Một cuộc thi góp phần đưa nghệ thuật Trình diễn đến với công chúng
Nằm trong nỗ lực chung nhằm giới thiệu các loại hình nghệ thuật đương đại với công chúng Việt Nam, năm nay, Cuộc thi tài năng của Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (CDEF) sẽ tập trung vào loại hình Nghệ thuật trình diễn. Đây là sự nối tiếp một loạt những cuộc thi đã được tổ chức trong các năm trước như Sáng tác âm nhạc thử nghiệm (2006) hay Múa đương đại (2007) và rộng hơn, là các hoạt động hỗ trợ sự phát triển của các loại hình nghệ thuật đương đại ở Việt Nam như vở kịch hình thể Vườn thiên đàng hay cuộc triển lãm Gợi ý từ ánh sáng.
Nghệ thuật trình diễn là một loại hình nghệ thuật “được trình bày bằng cơ thể nghệ sĩ trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, trong đó sự giao lưu tương tác giữa những nghệ sỹ và khán giả là yếu tố chủ chốt”, một loại hình nghệ thuật “có thể bao gồm những yếu tố vốn được coi là thuộc nghệ thuật biểu diễn như sân khấu, múa, âm nhạc”. (Định nghĩa về nghệ thuật trình diễn của Ban Giám khảo)
Việc một cuộc thi dành cho một loại hình nghệ thuật vốn trước đây chỉ xuất hiện đan xen trong một số sự kiện văn hóa khác (những Ngày thơ do Hội nhà văn tổ chức là một ví dụ) hoặc không gian tư của một số nghệ sĩ được các cơ quan quản lý văn hóa cho phép diễn ra cũng là một sự kiện có ý nghĩa. Nó không chỉ chứng tỏ sự cởi mở của đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay mà quan trọng hơn nữa, còn là sự “trước bạ” chính thức cho một loại thực hành nghệ thuật đã từng tồn tại nhiều thập niên trên thế giới.
|
Tuy vậy, nếu chịu khó suy xét, người ta sẽ thấy, tất cả những lựa chọn này, suy cho cùng lại là hợp lý và …đúng quy luật của nghệ thuật. Đối với những loại hình nghệ thuật đương đại bất cứ ai cũng có thể có hai thái độ: hoặc đơn giản, coi nó là một trò điên rồ của những cá nhân khác thường trong xã hội và gạt bỏ nó, hoặc chấp nhận nó và khi đó, buộc phải, ít nhất, thấu hiểu lôgich tồn tại của nó. Ra đời từ đầu thế kỷ XX trong các xã hội tư bản Tây phương (xin xem bài viết kèm theo trong số này), nghệ thuật trình diễn nằm trong một trào lưu chung của giới nghệ sĩ chống lại khuynh hướng biến nghệ thuật thành một trò “xa hoa giả trá” (từ của A. Camus) của giới trưởng giả, thiết lập lại những mối dây liên hệ hồn nhiên nhất giữa nghệ sĩ – công chúng, nghệ sĩ – xã hội và vượt qua những ranh giới cố định giữa các thể loại. Nó hướng tới tính quá trình, tới khả năng giao lưu trực tiếp nghệ sĩ – công chúng. Nó chống lại việc biến tác phẩm nghệ thuật thành những sản phẩm “đóng hộp”, “hoàn tất”, cất trong khung kính, tủ kính của các bảo tàng viện và sau đó, trở thành những sản phẩm hàng hóa có thể đầu cơ theo lôgich tàn bạo của thị trường tư bản chủ nghĩa (hãy nhớ lại việc những bức tranh của danh họa Van Gogh đã được người Nhật mua và sau đó biến mất khỏi đời sống công cộng như thế nào). Nếu người ta đã chấp nhận có sự liên ngành trong các khoa học cả tự nhiên và xã hội như một nỗ lực nhận thức thế giới trong tính toàn thể thì tại sao lại không thể chấp nhận một lôgic về sự pha trộn các loại hình nghệ thuật để tìm lại yếu tính của nghệ thuật là một hành vi giao tiếp giữa nghệ sĩ và công chúng để khơi gợi xúc cảm trước các vấn đề của xã hội, nhân sinh và cuộc đời? Với một lôgich như thế thì việc nghệ thuật trình diễn (và cả những loại hình nghệ thuật khác như sắp đặt, video art, photo art, body art…) có phá vỡ những khuôn khổ “cổ điển” của nghệ thuật cũng là một điều dễ hiểu (tương tự như việc một tiểu thuyết hiện đại và đương đại có thể dung chứa trong nó và “tiểu thuyết hóa” (chữ của M. Bakhtine) những thể loại khác) và nếu thế thì định nghĩa về nghệ thuật trình diễn mà Ban giám khảo đưa ra cũng là hết sức rõ ràng.
Bên cạnh đó, nghệ thuật là thế giới của cảm tính và chính vì thế nên xét về bản chất, một giải thưởng nghệ thuật hoàn toàn khác với một giải thưởng khoa học. Nếu như trong khoa học, người ta có thể đánh giá một công trình qua những tiêu chí thuần lý thì trong nghệ thuật, thước đo quan trọng nhất chính là cái mà chính chúng ta gọi là những “đánh giá cá nhân”, “quan điểm cá nhân”, “cá nhân”. Thế nên, vấn đề đối với một giải thưởng nghệ thuật không phải là việc nó trao quyền quyết định cho một vài cá nhân mà là việc khả năng cảm thụ và thẩm mỹ của những cá nhân đó có đủ sức tạo nên sự đồng cảm hoặc ấn định sự đồng cảm nơi cộng đồng hay không mà thôi. Không những thế Hội đồng giám khảo (nghĩa là không phải chỉ gồm một cá nhân) cũng là một cách thức để tìm một “tiếng nói chung” có khả năng đồng thuận cao nhất về giá trị của một tác phẩm. Xét từ điểm này, thành phần của Ban giám khảo của cuộc thi gồm những nghệ sĩ không chỉ có kinh nghiệm cá nhân thực hành nghệ thuật trình diễn mà còn là những giám tuyển có uy tín và am tường các loại hình nghệ thuật đương đại chính là phương án tối ưu trong điều kiện Việt Nam cho một cuộc thi liên quan đến một loại hình nghệ thuật mới.
Cuối cùng, nếu vượt qua quan niệm về một cuộc thi như một cuộc ganh đua để coi đó là một dịp, như phát biểu của Ngài Đại sứ Đan Mạch phát biểu trong buổi họp báo giới thiệu giải thưởng, khuyến khích các nghệ sĩ Việt Nam thực hành nghệ thuật trình diễn và đưa công chúng đến với loại hình nghệ thuật này thì chúng ta sẽ thấy việc trao quyền quyết định tác phẩm đoạt giải cho công chúng là một điều hoàn toàn bình thường. Nó đúng với bản chất của nghệ thuật trình diễn, một loại hình nghệ thuật, như chính định nghĩa đã được Ban tổ chức xác lập, mà “sự giao lưu tương tác giữa những nghệ sỹ và khán giả là yếu tố chủ chốt”.
Với tất cả những điều trên, có thể ghi nhận cuộc thi do Quỹ phát triển và Trao đổi văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (CDEF) tổ chức dành cho nghệ thuật trình diễn là một nỗ lực đáng được trân trọng nhằm không chỉ khuyến khích giới nghệ sĩ thực hành những loại hình nghệ thuật mới mà còn đưa công chúng đến với những thực hành nghệ thuật này. Việc một cuộc thi dành cho một loại hình nghệ thuật trước đây chỉ xuất hiện đan xen trong một số sự kiện văn hóa khác (những Ngày thơ do Hội nhà văn tổ chức là một ví dụ) hoặc không gian tư của một số nghệ sĩ được các cơ quan quản lý văn hóa cho phép diễn ra cũng là một sự kiện có ý nghĩa. Nó không chỉ chứng tỏ sự cởi mở của đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay mà quan trọng hơn nữa, còn là sự “trước bạ” chính thức cho một loại thực hành nghệ thuật đã từng tồn tại nhiều thập niên trên thế giới.
Tất nhiên, từ tham vọng của ban tổ chức cũng như bước khởi đầu đầy thuận lợi đó, cuộc thi còn phải vượt qua một loạt những thách thức. Trước hết là việc ở Việt Nam hiện vẫn còn thiếu vắng những không gian công cộng dành cho những thực hành nghệ thuật đại chúng. Chính ban tổ chức cũng phải thừa nhận đang khó khăn trong việc tìm kiếm một không gian để các nghệ sĩ có thể trình bày tác phẩm của mình đảm bảo được sự giao tiếp giữa công chúng và tác phẩm. Ở các đô thị lớn hiện nay, do nhu cầu phát triển mà các không gian chung như quảng trường, công viên… đang ngày càng bị thu hẹp và phải “gồng mình” phục vụ những nhu cầu thực tế của cư dân. Không những thế, kinh nghiệm từ một số hoạt động văn hóa đường phố như Ngày hội Hoa anh đào Nhật Bản hay Festival Huế cũng cho thấy thói quen sinh hoạt văn hóa công cộng của một bộ phận không nhỏ cư dân đô thị cũng là một thách thức lớn. Hơn thế nữa việc chuẩn bị tâm thế tiếp nhận cho một công chúng đa phần vẫn còn xa lạ với loại hình nghệ thuật này cũng là một thách thức. Và cuối cùng, trên hết, những phản ứng có tính đào thải của môi trường văn hóa, xã hội trước các yếu tố ngoại lai (một quy luật văn hóa tất yếu) cũng là một yếu tố cần được tính đến.
Được biết một số sáng kiến nhằm vượt qua những “thách thức” cũng đã được Ban tổ chức tính đến, điển hình là việc một số cuộc thuyết trình giới thiệu nghệ thuật trình diễn có thể sẽ được tổ chức tại một số đại học lớn. Hy vọng những sáng kiến đó sẽ sớm trở thành hiện thực.