Một cái vẫy tay để tiếp tục đi tới

Mới đây, sáu sáng tác văn, thơ, lý luận phê bình và dịch phẩm đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015, trong đó năm tác phẩm nhận số phiếu bầu tuyệt đối của Hội đồng xét giải. Dưới đây là đánh giá của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch hội đồng xét giải, về các tác phẩm đoạt giải.

Mình và họ là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Bình Phương, nó vừa tiếp tục khai triển lối viết phức tạp đa tuyến đa chiều của anh, vừa đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết mang đặc hiệu của tác giả lên một mức độ cao.

Cuốn tiểu thuyết viết về một vùng biên giới của hôm qua và hôm nay, nơi đã diễn ra một cuộc chiến tranh khốc liệt và đau thương, nơi đang diễn ra những giành giật đầy mưu mô và toan tính. Tác giả đã tái hiện lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 như một sự kiện lịch sử bi tráng thông qua ký ức một người lính.

Nhưng không chỉ có vậy. Cuộc chiến đó được nhà văn đặt trong khung cảnh con người hôm nay đang tìm về và tìm đi, đang trong những chuyến xe lên và xe xuống, nhằm thông qua đó đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Mình và Họ ai là ai. Mình và Họ không chỉ là bên này bên kia biên giới mà còn trong mỗi con người, như một vấn đề triết học của Hiện hữu và Tha nhân.

Tác phẩm này đan xen nhiều thế giới, nhiều nhân vật, song trùng cả quá khứ và hiện tại, thực và ảo, chiến tranh và hòa bình. Nguyễn Bình Phương bắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm với sức mạnh của một nhà văn có tài kết cấu và sử dụng ngôn ngữ. Mình và Họ của Nguyễn Bình Phương, như vậy, là một tác phẩm buộc con người đối diện với vực sâu của đời sống và hố thẳm của chính mình trên những con đường quanh co của thực tại trong một thế giới của Mình và của Họ.

Các tác phẩm nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015:

1.    Mình và họ, tiểu thuyết – Nguyễn Bình Phương, Nxb Trẻ. Số phiếu: 9/9

2.    Sẹo độc lập, tập thơ –
Phan Huyền Thư, Nhã Nam & Nxb Lao Động: 9/9

3.    Trên đường biên của lý luận văn học, phê bình
– Trần Đình Sử, Nxb Văn Học: 9/9

4.    Kiên ngạnh như thủy, tiểu thuyết – Diêm Liên Khoa
(Trung Quốc), Minh Thương dịch từ tiếng Trung, Đông Tây & Nxb Hội Nhà văn: 9/9

5.    Trúc Thông thơ, Nxb Hội Nhà văn
(giải thưởng thành tựu văn học về thơ): 9/9

6.    Những người vũ công memphis, tập thơ –
Đào Quốc Minh, Nxb Hội Nhà văn (giải thưởng dành cho tác giả trẻ): 8/9 học

Đây là một trong những tác phẩm văn học đáng đọc nhất hiện nay. Trao giải cho tác phẩm này, Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá cao lao động sáng tạo của nhà văn, ghi nhận một thành tựu của văn xuôi đương đại nước nhà. Nguyễn Bình Phương là một nhà văn đầy nội lực. Đây là lần thứ hai anh nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (lần thứ nhất với tập thơ Buổi câu hờ hững năm 2012).

Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư được tác giả ghi chú ngay dưới tên tác phẩm là “một tập thơ viết để trò chuyện với những người bạn”.

Tập thơ độc đáo ngay từ cái tên. Sẹo độc lập là gì? “Ngày mười/chín tháng/ hai năm nhâm/ tý/ tôi/ được độc lập/ với mẹ/ bằng sợi dây/ rốn/ cắt đứt cơ thể/ vết/ sẹo làm người/ Vết sẹo/ tôi/ cái rốn/ độc/ lập Phan Huyền/ …Thơ”. Từ đó, từ khi thoát khỏi lòng mẹ thành một hình hài người, thành một cái sẹo độc lập trong đời, con người khắc khoải đi tìm mình và luôn cật vấn mình trong một cõi nhân sinh nhiều lo âu và bất an, trong một xã hội nhiều níu kéo và ràng buộc.

Tập thơ đầy khắc khoải suy tư trên hành trình tìm về và tìm lại bản thể mình, con người mình, không để bị chìm lấp trong im lặng đám đông. Tập thơ cũng chứa nhiều băn khoăn về thơ hôm nay trong cuộc sống hôm nay. Tác giả viết thơ xoáy vào tâm trí người đọc hơn là nương nhờ cảm xúc, lấy chất nghĩ làm nền cho câu thơ, bài thơ, hơn là chất cảm. Thơ nhờ đó hiện đại và thiết thực hơn. Đây là một lựa chọn thơ đã được tác giả xác quyết từ sớm và ngày càng trở nên trở nên sâu sắc hơn. Trao giải cho tập thơ Sẹo độc lập, Hội Nhà văn Hà Nội ghi nhận sự độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư trên con đường thơ của mình, góp phần đưa thơ Việt tiếp cận với thơ thế giới theo hướng suy tư, ý thức.

Trên đường biên của lý luận văn học của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử là một công trình khoa học về văn học nghiêm túc của một nhà lý luận văn học mác-xít trước đòi hỏi của lý thuyết và thực tiễn đời sống văn học mang tính toàn cầu hiện nay. Ba phần của cuốn sách (Mấy vấn đề lý luận văn học Marxit và lý thuyết hiện đại; Mấy vấn đề thực tiễn, lý luận, phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam; Mấy vấn đề thi pháp học) hợp lại thành một tổng thể vấn đề, một hệ vấn đề, vừa cốt lõi vừa thời sự của văn học cả trên thế giới và ở nước ta đã được tác giả nghiền ngẫm, phân tích trong quá trình đổi mới của xã hội nói chung, ngành chuyên môn nói riêng. Cuốn sách đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn hệ thống và mang tính khai phá về lý thuyết văn học mác-xít hiện đại trong sự tương tác với nhiều lý thuyết văn học khác (tự sự học, thông diễn học, thi pháp học, giải cấu trúc, diễn ngôn), từ đó bổ sung và mở rộng nhiều khái niệm, quan niệm cũ cho theo kịp sự biến đổi của bản thân văn học. Nhất là văn học trong nước với nhiều vấn đề mới cần được nhận thức và soi chiếu từ cái nhìn lý thuyết.

Ở trên đường biên lý thuyết, nhà nghiên cứu vừa thực hành vừa đối thoại, ở đó có sự giao thoa và có sự kết dính. Tác giả là một nhà nghiên cứu văn học lâu năm nhiều kinh nghiệm, một nhà khoa học nhân văn có uy tín, thường xuyên cập nhật các thông tin và kiến thức chuyên môn, luôn trăn trở bám sát những chuyển động của đời sống văn học, và luốn có ý thức nghề nghiệp xem xét các vấn đề của văn học dưới góc độ lý thuyết. Ông là một trong những người có nhiều đóng góp cho việc phát triển lý thuyết văn học ở nước ta và nhất là việc nâng cao ý thức lý thuyết cho người làm khoa học, cụ thể là khoa học nhân văn.

Hội Nhà văn Hà Nội đánh giá cao công trình Trên đường biên của lý luận văn học chính ở thái độ và cách nhìn của tác giả, đó là “hình dung lý thuyết văn học như một không gian, mà đường ranh giới của nó tiếp giáp với các không gian lý thuyết khác. Mọi đổi thay lý thuyết đều diễn ra trên đường ranh giới này. Mọi cố gắng của tôi cũng đều nằm trên đường ranh giới. Cái gì đang ở biên nghĩa là chưa vào tâm. Nhìn tổng quát, đường biên của lý thuyết văn học càng rộng, lý thuyết càng phong phú, phức tạp”. Đây là sự thành thực và dũng cảm của một người làm khoa học. Thái độ và cách nhìn đó là điều cần có và cần thiết cho người làm khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực văn chương và văn học.

Kiên ngạnh như thủy của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa là một tác phẩm mang tính hài hước, giễu nhại, về một thực tại thảm họa đau thương mà đất nước ông đã trải qua nhưng đến nay vẫn rất cần và vẫn được các nhà văn thể hiện trong các tác phẩm văn chương. Nghệ thuật viết truyện của tác giả ở cuốn tiểu thuyết này khiến cười mà đau, làm hài mà xót. Những thực tế dù khủng khiếp đến mấy rồi cũng qua đi, chỉ nỗi đau còn lại và trở thành hành trang tinh thần cho các thế hệ mang theo để tìm cách không cho tái diễn những thực tế đó nữa. Văn chương có sứ mệnh này và ở Trung Quốc thời mở cửa, cải cách, đã có nhiều nhà văn viết sâu sắc về những nỗi đau của đất nước mình, trong đó có Diêm Liên Khoa. Ông hiện là một nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc hiện nay, tác phẩm của ông đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới.

Ở Việt Nam đã có mấy tác phẩm của ông được dịch và xuất bản. Đọc ông không chỉ thấy hiện thực lịch sử của đất nước láng giềng chúng ta, mà còn biết thêm một cách viết, một cách tiếp cận văn học đối với hiện thực. Bản dịch từ nguyên tác của dịch giả Minh Thương là một nỗ lực lớn, một công lao, trong việc tìm cách chuyển tải chính xác, đầy đủ các sắc thái văn chương thâm thúy của tác giả. Minh Thương vừa hoàn thành tiến sĩ văn học tại Đại học Bắc Kinh trở về nước giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị mới bước vào con đường dịch thuật văn chương qua vài dịch phẩm. Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho Kiên ngạnh như thủy hy vọng sẽ giúp thêm động lực cho dịch giả trên hành trình làm “con ngựa thồ văn hóa” nhiều niềm vui và khổ ải.

Trúc Thông thơ là tuyển tập đánh dấu một đời thơ của một nhà thơ đam mê thơ và nghiêm cẩn với thơ. Trúc Thông từ lâu đã nổi tiếng là nhà thơ tìm tòi, cách tân một cách quyết liệt, có khi đến cực đoan, để giữ được cho thơ tinh chất của thơ và vẻ đẹp của từ ngữ. “Những đường ban những câu thơ / chới với bao thi sĩ / mãi mãi thuộc về / những cặp mắt chim ưng buồn”. Thơ ông cô đúc và tinh tế, giản dị và sâu sắc, trong lành và ấm áp, để lại ấn tượng ngấm và ngẫm khi đọc. Tuyển thơ của ông khẳng định sự đóng góp của Trúc Thông cho nền thơ Việt Nam hiện đại. Trao tặng ông giải thưởng thành tựu về thơ, Hội Nhà văn Hà Nội biểu dương một văn cách đáng quý đáng trọng.

Những người vũ công memphis của Đào Quốc Minh (sinh 1986) là kết quả của một cơn chấn thương tinh thần mà bật ra thơ. “Ai dám dâng trên bàn tay lạnh / một trái tim dữ dội của chính mình”. Những câu thơ, bài thơ như những xung động vọng ra từ một cõi khác, từ một con mắt thấu thị khác.

Thơ Đào Quốc Minh khác lạ với một thi pháp như của riêng anh, nó ám ảnh và khơi gợi. Tập thơ này cho thấy một sức thơ có thể bung phá và vượt thoát nhiều hơn nữa. Tác giả là một người thơ trẻ vừa dự Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai, và ở đó anh lần đầu xuất hiện trong thơ trước bạn đọc. Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng tác giả trẻ cho tập Những người vũ công memphis là khuyến khích sự mạnh dạn đổi mới thơ của những người trẻ.

***

Giải thưởng văn học 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội đã tìm thấy và trao được cho những tác phẩm có chất lượng và xứng đáng ở đầy đủ các hạng mục, đó là niềm vui và niềm tự hào của chúng ta. Xin chúc mừng các tác giả với những cuốn sách được giải của mình. Mong các anh chị hãy coi giải thưởng như một lời thúc giục, một cái vẫy tay để tiếp tục đi tới trên con đường sáng tạo.

Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội được xét trao hàng năm cho những sách văn học của các hội viên và các tác giả sống và làm việc tại Hà Nội được xuất bản từ nửa cuối năm trước đến nửa đầu năm trao giải. Thời gian đọc chọn và bỏ phiếu xét giải ở các hội đồng chuyên môn và hội đồng xét giải là từ tháng Bảy đến tháng Mười và công bố và trao giải vào ngày 10/10 hàng năm.

Các hạng mục xét trao giải là văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và văn học dịch. Bên cạnh đó còn có giải cho các tác giả trẻ. Ngoài ra, căn cứ tình hình xuất bản hàng năm xét thấy có tác phẩm mang tính tổng kết sự nghiệp văn học xuất sắc thì sẽ có giải thành tựu. Mỗi hạng mục giải chỉ trao cho một cuốn, nếu không đủ phiếu bầu thì để trống. Các thành viên Hội đồng xét giải không tham gia dự giải.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)