Mở rộng biên giới tiếp nhận “Truyện Kiều”

Dấu mốc của việc diễn giải Nguyễn Du và  Truyện Kiều tại Hội thảo Di sản và các giá trị xuyên thời đại thể hiện rõ nhất ở hai khía cạnh: Sự mở rộng biên giới tiếp nhận Nguyễn Du tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các học giả nước ngoài; và tái diễn giải các diễn giải trước kia về Nguyễn Du, đặc biệt là  Truyện Kiều, trong sự mở rộng các văn bản văn hóa quy chiếu quá trình nhận thức và diễn dịch Nguyễn Du và  Truyện Kiều như là kết tinh giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc.

Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, các hoạt động vinh danh và nghiên cứu thi hào đã chính thức được khởi động trong những ngày cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám này, mở đầu cho hàng loạt sự kiện dự kiến sẽ được các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh quê hương ông và nhiều địa phương khác tổ chức cho đến hết năm. Hội thảo quốc tế Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức ngày 8/8 vừa qua, với 108 tham luận, trong đó có 16 tham luận của học giả nước ngoài, được xem là biểu hiện rõ rệt nhất các khuynh hướng diễn giải Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều của ông sau hơn hai thế kỷ.

Theo quan sát của chúng tôi, dấu mốc của việc diễn giải Nguyễn Du và Truyện Kiều tại Hội thảo này thể hiện rõ nhất ở hai khía cạnh: 1) Sự mở rộng biên giới tiếp nhận Nguyễn Du tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các học giả nước ngoài; 2) Tái diễn giải các diễn giải trước kia về Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều, trong sự mở rộng các văn bản văn hóa quy chiếu quá trình nhận thức và diễn dịch Nguyễn Du và Truyện Kiều như là kết tinh giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc.

Ở vấn đề thứ nhất, vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ, Nguyễn Du và Truyện Kiều được người Việt Nam ở nước ngoài ý thức một cách rộng khắp, trong các chiến lược quảng bá và thúc đẩy quá trình nhận thức về tác phẩm, ở cộng đồng các nước Anh ngữ, Đức ngữ, Nga ngữ, Hoa ngữ,… và ở một số quốc gia và ngôn ngữ ít phổ biến hơn, như Cộng hòa Czech, Hàn Quốc, Thái Lan,… Phổ biến Nguyễn Du và Truyện Kiều ở định dạng song ngữ là một nỗ lực tìm được tiếng nói chung của nhiều học giả góp mặt tại hội thảo này. Các học giả gốc Việt như Nguyễn Huy Hoàng (Việt kiều Nga), Trương Hồng Quang (Việt kiều Đức),… đã trình bày các dự án mà cộng đồng người Việt sở tại đã và đang tiến hành cho việc in ấn và quảng bá Truyện Kiều tới đông đảo kiều bào, ở cả thế hệ thứ hai, thứ ba, là những thế hệ ít có khả năng sử dụng tiếng Việt. Hội thảo cũng ghi dấu một thế hệ mới các học giả nước ngoài nỗ lực tìm biết Việt Nam qua đại diện là Nguyễn Du và kiệt tác của ông, trong đó một số nhà nghiên cứu nước ngoài có tuổi đời còn trẻ, đến từ khu vực Đông Á, Đông Nam Á (Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào,…) hay ngoài khu vực văn hóa Hán hóa (Czech,…). Điều này cho thấy, bên cạnh những tiếp cận nhiều ít bị chi phối bởi ý thức hệ và chủ nghĩa dân tộc, chẳng hạn những trao đổi xung quanh bản dịch và nhận định của GS Triệu Ngọc Lan (Trung Quốc) – đánh giá đúng mức chất lượng bản dịch Truyện Kiều sang Hán ngữ của bà (bản dịch thứ tư tại Trung Quốc), những băn khoăn khi nhan đề Truyện Kiều ở bản dịch này lại được dùng đúng với tên Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, là tác phẩm mà Nguyễn Du đã vay mượn để sáng tạo, có thể tạo ra những hiểu lầm trong quá trình tiếp nhận của bạn đọc Hoa ngữ,… thì sự quan tâm nghiên cứu của một số tác giả trẻ khác đến từ các nền văn hóa khác, chủ yếu lại xuất phát từ giá trị tự thân trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du, lòng yêu mến và nỗ lực thấu thị văn hóa Việt Nam.

Ở vấn đề thứ hai, là nỗ lực giải hoặc các diễn giải trước kia về Nguyễn Du và Truyện Kiều, với hai điểm mốc: tranh luận về Truyện Kiều những năm 1920 và 1930, và sự trở lại của cuộc tranh luận ấy ở hai miền đất nước chia cắt những năm 1950 và 1960, có thể được coi là dấu mốc đánh dấu chu kỳ khoảng nửa thế kỷ cho mỗi tái nhìn nhận. Trong những nhận thức này, Nguyễn Du và Truyện Kiều hiện lên không chỉ như một giá trị, mà còn như một phương tiện dẫn truyền các chiến lược diễn ngôn của trí thức Việt Nam mỗi thời đoạn.

Ở thời điểm những năm 1920, Truyện Kiều và Nguyễn Du được huy động vào dự án dân tộc mà Phạm Quỳnh chủ trương. Đề cao Truyện Kiều trong tư cách là quốc ngữ, quốc văn, gây dựng và gìn giữ quốc học, quốc hồn, cải cách để hình thành một quốc gia mới trong tư tưởng, Phạm Quỳnh đã bị phản bác bởi lựa chọn bạo lực cách mạng của một xu thế khác, được đại diện bởi Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, trước khi Phan Khôi có được cái nhìn tương đối khách quan về mỗi chọn lựa. Cuộc tranh luận này xuất phát từ bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh tại Hội Trí tri, trong đó có câu nói trở thành nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”, dù thực chất chỉ là một bài phát biểu mang tính tưởng niệm là chính. Song với Ngô Đức Kế, việc Phạm Quỳnh xưng tụng Truyện Kiều và quảng bá việc dùng chữ Quốc ngữ được đặt trong một phối cảnh rộng hơn: Ngô Đức Kế cho rằng việc tán dương Truyện Kiều của Phạm Quỳnh nằm trong chủ trương “Pháp Việt đề huề”, một đường hướng trong việc hợp tác với thực dân của Phạm Quỳnh, sẽ dẫn tới việc ru ngủ người dân Việt Nam, khiến họ không còn ý thức đấu tranh đòi độc lập. Phạm Quỳnh đã không trả lời bài phản biện đăng báo Hữu thanh (tháng 9/1924) này của Ngô Đức Kế, dù cuộc tranh luận lúc đó đã kéo theo nhiều tiếng nói phẩm bình khác về Truyện Kiều. Chỉ đến khi Phan Khôi viết bài “cảnh cáo các nhà học phiệt” đăng trên Phụ nữ tân văn (tháng 7/1930), ép Phạm Quỳnh phải lên tiếng, ông mới lên tiếng phản bác Ngô Đức Kế vừa đúng lúc nhà chí sĩ này mới qua đời. Huỳnh Thúc Kháng đã lấy cái cớ ấy để lên tiếng tiếp tục đả phá Phạm Quỳnh và kết án Truyện Kiều, khẳng định quan điểm của Ngô Đức Kế, trong bài báo đăng Tiếng dân (tháng 9/1930)… Nếu kết nối cuộc tranh luận này vào trong chủ đích hoạt động của những người tham gia (chủ nghĩa quốc gia trong quan điểm của Phạm Quỳnh; cách mạng quốc gia trong quan điểm của “quốc sự phạm” Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng), rồi các quan điểm của họ cùng Phan Khôi về vấn đề “quốc học”, “quốc văn” như đã được họ trình bày ở các bài viết tham gia tranh luận (mở rộng đến bài “Nền quốc văn” trước đó trên Hữu thanh, tháng 4/1924 của Ngô Đức Kế; bài “Về cái ý kiến lập hội ‘Chấn hưng quốc học’ của ông Phạm Quỳnh” sau đó trên Phụ nữ tân văn, tháng 9/1930, như ý kiến phát biểu của Lại Nguyên Ân tại hội thảo), thì về thực chất, việc khen chê Truyện Kiều đã chỉ là phương tiện để người ta luận bàn về việc giáo dục ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Không ai trong cuộc tranh luận trực tiếp nói ra điều này, dù họ đều hiểu đối thủ định nói điều gì, làm cho cuộc tranh luận bị bỏ lửng, và cho hậu thế thấy được sự phân hóa phức tạp của trí thức trong việc kiến tạo ảnh tượng dân tộc và mô hình quốc gia Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Sau 1954, Truyện Kiều và Nguyễn Du tiếp tục được trưng dụng mạnh mẽ hơn khi hội với xu thế “tôn thờ thời khởi thủy” của trí thức Việt Nam hậu thuộc địa. Ở miền Bắc, tái nhìn nhận Nguyễn Du và cuộc tranh luận giữa phe chống Kiều và phe tán dương Kiều những năm 1920 nằm trong bối cảnh rộng lớn hơn của việc truyền bá các giá trị bình dân (chẳng hạn như việc phổ biến các tác phẩm Nôm trong loạt sách của Nhà xuất bản Phổ thông), việc kết án Phạm Quỳnh, đề cao khởi nghĩa của nhà Tây Sơn, góp vào nỗ lực tạo ra một phả hệ lịch sử mạch lạc mang tính giai cấp. Các nghiên cứu về “vụ án Truyện Kiều” được tập trung trên tờ Nghiên cứu văn học vào nửa đầu những năm 1960 chia sẻ với cuộc tranh luận những năm 1920-1930 ở việc lên án Phạm Quỳnh, song khác ở một điểm quan trọng, Truyện Kiều được ngợi khen chứ không bị phê phán nữa. Từ đây, Truyện Kiều từng bước được tấn phong như là kết tinh giá trị văn hóa dân tộc, và người sinh thành ra nó, nhà nho Nguyễn Du từng bước được mạch lạc hóa từ sự bác tạp các dữ kiện về mặt tiểu sử và thời đại, kết tinh ở “giá trị hiện thực” và “tinh thần nhân đạo”, một dòng sáng trong tiến trình văn học phong kiến Việt Nam, bên cạnh dòng chủ lưu là chủ nghĩa yêu nước.

Ở miền Nam, trong sự đa dạng các hướng tiếp cận, xu hướng nghiên cứu marxist với đại diện là Nguyễn Văn Trung cũng về “vụ án Truyện Kiều” những năm 1920 tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa, cho thấy sự phân hóa của trí thức khi gây dựng một hình mẫu quốc gia mới, với “Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam”, như cách gọi của một lứa văn nghệ sĩ trí thức. Cuộc tranh luận ở Sài Gòn cũng bắt đầu bằng một bài diễn thuyết của Nguyễn Văn Trung tại Trường Quốc gia Âm nhạc: “Văn học và Chính trị – Một quan điểm mới về cuộc tranh luận Phạm Quỳnh – Ngô Đức Kế qua Truyện Kiều” vào tháng 10/1962. Như tư liệu mà sau đó được Nguyễn Văn Trung công bố (Vụ án Truyện Kiều, tài liệu dành cho sinh viên Văn khoa Sư phạm lớp Lý luận văn học, 1972), bài diễn thuyết này đã làm nảy sinh cuộc tranh luận, trong đó có nhiều ý kiến chống lại quan điểm phê phán Phạm Quỳnh của Nguyễn Văn Trung. Nếu như Nguyễn Văn Trung tìm được tiếng nói tương đồng từ các nhà nghiên cứu miền Bắc (chẳng hạn như Nguyễn Văn Hoàn đã viết bài “Gửi một trí thức miền Nam” nhân vụ tranh luận về Truyện Kiều phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, sau có chỉnh sửa in Tạp chí Văn học), thì ông lại ít được chia sẻ bởi các nhà nghiên cứu và độc/thính giả ở ngay tại miền Nam. Khi thông tin về việc nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du vẫn được kết nối đáng kể giữa hai miền, cuộc tranh luận về Truyện Kiều và các vấn đề hữu quan giữa các nhà nghiên cứu ở hai miền, giữa các nhà nghiên cứu có xu hướng khác nhau ở mỗi miền, đã trình hiện những ý hệ khác nhau trong việc trưng dụng một di sản văn hóa dân tộc vào nỗ lực mạch lạc hóa những tự sự khác nhau về truyền thống dân tộc và sự tiếp nối của truyền thống ấy trong các dự án về dân tộc đương thời đang được các chính thể và trí thức xây dựng.

Như vậy là, nhìn vào các tham luận và ý kiến trình bày tại hội thảo, dù không áp đảo về số lượng, song hai khía cạnh mới mà chúng tôi trình bày trên, có thể coi như chỉ dấu về một ngả quành trong tiếp nhận Nguyễn Du và Truyện Kiều. “Khảo cổ học” về Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng lịch sử những cách đọc, mở rộng các phương diện của việc tiếp cận Nguyễn Du và Truyện Kiều từ phê bình giá trị đến nghiên cứu văn hóa,… là những hướng đi khả dĩ. Nếu điều này được phát triển, thì dịp kỷ niệm không đơn thuần chỉ là lễ tưởng niệm, mà còn là động lực cho sự phát triển của nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, cho khoa học văn học ở Việt Nam nữa.

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)