Một góc nhìn đa văn hóa

Cuốn tạp văn mới xuất bản của Hoàng Hồng-Minh, Lòng người mênh mang(*), thể hiện một góc nhìn sâu sắc, bén nhạy bằng văn phong nhẹ nhàng, hóm hỉnh về văn hóa, xã hội và con người đương đại. Tìm đến tiếng cười sảng khoái và mẫn cảm để lột hiện các vấn đề nghiêm ngắn (nhiều khi là nghiêm trọng) của đời sống không chỉ là một lựa chọn phù hợp về văn phong, mà còn là một lựa chọn thích hợp về lẽ sống.

Các bài viết trong cuốn sách vốn là một số bài viết trên blog cá nhân, bài viết cho các báo và tạp chí, nay tập hợp và tái cấu trúc thành các nhóm chủ đề khác nhau, những câu chuyện có liên đới với nhau trong cách thức tác giả nhìn nhận về một Việt Nam đương đại đang đối diện với quá khứ dân tộc và tương lai nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bước vào quỹ đạo mới mẻ luôn là thách thức đối với một dân tộc, nó đòi hỏi dân tộc ấy phải nhìn lại di sản trong truyền thống của mình, vừa thâu nhận những tinh hoa của nhân loại đặng tiếp tục kiến tạo căn cước mới cho dự án dân tộc đang theo đuổi. Có nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận vấn đề quan thiết ấy. Cuốn “tản bút tùy văn” của Hoàng Hồng-Minh chọn lối viết tản mạn, đi từ các trường hợp cụ thể mà đặt ra các vấn đề kích thích sự suy nghĩ, trao đổi từ phía người đọc, người nghe, người đối thoại thông qua các câu chuyện tưởng chừng như nhỏ mọn, vô thưởng vô phạt được tác giả ngẫu hứng viết ra, kể ra. Song dù được viết ở nhiều chủ đề khác nhau, sợi dây cố kết, mà nhiều chỗ đan dệt thành mảng miếng nổi bật, vẫn là các ứng xử của xã hội và con người, các suy ngẫm về văn hóa Việt Nam trước quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ở đây, có nhiều thông tin, nhiều quan điểm của tác giả dễ được sẻ chia, và cũng có những tiếp cận mời gọi nhiều đối thoại.

Tuy cuốn sách có nhiều gợi nhắc đến cách ứng xử mang màu sắc minh triết phương Đông (bằng việc hiện diện phổ biến của hệ thống ngôn ngữ liên quan trong các chủ đề như: Vũ trụ trong ta; Minh triết, một thời; Sống chết lẽ thường; Trà chuyện; Nhập thiền; Xả thiền), và cảm giác tác giả cũng có vẻ ưu ái cho lựa chọn “minh triết” ấy, song hầu hết các vấn đề gợi hứng thú của cuốn sách lại xuất phát nhiều hơn từ cái nhìn mang màu sắc triết học phương Tây. Có lẽ do sinh sống và làm việc ở nước ngoài, lại thường xuyên có thói quen quan sát đời sống, Hoàng Hồng-Minh đã tập nhiễm phần nào cái nhìn phân tích, suy luận của truyền thống trọng tư duy (thực nghiệm) của xã hội Âu Tây chứ không chỉ truyền thống trọng kinh nghiệm Á Đông, dù sự phân biệt trên không phải là luôn đúng cho mọi trường hợp. Và trong đối thoại Đông – Tây, nhiều khi tác giả cũng ưu ái cho mong muốn “Hòa Hợp”, như cái tên cuối cùng đã được đặt cho quảng trường lớn nhất ở trung tâm Paris – Concorde – sau nhiều tên gọi khác theo thăng trầm lịch sử (Chuyện gọi tên phố, tên phường, tên…). Song trên thực tế thì chính cái nhìn khác, nhờ được tiếp xúc với cái khác và khoảng cách (địa văn hóa) với đất nước lại mới làm nên nét độc đáo trong góc nhìn của Hoàng Hồng-Minh.

Viết tản mạn về các vấn đề khác nhau, lại chủ yếu là các vấn đề mang tính trường hợp đại diện, nhưng cái nhìn của Hoàng Hồng-Minh về việc hiện đại hóa xã hội, về các ứng xử văn hóa, là thống nhất, và mời gọi được những suy nghĩ, tranh biện, thảo luận. Với Hoàng Hồng-Minh, hiện đại hóa là một xu thế tất yếu của nhân loại. Và hiện đại, ấy là việc xây dựng và tưởng thưởng các giá trị tự do, dân chủ, bác ái. Đó là những giá trị được tạo lập trên nền tảng sự duy trì độc lập cá nhân và ý thức trách nhiệm xã hội. Các phần viết Xã hội vui vẻ; Trẻ thơ, tình teen, phụ nữ, và đàn ông; Hội thảo muôn năm; Câu chuyện xã tín; Đời sống công cộng;… luôn lấp lánh nhiều phát hiện độc đáo về xã hội, các vấn nạn xã hội và những hướng giải quyết (mở). Các câu chuyện trực tiếp về văn hóa cũng vậy, chẳng hạn như trong các phần viết Minh triết, một thời; Trà chuyện; Phiên chợ văn hóa; Đi đó đi đây;…; ở đó luôn xuất hiện những cuộc đối thoại văn hóa, dù không phải lúc nào tác giả cũng giữ được thái độ trung dung để đưa ra lựa chọn khách quan giữa các chọn lựa (ví dụ như việc tinh thần chung toát lên từ cuốn sách là sự trọng thị dân chủ… thì ở nhiều chỗ, chắc bởi chưa “xả thiền”, tác giả đòi hỏi phải thế này, thế kia, dù tất cả những yêu cầu ấy đều là cần thiết, khách quan và khoa học). Nhưng ở nhiều chỗ, và điều này mới thực sự là quan trọng, việc đối thoại văn hóa được thực hiện suôn sẻ (và “hòa hợp”), những phát hiện của tác giả tạo nên được cảm hứng giải huyền thoại, giải trung tâm, giải cấu trúc xơ cứng,… để mở đường cho những tái cấu trúc mới, mà câu chuyện “Bát nước chấm thiêng” là một ví dụ xuất sắc.

Một số vấn đề được viết như là những đề xuất khoa học (như về vấn đề “từghép” trong ngôn ngữ tiếng Việt chẳng hạn), khi được viết bởi văn phong khác, chắc chắn sẽ tạo nên nhiều tranh biện. Sự mĩ hóa, trữ tình hóa, và ở chỗ này hay chỗ khác còn là việc đặt vấn đề ở điều kiện chuẩn hóa, xa rời thực tế, như với một số đề xuất về giáo dục chẳng hạn, cũng làm giảm đi sức nặng của việc tham vấn và can thiệp xã hội. Song vượt lên trên hết, cuốn sách có thể tạo được cho người đọc nguồn vui bằng việc cùng quan sát với tác giả, để sau đó, nếu có, là sự tiếp tục suy nghĩ, đối thoại từ trên nền tảng của những suy nghĩ, đối thoại như là sản phẩm của sự lai ghép văn hóa vốn làm nên nét đặc sắc trong cái nhìn của tác giả, của cuốn sách.


(*) Hoàng Hồng Minh: Lòng người mênh mang (Tản bút tùy văn). Alphabooks & NXB. Văn hóa – Thông tin, H., 2014.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)