Một cuộc sống đơn giản hơn: Lựa chọn tốt nhất
“Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu sau khi bạn đã sắp xếp nhà cửa ngăn nắp,” Marie Kondo, tác giả của cuốn sách ăn khách hiện nay, The Life-Changing Magic of Tidying up; (tạm dịch: Phép màu biến đổi cuộc sống nhờ dọn dẹp nhà cửa), đã khẳng định như vậy.
Sự “tái định nghĩa” một công việc tưởng chừng như tầm thường này đã mang đến cho Kondo những thành công ngoài sức tưởng tượng: cuốn sách được nhiều người mua làm quà tặng vào dịp Giáng sinh và nhiều người mua về để lấy tiêu chí phấn đấu trong năm mới tới nỗi nó được xếp vào danh sách bestseller của trang Amazon. Và bây giờ, Kondo đang sánh vai bên cạnh Tổng thống Barack Obama và Giáo hoàng Francis trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới của Tạp chí Time.
Tại sao một tuyên ngôn về dọn dẹp lại có thể làm thay đổi cả thế giới như vậy? Thứ nhất, Kondo than phiền rằng việc dọn nhà đang bị hiểu lầm một cách tai hại. Theo cô, điểm mấu chốt ở đây không phải là con người dành quá ít thời gian để dọn nhà mà là họ đang sở hữu quá nhiều thứ, khiến việc giữ gìn nhà cửa ngăn nắp trở thành một điệp vụ bất khả thi. Thay vì “cất dọn” đồ đạc, chúng ta phải “vứt bỏ” bớt đi, để làm sao xung quanh mình chỉ còn lại những thứ có thể mang lại niềm vui trong cuộc sống của chúng ta.
Hàng triệu độc giả sẵn sàng chứng thực cho sự hiệu quả trong phương pháp của Kondo. Theo họ, vứt bỏ đi những thứ không cần thiết giúp mang lại sự quang đãng, rõ ràng, đồng thời giúp chúng ta biết trân trọng những đồ mình yêu thích. (Những người gắn bó với cuộc sống bừa bộn “phản pháo” lại, họ chỉ ra rằng chiếc bàn làm việc của Einstein là cả một đống bừa bãi, ấy thế mà ông vẫn sống rất ổn.)
Quan điểm rằng con người đang sở hữu quá nhiều thứ không phải là một quan điểm mới. Cuốn sách Affluenza1 (tạm dịch: Bệnh nhà giàu) của Oliver James và cuốn The Paradox of Choice (tạm dịch: Nghịch lý của sự Lựa chọn) ra đời từ cách đây cả thập kỷ đã lên án chủ nghĩa tiêu dùng vô độ. Nhưng trong kỷ nguyên tiêu dùng quá đà ngày nay, ý tưởng này càng nhận được nhiều tiếng nói đồng điệu hơn hết, và trong trào lưu này, Kondo nổi bật vì cô luôn đưa ra những lời khuyên thực tế và đơn giản: Dọn dẹp theo từng nhóm đồ đạc chứ không dọn từng phòng; đừng để họ hàng hay tâm lý hoài cổ ảnh hưởng đến quá trình “thanh lọc” đồ đạc của bạn; đối với sách hay ảnh, chỉ giữ lại những gì thực sự quý giá và cần thiết chứ đừng thiết lập cả một “thư viện” trong nhà; nếu bạn dự định sau này sẽ đọc cuốn sách A, vậy thì trước mắt hãy “tống khứ” nó đi. (Chắc chắn là rồi bạn sẽ chẳng bao giờ động đến nó đâu, nên cứ yên tâm bỏ nó đi) Kondo còn hướng dẫn chi tiết từng việc, như cách dọn dẹp đồ chơi của trẻ con hay cách gấp quần áo, cách sắp xếp đồ may vá ra sao.
Tuy vậy, qua những cuốn sách của Kondo, người đọc đôi khi không khỏi có cảm giác rằng cô là người lập dị và cực đoan. Những thứ đồ mặc được gán cho một bầu không khí phảng phất tinh thần Thần đạo. Những chiếc đầm sẽ cảm thấy “hạnh phúc hơn” khi được treo lên; những chiếc tất không được cuộn tròn lại mà phải gấp lại nhẹ nhàng, để chúng có thể “nghỉ ngơi” giữa những lần sử dụng. Kondo thường xuyên thể hiện một sự lo lắng thái quá, như thể cô muốn trở thành “trưởng ban dọn dẹp” của cả thế giới vậy. “Khi thấy những bạn sinh viên đi tất cao cổ mà phần trên lại bị giãn ra, lúc đó tôi chỉ muốn chạy lại hướng dẫn họ cách gấp tất sao cho đúng,” cô viết.
Quan điểm của Kondo được nhiều người đồng tình nhất không phải là chúng ta mua quá nhiều đồ đạc không cần thiết hay trái đất không thể theo kịp tốc độ tiêu dùng của chúng ta, mà là tình trạng dư thừa đồ đạc đang trở nên không kiểm soát nổi. Một gia đình trung bình tại Mỹ sở hữu khoảng 300.000 món đồ, trong khi một người trong một đời dành khoảng 153 ngày để tìm kiếm những đồ đạc bị đặt nhầm chỗ. Thực tế này đã dẫn tới những sự khó chịu và bực dọc, và điều đó phần nào đã dẫn tới những thay đổi trong hành vi tiêu dùng gần đây: người giàu ngày càng thích bỏ tiền ra để mua lấy trải nghiệm hơn là để mua đồ đạc cụ thể. James Wallman, chuyên gia dự đoán xu hướng, cho rằng trong thập kỷ sau tầng lớp trung lưu cũng đi theo xu hướng tương tự.
Ngược lại, có người cho rằng phương pháp của Kondo mang tính ép buộc nhiều chứ không hề mang đến niềm vui trong cuộc sống như cô tuyên bố. Sau khi Kondo ra mắt cuốn sách The Life-Changing Magic of Tidying vào năm 2011, gần như ngay lập tức xuất hiện một cuốn sách “nhại” mang tựa đề The Life-Changing Magic of Not Giving A F*ck (tạm dịch: Phép màu biến đổi cuộc sống nhờ chẳng thiết quan tâm đến cái cóc gì”). Tuy vậy, trong khi chỉ có một số người cho rằng phương pháp của Kondo là thái quá, ngày càng có nhiều người đang nghiệm ra rằng sự phát triển của chủ nghĩa vật chất là vô bổ.
Xem ra, lựa chọn tốt nhất ở đây là can đảm sống một cuộc sống đơn giản hơn. Những người quá căn ke về chuyện dọn dẹp nên bớt lo lắng đi, và những người bừa bãi thái quá cũng nên bớt sắm đồ hơn để đỡ phần lo lắng.
Quỳnh Ca dịch
Nguồn:
http://www.economist.com/blogs/prospero/ 2016/01/tidying-up
—————
1 Affluenza: tên một chứng bệnh về tâm lý, tác động tới những người trẻ tuổi giàu có với các triệu chứng như thiếu động lực sống, cảm giác tội lỗi, và cảm giác bị cô lập.