Mộ Gió

Từ làng tôi đến làng Hội phải qua làng Đông, có ba đường đi song song. Tùy theo mùa, mùa nắng người ta thường đi đường hạ bạn cho mát. Mùa rét đi đường thượng bạn cho ấm. Mùa lụt lội lại phải đi đường rú, sợ nhất là ngang qua miếu ông Dờn. Ngôi miếu cổ nằm khuất sau lùm cây, tôi chưa một lần nhìn rõ. Mỗi lần ngang qua đó tụi nhỏ cắm đầu chạy không dám nhìn vào miếu. Người ta đồn rằng đứa nào nhìn vào miếu là bị lác mắt.

Mùa hè, ngày đầu cùng Nhài đi học lớp mẫu giáo theo đường hạ bạn. Gió nam Lào thổi qua cánh đồng từ phía sau như đẩy chúng tôi tới. Nhài bỏ tôi chạy lúc lội qua khe, lên bờ bên kia núp vào bụi rậm, chờ đến lúc tôi mếu máo mới từ trong bụi nhảy ra hù một cái. Nhài cười vang nhe răng sún, tôi cười gượng. Tôi năm tuổi, nhỏ hơn Nhài một tuổi.
Trường là căn nhà xây cũ lợp ngói âm dương, gọi là nhà tăng, là nơi để dọn cỗ những khi cúng làng đông người, trong đình không đủ chỗ. Ba tôi nhận thầu sửa lại đình làng Hội sau mấy năm hòa bình.
Ngày đầu đến lớp chẳng có sách vở gì, trò nào cũng thế. Mỗi đứa có một tấm bảng đen lớn hơn tập vở một chút. Cha tôi lấy cho tôi một viên ngói liệt và xin thầy cục phấn, xong ông đi làm việc với thợ thuyền. Tôi ngồi bên Nhài không viết được chữ o, Nhài bắt tay tôi khoanh thật chậm, thành một chữ o méo mó trên tấm ngói, trong lúc chữ o tự Nhài viết trên bảng của mình tròn như quả trứng gà. Giờ ra chơi Nhài bắt tôi ngồi trong lớp viết lại nhiều lần chữ o mà vẫn méo, Nhài cốc đầu, tôi nổi cáu ném vỡ tan viên ngói bỏ chạy về nhà.
Hôm sau cha tôi mua về một tấm bảng mới rất đẹp. Cha gọi tôi vào bảo:
– Sang năm con lên nhất rồi, ráng học một năm để sang năm vào lớp phải biết đọc biết viết. Kể từ hôm nay con bỏ học một buổi là ba đánh năm roi, nghe chửa.
  Ba đèo tôi trên xe đạp đến lớp. Ba nói nhỏ to gì với thầy rồi lại xếp tôi ngồi gần Nhài. Nhài không thèm nhìn tôi cắm cúi viết chữ a thật đẹp. Thầy đến gần tôi bảo: “Coi con gái viết chữ đẹp chưa, con trai mà thua con gái là xấu hổ lắm”. Tôi bặm môi, nghe mặt mình nóng lên. Tay phải ghì cục phấn chạy chậm từ từ trên bảng theo lời động viên của thầy. Sự tự ái và lời động viên cho tôi một chữ a đẹp không kém chữ của Nhài. Thầy nói lớn:
–    Hôm nay trò Hoan viết chữ đẹp nhất lớp, thầy thưởng hai viên phấn.
Cả lớp nhìn về phía tôi vỗ tay, riêng Nhài ngồi im nhìn xuống chữ a của mình. Tôi xấu hổ vì chữ a của Nhài đẹp hơn.
Trên đường về tôi làm lành với Nhài:
–    Chữ Nhài đẹp nhất lớp.
–    Người ta có Ba chữ mới đẹp, Nhài không có Ba, chữ đẹp cũng thành xấu.
Cả tuần Nhài không cười đùa với tôi như trước.
Nhài ở với bà ngoại, Ba Nhài tập kết ra Bắc, mẹ Nhài đi lấy chồng.
Qua hết mùa hè chúng tôi đã viết được hai mươi bốn chữ cái và ghép vần, chữ đứa nào cũng đẹp. Thầy cũng không còn khen chữ ai đẹp hơn ai, tôi và Nhài cũng không khi nào so sánh.
     Nước lụt ngập hết đường bạn, chúng tôi phải đi học đường rú. Trước khi qua miếu ông Dờn Nhài bảo: “Đưa bảng đây chị cầm cho, chị hô một… hai… ba là chạy nghe chưa. Không được nhìn vào miếu, đui mắt ráng chịu”. Vậy là Nhài hô một… hai… ba, chúng tôi chạy thật nhanh. Nhài chạy trước, tôi chạy sau. Nhài vấp chân ngã trên cát, hai cái bảng văng khỏi tay. Tôi sợ quá chạy luôn không quay lại. Mệt và sợ, tôi ngồi xuống bên bờ cỏ. Khuất sau lùm cây nghe tiếng kêu thất thanh của Nhài: “Hoan ơi chờ với, chị chết mất”. Nghe tiếng kêu thống thiết của Nhài tự nhiên tôi can đảm lên, đi ngược về hướng miếu. Nhài vừa đi liêu xiêu vừa khóc. Tôi bảo; “Chị đứng đó em chạy lui lấy bảng cho”. Tôi trở lại lấy hai tấm bảng mà không hề nghe sợ sệt. Hai đứa theo đường rú đến trường. Những ngày sau tôi nói với Nhài: “Từ nay mình đừng chạy nữa, cứ đi bình thường, hai tay nắm lại là không sợ”. Từ đó chúng tôi cứ nhìn vào miếu mà không sợ lác mắt. Rồi đến một ngày hai đứa tôi tò mò vào xem miếu thế nào: Đó là ngôi miếu rong rêu nằm khuất dưới một bụi trâm bù, cũng bình thường như những ngôi miếu cổ trong làng. Có hôm ngồi hằng giờ sau miếu ăn trái sim hoặc trái trâm bù. Có khi lại cười vang vì miệng đứa nào cũng tím màu sim.
Một năm học không biết bao chuyện vui buồn, khi nắng rát lúc mưa dầm, những ngày lạnh thấu xương, Nhài và tôi đi học không bỏ buổi nào.
Vào lớp năm trường làng chúng tôi lại học chung lớp. Tháng nào Nhài cũng đứng nhất lớp, tôi lại lẹt đẹt hạng mười là cao. Chúng tôi cứ cặp kè, ra chơi vô học khi nào cũng gần nhau. Tụi bạn hay hát trêu: “Vợ khôn chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”.
Ngày tết năm đó, một ngày tết thật buồn. Nhài qua nhà tôi chào ba mạ và tôi để đi theo một người bà con trên vùng trung du. Nhài bảo ngoại không đủ sức nuôi Nhài nữa, Nhài phải giúp việc cho người ta, người ta hứa là sẽ cho Nhài đi học. Tôi và ngoại tiễn Nhài ra đến đầu cầu, hai bà cháu cùng gạt nước mắt nhìn theo cái bóng nhỏ nhắn mặc bộ đồ màu đà,   chiếc nón lá quàng sau lưng  khuất vào rặng tre cuối làng Đông.
  Một năm rồi hai năm Nhài không về thăm. Ngoại Nhài khăn gói đi tìm cháu về kể trong nước mắt: Nhài trốn đi đâu cả năm rồi. Lại có người đồn rằng Nhài bị người bà con đánh lỡ tay chết rồi đem chôn phi tang. Tôi khóc mấy ngày rồi thú tội với ngoại Nhài là đã từng vào miếu ông Dờn. Ngoại Nhài làm một mâm xôi gà đội lên miếu ông Dờn cúng. Tôi theo bà lên miếu. Bà đặt mâm cỗ lên bệ thờ, thắp nhang khấn vái. Bà bảo tôi lạy bốn lạy và xin ngài cho Nhài tai qua nạn khỏi.
Năm tôi học lớp ba, Ngoại Nhài mời thầy pháp về làm lễ Chiêu hồn nhập mộ cho Nhài. Người ta đào một huyệt nhỏ, nhỏ như tuổi Nhài ngày ra đi. Sau khi bỏ rễ cây làm xương, chỉ ngũ sắc làm gân và đất sét làm thịt vào cái tiểu sành nhỏ, ông thầy cúng đọc thần chú đế gọi hồn Nhài về. Chú Dằng, người cầm vía đầu quấn chiếc khăn điều, nốc một ly rượu, mặt chú đỏ lên, đầu chú ngắc ngư lắc theo cây vía trong tay. Đột nhiên chú đứng dậy chỉ ngay tôi rồi cầm tay kéo tôi chạy. Tôi chạy theo chú, băng qua những ngôi mộ, vượt qua những bụi trâm bù. Chân tôi đau điếng tóe máu vì vướng phải chồi cây. Đến gần miếu ông Dờn chú đi chậm lại, rẽ bụi cây bước đến chính diện. Chú vái bốn vái rồi ra hiệu cho tôi lạy bốn lạy . Chú không nói gì nhưng qua cử chỉ tôi biết chú bảo tôi phải tạ tội trước ông Dờn. Xong chú lại cầm tay tôi chạy băng băng về lại huyệt mộ. Ông thầy cúng vẫn ê a bài cúng chiêu hồn. Chú Dằng chỉ tôi quỳ xuống bên ông thầy, hai tay chắp trước ngực. Xong chú nói giọng lơ lớ kiểu người cõi âm: “Hoan ơi, chị nhớ em lắm. Hoan đốt cho chị một cuốn vở mới, một cây viết rồi rưới lên cho chị lọ mực tím. Bữa nay chị học lớp ba rồi. Chị tìm ra cha chị rồi. Chị có cha rồi, không ai bắt nạt chị nữa, không ai chê chị viết chữ xấu nữa”. Tôi khóc òa lên, không còn sợ vong linh Nhài nữa. Tôi tin Nhài đang nói với tôi qua lời chú Dằng. Đêm đó tôi mộng thấy Nhài mặc chiếc áo trắng tinh, tay cầm cánh hoa nhài trắng muốt, thơm phức. Từ đó tôi hết bị ám ảnh về tội lỗi của mình. Miếu ông Dờn không đáng sợ nữa mà gần gũi thân thiện với tuổi thơ tôi và Nhài.
Mẹ tôi kể: “Miếu ông Dờn hồi chống Pháp, cạnh miếu là hầm bí mật của cán bộ Việt Minh. Mẹ hay bới cơm cho cậu là du kích và cha Nhài là Bí thư Chi bộ. Họ phao tin như thế để khỏi lộ bí mật”. Nghe mẹ nói tôi lại tin rằng Nhài còn sống, không bị ông Dờn bắt.
Tôi theo gia đình lên tỉnh học bậc trung học. Mỗi lần về làng thế nào tôi cũng đi thắp nhang ở mộ Nhài. Ngoại Nhài đã qua đời. Mộ hai bà cháu nằm gần nhau. Ít ai nhắc về chuyện của Nhài, riêng tôi thì không làm sao quên được những ngày….
Những năm đầu bảy mươi, có lần tôi nghe bà con bàn tán là Nhài không chết, Nhài được người cha tập kết  trở về mang con theo ra Bắc, Nhài học giỏi và được đi du học. Có người lại bảo Nhài chết trên đường vượt trường Sơn vào Nam. Sau ngày thống nhất tôi chờ tin Nhài cũng không thấy, nghe nói cha Nhài đã chết vì bom ở Hải Phòng.
Năm mươi năm qua, có dịp về làng tôi lại đến bên mộ gió của Nhài thắp nhang để tưởng nhớ về những ngày thơ ấu. 
 
Minh họa: Hà Trí Hiếu

Nguyễn Đặng Mừng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)