Một Ấn Độ mới

Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, ít có quốc gia nào thu hút nhiều sự chú ý của các học giả và cũng luôn là đề tài thảo luận như Ấn Độ, đặc biệt trong năm 2006 này.

Ấn Độ được coi như một quốc gia với nhiều nghịch lý khác nhau. Đó là đất nước có cơ sở hạ tầng yếu kém với những sân bay cũ nát, đường sá thảm hại, những khu nhà ổ chuột ở khắp nơi và những ngôi làng nghèo khó. Đó cũng là đất nước vẫn còn tới hơn 300 triệu người sống với điều kiện cùng cực: dưới một đô la/ngày (chiếm tới 40% dân số nghèo của toàn thế giới) và là nước có số dân nhiễm HIV lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng bên cạnh tất cả những yếu kém này, Ấn Độ dường như đang có thêm điều gì đó rất mới. Và điều này ai cũng có thể cảm nhận được khi đặt chân lên đất nước có số dân đông thứ hai trên thế giới.

Nhiều doanh nhân phương Tây tới Ấn Độ bởi họ hy vọng nước này sẽ tiếp bước Trung Quốc trên con đường phát triển kinh tế. Nhưng liệu Ấn Độ có thể làm được điều này? Tăng trưởng của Trung Quốc là một sản phẩm đồng thời của tính hiệu quả và một chính quyền vững mạnh. Bắc Kinh khi đã quyết định đất nước này phải có thêm các sân bay mới, các xa lộ tám làn đường, các khu công nghiệp qui mô lớn thì chỉ trong vài tháng, họ có thể làm được những điều này. Trung Quốc luôn nhắm tới các tập đoàn xuyên quốc gia và tạo điều kiện về hành chính cực kỳ thông thoáng để những tập đoàn này có được giấy phép đầu tư chỉ trong vài ngày. Không chỉ được vận hành rất tốt, nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong những năm vừa qua có thể được coi là ví dụ thành công nhất từ trước tới nay trong lịch sử của loài người. 
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vẫn còn khá hỗn độn và ít có tính định hướng. Nó không theo mô hình top-down (từ trên xuống) mà áp dụng mô hình ngược lại: bottom-up (từ dưới lên). Thú vị nhất là, điều này xảy ra không nằm trong mong muốn của chính phủ mà phần lớn từ sức ép ngoài chính phủ. Ấn Độ không có các cơ sở hạ tầng hoành tráng như ở Bắc Kinh hay Thượng Hải và chính phủ Ấn Độ cũng chưa hoàn toàn có chính sách trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng bù lại, nước này lại có một đội ngũ đông đảo các nhà doanh nghiệp luôn mong muốn làm giàu. Chính vì vậy, họ sẵn sàng tìm mọi con đường, vượt qua mọi khó khăn, cản trở, luồn lách qua các tệ nạn quan liêu để đạt được mục đích đó. “Ban đêm Chính phủ ngủ nhưng nền kinh tế thì vẫn tiếp tục tăng trưởng”, Gurcharan Das, nguyên Giám đốc điều hành của Procter & Gamble tại Ấn Độ nói.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vẫn còn khá hỗn độn và ít có tính định hướng. Nó không theo mô hình top-down (từ trên xuống) mà áp dụng mô hình ngược lại: bottom-up (từ dưới lên). Thú vị nhất là, điều này xảy ra không nằm trong mong muốn của chính phủ mà phần lớn từ sức ép ngoài chính phủ. Ấn Độ không có các cơ sở hạ tầng hoành tráng như ở Bắc Kinh hay Thượng Hải và chính phủ Ấn Độ cũng chưa hoàn toàn có chính sách trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng bù lại, nước này lại có một đội ngũ đông đảo các nhà doanh nghiệp luôn mong muốn làm giàu. Chính vì vậy, họ sẵn sàng tìm mọi con đường, vượt qua mọi khó khăn, cản trở, luồn lách qua các tệ nạn quan liêu để đạt được mục đích đó. “Ban đêm Chính phủ ngủ nhưng nền kinh tế thì vẫn tiếp tục tăng trưởng”, Gurcharan Das, nguyên Giám đốc điều hành của Procter & Gamble tại Ấn Độ nói. Một số người có thể lập luận rằng con đường phát triển của Ấn Độ có một số lợi thế nhất định. Yasheng

Huang, nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ MIT (Massachussetts Institute of Technology) cho rằng các công ty Ấn Độ sử dụng vốn hiệu quả hơn các công ty của Trung Quốc. Họ cũng học các tiêu chuẩn thế giới nhanh hơn và quản lý các công ty hiệu quả hơn. Mặc dù còn nghèo hơn Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã sản sinh được cả tá các công ty tầm cỡ thế giới như Infosys, Ranbaxy hay Reliance. Huang giải thích điều này vì trên thực tế, Ấn Độ thực sự có một khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả hơn (không như các công ty có vốn nhà nước ở Trung Quốc), có một hệ thống tài chính hoạt động trôi chảy dựa trên các luật lệ đầy đủ và vững chắc. Nhật Bản có giải thưởng uy tín Deming cho các sáng tạo trong quản lý và suốt 4 năm qua, các công ty Ấn Độ luôn đoạt được giải thưởng này nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, kể cả Nhật Bản. Hoạt động bottom-up ở Ấn Độ rất rõ ràng, không phải chỉ ở trong các doanh nghiệp. Người tiêu dùng Ấn Độ cũng  luôn sẵn sàng hành động. Phần lớn các câu chuyện thành công ở Châu Á đều gắn liền với việc chính phủ can thiệp để dân chúng thắt lưng buộc bụng, tạo tăng trưởng nhờ tích lũy tư bản và đưa ra các chính sách thân thiện với nền kinh tế thị trường. Tại Ấn Độ thì khác: cá nhân là vua. Những người trẻ tuổi Ấn Độ không hề ngần ngại dồn hết toàn bộ tiền bạc của mình để mua một ngôi nhà mà chẳng hề tính đến tới cuộc sống của những ngày sau đó. Họ thậm chí còn mua trả góp. Thị trường thẻ tín dụng ở Ấn Độ tăng trưởng tới 35% /năm. Tiêu thụ cá nhân đóng góp tới 67% vào GDP của Ấn Độ và còn số này lớn hơn nhiều so với Trung Quốc (42%) hay bất cứ nước Châu Á nào khác. Dường như điều này chỉ thấy có ở Mỹ, thiên đường của chủ nghĩa tiêu dùng với mức chi tiêu cá nhân lên tới 70%.

Những con số thống kê có thể không hoàn toàn diễn tả được những gì đang diễn ra. Người Ấn Độ, ít nhất là những người ở khu vực thành thị đang vung tay tiêu xài. Còn các doanh nghiệp Ấn Độ thì dường như khá ảo tưởng về tương lai xán lạn của họ. Các nhà thiết kế và nghệ sĩ Ấn Độ đang nói về khả năng ảnh hưởng của họ ra toàn thế giới. Các ngôi sao Bollywood (Trung tâm điện ảnh của Ấn Độ) cũng muốn khán giả nước ngoài biết tới họ nhiều hơn bên cạnh cỡ nửa triệu người hâm mộ trong nước.

Điều đang diễn ra hiện nay ở Ấn Độ là sự hình thành của một xã hội độc lập, náo nhiệt, đầy màu sắc, cởi mở, mạnh mẽ và trên tất cả là sẵn sàng thay đổi. Ấn Độ giờ đã khác xa với quá khứ và cả so với hầu hết các nước Châu Á. Đó không còn là một đất nước với nền kinh tế bình lặng, có kiểm soát, có độ mở chậm với đủ các kế hoạch… Nền dân chủ đã tiếp sức phát triển kinh tế cho dân chúng nước này. Là một trong những nước nghèo nhưng Ấn Độ đã duy trì được một chính phủ dân chủ trong vòng gần 60 năm qua. Và đây chắc chắn là sức mạnh lớn nhất của nước này khi so sánh với các quốc gia đang phát triển khác.

Nhưng không phải trong lĩnh vực nào Ấn Độ cũng thành công. Trong các thập niên 1950 và  1960, Ấn Độ cố gắng hiện đại hóa đất nước bằng việc tạo ra một mô hình “hỗn hợp”, giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Điều này dẫn tới các tình trạng trói buộc khu vực kinh tế tư nhân với quá nhiều qui định, dẫn tới sự thiếu hiệu quả và tham nhũng ở khu vực nhà nước. Kết quả đạt được rất nghèo nàn. Năm 1960, Ấn Độ có GDP đầu người lớn hơn Trung Quốc và bằng Hàn Quốc nhưng ngày nay GDP đầu người của Ấn Độ chưa bằng một nửa của Trung Quốc và chỉ bằng 1/13 của Hàn Quốc. Trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển của Liên hợp quốc (tính theo các tiêu chí như thu nhập, y tế, tỉ lệ mù chữ…), Ấn Độ xếp hạng 124/177 nước. Tỉ lệ 54% mù chữ ở nữ giới Ấn Độ cao một cách đáng ngạc nhiên và dường như chính phủ Ấn Độ cũng chưa làm được gì nhiều để cải thiện điều này.

 
Những kỳ vọng ở một chính phủ mạnh

 Chính phủ hiện nay của Ấn Độ do Manmohan Singh, vốn là cựu Bộ trưởng Tài chính đứng đầu, đã giúp nước này phát triển mạnh kinh tế trong nước kể từ năm 1991. Sonia Gandhi, thủ lĩnh của đảng đối lập sau khi giành được đa số phiếu đã chọn Singh làm Thủ tướng. Trước đó, Singh, một tiến sĩ tốt nghiệp từ Đại học Oxford, cũng từng giữ nhiều trọng trách khác trong chính phủ như Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Kế hoạch và Bộ trưởng Tài chính. Đất nước Ấn Độ vốn bị chao đảo bởi tham nhũng đã trở lại bình yên dưới bàn tay điều khiển của một con người cực kỳ thông minh, toàn tâm toàn ý trong công việc và đặc biệt là có rất nhiều kinh nghiệm. Đã từ khá lâu, kể từ thời của Thủ tướng Nehru, người ta mới tìm thấy một vị thủ tướng hội tụ đồng thời các phẩm chất đáng quí như vậy. Tuy nhiên, Singh cũng đã làm nhiều người yêu mến ông cảm thấy thất vọng. Không ít người hy vọng ông sẽ đưa ra hàng loạt cải cách lớn trên diện rộng nhưng trên thực tế, chính phủ tỏ ra quá thận trọng. Singh đứng đầu một chính phủ liên minh lỏng lẻo, không có cam kết mạnh mẽ để cải cách kinh tế. Bản thân Singh cũng không phải là một nhà chính trị cứng rắn và quyền lực mà phụ thuộc khá nhiều vào bà Gandhi. Các quyết tâm thầm lặng của ông nhằm đẩy các chính sách kinh tế, chính trị và ngoại giao lên dường như ít được chú ý và công nhận. Các bộ trưởng kinh tế của ông hầu hết thuộc phái cải cách nhưng họ lại làm việc trong các điều kiện bị ràng buộc. Chính vì vậy, những bước tiến kinh tế dường như khá chậm chạp. Thí dụ như cơ sở hạ tầng của Ấn Độ chỉ được cải thiện dần dần và trong tương lai, các công ty tư nhân mới được bắt tay với các công ty nhà nước để tham gia vào thị trường này. Hai sân bay quan trọng nhất của Ấn Độ sẽ được tư nhân hóa và tất nhiên sẽ được cải thiện từng tí một. Tuy nhiên, người ta cũng chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các qui định mới nhằm loại bỏ các thủ tục phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp giấy phép kinh doanh.
 

Một đất nước khá đa dạng và phức tạp về sắc tộc với 17 ngôn ngữ chính, 22.000 phương ngữ và có đủ các tôn giáo trên thế giới không thể được điều hành theo một cách thông thường. Chính phủ nước này mới đây đã bắt đầu đầu tư vào giáo dục nông thôn và sức khỏe, đồng thời tập trung sức lực để tăng năng suất nông nghiệp. Một thay đổi khác là kể từ năm 1993, dân chủ đã được mở rộng hơn để dân chúng ở làng quê có nhiều tiếng nói hơn đối với các chính sách liên quan tới họ. Điều quan trọng nhất là 33% số ghế của các hội đồng khu vực nông thôn được dành cho phụ nữ. Như vậy, tính trên cả nước sẽ có khoảng 1 triệu phụ nữ có chân trong các hội đồng khu vực nông thôn. Họ sẽ là các tác nhân để tạo ra một nền giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Do vậy, đây cũng là bằng chứng cho hình thức phát triển theo hướng từ dưới lên. Nói một cách khác nghĩa là hình thức xã hội thúc đẩy nhà nước.
Người ta có cảm nhận rằng hầu hết giới lãnh đạo của Ấn Độ ngày nay không còn tương thích với một xã hội mở hiện đại, với một xã hội thương mại đang lớn lên từng ngày.

 Tuy nhiên, vai trò của nhà nước vẫn còn rất lớn. Hãy thử nhìn vào các công ty tư nhân, yếu tố chính làm nên thành công của đất nước Ấn Độ ngày nay. Chúng sở dĩ phát triển và nảy nở nhanh chóng là nhờ việc nhà nước hình thành và tạo ra các thị trường chứng khoán và hệ thống tài chính với các qui định rõ ràng, minh bạch và chắc chắn. Lĩnh vực viễn thông đang bùng nổ ở đất nước cũng là nhờ nhà nước đã đưa ra các qui định vừa thông thoáng nhưng cũng khá chặt chẽ. Thêm nữa, các viện công nghệ của Ấn Độ hiện có thứ hạng tốt nhất trên thế giới đều do nhà nước quản lý. Nhưng đó không phải là tất cả. Khu vực tư nhân không thể giải quyết các vấn nạn lớn như dịch bệnh Aids, tình trạng giáo dục yếu kém hay các vấn đề môi trường. Nếu cách quản lý vĩ mô không được thay đổi, đất nước này sẽ khó có thể đạt được phát triển theo đúng tiềm năng của nó.

Nghịch lý lớn nhất của Ấn Độ ngày nay là trong khi xã hội nước này đang cởi mở, tự tin và sẵn sàng hội nhập với thế giới thì nhà nước, cụ thể là giới lãnh đạo dường như vẫn còn do dự, cẩn trọng và nghi ngờ trước các thay đổi. Áp lực xã hội dường như mạnh hơn các chính sách của nhà nước. Vấn đề quan trọng là Ấn Độ phải đặt ra các nhiệm vụ lớn lao nhằm xác định con đường phát triển phù hợp trong điều kiện của một Thế giới Mới.
Quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc khác

Cộng đồng kiều dân Ấn Độ ở Mỹ từng là cầu nối cho hai nền văn hóa khá khác biệt Ấn-Mỹ. Người Ấn ở nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp quê hương mình hướng ngoại và mở cửa ra bên ngoài. Họ đem vốn, các ý tưởng đầu tư, các tiêu chuẩn quốc tế và quan trọng  nhất là niềm tin thành công từ nước ngoài về nước. Một chính khách Ấn Độ từng đặt một câu hỏi với cựu Thủ tướng Indira Gandhi: tại sao người Ấn có thể thành công ở bất cứ đâu trừ ở trong nước?

Việc Mỹ cố gắng thân thiện với Ấn Độ không đơn giản chỉ là vấn đề nhằm tạo ra một “đối trọng” với Trung Quốc. Trên thực tế, Mỹ không bao giờ mong muốn tạo ra xung đột với Trung Quốc. Về phần mình, Ấn Độ cũng chẳng muốn giữ vai trò đối trọng với Trung Quốc bởi quan hệ riêng Trung-Ấn. Trong vài năm nữa, Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Cả Ấn Độ và Mỹ đều muốn giữ một vị trí độc lập trong quan hệ với Trung Quốc. Điều này chứng tỏ một điều là sự lớn mạnh của Trung Quốc về cơ bản sẽ làm thay đổi không chỉ bộ mặt của Châu Á mà còn của toàn thế giới. Và tất nhiên cả Mỹ và Ấn Độ sẽ hoan hỉ nếu như họ đồng hành cùng “người bạn khổng lồ” trong tương lai. Trong khi Singh và một số lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Ấn Độ nhìn thấy nhiều cơ hội rộng mở và hợp tác trong thời đại mới thì không ít các lãnh đạo khác vẫn tỏ ra có định kiến với việc mở cửa ra bên ngoài. Đối với nhiều trí thức Ấn Độ, nước này nên nhìn ra thế giới dưới góc độ của một nước nghèo thuộc Thế giới thứ ba.
Như vậy, các chính sách ngoại giao cần thiết là giữ trung lập và không nên gắn chặt với bất cứ cường quốc nào. Họ cho rằng chính sách khôn ngoan là vừa hợp tác với ngoại quốc nhưng cần tránh sự lệ thuộc. “Tại sao Mỹ lại tỏ ra tốt đẹp như vậy đối với chúng tôi?”, một số người luôn nghi ngại đặt ra câu hỏi như vậy. Giới lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2003 đã nghĩ tới vai trò và quyền lực mới của nước này trên thế giới và đặt ra cách giải quyết dựa trên sự khôn khéo và hiệu quả. Cho đến nay, giới lãnh đạo Ấn Độ dường như chưa chứng tỏ được khả năng ảnh hưởng tương tự của nước này theo cách mà “người bạn láng giềng lớn” đã làm. Thế giới đang thay đổi và giờ là thời điểm của Ấn Độ. Đất nước này sẽ tìm ra và hoàn thiện đường đi mới cho chính mình./.

 Anh Trí 
Nguồn tin: Lược dịch từ Newsweek, 6/3/2006

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)