhã và sự sâu sắc trong nghệ thuật trình diễn.

Nét thanh lịch và sự biểu đạt sâu sắc trong phong cách trình diễn của Uchida còn được thấy ngay cả với những tác phẩm mang hơi hướng hiện đại từ Debussy, Schoenberg đến Bartok hay Messiaen…. Những ấn tượng từ buổi recital tại Carnegie Hall mới đây còn chưa phai mờ, nơi bà hoàn toàn chinh phục thính giả khi tạo được sự gắn kết tự nhiên giữa những sáng tác đặc trưng của Bach, Schubert và Schuman cho đến âm nhạc hiện đại của nhạc sỹ Gyorgy Kurtag (Hungary) vốn còn khá xa lạ với công chúng. Với những người có mặt tại khán phòng hôm đó, ít nhất cũng thấy bị quyến rũ bởi Sonata giọng Đô thứ của Schubert (Sonata in C minor D. 958), một trong ba Sonata khá sâu sắc kỳ cuối của nhạc sĩ được viết vào tháng 9 năm 1828 – 3 tháng trước khi ông qua đời ở tuổi 31. Bản Sonata thường được hình dung như một con đường gồ ghề đầy khúc quanh, khác rất nhiều so với nét dịu ngọt trong các tác phẩm thông thường của Schubert. Song bằng cái nhìn xuyên suốt, Uchida đã vượt qua chặng đường gian nan đó, cùng với thính giả có những trải nghiệm khó quên.

Khi nói về nghệ thuật trình diễn của mình, Mitsuko Uchida thường nhắc đi nhắc lại về “sự cân bằng”, việc giữ cân bằng trong lối chơi theo bà không mang nghĩa an toàn, không khiến mọi thứ trở nên đơn giản một cách nhàm chán mà sự cân bằng giúp những yếu tố tưởng như tương phản với nhau có thể đồng thời cùng biểu hiện. Bà chơi nhạc với sự nhạy cảm kỳ lạ về sự cân bằng: giữa cái khắc nghiệt của lý trí và sự tự nhiên trong biểu đạt cảm xúc; giữa nhận thức sắc bén về truyền thống và yêu cầu đối với bản thân luôn khám phá không có giới hạn; bà nỗ lực biểu hiện bản thân song cũng nhận thức sâu sắc đối tượng đang được chuyển tải qua phím đàn của mình với sự tôn trọng cao độ. Tất cả điều trên có thể làm nên tên tuổi cho bất kỳ nghệ sĩ nào song Uchida còn độc đáo ở điểm bà chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa: sinh ra là người Nhật, được đào tạo âm nhạc ở Vienna và chọn Luân Đôn là điểm dừng chân từ hơn 2 thập kỷ qua, bà thấy hạnh phúc khi tự gọi mình là một phụ nữ Anh.
Vào thời điểm bắt đầu đến Luân Đôn, với những ý tưởng đổi mới, Uchida mong muốn rũ bỏ mọi thứ ràng buộc trong lối chơi nhạc có liên quan đến phong cách Nhật hay Áo.
Và bà nghĩ đến việc chinh phục trọn bộ các Sonata của Mozart hay Schubert. Gần thời điểm đó, Alfred Brendel đang nổi danh với các tác phẩm Schubert ở Luân Đôn, nhưng không có mấy người chơi Sonata Mozart trọn vẹn. Do đó ý tưởng theo đuổi các tác phẩm của Mozart bắt đầu hình thành. Kết quả là loạt recital các Sonata của Mozart tại Wigmore Hall năm 1982 đã khiến tên tuổi Mitsuko Uchida được khẳng định, trước hết là tại Luân Đôn. Đến khi các bản thu âm trọn bộ Sonata và concerto của Mozart được phát hành rộng rãi thì danh tiếng của Uchida đã vươn lên tầm quốc tế. Trong quá trình ra đĩa, đã có lúc Uchida định chuyển sang thu âm Schubert, nhưng nhà sản xuất của hãng Philips – Erik Smith sau khi thảo luận với chi nhánh Philips tại Nhật đã quyết định họ sẽ tiếp tục với Mozart vì có khả năng bán chạy hơn. Mỗi khi một bản thu âm Mozart mới ra đời, Uchida và Smith mong muốn cái sau sẽ là Schubert, nhưng những phản hồi từ giới phê bình và doanh số bán đĩa đã khiến họ quay lại với Mozart. Và thế là hai người lại nói “xin lỗi” với nhau, đó là cách hoàn tất trọn bộ Mozart – cùng với những lời xin lỗi.

Sau Mozart, Uchida cũng đặc biệt hăm hở muốn thử sức với các tác phẩm Beethoven và cũng được công chúng cùng giới phê bình đánh giá cao. Qua đó đã chứng tỏ việc gắn bó với một vài tác giả, không hề làm tư duy nghệ sĩ đi theo lối mòn mà trái lại, tăng thêm giá trị ngày càng sâu sắc cho việc diễn giải tác phẩm. Uchida tâm sự “Tôi dần thấy thực sự hiểu sức mạnh và vẻ đẹp cao thượng cùng tinh thần nhân đạo của Beethoven”, “như thể ông ấy thấu hiểu toàn vũ trụ, chứ không chỉ trái đất. Đó là sức mạnh như núi lửa phun trào song với lòng nhân đạo khác thường”, sức mạnh không phải để hủy diệt mà là để tạo ra sự sống. Bà cho rằng để chơi được nhạc Beethoven luôn vô cùng khó, không xét theo nghĩa chơi được mà là chơi tốt nhất. Khi được hỏi về tròn 60 tuổi vào tháng 12 tới liệu tuổi tác có ảnh hưởng gì đến âm nhạc không, Uchida nói chẳng hề gì, cái bà lo là khi ở tuổi 70 sẽ thật không dễ gì kiểm soát những bản khó như Sonata “Hammerklavier”. Câu chuyện cho thấy bà hiện đang say mê Beethoven như thế nào.
Nhưng dường như điều bà mong muốn khám phá nhất trong mọi thời điểm lại là tác phẩm Schubert, đặc biệt là những sonata cuối đời, như bản Si giáng D 960 theo bà là một trong những tác phẩm gây ám ảnh cho người nghệ sĩ, khiến họ luôn đi tìm kiếm cảm giác thể hiện được trọn vẹn nó trong các buổi trình diễn song dường như không bao giờ đạt được, ngay với bản thu âm (không phát hành) của Arthur Rubinstein thì phần cuối cũng gây thất vọng. Người ta đã nhận xét về lối chơi của Uchida rằng “có rất ít nghệ sĩ có thể làm bản nhạc tĩnh lặng quyến rũ theo lối diễn giải đầy tính hùng biện như thế”. Từ điển Grove phiên bản mới về Âm nhạc và nghệ sĩ – một trong những từ điển lớn nhất về âm nhạc phương Tây được sử dụng rộng rãi qua nhiều phiên bản từ thế kỷ 19, đã viết về Uchida với những dòng nhận xét “lối trình diễn của bà khiến nhiều nhạc sĩ như ngự trị ở một thế giới quá lý tưởng và xa cách với thế giới thực”, nhận xét này đã khiến Uchida cười lớn.
Không chỉ chú tâm vào diễn giải và chuyển tải âm nhạc qua phím đàn, Uchida còn thể hiện mối quan tâm đến những tài năng âm nhạc trẻ tuổi, bắt đầu từ Festival âm nhạc Marlboro tổ chức từ năm 2000 cùng với nghệ sĩ dương cầm người Mỹ Richard Goode, bà xuất hiện cùng với nhiều nghệ sĩ trẻ, cùng họ chơi nhạc và giới thiệu họ với công chúng. Đến năm 2001, cùng với sự hỗ trợ tài chính từ tổ chức Borletti Buitoni Trust của hai vợ chồng Ilaria Borletti và Franco Buitoni – Uchida trong vai trò nối kết giữa các nghệ sĩ trẻ triển vọng và những mạnh thường quân đầy nhiệt huyết muốn đóng góp cho sự phát triển âm nhạc cổ điển, đã lập nên giải thưởng Trust cho đối tượng nghệ sĩ từ 22 đến 35 tuổi, với các mức giải thưởng bao gồm: từ 40.000 USD cho một cá nhân đến 60.000 USD cho một nhóm tứ tấu, nhóm nhạc quy mô nhỏ hơn được hưởng từ 20.000 USD đến 30.000 USD. Hai người phụ nữ đưa ra ý tưởng về quỹ tài trợ, Uchida và Borletti cùng chia sẻ quan điểm “cuộc đời một nghệ sĩ có ý nghĩa nhất không phải ở điều họ làm được lúc 16 hay 18 tuổi mà là cái họ cống hiến khi đã trưởng thành trong nỗ lực đưa âm nhạc đến với công chúng.” Uchida thể hiện sự thông cảm với những người trẻ tuổi về “một thời kỳ khó khăn, đó là khi bạn mới rời nhạc viện và tới những trung tâm nghệ thuật lớn, sau khi giành được chiến thắng ở một, hai cuộc thi tầm cỡ, bạn thấy thế giới thật rộng lớn và bạn tưởng là sẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng không hẳn vậy… Có một thời điểm trong cuộc sống mà người ta cần được sự trợ giúp để đi đúng hướng”.

Qua cuộc đời âm nhạc của Uchida, có thể thấy không có gì có thể làm ảnh hưởng đến “sự cân bằng hoàn hảo” mà bà luôn trau dồi học hỏi. Bà cũng ý thức được sự nguy hiểm mà danh tiếng mang lại: “Bạn có thể tập luyện hay học hỏi mọi thứ, làm việc nhiều để đạt được điều mình muốn. Nhưng khi đối mặt với việc quảng bá bản thân thì lại rất khác/ Có rất nhiều ví dụ về những cá nhân ham thích một cách mù quáng được thể hiện trước công chúng. Quảng bá thương hiệu có thể lây lan và dễ gây nghiện”. Do đó, bà tâm sự rằng không định trở thành nghệ sỹ được trả giá cao nhất hay người nổi tiếng nhất:” Tôi không có ý định chơi nhạc hay kiếm tiền nhiều như tôi có thể. Tôi muốn giữ cuộc sống là của chính mình bởi không muốn trở thành pianist kém hạnh phúc nhất. Tôi cần thời gian để nghỉ ngơi. Nếu bạn giữ được sự cân bằng, không có gì tốt hơn cuộc đời một nghệ sỹ. Hạnh phúc thật đơn giản khi tôi tự hỏi mình có sẵn lòng trả tiền để được dự một buổi hòa nhạc hay không, chắc chắn là có – nhưng thực tế là người ta lại trả tiền cho tôi về buổi hòa nhạc. Chẳng phải thế là may mắn sao!”.

Lê Long
(Theo New York Times)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)