Một cách mở lòng về phía khác

Sau 20 năm kể từ cuốn sách về thơ có lẽ là đắt khách nhất theo nhiều nghĩa của ông – cuốn “Mắt thơ” (1992), Đỗ Lai Thúy mới tiếp tục cho ra một cuốn sách khác về thơ.

Đặt hai cuốn sách này cạnh nhau, có thể thấy một sự trở về và một sự ra đi: trở về cái không gian– thơ dường như tương thích hơn cả với thế giới chữ nghĩa của Đỗ Lai Thúy, và ở khía cạnh nào đó, khiến tôi nghĩ xa xôi hơn đến một nhu cầu đi khỏi cái không gian thơ mà ông đã quen – cái quen thuộc có thể đóng cặn trong nếp cảm, nếp nghĩ, nếp viết của một người viết bất cứ lúc nào.

Con số 20 năm tất nhiên không phải là thời gian tác giả viết ra cuốn sách này – tôi không biết có cần thiết phải biết hay có tin được một khoảng thời gian đong đếm được cho một cuốn sách ra đời? Con số đó, có thể là một chớp mắt với người này, là một giấc ngủ sâu với người kia, đơn giản đã tiết lộ với tôi một cái mỉm cười của thơ ca: đi một hành trình bền bỉ như vậy, cũng có thể chỉ để đổi lấy một cái cười nhẹ của nàng /chàng thơ mà thôi.

Viết về một thế giới thơ trong một không gian đang phân rã những góc nhìn, những giọng nói, kết cấu cổ điển của cuốn sách này có thể là biểu hiện của nỗ lực đi tìm một cấu trúc nương tựa của người viết. Phần 1 đưa ra một dẫn nhập cho lựa chọn viết, một điểm tựa có tính chất lập thuyết (hơn là lý thuyết): Thơ như là mĩ học của cái khác. Ý tưởng của phần viết này, có thể nói gọn lại, là một nỗ lực đòi hỏi sự dung nhận những cái khác để vun xới mảnh đất thơ. Nỗ lực lập thuyết bao giờ cũng là một nỗ lực nhiều tư biện, và thậm chí, ngụy biện, nằm sẵn trong thao tác làm việc của người viết bất kỳ. Hắn ta không thể trông đợi vào sự sáng sủa của những phương pháp đã lên khuôn hay những tri thức đã được số đông đồng thuận, mà phải tự tìm một con đường của mình. Tôi thích cái quá trình đi tìm đó, ở không chỉ phần viết này của Đỗ Lai Thúy. Nó làm tôi bị va chạm khi đọc: va chạm với điều mà mình nghĩ là sai, lệch, va chạm với điều mà mình không thể nghĩ đến, hay không nghĩ như thế. Phần 3, “Những nẻo đường của cái khác” gom lại trên trang giấy hữu hạn những gương mặt thơ trong phạm vi đọc của ông mà ông cho là đáng kể của thơ Việt ngữ hiện đại và đương đại, cả trong và ngoài nước, Nam và Bắc. Tôi thích thú khi thấy ở đây những cái tên mà hẳn bất cứ một người làm tuyển nào còn giữ trong mình sự phân biệt định kiến thơ chính thống – phi chính thống hay e dè về những định kiến chính trị, sẽ không lựa chọn: Nhã Ca, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tiến Dũng, Phan Nhiên Hạo… và cả một “ngôi sao thơ” ngoài lề: Bùi Chát. Mọi danh sách đều không đủ, nhưng nó đủ để gợi ra một viễn tượng không gian thơ Việt không chia cắt trong nhu cầu đọc thực sự của người đọc thơ. Phần 2 của cuốn sách, tôi nghĩ là phần tỏ lộ con người viết của Đỗ Lai Thúy hơn cả, con người mà tôi thấy quen thuộc hơn cả ở ông: con người của những ưu tư, những cảm nghiệm thơ ca, vừa bỏ qua mình để đi vào những cái tôi thơ ca khác, những thế giới khác, vừa không thể quên mình để luôn nhìn lại mình trong những tấm gương thơ đó. Về những cây bút thơ đã thành danh trong văn học Việt Nam gồm Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Bùi Giáng, người đọc có thể đọc, không phải (chỉ) với nhu cầu “hiểu” về những tác giả thơ được đề cập này, mà còn có thể để cảm về chính cách đọc thơ của Đỗ Lai Thúy, từ đó mà cảm xúc và suy nghĩ thơ ca được nảy nở, va chạm. Điều tôi thích hơn cả chính là những chỗ, dường như tác giả không còn lấn cấn về nỗi thiếu hụt tri thức và trải nghiệm của bản thân, mở lòng với con chữ, không phải để dựng lên những hàng rào quanh một thế giới người khác chưa đặt chân đến, mà để người ta thấy bản thân việc mở lòng ra đó đã bao hàm một giá trị sống.

Tôi đã gặp và trò chuyện với đôi người bày tỏ thất vọng về cuốn sách này: người viết không thỏa mãn họ về lý thuyết, những lý giải tư biện, một danh sách tác giả thừa và thiếu… Tôi bỗng nghĩ tới một góc báo như nơi người đọc chỉ nói về những thất vọng của họ với một cuốn sách, một người viết, một tác giả… Thật may mắn là những người đọc có thể nhìn thấy nỗi thất vọng hữu hình của mình. Thật may mắn cho tác giả, khi tác giả biết bạn đọc đã mua sách vì cái tên của mình. Thật may mắn cho một không gian văn chương luôn được xáo trộn đủ đầy thất vọng và hi vọng, tiếp nhận và từ chối. Bởi không bao giờ có sẵn đâu đó “những con mắt mới” của người khác cho một cá nhân hay một tập thể kiếm tìm, chỉ có cách tự giết chết con mắt cũ của mình hoặc cần mẫn tìm cách nới rộng khung nhìn của nó.

Không, không bao giờ tôi muốn đọc một cuốn sách chỉ để thỏa mãn những gì mà ban đầu tôi tưởng như mình đang  chờ đợi ở cuốn sách đó.

—-

* NXB Hội Nhà văn và Song Thủy Books, 2012

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)