Một dạng vô hình do xã hội lập trình

Năm 2019 tác giả Caroline Criado Perez đã cho ra mắt một cuốn sách bàn về một dạng vô hình hoàn toàn khác, diễn ra ngay trên Trái Đất, vào ngay lúc này, một dạng vô hình không do tự nhiên giấu giếm chúng ta, hay do nhân loại tài hèn lực mọn. Một dạng vô hình do xã hội lập trình.

Caroline Criado Perez và cuốn “Phụ nữ vô hình – bất bình đẳng từ khoảng trống dữ liệu”.

Loài người luôn giữ niềm tò mò bất tận với thế giới vô hình. Điều đó dễ hiểu, khi xét đến thực tế sự sống của chúng ta phần nhiều phụ thuộc vào những thứ mắt thường không nhìn thấy được. Không khí chúng ta thở, lực hút giữ chúng ta trên mặt đất, các chất đang trao đổi trong cơ thể ta, dòng suy nghĩ, cảm giác rung động, hay xa hơn trong không gian là những hành tinh cách Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng, hay bên ngoài khung sinh thời của mỗi người, là những sự kiện lịch sử và những diễn biến tương lai. Trước quyền năng điều khiển cuộc sống của thế giới vô hình, loài người đã cống hiến biết bao thời gian, năng lực, vật lực để khám phá nó, thờ phụng nó, hay thậm chí tìm cách điều khiển nó phục vụ trở lại cho cuộc sống của chính chúng ta (hãy nghĩ đến sóng vô tuyến (radio wave) hiện dùng cho Wi-fi, bluetooth và sóng điện thoại).

Phần lớn sự vô hình là bất khả kháng. Tạo hóa chỉ cho phép chúng ta bắt được hình dung của vật thể nào có ánh sáng chiếu đến chúng phản chiếu lại mắt người. Ví dụ, vi khuẩn quá nhỏ so với các tia sáng, nên các tia sáng không thể chiếu tới chúng và do đó chúng vô hình với người trần mắt thịt. Vòng đời ngắn ngủi của con người khiến phần lớn lịch sử trong mắt chúng ta bị khuất sau tấm màn mờ ảo của thời gian (tính cả lịch sử ghi chép, khi chữ viết mới chỉ được phát hiện 5.500 năm trước, trong chiều dài 300.000 năm của nhân loại). Những giới hạn tự nhiên và công nghệ hiện hành, chúng ta chỉ mới thấy được 4% vũ trụ, là các hành tinh và thiên hà. 96% còn lại được tạo thành từ những thứ mà các nhà thiên văn học không thể nhìn thấy, phát hiện, hoặc thậm chí hiểu được.

Tuy nhiên, năm 2019 tác giả Caroline Criado Perez đã cho ra mắt một cuốn sách bàn về một dạng vô hình hoàn toàn khác, diễn ra ngay trên Trái đất, vào ngay lúc này, một dạng vô hình không do tự nhiên giấu giếm chúng ta, hay do nhân loại tài hèn lực mọn. Một dạng vô hình do xã hội lập trình. Cuốn Phụ nữ vô hình – bất bình đẳng từ khoảng trống dữ liệu bàn về những điểm mù, vô ý và cố tình, của xã hội với nữ giới, với cơ thể của họ, đóng góp của họ, nhu cầu của họ, trải nghiệm của họ, và năng lực của họ. 

Sự vô hình của phụ nữ được bàn đến không đến từ cấu tạo cơ thể: họ không vô thể – như ý nghĩ và cảm xúc; hay do họ quá bé nhỏ như hạt quark hay nguyên tử. Chính định kiến giới đã trở thành chiếc áo choàng tàng hình khoác lên phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử và chiều rộng của không gian xã hội.

Cuốn sách dùng các dữ liệu – cả sự thiếu dữ liệu – và các câu chuyện để chứng minh phụ nữ bị “biến mất” ra sao trong khắp các lĩnh vực và tầng nấc của đời sống. Ở nơi làm việc, cơ thể phụ nữ bị gạt bỏ khỏi những quyết định cơ bản nhất như cài đặt chuẩn nhiệt độ văn phòng, độ cao của các kệ đồ, hay trang phục lao động, vốn được thiết kế theo trung bình thoải mái của cơ thể nam giới trưởng thành. Trong phòng họp và nghị trường, tiếng nói của họ cũng bị “vặn nhỏ” khi họ thường xuyên bị ngắt lời và bác bỏ (đàn ông thường có xu hướng ngắt lời phụ nữ trung bình cao hơn gấp đôi so với chiều ngược lại, số liệu trong sách chỉ ra), hay bằng chế độ tuyển dụng và chế độ thai sản đầy những bất lợi ẩn hiện. Các chuẩn an toàn lao động cho phụ nữ cũng không được nghiên cứu và đảm bảo ở nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các công việc tiếp xúc với hóa chất hoặc nâng nhấc vật nặng. Ngoài đường, phụ nữ vắng bóng trong quá trình thiết kế phương tiện, phản ánh rõ nhất là thử nghiệm tai nạn ô tô dựa vào nhân trắc của đàn ông trưởng thành. Thiết kế giao thông trên thế giới cũng không nhòm ngó đến nhu cầu đi lại và an toàn của phụ nữ: đi bộ và xe buýt là phương tiện di chuyển chủ yếu của họ, và vỉa hè cùng hệ thống xe công cộng này cũng là những mảng bị bỏ bê đầu tư và tu sửa, theo thống kê. Trong lĩnh vực sống còn theo nghĩa đen là y tế, cơ thể phụ nữ cũng không được đưa vào trong đa số các nghiên cứu y học, từ thử nghiệm, chẩn đoán, điều trị đến kê thuốc.

Ở tầm vĩ mô hơn, 10 nghìn tỷ USD phụ nữ góp vào kinh tế toàn cầu hằng năm cũng bị bỏ sót khi tính GDP, dù đóng góp ấy hết sức thiết yếu cho cỗ máy sản xuất. Đó là từ công việc chăm sóc gia đình không được trả lương mà phần lớn đàn ông không chịu cáng đáng cùng (75% khối lượng việc nhà trên thế giới hiện đặt trên vai phụ nữ). Ở một số nước như Mỹ, Úc và Mexico, tổng giá trị dịch vụ tại gia này mang lại tương đương 20 đến 50% GDP, lớn hơn cả ngành sản xuất. Các thiết kế và thực thi chính sách nhà ở, đầu tư nông nghiệp, đối phó thiên tai cũng bỏ qua vai trò và thói quen của phụ nữ. Hay giới công nghệ do đàn ông chiếm đa số ngủ quên trên nhu cầu của khách hàng nữ, thể hiện từ cách họ chọn sản phẩm để đổ tiền vào, cho đến thiết kế sản phẩm công nghệ. Kết quả là những chiếc điện thoại thông minh quá khổ so với bàn tay của nữ giới, hay các ứng dụng bản đồ không đáp ứng được yêu cầu tìm các tuyến đường “an toàn nhất” cho phụ nữ, mà chỉ có những lối “nhanh nhất”.

Phụ nữ góp 10 nghìn tỉ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu từ công việc chăm sóc gia đình không được trả lương mà hầu hết nam giới không cáng đáng cùng. Ảnh: todayonline.com

Tác giả đặt tên tình trạng bất bình đẳng này là “lỗ hổng dữ liệu giới”, để tách bạch hai khái niệm căn bản là giới (gender) và giới tính (sex). Nếu như giới tính chỉ các đặc điểm sinh học tự nhiên quyết định một cá thể là nam hay nữ, bao gồm cơ quan sinh dục và thành phần nhiễm sắc thể, thì mặt khác, giới chỉ các quan điểm xã hội áp đặt lên yếu tố sinh học đó, ví dụ kỳ vọng nữ hành xử nhỏ nhẹ, mềm mỏng, ở trong nhà; nam phải hùng hổ, lấn át và xông pha,…. Sự vô hình của phụ nữ được bàn đến không đến từ cấu tạo cơ thể: họ không vô thể – như ý nghĩ và cảm xúc; hay do họ quá bé nhỏ như hạt quark hay nguyên tử. Chính định kiến giới đã trở thành chiếc áo choàng tàng hình khoác lên phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử và chiều rộng của không gian xã hội. Sở hữu tử cung hay bầu ngực không phải là nguyên do khiến một nửa dân số không được “nhìn thấy” và ghi nhận. Nó xuất phát từ việc xã hội cài đặt mặc định họ ở vị trí thấp kém và bên lề so với trung tâm là nam giới, bị cho là ít giá trị hơn, dễ dàng gạt bỏ, và có thể hy sinh cho những giản tiện và thoải mái của nửa còn lại. “Cơ thể phụ nữ không phải là vấn đề ở đây,” Caroline Criado Perez viết ở ngay phần mở đầu. “Vấn đề nằm ở ý nghĩa xã hội mà chúng ta gán cho cơ thể đó, và nằm ở thực tế là xã hội nhất quyết không chịu để ý đến nó”. 

Tác giả thách thức khái niệm “phái yếu” vốn thường được trùm lên toàn bộ phụ nữ, bằng cách đặt câu hỏi ngược lại: liệu xã hội có đang được thiết kế và đo lường một cách khập khiễng, hay thậm chí chống lại và làm suy yếu năng lực của phụ nữ?

***

Nhà báo được giải Pulitzer Kathryn Schulz trong bài viết năm 2015 về niềm ao ước có được năng lực tàng hình của nhân loại đã nhận định, vô hình là giấc mơ của những người có quyền lực và là cơn ác mộng của những người yếu thế. Với những đối tượng như người vô cư, người khuyết tật, cộng đồng LGBT, Schulz cho rằng thứ tàng hình họ bị khoác lên không phải là một năng lực siêu nhiên nào, mà là một hình thái của sự bất lực, hay đúng hơn, bị tước đi quyền lực. Đối với phụ nữ, vô hình cũng là một lời nguyền trừng phạt như vậy. Lỗ hổng dữ liệu là hiện thân của bất bình đẳng, trói họ vào đời sống khổ sở, đau đớn, và thậm chí dẫn đến chết chóc. Caroline Criado Perez chỉ ra trong một thế giới thiết kế “bởi đàn ông dành cho đàn ông”, nữ giới chịu tỷ lệ chấn thương nặng do tai nạn xe hơi cao hơn nam giới; và trong khi các chấn thương lao động nghiêm trọng ở nam giới đang giảm dần nhờ tăng cường tiêu chuẩn an toàn, thì có bằng chứng cho thấy chúng lại đang gia tăng ở phụ nữ. Thuốc men cũng ít công hiệu với nữ giới do các thí nghiệm thuốc thường dùng áp đảo hoặc tuyệt đối động vật giống đực. Thậm chí có những thuốc kê đơn thông dụng còn gây tác dụng ngược với phụ nữ. Y học bỏ mặc cũng đồng nghĩa những cơn đau của phụ nữ thường bị bác bỏ suốt nhiều thế hệ, cho rằng họ “tự nghĩ ra” hoặc bị chẩn đoán sai, hay thậm chí bị áp dụng những cách chữa trị rợn người và thiếu kiểm chứng như phẫu thuật “moi não” (lobotomy) từng dùng cho bệnh tâm lý đa số ở nữ.

Để tránh các công cụ sử dụng kho Dữ liệu lớn – như trí tuệ nhân tạo – tiếp tục “xả rác”, bóp méo thế giới quan và làm trầm trọng thêm các bất công hiện hữu, việc khép lại những lỗ hổng dữ liệu giới, chấm dứt tình trạng “vô hình” của phụ nữ là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hậu quả của vô hình càng khuếch đại nghiêm trọng hơn trong những trường hợp thiên tai địch họa. Trong các đợt bùng phát H1N1, Ebola, và Zika ở các nước châu Phi (cuốn sách xuất bản trước dịch COVID-19), đại đa số người chết là phụ nữ, do các khuyến cáo y tế và chính sách kiểm dịch và cứu trợ đã không tính đến vai trò gia đình và nhu cầu của họ. Nữ giới cũng có nguy cơ tử vong “cao hơn đáng kể” so với nam giới trong thảm họa thiên nhiên, theo dữ liệu từ 141 quốc gia. Các chính sách cảnh báo, phòng chống, sơ tán, trú ẩn quên mất rằng phụ nữ có thói quen sinh hoạt, lối sống và cả rào cản văn hóa xã hội khác với đàn ông. Điển hình như các hầm trú bão ở Bangladesh thường không có nơi tiểu tiện riêng mà “chỉ có một cái xô trong góc” cho 1.000 người cả hai giới. Những thiết kế thiếu nhạy cảm với nhu cầu của phụ nữ như vậy vô tình “nhốt” họ bên ngoài những hầm trú ẩn, và không ngạc nhiên khi tỷ lệ tử vong của nữ giới cao gần gấp 5 lần nam giới trong trận bão lụt năm 1991. 

Tương lai cũng sẽ không nhiều hứa hẹn, khi thế giới đang ngày càng trở nên phụ thuộc và chịu kiểm soát của dữ liệu. Các lỗ hổng dữ liệu giới vẫn chưa được khỏa lấp, thì lại có nguy cơ chúng bị khuyếch đại trong thời kỳ Dữ liệu Lớn (Big Data). “Khi kho dữ liệu lớn của bạn bị sai lệch do còn chứa đầy những lỗ hổng lớn, thì sự thật mà bạn nhận lại được, dù tốt đến đâu, cũng chỉ là một nửa sự thật,” Perez viết. “Và thông thường, đối với phụ nữ, chúng thậm chí còn không hề có thật. Như chính các nhà khoa học máy tính luôn nói: “Đầu vào đã là rác thì đầu ra cũng sẽ chỉ là rác.”” Để tránh các công cụ sử dụng kho Dữ liệu lớn – như trí tuệ nhân tạo – tiếp tục “xả rác”, bóp méo thế giới quan và làm trầm trọng thêm các bất công hiện hữu, việc khép lại những lỗ hổng dữ liệu giới, chấm dứt tình trạng “vô hình” của phụ nữ là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.

***

Nữ giới cũng có nguy cơ tử vong “cao hơn đáng kể” so với nam giới trong thảm họa thiên nhiên, theo dữ liệu từ 141 quốc gia. Ảnh: The Guardian.

Loài người hiếm khi chịu khuất phục trước bài toán về sự vô hình. Chúng ta phát minh ra nhiều “con mắt” khác nhau để chiếu xuyên qua bức màn bí ẩn. Những người sùng đạo dùng đức tin; nhà vi sinh vật sẽ “bắt” bằng kính hiển vi; bác sĩ có lẽ sẽ chọn máy chụp X-quang; các nhà dự báo dùng các công thức, mô hình, con số. Để loại tấm màn tâm thức che mắt chúng ta trước một nửa nhân loại, tác giả Perez đề xuất một giải pháp đơn giản: hãy hỏi họ. Thu thập và thực sự sử dụng dữ liệu về nữ giới trong các thiết kế xã hội sẽ phần nào giúp lấp đầy các khoảng trống tai hại hiện nay. Có nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống, cả không gian công và tư, cũng sẽ giúp nhu cầu của họ được lắng nghe và đáp ứng. Thêm vào đó, những góc nhìn và trải nghiệm đa dạng phụ nữ đem lại cũng được chứng minh là tạo ra các giải pháp đa chiều, thực tiễn, cân bằng giới và nâng cao lợi ích cho tất cả, bao gồm các nhóm dễ tổn thương khác. Tỷ lệ phụ nữ tham chính tỷ lệ thuận với mức đầu tư cho giáo dục, theo như nhiều nghiên cứu từ các nước trong và ngoài khối OECD. Chính sách gia đình và chăm sóc dân sinh cũng được chú trọng hơn. Một bài nghiên cứu năm 2007 về phụ nữ tham chính ở Ấn Độ từ năm 1967 đến 2001 cũng cho thấy, tỷ lệ đại diện chính trị của nữ giới tăng 10% đã dẫn đến “xác suất một cá nhân học trọn giáo dục cấp tiểu học ở khu vực thành thị” tăng thêm 6%. 

Tuy nhiên, để hóa giải lời nguyền tàng hình bất đắc dĩ của phụ nữ, cần nhiều hơn nỗ lực “dữ liệu hóa” trải nghiệm và kiến thức của họ. Cuốn sách ra đời năm 2019 đã gây được nhiều tiếng vang trên thế giới, đồng thời cũng thu hút các thảo luận và phản biện sôi nổi về các đề xuất của tác giả. Lê Hiền Trang, nghiên cứu sinh tiến sĩ về giới và công nghệ từ Đại học Monash, Úc đã chỉ ra có nhiều dữ liệu ẩn mà các con số không thể nắm bắt. Dữ liệu về lao động không công trong gia đình của phụ nữ không thể ghi lại được lao động cảm xúc (emotional labour) bỏ ra; dữ liệu về bạo lực giới như tỷ lệ, nơi xảy ra, loại bạo lực, cũng không ghi lại được những tổn thất về thời gian và tinh thần của phụ nữ. “Dữ liệu số thường đơn giản hóa vấn đề, thiếu ngữ cảnh, và không ghi lại được những thông tin khó mã hóa nhưng quan trọng như cảm xúc hay câu chuyện”, Lê Hiền Trang nói, “từ đó dễ dẫn đến những thay đổi chỉ có tính chất bên ngoài”. 

Để hóa giải lời nguyền tàng hình bất đắc dĩ của phụ nữ, cần nhiều hơn nỗ lực “dữ liệu hóa” trải nghiệm và kiến thức của họ.

Nghiên cứu của Lê Hiền Trang về một số sáng kiến dùng dữ liệu để giải quyết bạo lực và quấy rối tình dục ở nơi công cộng cho thấy, cách “dữ liệu hóa” như hiện này không chỉ bỏ sót mà còn dẫn tới những kết luận có phần đơn giản hóa vấn đề, và không giúp giải quyết cốt lõi bạo lực giới. Ví dụ, nhiều sáng kiến tổng hợp trải nghiệm của phụ nữ về nơi mà họ thường bị quấy rối nhất, từ đó phát triển các ứng dụng cập nhật vùng nào là không an toàn cho phụ nữ tránh, hoặc lắp đặt thêm đèn đường và camera giám sát. Những giải pháp này “dẫn đến lầm tưởng bạo lực giới gắn liền với khu vực địa lý, dù thực tế là nó có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, phần lớn là từ người thân hơn là người lạ ở nơi công cộng”, Lê Hiền Trang nói. Nó cũng bỏ qua vấn đề căn bản nhất đó là chênh lệch quyền lực về giới dẫn tới bạo lực giới.

“Việc thu thập dữ liệu là hết sức cần thiết”, Lê Hiền Trang nói thêm, nhưng xử lý và sử dụng nó thế nào đòi hỏi những cách thu thập và phân tích dữ liệu “có đạo đức” và có nguyên tắc phù hợp. “Để tránh lãng phí và khuếch đại các thiệt thòi vốn có của nhóm yếu thế, thì các khâu xác định, thu thập và phân tích không thể làm cho có”. Nguyên tắc được một số học giả gợi ý bao gồm thu thập dữ liệu với mục đích làm rõ và thách thức chênh lệch quyền lực – chứ không phải để khắc sâu thêm chênh lệch quyền lực,; hay thu thập nhiều dữ liệu ở nhiều dạng khác nhau như định tính và định lượng; thu thập dữ liệu nhưng không bỏ qua ngữ cảnh; thu thập dữ liệu có minh bạch về lao động, tránh bóc lột chính những người thu thập và “làm sạch” dữ liệu, trả công thấp hoặc không trả công cho họ v.v.. Dù chưa hoàn chỉnh và có thể còn nhiều biến số ở các vùng, địa phương, “nhưng đó chính là bước tiếp theo mà chúng ta cần suy nghĩ khi dùng dữ liệu để giải quyết các vấn đề xã hội, bao gồm vấn đề về bất bình đẳng giới”, Lê Hiền Trang kết luận.

***

Hơn 100 năm trước khi nhà thiên văn có thể chụp bức ảnh đầu tiên về lỗ đen, Albert Einstein đã tiên đoán được sự tồn tại của nó. Dù tăm tối, hút mọi vật chất, kể cả ánh sáng cũng không thể thoát ra, và ở rất, rất xa Trái đất, “vật thể bí ẩn nhất trong vũ trụ” này đã vẫn được “tìm thấy” từ đầu thế kỷ trước, trên giấy và bằng các phương trình toán của Einstein. Tất cả những cuộc viễn thám vào thế giới vô hình đều chứng minh rõ nhất cho ta hai điều: vô hình không đồng nghĩa với không tồn tại, và khi con người để tâm, chúng ta sẽ “nhìn thấy” chúng. Những mổ xẻ về sự vô hình của phụ nữ càng cho thấy nó phi lý, thiếu khách quan, gây thiệt hại và lãng phí. Hãy mường tượng thế giới sẽ ra sao khi nữ giới thôi bị coi thường và có thể thực sự tham gia vào tất cả các lĩnh vực đời sống? Nếu bạn cần gợi ý, thì chiếc lỗ đen cũng có thể cho bạn chút tia sáng. Người hiện thực hóa lời tiên tri trong thuyết tương đối của Einstein, đi đầu phát triển thuật toán chụp bức ảnh lỗ đen – một thách thức tưởng chừng bất khả thi – là Katie Bouman, một tiến sĩ, kỹ sư, nhà khoa học máy tính, và là một phụ nữ. □

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)