Một cuôc phiêu lưu đã đến lúc kết thúc?

Trong một bài báo trước đây trên tạp chí Tia sáng, chúng tôi đã đề cập đến việc Ban chỉ đạo kỉ niệm 1000 năm Thăng Long nên xem xét lại việc tiếp tục theo đuổi dự án làm bộ phim nhựa về nhà vua Lý Công Uẩn. Đến nay, khi dự án được khởi động, một lần nữa, chúng tôi muốn khẳng định lại đề xuất của mình một cách rõ ràng: Ban kỉ niệm Dự án 1000 năm Thăng Long và đặc biệt là Sở văn hóa thông tin Hà Nội nên dũng cảm chấm dứt dự án này, trước khi một số tiền khổng lồ nữa của Nhân dân bị tiêu tốn mà không mang lại một sản phẩm có chất lượng, trước khi chúng ta lại có thêm một "tượng đài Điện Biên Phủ" nữa trong điện ảnh và ở Hà Nội.

Trước hết, bốn năm chuẩn bị Dự án là bốn năm với quá nhiều những trục trặc và bất hợp lí đến mức khó hiểu. Có lẽ một trong những nét đặc biệt của Dự án làm phim này là có rất nhiều cuộc thi và rất nhiều cuộc thi vô dụng. Ban đầu là cuộc thi kịch bản được phát động cuối năm 2002, đầu năm 2003. Sau một năm phát động, cuộc thi không nhận đủ được số kịch bản có chất lượng. Để đối phó với tình hình này, Ban chỉ đạo đã phải tập hợp 15 đạo diễn có tên tuổi, tạo điều kiện đầu tư sáng tác để có thể có được những kịch bản thi có chất lượng tham gia cuộc thi. Sau đó là chấm giải và cuối cùng là những giải thưởng. Nhưng điều kì khôi là cuối cùng, kịch bản được Hội đồng giám khảo trao giải nhất (nghĩa là kịch bản có chất lượng nhất) lại không được Ban tổ chức lựa chọn mà lại là một kịch bản được trao giải nhì. Vậy là một quyết định biến một cuộc thi thành một trò đùa. Sau khâu thi tuyển kịch bản là khâu đấu thầu đạo diễn, một động thái hết sức “nghiệp dư” và “không có ở đâu cả” (theo lời của NSND Hải Ninh)1. Kết quả là mười người dự thi nhưng có đến bảy người bỏ cuộc, chỉ còn lại ba người, thực chất là hai nhóm: nhóm Đặng Nhật Minh-Lưu Trọng Ninh (với một kịch bản mang tên Lý Công Uẩn, không đề tên) và Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (với một kịch bản sửa chữa từ kịch bản mà Ban chỉ đạo yêu cầu và một kịch bản riêng về Lý Công Uẩn). Như vậy là cái kịch bản được Ban chỉ đạo chọn xem ra cũng có nguy cơ trở thành vô dụng. Cuối cùng thì ngay cả cái phương án “chọn mặt” đạo diễn để “gửi vàng” phim này có vẻ cũng không xong. Phim được giao lại cho Hãng phim truyện Việt Nam và có khả năng, ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim truyện sẽ làm tổng đạo diễn (theo thông tin từ ông Vũ Xuân Hưng, phó Giám đốc Hãng phim truyện)2. Như vậy là dường như cái chiến lược ban đầu có phần “cách mạng” của Ban Tổ chức có vẻ như đã bị phá sản và họ buộc phải quay lại cách thức tiến hành “truyền thống” (cũng theo lời ông Hưng). Vấn đề cần được đặt ra ở đây là rõ ràng, trong cung cách tiến hành bộ phim của Ban chỉ đạo lộ rõ một cái gì trái quy luật và duy ý chí. Những toan tính của Ban chỉ đạo luôn luôn đều không phù hợp với thực tế (thi thì không có người tham dự hoặc người tham dự không đạt chất lượng, tổ chức Hội đồng giám khảo thì dường như không “hợp ý” Ban chỉ đạo, đấu thầu đạo diễn thì hình như cũng không ổn…) và trước những câu trả lời phủ định của thực tế, Ban chỉ đạo luôn luôn phải đưa ra các giải pháp đối phó để “kiểu gì cũng phải có phim”. Nhìn một cách tổng thể, quyết định làm phim giống như là một áp đặt phi thực tế mà người ta vẫn cứ quyết phải làm bằng được: người viết kịch bản “tự nguyện” thì không có chất lượng, người có chất lượng thì phải có tiền mới làm, mà cuối cùng thì sản phẩm của cả người “tự nguyện” lẫn người “có tiền mới làm” đều có vẻ không đạt yêu cầu của Ban chỉ đạo; cơ sở vật chất cho phim cho đến nay vẫn là con số không, những nghiên cứu lịch sử phục vụ cho phim vẫn còn chưa được làm, tổng toán chính thức cũng như kế hoạch cụ thể cho phim vẫn còn chưa có… Liệu một dự án như vậy có thể hiện thực hóa để cho một kết quả tốt đẹp?

Cho đến nay thì khâu chuẩn bị cho Dự án vẫn chưa được hoàn tất với một loạt cái “không có” như chúng tôi đã nói ở trên và sớm nhất thì đến cuối năm nay thì những cái “không có” ấy mới thành có, sau khi người ta đã cân đong đo đếm về tiền và “trộn” ba bốn kịch bản của mấy tác giả khác nhau thành một cái “hợp nhãn” và khả thi. Thôi thì chúng ta hãy cứ lạc quan tin vào tương lai, rằng, chúng ta sẽ có một món tiền hợp lí để thực hiện bộ phim “cúng cụ” (vì tại sao cứ phải đến kỉ niệm thì mới cần phải có phim?) này, có được một kịch bản hợp lí và có được một đạo diễn khả tín để trao “vàng mười”. Ngay cả khi đó thì câu hỏi cần đặt ra là liệu những cái đó có thể làm nên một bộ phim thành công? Có hai kẻ thù của Dự án. Trước hết là thời gian. Chỉ còn đâu đó khoảng hơn hai năm để thực hiện bộ phim, tính từ đầu năm 2008 cho đến năm 2010, khi “nhà có đám”. Hơn hai năm cho tất cả các công việc từ chọn diễn viên, dựng phim trường (nghe nói là sẽ học tập kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng riêng kinh nghiệm về sự chu đáo của những nền điện ảnh này thì hình như không được học), huấn luyện diễn viên (khi làm Trung Đội, Oliver Stone đã phải mất vài tháng đưa toàn bộ ê kíp diễn viên sang sống trong quân trường của Mĩ ở Philippine để huấn luyện, với một phim như phim Lý Công Uẩn thời gian sẽ phải là bao lâu?) và thực hiện. Dường như khoảng thời gian còn lại là quá ít để chuẩn bị dự án này. Chính những người trong cuộc cũng phải nhận xét là làm kiểu này là “nước đến bụng (chứ không phải đến chân) mới nhảy” (lời ông Vũ Xuân Hưng) và “làm lấy được may ra thì kịp” (lời NSND Hải Ninh). Kẻ thù thứ hai của dự án chính là cái cung cách làm việc của Ban điều hành dự án. Trước mỗi khó khăn, Ban điều hành lại “sáng tạo” ra một giải pháp với thêm nhiều gương mặt mới “nhảy vào” và càng ngày dự án càng bị biến thành một cuộc “đẽo cày giữa đường”. Đó là chưa kể đến cái cung cách làm việc kiểu “nước đến bụng mới nhảy” nói trên, cái cung cách mà “gương tày liếp” là tượng đài Điện Biên, nỗi sỉ nhục của nền nghệ thuật công cộng ở Việt Nam. Và kẻ thù cuối cùng chính là thực tế. Tất cả mọi điều kiện đảm bảo cho sự thành công của bộ phim đều chưa có từ những điều kiện vật chất như một phim trường cho đến những điều kiện phi vật như kinh nghiệm làm phim lịch sử của đạo diễn và diễn viên. Người ta đối phó với những cái “thiếu” đó bằng những chuyến học tập kinh nghiệm ở nước bạn. Nhưng liệu những giải pháp đó có thể vá víu cho những cái thiếu hết sức cơ bản nói trên?
Từ tất cả những điều đó, để tránh một “cái chết được báo trước” mà hậu quả là sự tiêu tốn tiền bạc của nhân dân, xin có mấy bình luận và đề xuất. Trước hết là đề xuất về việc chấm dứt ngay không chậm trễ dự án này để tránh tiếp tục tiêu tốn tiền bạc. Sau khi chấm dứt, nên có hình thức công bố rộng rãi những sản phẩm của các cuộc thi nói trên để người dân có thể tiếp cận với “công lao” của Ban chỉ đạo trong mấy năm trời. Những kịch bản đã có hãy coi như là một món quà gửi tương lai của người Hà Nội hiện tại, một món quà văn hóa. Hãy trả lại bộ phim cho lôgích lành mạnh của đời sống. Nếu hãng phim nào muốn tiếp tục cái dự án này thì hãy để cho họ tự làm và tự chịu trách nghiệm bằng đồng tiền của chính họ. Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện ưu đãi bằng cách cho thuê đất ưu đãi để làm phim trường (nhưng chỉ để làm phim trường và chỉ cho bộ phim này), cho vay vốn ưu đãi để làm phim kể cả cho vay không lãi (nhưng vẫn phải có thời hạn và phải yêu cầu thế chấp), dành không gian trên các phương tiện thông tin đại chúng cho bộ phim nếu nó được làm, dành không gian trong các rạp chiếu phim thuộc hệ thống chiếu phim của nhà nước cho nó. Tất nhiên, cho đến đây thì một câu hỏi vẫn cứ cần phải được đặt ra: ai là người chịu trách nhiệm chính cho tất cả “cuộc” này?
Thứ hai, có lẽ đến lúc cần phải xem xét lại chính tư duy của chúng ta về nghệ thuật và mối quan hệ giữa nghệ thuật. Phải chăng đã đến lúc khai tử cho một hình dung vừa duy ý chí vừa phản nghệ thuật về trách nhiệm xã hội của nghệ thuật. Tại sao cứ phải có những bộ phim, những tượng đài “cúng cụ” xuất hiện theo những áp đặt duy ý chí của những ngày kỉ niệm? Thay vì sống với những yêu cầu ngắn hạn của những ngày kỉ niệm thì tại sao không chăm bón cho nghệ thuật một cách dài hơi và sau đó, chính từ sức sống của nền nghệ thuật sẽ xuất hiện những công trình kỉ niệm có giá trị? Thứ hai, những người tổ chức cần phải xem lại quan niệm của mình về các thể loại nghệ thuật? Có vẻ như trong hình dung của họ có một thứ bậc giữa các thể loại nghệ thuật với một bên là những thể loại như phim truyện (cao nhất là nhựa) và tượng đài cỡ lớn (càng to càng tốt), và nói chung là những thể loại càng đắt tiền càng tốt và một bên là phim tài liệu, kịch bản sân khấu và sân khấu truyền thống, tượng đài cỡ nhỏ. Tại sao thay vì làm phim truyện kỉ niệm, chúng ta không làm những bộ phim tài liệu hoặc những vở diễn sân khấu được làm một cách chu đáo với trái tim, tình yêu nghệ thuật và trách nhiệm công dân của nghệ sĩ? Và cũng cần nhớ rằng tất cả những thể loại “thứ cấp” nói trên lại là những thể loại có truyền thống ở Việt Nam. Mà tại sao lại phải làm mới trong khi chúng ta đã có những sản phẩm có giá trị như Hà Nội trong mắt ai hay bộ ba Bài ca giữ nước? Tại sao Ban tổ chức không nghĩ đến chuyện in những sản phẩm này vào một VCD hay một DVD và đem nó làm quà tặng cho tất cả mọi gia đình Hà Nội?
Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh là hãy thay đổi chính cách hình dung của những người làm văn hóa về lịch sử. Có nhiều con đường tiếp cận lịch sử. Lịch sử qua cuộc đời của những vĩ nhân và lịch sử qua cuộc đời của những con người bình thường. Hãy nhớ rằng tiểu thuyết đẹp nhất về chiến tranh chống Mĩ sau Đổi mới – Nỗi buồn chiến tranh – là cuốn tiểu thuyết về lịch sử qua số phận của một kẻ “con ong cái kiến”, một người lính bình thường đi qua cuộc chiến tranh chống Mĩ. Tại sao trong trường học chúng ta cứ bắt các em học sinh thuộc lòng “để Đất nước này là Đất nước nhân dân” trong khi đó, cứ đến những dịp lễ lớn, khi nghĩ về lịch sử là chúng ta quên mất nhân dân? Tại sao thay vì làm phim về những bậc vĩ nhân chúng ta không làm phim về những con người Hà Nội bình thường đã đi qua lịch sử, chịu đựng lịch sử và làm nên lịch sử? Tại sao ở Thâm Quyến, người ta có thể dựng tượng, bằng cỡ người thật, theo phong cách cực thực và theo nguyên mẫu có thật những người Thâm Quyến bình thường (người nhặt rác, người công nhân, người giáo viên..) thì chúng ta lại chỉ nghĩ đến việc dựng những tượng đài (dĩ nhiên không phải “cực thực” mà là “cực xấu”) về những vĩ nhân (Lý Công Uẩn)? Tại sao chúng ta không nghĩ đến những tác phẩm về Nhân dân thiêng liêng, trong cái thực và chiều kích thiêng liêng của Nhân dân, để những bài học mà học sinh phải học không phải chỉ là những khẩu hiệu suông.
Và trên hết, hãy sớm kết thúc một cuộc phiêu lưu được trả bằng tiền của Nhân dân. Đó sẽ là một quyết định có văn hóa.
—————

1 Xem phỏng vấn tại : http://www2.vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2006/09/614335/
2 Xem phỏng vấn tại : http://www2.vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2007/07/716255/

Lương Xuân Hà

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)