Một bài thơ tình của B. Brecht
B. Brecht đã sáng tác về thơ ngót 3.000 trang, nhưng có lẽ bài thơ tình “Nhớ về nàng Marie A” mà ông ghi lại trong tập ghi chú trên chuyến tàu đi Bá Linh (7 giờ sáng ngày 27/2/1920), lần đầu với tựa đề “Ca khúc tình cảm số 1004”, được truyền tụng nhiều nhất.
Nhà thơ Bertolt Brecht. Nguồn: Fred Stein/picture-alliance/dpa/
Trong tất cả những điều thường trên thế gian không có điều gì “thường” và “vô thường” hơn tình yêu, và có lẽ không có chi vĩnh viễn và phù du hơn mây trắng trên trời, B. Brecht đã kể một cuộc tình cũ và đã dệt cuộc tình này bằng hai yếu tố: “nụ hôn và mây trắng bay”, trong vòng tay “tấm thân tái xanh yên lặng đang yêu”, “Nhớ về nàng Marie A…”, tháng chín trăng thanh, mối tình như gió thoảng mây bay, nhưng trong câu chuyện tình của B. Brecht, chính đám mây trắng cao bay kia đã làm câu chuyện tình khó quên, dù cho người tình xưa “có lẽ đã có đứa con thứ bảy” với ai khác, nét mặt đã phai mờ trong tâm khảm, và dù chuyện tình ấy cũng chỉ nhất thời là một biến cố sinh lí của người thanh niên…
Đã hơn một lần tôi gặp mây trắng bay trong thi ca, “Bạch vân thiên tải không du du” của Thôi Hiệu (704-754) trong bài “Hoàng Hạc Lâu” và “Cô vân độc khứ nhàn” của Lý Bạch (701-762) trong “Độc tọa Kính Đình Sơn” đời Đường, những đám mây có sức mạnh chuyển vào nội tâm người đọc không khí phù du của đời người, mang chất thơ đi vào vô tận. Khi đọc B. Brecht, chính hình ảnh mây bay này đã thi vị hóa mối tình chóng phai mà đó là hiện thực của cuộc đời, nhưng Brecht đã điểm cho đám mây một “chức vụ mới”, chính mây làm nhớ cái mà con người thường quên và sẽ quên. Chính cái phù du mới là “thường” cho cõi “vô thường” của con người. Chỗ ngoặt của thơ tình Brecht hình như nằm ở nơi đây: Xúc cảm nằm trong lòng hiện thực, lãng mạn thiên nhiên chỉ có ý nghĩa cho con người, trong một chức vụ mới, làm cho con người có một cái nhìn khác đi với quá khứ, với truyền thống thi ca, và từ đó sức mạnh sáng tạo được bộc phát tỏa ra.
Thơ tình yêu của B. Brecht thường chứa đựng nhiều thái cực, thái cực hiện thực đã làm cho người đọc giật mình khi đọc những câu tả tình rất tục của ông, “Nếu đức hạnh có cái mông tròn và cái bàn mông có đức hạnh thì thật là khoái tỉ”. Thái cực khác là tiếng nói của con tim, hoàn toàn phản duy lí, cho nên thơ tình yêu của B. Brecht đến thẳng người đọc, bắt được nhịp rung động của con tim. B.Brecht đã vận dụng tối đa tính phản duy lí khi viết về tình yêu. Tình yêu là điểm yếu nhất của con người “nhược điểm – em không, còn anh có: anh yêu” (Nhược điểm, thơ Brecht), hầu như ai yêu cũng là người thua cuộc, nhưng con người vẫn yêu:
“Tôi muốn đi với người, người tôi yêu.
Tôi không muốn so đo, cuộc tình tốn bao nhiêu
Tôi không muốn đắn đo, chuyện tình có hay ho.
Tôi chẳng muốn biết rõ, chàng có thật yêu tôi.
Tôi muốn đi với người, người tôi yêu”
Thế đấy, con tim đập phía trái, đố ai dùng lí trí mà đoán hay xét được hành vi của người đang yêu. Thiện Tâm, nhân vật trong “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên”, một giây trước đó đã toan tính bỏ người yêu để theo lý trí, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc sau, đã bỏ tất cả để đi với người nàng yêu.
Một tập thơ của Bertolt Brecht. Nguồn: Amazon
Ai giải thích được? Và giải thích để làm gì? Cũng như hoa hồng nở đâu phải vì ai mà “hồng, mà trẻ mà gần gũi bất ngờ đến thế” (Thơ của Brecht: Ach, wie koennen wir die Rosen buchen?). Cho nên rất hiện thực, lắm lúc là một thứ hiện thực hư vô, rất tự nhiên, thơ tình yêu của Brecht rất dễ cảm nhận.
“Chúng ta đến đây không để ngắm hoa hồng,
Ta đến đây chừ, hồng đã rộ bông,
Trước khi có hồng, hồng không được đợi,
Khi có hồng rồi, hồng chẳng chờ ai”.
Đây là ca dao Việt Nam hay là thơ của Brecht?□
Tôi được đọc B. Brecht lần đầu tiên vào giữa thập niên sáu mươi, lúc đang học tại viện Goethe ở Muenchen, vào khoảng 10 năm sau ngày B. Brecht qua đời. Trước đó ở miền Nam, có lẽ vì lí do chính trị nên sinh viên chúng tôi chưa được biết đến văn chương của ông mặc dù trên lãnh vực văn học nước ngoài chúng tôi đã say mê đọc H. Hesse, Stefan Zweig, Kafka v.v… và những nhà văn mới của Đức. Mãi đến đầu thập niên bảy mươi ở miền Nam mới xuất hiện một vài bài viết về B. Brecht do nhóm nhà văn mới chủ trương.
Ngược lại, dưới chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc, B. Brecht đã được biết đến từ khoảng cuối thập niên năm mươi, và từ đó đã có những cuộc trao đổi trên bình diện văn học kịch nghệ giữa văn nghệ sĩ miền Bắc với các nhà văn học cũng như với đoàn hát Đức tại Đông Bá Linh (Deutsches Ensemble) nước Cộng hòa dân chủ Đức, như các nhà thơ và nghiên cứu văn học lão thành Tế Hanh, Phan Bình v.v… đã tường thuật trong cuộc hội thảo kỉ niệm 100 năm B. Brecht tại Hà Nội do nhóm Giao lưu Việt Đức Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của Hiệp Hội W. P. Schmitz-Stiftung vào tháng ba năm 1999.
Sau 1975 đến nay, B. Brecht đã trở nên quen thuộc trong giới kịch nghệ và văn chương tại Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn. Vừa qua, một nữ diễn viên và đạo diễn sân khấu đã cho biết đề tài thi ra trường của cô là vở kịch “Mẹ đảm” (Mutter Courage) tại trường nghệ thuật sân khấu thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng thập niên 80. Được biết trong chương trình đào tạo diễn viên và đạo diễn kịch, lí thuyết nghệ thuật sân khấu của B. Brecht và các vở kịch của ông thuộc vào chương trình nghiên cứu của trường. Nhiều vở kịch của ông ví dụ như “Mẹ đảm” đã được chuyển sang tiếng Việt nhưng không được phổ biến rộng rãi mà chỉ trong giới kịch nghệ và cũng chưa được xuất bản cho bạn đọc Việt Nam