Một chuyến đi cùng Người
Khi đoàn xe của chúng tôi dừng lại, những chiếc thuyền nan khá rộng đã đỗ kín bên bờ. Từ đoàn xe, có mấy người bước ra, đi dọc con đường nhỏ bên bờ đê. Một trong những người đang đi đó trùm kín mặt bằng một chiếc khăn quàng cổ bằng len, chỉ để hở đôi mắt. Chiếc thuyền đầu tiên là của một phụ nữ. Chị vội vã đưa nhóm người theo lối đi nhỏ, đến chiếc thuyền nhỏ, vào khoang đã chuẩn bị sẵn.
Chúng tôi được đưa đến một phòng họp bằng tre được làm cách đây ít hôm. Trên 2000 người, cả nam lẫn nữ, đã ngồi trên các dãy ghế dài. Phòng họp được trang hoàng một cách đơn giản. Phía trên bàn diễn giả có treo một bức chân dung cỡ lớn của Chủ tịch. Những lá cờ đỏ sao vàng từ mái nhà bay phấp phới. Đột nhiên cả hội trường đứng cả dậy. Tiếng reo hò, vỗ tay từ hàng nghìn con người ấy vang dậy cả căn phòng lớn: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!
Những lời nói đầu tiên mà Hồ Chủ tịch nói với họ là những lời trang nghiêm, song, Người nói như một người Cha nói với các con. Trong những tuần qua, có những cán bộ đã tỏ ra thiếu kiên trì trong việc giúp đỡ nông dân, lại có những người ngập ngừng khi thấy khó khăn xuất hiện, thậm chí một số người tỏ ra nhu nhược, mất đi lòng dũng cảm. Hồ Chủ tịch nói: “Bổn phận của chúng ta hôm nay là: phục vụ, và đâu có thể dễ dàng gì khi phục vụ nông dân. Nếu như ta chỉ cần sao nhãng một chút ít trong sự nghiệp phục vụ của mình thì ta còn đứng được ở vị trí của mình nữa không? Hãy có kỷ luật! Các cô các chú cũng là một thứ quân đội – một đội quân chống lại tàn dư của chủ nghĩa phong kiến. Ai không giữ kỷ luật thì không thể xứng đáng được gọi là cán bộ, là chiến sĩ”.
Chủ tịch nói trong gần một giờ đồng hồ. Một số đứng dậy hỏi về cách khắc phục khuyết điểm. Hồ Chủ tịch trả lời: “Hãy học cách yêu mến người nông dân!”, và đừng quên việc thực hiện nam nữ bình đẳng. Hơn một nửa số thành viên của các tổ chức nông dân ở địa phương là phụ nữ. Tôi muốn nói một cách thức khá tốt: hãy chia sẻ cuộc sống của mình với họ. Hãy thức dậy cùng một lúc với họ, hãy làm lụng vất vả như họ; hãy ăn cái gì họ ăn, và các cô các chú sẽ có sức mạnh. Chắc chắn là như vậy vì tôi tin ở các cô, các chú!”.
Chủ tịch đặt lên bàn 15 chiếc huy hiệu để làm phần thưởng cho những ai đạt thành tích xuất sắc. Người hỏi cả hội trường: “Tôi được phép trao cho ai những chiếc huy hiệu này?”, Người hỏi, trên mặt hiện một niềm vui. Hàng trăm người giơ tay cao. “Vậy thì các cô, các chú hãy chọn ra những ai xứng đáng được trao!”. Bản nhạc quốc ca vang lên trong hội trường.
*
Con đường chạy dẫn lên núi; vùng quê này nhiều đồi hơn. Nơi mà mắt không nhìn thấy lúa nữa, thì có trâu gặm cỏ. Thế nhưng, đây không phải là những bãi cỏ tươi xanh dưới đồng bằng. Đất nối nhau gần như những bậc thang. Một rừng thông nho nhỏ vắt vẻo trên sườn đồi.
Đoàn xe đi chậm lại, rồi dừng hẳn. Bác sĩ tùy tùng của Hồ Chủ tịch nói với chúng tôi: “Chúng ta tạm nghỉ để ăn sáng đã”. Một vài anh em bộ đội trải khăn ra dọn ăn. Hồ Chủ tịch đang ngồi dưới một gốc thông. Khi tôi đến gần, Người nói bằng tiếng Đức:
– Mời đồng chí ngồi xuống đây!
Tôi và các đồng chí khác đều quây quần bên Người. Bữa ăn sáng khá đơn giản: cơm nắm với một ít trứng và cá nướng. Tôi cũng lấy thức ăn của tôi ra, nhưng Người bảo cứ ăn cùng với Người.
Thoạt đầu, Người nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Dần dần, như nhớ lại được nhiều từ hơn, Người nói bằng tiếng Đức. Cuộc đời chiến đấu của Người đã đưa Người tới nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Đức, Người cho biết: Người chỉ ở Berlin một thời gian ngắn vì cảnh sát truy lùng rất gắt gao. Lúc đầu, Người ra ở các vùng Neukoln, Wedding và sau cùng được các đồng chí cộng sản Đức đưa xuống Chemnitz (nay là tỉnh Karl – Marx – Stadt). Vùng Chemnitz yên ổn hơn mà lại là nơi có phong trào công nhân mạnh.
Đây là lần thứ ba tôi có dịp được thưa chuyện với Hồ Chủ tịch. Nhưng, tôi chưa từng được nhìn thấy Người như hôm nay. Gương mặt gầy trông thoải mái hơn; cặp mắt nghiêm nghị, từng biết đến nỗi gian khổ và những thắng lợi, ngời sáng lên hơn mọi khi. Cứ như là Người đọc được những ý nghĩ của tôi vậy! Với một nụ cười, Người nói rằng: “Một sự yên tĩnh như thế này, với tôi quả là hiếm hoi!. Bác sĩ của tôi nói rằng – sự yên tĩnh này sẽ có lợi cho tôi – và quả là anh ấy có lý”. Chúng tôi nâng các cốc bia và đưa lên mồm, và lúc này, trong mắt Người hiện lên chút hóm hỉnh khi Người hỏi món bia “Bolk” ở Berlin còn ngon như xưa kia không. Bữa ăn diễn ra một cách thật vui vẻ.
*
Gần trưa, chúng tôi đến thăm một làng quê nào đó bên sông Hồng. Chúng tôi để xe lại bên sông. Những con đường lát nhựa chạy ngoằn ngoèo từ nhà này đến nhà kia, im lìm trong bóng râm của những bụi chuối lớn. Trẻ em chơi trong cát. Được Bác Hồ đưa tay xoa đầu, một bé gái nở nụ cười thẹn thùng. Phải chăng đây là “Bác Hồ” mà mẹ em treo chân dung của Người ở nhà và em đã nhận ra Người chưa?
Chị chủ nhà vừa từ đồng ruộng dắt trâu về. Nghe tiếng người nói, chị quay lại: trước mặt chị là Hồ Chủ tịch. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt chị trong khoảnh khắc ấy, đủ thấy chị đang xúc động trong sự bất ngờ. Chị cúi chào Người kính cẩn theo kiểu chào mang tính phong tục ở nông thôn Việt Nam.
Trong cải cách ruộng đất, chị được chia một thửa ruộng lớn. Chủ tịch hỏi chị có thể cày bừa được hết không. Chị thưa với Người:
– Con trai cả của cháu mới phục viên về, giúp cháu nhiều. Và vừa mới đây cháu được chính quyền chia cho một con trâu.
Chị cười sung sướng:
– Bây giờ cháu giàu thật rồi, Bác ạ!
Gương mặt chị bỗng đượm một vẻ buồn. Chị nói không thành tiếng:
– Giá như nhà cháu còn sống mà thấy cảnh này thì thật thỏa lòng. Nhà cháu hy sinh ở mặt trận Hòa Bình, Bác ạ!
Những lời nói của Hồ Chủ tịch tựa như đôi bàn tay chữa lành vết thương: “Ngay từ những ngày đầu, khi bước vào con đường đấu tranh cho tự do, chúng ta ai nấy đều biết rõ: Không phải mọi người đều sẽ về tới đích. Chắc chắn sẽ phải chịu nhiều đau thương, mất mát. Một số đồng chí đã ngã xuống; chúng ta sẽ không bao giờ quên công ơn của họ. Con em họ sẽ được chia nhiều đất hơn. Sự biết ơn của Tổ quốc đối với họ không phải lời nói suông”.
Hồ Chủ tịch lặng lẽ nghiêng mình trước mặt người vợ của một trong nhiều vị anh hùng vô danh.
*
Người tiếp tục đến thăm các gia đình khác trong làng. Hệt như một người cha đi vắng lâu ngày nay về thăm các con vậy. Điều gì Người cũng muốn biết: lúa cấy ra sao, sức kéo có đủ không; bao nhiêu chị em hoạt động trong Hội nông dân, và Người cũng hỏi vì sao làng này không có đến người giáo viên thứ hai?
Hòa bình đã về với làng quê. Mọi người khoe với “Cha Hồ” về căn nhà tranh mới xây. Với nụ cười sung sướng, các bà mẹ tự hào nắm lấy tay Người. Không ít người đã khóc vì sung sướng, xúc động.
(Trích trong: Những cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Franz Faber, sinh năm 1917, Ủy viên ban biên tập báo Neues Deutschland (nước Đức mới), cơ quan trung ương của Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, được cử làm Trưởng đoàn nhà báo và văn nghệ sĩ Đức sang viết sách và làm phim về Việt Nam ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1964, ông cùng vợ là Irene được cử sang thường trú tại Việt Nam với tư cách phóng viên báo Đảng và Hãng thông tấn AND. Trong thời gian ở Việt Nam, Franz Faber nhiều lần được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết này kể lại chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Franz Faber được đi cùng Người.